Andris Nelsons: Tạo khoảng trống cho nhạc công tự do bước vào
Mối liên hệ sâu sắc, khó có thể định nghĩa được giữa nhạc trưởng và các nhạc công của mình là điều mà Andris Nelsons luôn quan tâm, dù chỉ huy dàn Leipzig Gewandhaus chơi Bruckner hay dàn Vienna Philharmonic chơi Beethoven.
Với 80 phút trên bục chỉ huy của Royal Albert Hall, Andris Nelsons đem lại một hình ảnh đầy sức sống, lúc thì chú ý đến từng biểu cảm mang sắc thái tinh tế pianississimo (ppp), lúc thì khuyến khích các nhạc công dàn Leipzig Gewandhaus tung hết sức mạnh của mình trong buổi trình diễn giao hưởng số 8 của Bruckner.
Người tiền nhiệm của Nelsons ở vị trí Kapellmeister tại Gewandhaus là Riccardo Chailly thẳng thừng đưa ra một “học thuyết” về chơi chính xác các tốc độ (tempo) mà nhà soạn nhạc chỉ định, do đó các bản thu âm với Decca đã theo ý nguyện của ông. Kế tục Chailly vào năm 2017, Nelsons thể hiện sự ngưỡng mộ với công việc của Chailly: “Chùm tác phẩm Beethoven tại Leipzig do Chailly chỉ huy là một trong những chùm tác phẩm thú vị nhất. Bạn có thể thảo luận tác phẩm về mọi khía cạnh nhưng Chailly tin tưởng là các tempo nên được chơi theo cách đó.”
Tuy ngưỡng mộ Chailly nhưng Nelsons không máy móc học theo tất cả mọi thứ, anh có những quan điểm riêng đối với các tác phẩm mà mình chỉ huy. Đó là lý do để Deutsche Grammophon thu âm chùm chương trình Bruckner từ Leipzig và chùm chương trình Shostakovich từ Boston do anh chỉ huy.
Nelsons là người giành được niềm tin của các nhạc công với những hiểu biết sâu sắc về tác phẩm cũng như thái độ tôn trọng mọi người một cách thực sự. Các nghệ sỹ từ dàn nhạc giao hưởng Birmingham và dàn nhạc Royal Opera cho rằng Nelsons thuyết phục được mọi người bởi “toát ra khí chất âm nhạc”. Ở anh có một sự kết hợp hiếm hoi giữa tính dè dặt, sức quyến rũ, tính khiêm tốn và sự tự tin.
Ở Leipzig, Nelsons đã dành thời gian hấp thu văn hóa Gewandhaus: anh nói về việc tạo ra “mối liên hệ kiểu con người” với dàn nhạc. Bruckner của anh không phải là Bruckner của người tiền nhiệm lỗi lạc khác gần đây tại Gewandhaus, Herbert Blomstedt, nhưng nó cùng chung cội nguồn, và rõ ràng là chàng trai trẻ là một học trò tận tâm của các bậc tiền bối. Nhiều người đã nhướn mày kinh ngạc khi ở tuổi quá trẻ, Nelsons đã có thể đảm nhận quá nhiều vị trí ở cả hai châu lục. Tuy nhiên, họ quên rằng một thế kỷ trước, Arthur Nikisch cũng từng là nhà chỉ huy ở cả hai bờ Đại Tây Dương và phòng hòa nhạc Gewandhaus được xây dựng đã trở thành hình mẫu cho Nhà hát Giao hưởng Boston. Mahler cũng đã dành thời gian đi lại giữa New York và Vienna. Khi qua lại như con thoi giữa Pittsburgh và Amsterdam, đồng nghiệp người Latvia Mariss Jansons dù có chứng sợ bay nhưng rồi cũng chẳng cắt giảm vị trí giám đốc âm nhạc ở Mỹ nhiều hơn so với Nelsons (còn ở châu Âu thì ông ngày càng giữ nhiều vị trí hơn).
Vì vậy, chùm tác phẩm Bruckner ở Leipzig hay các chùm tác phẩm Shostakovich ở Boston và Beethoven ở Vienna do Nelsons chủ huy đều có chất lượng tốt tương đương nhau. “Cách trình tấu rất riêng của từng dàn nhạc đã gắn bó với kiểu kiến trúc phòng hòa nhạc mỗi nơi,” anh nhận xét. “Nhiệm vụ của nhạc trưởng là ‘bắt nhịp’ được nó và để nó hòa nhịp với mỗi tác phẩm khác nhau. Thông thường mỗi tác phẩm sẽ có một nhịp đập xuyên suốt, và các nhà soạn nhạc như Brahms và Bruckner đều cho rằng các nhạc công và nhạc trưởng sẽ ‘thở’ theo cách của mình. Dĩ nhiên đây chỉ là suy đoán của tôi bởi khó thấy được ‘đồng hồ sinh học’ nằm trong cấu trúc một tác phẩm.”
Nelsons có nhiều kinh nghiệm làm việc với nhiều dàn nhạc, những điều anh rút ra sau nhiều năm chỉ huy, ví dụ “Vienna Philharmonic đúng là một dàn nhạc khác biệt, nếu bạn để họ chơi nhạc, thì họ sẽ để bạn chỉ huy! Claudio Abbado từng nuôi dưỡng ý tưởng này trong nhiều năm và tạo ấn tượng với các nhạc công rằng có thể chơi theo bất cứ cách nào mà họ cảm nhận được.” Tuy nhiên Nelsons nói, “quá trình diễn tập rất quan trọng, đôi khi bạn phải rất rõ ràng trong giải quyết các vấn đề kỹ thuật nhưng sau đó tập trung vào gây dựng một bầu không khí hào hứng, đề cập đến những ẩn dụ mà âm nhạc có thể mang đến và tìm ra cho bất cứ tác phẩm nào chúng tôi đang chơi một cấp độ sâu sắc hơn.”
Khi trở lại Leipzig thu âm Giao hưởng số 8 gần đây, Nelsons bận tâm về nghệ thuật chuyển giọng, về khoảng lặng giữa các đoạn nhạc, điều không kém phần quan trọng so với các nốt nhạc mà anh nhận thấy trong tác phẩm của Bruckne). Cũng có nhiều khoảnh khắc chuyển giọng như vậy ở Beethoven, chẳng hạn như chuyển từ chương cơn bão sang chương tạ ơn trong Giao hưởng 6, hoặc hai tempo của chương Adagio trong Giao hưởng 9. “Theo tổng phổ [của Giao hưởng 9], rõ ràng là có hai tempo khác nhau chạy suốt tiến trình chương nhạc. Nhưng vào lúc biểu diễn, bạn cần gắn kết chúng lại với nhau. Đây là mấu chốt của cách diễn dịch tác phẩm. Trong bất kỳ tác phẩm nào cũng có những khoảnh khắc mà nhà soạn nhạc tin tưởng các nhạc công có thể thực hiện được và tạo ‘khoảng trống’ cho họ tự do bước vào”, anh nhận xét.
Chính nhờ những suy luận đó mà giao hưởng số 9 của Beethoven do anh chỉ huy mang một màu sắc rất khác biệt. “Chương Adagio của Giao hưởng 9 bắt đầu với một ảo ảnh huyền bí, thậm chí mang tính tôn giáo. Dường như Beethoven nhận thấy được khó tồn tại vẻ đẹp huyền bí đó trên thế gian này, vì vậy ở đoạn chuyển giọng, ông quay trở lại mặt đất và dùng một âm thanh cũng như tempo khác mô tả những gì thuộc về con người”, Nelsons nói. Việc gắn kết các tempo với nhau rất quan trọng nhưng riêng biệt với mỗi nhạc trưởng. Đó không phải chuyện ritenuto (giảm tốc đột ngột) ở đây hay diminuendo (giảm dần âm lượng) ở kia mà là nơi điều chỉnh tâm lý của các nhạc công bởi thái độ và suy nghĩ đằng sau cây vỹ của họ sẽ làm cho âm thanh khác đi. “Tôi thấy điều đó rất quan trọng khi tôi ở trên cùng một con thuyền với các nhạc công.”
Nelsons hiểu rõ mọi chuyện bởi trước đây, anh từng chơi kèn trumpet và trong ba năm, anh đã bí mật theo học chỉ huy bằng cách luyện tập trước gương. Rồi một ngày kia cơ hội đến gõ cửa, dưới dạng Giao hưởng số 2 của Beethoven. “Thầy dạy chỉ huy của tôi cũng là nhạc trưởng của dàn nhạc trường học. Vào ngày ấy, thầy đã không đến buổi tập vì lý do nào đó. Tất cả chúng tôi sắp sửa rời đi khi tôi đứng lên bảo họ rằng tôi đã từng chỉ huy. Tôi không biết làm thế nào tôi có được sự can đảm bất ngờ này. Tôi là người nhút nhát. Tôi không cảm thấy tự tin khi là trung tâm của sự chú ý. Nhưng điều gì đó đã xảy ra – chúng tôi bắt đầu luyện tập, và vào khoảnh khắc đó tôi biết rằng tôi muốn tiếp tục các bài học chỉ huy vì tôi đã cảm thấy bớt hồi hộp hơn nhiều. Tôi cảm thấy bị choáng ngợp trước một điều gì đó lớn lao hơn.”
Nhiều giao hưởng bắt đầu bằng phách nhẹ độc đáo và không ít trường hợp trong số đó là “điểm chết” của các nhạc trưởng. Làm thế nào mà anh xoay xở được với bản số 2? Nelsons mỉm cười nhớ lại việc học hành mà mình đã theo đuổi ở St Petersburg trong các lớp chỉ huy do Ilya Musin thành lập. “Rất nhiều bài giảng tập trung vào phách nhẹ. Chỉ huy là nghệ thuật của phách nhẹ. Mọi thứ đều ở phách nhẹ – hơi thở, tempo, sự chuẩn bị cho tempo và tính chất đều ở cả đó. Vì nếu bạn chỉ huy đồng thời với âm nhạc thì sẽ quá muộn, họ đã thực hiện rồi.” Nelsons ngân nga toàn bộ phần mở đầu Giao hưởng 2 của Beethoven như nhớ lại phút cả gan thời trung học của mình.
Nelsons trở lại Vienna vào tháng 1 năm 2020 để lần đầu tiên chỉ huy các liên hoan mừng năm mới truyền thống, và sự chuẩn bị của anh gồm cả việc xem các bộ phim của Carlos Kleiber, bậc thầy của các lễ kỉ niệm trong hai dịp huyền thoại: “Ông đã làm như thể âm nhạc tự chơi.” Chúng tôi nghĩ về phép màu kéo dài năm phút của Die Libelle, bản thơ giao hưởng tinh tế của Josef Strauss về một con chuồn chuồn. “Chất liệu có vẻ rất mong manh. Nhiều nhạc trưởng tránh tác phẩm này vì rất khó để không đáp mạnh xuống và không sai chỗ. Khi xem Kleiber, bạn sẽ thấy ông thực hiện điều này rất dễ dàng, y như được viết ngay trước mắt ông”, nói và hàm ý đến những sáng tạo riêng của nhạc trưởng bậc thầy, “dĩ nhiên ở đó còn một câu chuyện khác, Kleiber không tùy tiện xỏ chân vào đôi giày của nhà soạn nhạc” (Karajan khét tiếng từng nói rằng Kleiber chỉ chỉ huy khi tủ lạnh nhà mình trống rỗng).
Khi tôi hỏi Nelsons xem anh đã học được gì sau hơn 20 năm trong nghề, anh nói. “Tôi cho rằng mình đã mất 10 năm để hiểu điều gì đó về việc chỉ huy. Những gì tôi đã học về kỹ thuật bắt đầu liên quan đến những gì tôi cảm nhận về âm nhạc. Nó giống như khi chúng ta học nói: chỉ dần dần chúng ta mới có thể biến nó thành một biểu hiện có ý thức về những gì chúng ta muốn nói. Với việc chỉ huy, chúng tôi không chỉ thực hiện qua lời nói mà còn qua cả đôi tay và phần còn lại của cơ thể. Một lần nữa Nelsons lại nói về sự phụ thuộc lẫn nhau đặc biệt giữa nhạc trưởng và các nhạc công. “Không có tia lửa giữa chúng tôi thì không thể có thứ gì bù đắp được – cả sự giao tiếp với khán giả cũng như cuộc trò chuyện với các nhà tài trợ. Bạn có các trọng trách khi là giám đốc âm nhạc của một dàn nhạc. Các nhạc công giống như gia đình của bạn. Bạn cần phải chăm sóc họ.”□
Ngọc Anh lược dịch
Nguồn: https://www.gramophone.co.uk/features/article/andris-nelsons-interview-it-s-like-learning-to-talk-except-with-our-hands-only-gradually-can-we-conductors-consciously-express-what-we-want-to-say