Âm nhạc không biên giới

Ba dàn nhạc lớn của Berlin đã có một cuộc hội ngộ hiếm hoi trong một buổi hòa nhạc dành cho người tị nạn và các tình nguyện viên. Sự kiện này đã mang đến một ý nghĩa mới trong “văn hóa tiếp nhận.”

Buổi hòa nhạc của những điều kỳ lạ

Một chương trình đặc biệt. Ba dàn nhạc Berlin Philharmonic, Staatskapelle Berlin và Konzerthaus Orchestra Berlin hiếm khi tổ chức sự kiện cùng nhau. Nhưng vào buổi tối ngày 1/3 vừa qua, cả ba dàn nhạc cùng với nhạc trưởng chính của mình đã vai kề vai trên sân khấu của Phòng hòa nhạc Berlin Philharmonic để thực hiện một chương trình hòa nhạc đặc biệt.

Cách tổ chức kỳ lạ. Khác với thông thường, buổi biểu diễn này không chỉ gói gọn trong không gian nhà hát mà còn được phát trực tiếp trên các kênh radio công cộng ở Đức cũng như trên website của Berlin Philharmonic. Vào cửa tự do, và vé được phát sau khi đăng ký. Trước khi biểu diễn, các nhạc trưởng thậm chí còn được thính giả huýt sáo chào đón theo phong cách của… nhạc pop.

Phá vỡ quy tắc xem hòa nhạc. Trong những điều kiện bình thường, nếu như vỗ tay giữa các chương của một tác phẩm trong một buổi hòa nhạc cổ điển, hãy cầm chắc một điều là bạn sẽ nhận được vô số những ánh nhìn sửng sốt và những tiếng huýt sáo phản đối vì hành vi “dại dột” vừa rồi. Nhưng khi số khán giả đông nghịt trong Phòng hòa nhạc Berlin Philharmonic tán dương bản Giao hưởng Số 1 của Prokofiev bằng những tràng vỗ tay cuồng nhiệt cùng những tiếng huýt sáo ồn ã, không một biểu hiện phản đối nào xuất hiện. Một nhà phê bình âm nhạc kỳ cựu người Đức chia sẻ: “Chúng ta có thể cho phép một số ngoại lệ phá vỡ những quy tắc xem hòa nhạc truyền thống. Bởi tối nay thật đặc biệt!”

Văn hóa tiếp nhận: văn hóa đi trước

Dưới sự bảo trợ của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đêm hòa nhạc của những điều kỳ lạ mang tên Chào mừng các bạn đến với chúng tôi là buổi biểu diễn dành cho khoảng 2.200 người tị nạn mới đến Đức cùng các tình nguyện viên đang giúp đỡ họ. 

Trước khi bắt đầu màn biểu diễn của mình, nhạc trưởng nổi tiếng người Hungary Iván Fischer nói bằng tiếng Arab: “Xin chào mừng các bạn. Hãy tự nhiên như ở nhà và tận hưởng âm nhạc.” Và giữa các tác phẩm, ba vị nhạc trưởng đã lý giải về mục đích tổ chức đêm nhạc chung của họ: “Chúng ta có thực lòng muốn quay trở về với châu Âu cũ kỹ với quốc gia này đối đầu với quốc gia kia, tôn giáo này phỉ báng tôn giáo khác, rồi những thuộc địa? Khi mà người dân mở rộng cánh cửa nhà và cánh cửa trái tim họ cũng là khi một châu Âu mới đang ra đời, và chúng tôi muốn cho cả thế giới biết đến điều này.”

Nhạc trưởng Daniel Barenboim không chỉ dừng lại ở lời chào mừng nồng ấm mà ông còn cho rằng: “Cần phải đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vật chất của người tị nạn; nhưng bên cạnh đó, cũng cần cho họ thấy rằng mình vừa được đặt chân đến một đất nước coi trọng văn hóa.”

Với sự nhiệt thành dễ truyền cảm hứng đặc trưng của mình, nhạc trưởng Simon Rattle bổ sung: “Đây là một cơ hội đặc biệt cho Đức và châu Âu chào đón những con người đặc biệt. Chúng tôi chơi nhạc để thể hiện sự ủng hộ và tình yêu thương của mình. Chúng tôi rất hào hứng muốn được truyền tải đi thông điệp này cùng với những con người châu Âu mới đang hiện diện tại đây.”

Khi âm nhạc gánh vác sứ mệnh phi âm nhạc

Buổi hòa nhạc diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu đang gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ châu lục này, khiến các quốc gia lên tiếng chỉ trích phê bình lẫn nhau. Trong một buổi phỏng vấn với tờ báo Népszabadság của Hungary, Bộ trưởng Các Vấn đề châu Âu Nikos Xydaki của Hy Lạp than phiền rằng Thủ tướng Hungary Orbán mạnh miệng chỉ trích chính sách người tị nạn của Hy Lạp nhưng bản thân chính phủ của ông ta lại từ chối thực hiện các hoạt động viện trợ nhân đạo. “Trong Cơ quan Bảo vệ Thường dân châu Âu, chúng tôi không hề nhận được một chiếc chăn hay một chiếc lều nào từ Hungary gửi đến cả, mãi cho tới tận cuối tháng Một vừa qua”, ông cho biết.

Vì vậy, buổi hòa nhạc biểu thị tình đoàn kết với người tị nạn của các nghệ sĩ đã nhận được sự ngưỡng mộ và tán dương từ cộng đồng quốc tế. Giới truyền thông đã trích dẫn lại những lời phát biểu thấm đượm tinh thần nhân văn của những người tổ chức như lời chia sẻ của nhạc trưởng Simon Rattle: “Tôi không phải tuýp người bàn về chính trị. Tuy vậy, chúng ta không thể yên tâm sống trong một thế giới có hàng triệu người đang bị đẩy ra khỏi đất nước mình và không biết phải xô dạt về đâu. Tôi phải nói rằng tôi – chúng tôi – cảm thấy thật tự hào khi được sống ở một quốc gia đã thực sự làm được điều gì đó để giúp đỡ những người đang ở trong hoàn cảnh cực kỳ gian nan này”, hay sự khẳng định của nhạc trưởng Daniel Barenboim: “Âm nhạc không chỉ là chuyện giải trí, nó còn gánh vác cả một sứ mệnh về tinh thần nữa. Tôi muốn tất cả những người tị nạn đang có mặt tại buổi biểu diễn này ngày hôm nay không chỉ mở rộng tai lắng nghe mà còn mở rộng cả tâm hồn của mình nữa.”

Những tấm lòng tìm đến những tấm lòng

Cả ba nhạc trưởng đều có chung một mong muốn: “Trên cương vị nghệ sĩ, chúng tôi cảm thấy mình được đón chào ở mọi nơi trên thế giới. Chúng tôi hy vọng rằng điều đó cũng đúng với những người đã phải chịu đựng những oan nghiệt của số phận, vì chiến tranh, đói kém hay sự ngược đãi mà phải dứt lòng rời bỏ quê hương.”

Trong chương trình hòa nhạc, Barenboim cùng dàn nhạc Staatskapelle trình diễn bản Piano Concerto số 20 của Mozart, bản nhạc ưa thích của hầu hết các nghệ sĩ. Fischer cùng dàn nhạc Konzerthaus mang đến không khí sôi động hân hoan của bản Giao hưởng số 1 Classics của Prokofiev. Rattle cùng dàn nhạc Philharmonic trình tấu bản Giao hưởng số 7 của Beethoven đầy sinh động và biểu cảm khiến giảng viên triết học Noorddeen al-Mansouri 55 tuổi, người có mặt trong đoàn khán giả tị nạn hôm đó, không khỏi nghẹn ngào: “Khi nghe tác phẩm này, bản thân tôi cũng tìm lại được sự bình yên cho mình. Nhắm mắt lại, tôi có thể mường tượng ra cảnh mình đang ngồi nghe một buổi hòa nhạc của Beethoven trong thời bình ở quê nhà Damascus.”

Còn Shahnaz, một giáo viên tiểu học, chia sẻ: “Đây là thứ âm nhạc tràn đầy tinh thần lạc quan. Chúng tôi cần đến sự lạc quan này sau khi phải chứng kiến những gì diễn ra đối với các anh chị em của chúng tôi, những người còn bị kẹt lại trên biên giới Hy Lạp – Macedonia và không thể tiếp tục hành trình tới Tây Âu.”

Đối với nhiều khán giả, có thể đây là sự tương tác đầu tiên giữa họ với âm nhạc cổ điển phương Tây. Cứ sau mỗi phần diễn lại có những tràng vỗ tay cuồng nhiệt nổi lên. Talin, một chuyên gia trang điểm 35 tuổi đến từ Aleppo, cho hay đây là lần đầu tiên cô được nghe Mozart và hết sức ấn tượng trước khả năng của Barenboim khi có thể “cùng lúc vừa chơi piano vừa chỉ huy dàn nhạc.” Cô cho biết: “Chúng tôi đang ở trên đất nước Đức, nên chúng tôi rất hân hoan được tiếp xúc với những điều mà người Đức thích làm.” Con trai cô, Kifork, 18 tuổi, thật thà kể rằng trước đây chỉ thích nghe những bản nhạc pop Latin của Julio. Thật không may, khi đi thuyền từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp, anh đã làm rơi chiếc điện thoại có chứa những bài hát này. “Nhưng ngay khi có điện thoại mới, tôi sẽ tải một ít nhạc Beethoven về máy để nghe. Tôi bắt đầu thấy thích dòng nhạc này rồi,” anh nói.

Một chân trời mới

Sau buổi biểu diễn, tiền sảnh Phòng hòa nhạc Berlin Philharmonic chật cứng người Đức xen lẫn người Farsi, người Arab, người Pashto, Dari và Urdu. Người mới đến và các tình nguyện viên cùng chuyện trò sôi nổi bên những chai cola, những chiếc bánh quy brezel truyền thống của Đức, và cả những chiếc dùi trống đồ chơi xinh xinh.

Khi đứng chờ xe buýt đón về khu nhà dành cho người tị nạn, Kifork, thợ cắt tóc người Damasca, phát hiện ra một lỗi dịch trên banner ghi tên buổi biểu diễn. Từ này trong tiếng Đức và tiếng Anh có nghĩa là “chào đón” nhưng sang tiếng Arab lại có nghĩa ngược lại. Về sau các nhà tổ chức đã xin lỗi và khẳng định rằng đó là lỗi in chứ không cố ý. Tuy vậy, đối với Kifork sai lầm đó chỉ mang một thông điệp mà thôi: “Đã tới lúc người Đức phải học thêm tiếng Arab rồi,” anh nói.

Buổi hòa nhạc này là tín hiệu mạnh mẽ nhất của một bộ phận quan trọng trong giới văn hóa ủng hộ chính sách người tị nạn của Thủ tướng Angela Merkel. (Riêng trong năm 2015, Đức đã tiếp nhận trên 1,1 triệu lượt người mới đến.) Trước đó, khoảng 80 nhân vật hàng đầu trong giới nghệ thuật của nước Đức, trong đó có nhạc trưởng Barenboim và nhà văn đoạt giải Nobel Herta Müller, đã cùng ký tên vào một bức thư gửi bà Merkel, thúc giục bà “tiếp tục làm điều đang làm.” Bức thư tôn vinh bà Merkel vì đã làm “thay đổi đất nước chúng ta”, và rằng nhờ có bà mà “mọi người không còn sợ hãi nước Đức nữa”. Lời khẳng định của họ đi ngược lại với những tiếng nói phản đối ngày càng nhiều lên, thậm chí là từ ngay trong nội bộ đảng của bà – cho rằng bà Merkel đang đưa Đức tới bên bờ thảm họa.

Quỳnh Ca tổng hợp

 

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)