Anh đi bỏ lại con đường…
GS Nguyễn Văn Chuyển – Nguyên Chủ tịch Tổng hội Người Việt Nam tại Nhật Bản đã ra đi ngày 16.6 vừa qua tại Tokyo vì một cơn tai biến mạch máu não. Ông là một trí thức Việt kiều tài năng, có tâm với đất nước. Từ năm 1976 đến nay, ông đã nhiều lần về nước tổ chức hội thảo khoa học, tham gia giảng dạy, góp phần xây dựng ngành Sinh hóa dinh dưỡng ở Việt Nam.
Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ anh …” (nhạc TCS)
Người từ bỏ cuộc đời này ra đi mà nhành cây ngọn cỏ cũng nhớ thương, đó là GS Nguyễn Văn Chuyển – người Anh, người Bạn, người Thầy yêu mến và đáng kính của chúng tôi.
Tuổi trẻ của anh ở Nhật Bản là những năm tháng hoạt động tranh đấu cho hòa bình và thống nhất đất nước VN, đồng thời là sự học tập, nghiên cứu nghiêm túc, cần mẫn. Bởi anh tin rằng chiến tranh sẽ phải chấm dứt, người dân VN cần phải có cơm ăn, áo mặc, phải được học hành, những người trí thức như anh phải đem tài năng, trí tuệ đóng góp cho việc xây dựng quê hương.
Quả thật vậy, từ năm 1980, lần đầu tiên tôi gặp lại anh sau ngày đất nước hòa bình là khi tôi nhìn thấy anh trên màn ảnh truyền hình thành phố. Cái TV đen trắng 16 inch nhà tôi thời bao cấp, sóng nhiễu lung tung, hình ảnh méo mó, vậy mà tôi vẫn nhận ra anh, giọng nói của anh, giọng Bắc Hà Nội chuẩn mực. Anh có lẽ là trí thức Việt kiều Nhật Bản, sau 1975 về nước đầu tiên lên TV thuyết trình đề tài về nông nghiệp, rất là thời sự, vì khi đó ở nước ta nhiều nơi vẫn thiếu gạo, đói ăn, vẫn chưa hết cơm độn khoai, độn mì.
Tôi đã thấy anh như đang tiếp bước trên con đường như nhà bác học, nhà nông học Lương Định Của, Giáo sư Tiến Sĩ nông học Võ Tòng Xuân… Họ là những nhà khoa học xuất sắc, những người con ưu tú của đất nước VN, họ ra đi rồi để trở về, quyết đem tài năng giúp ích cho đất mẹ còn bao nỗi gian lao, vất vả. Các nhà khoa học, các đồng nghiệp, và các học trò của anh hơn ai hết hiểu rõ anh Chuyển với những thành quả cống hiến rất ấn tượng của anh, của một trí thức chân chính, một nhà sư phạm tài năng. Một học trò của anh đã nhắc lời anh đã từng nói với họ: “Các em là hình ảnh của đất nước, Thầy giúp các em là Thầy giúp đất nước”.Lòng tin vào tầng lớp trí thức trẻ VN, không bảo thủ, không thành kiến, tận tụy truyền trao kiến thức và niềm tin cho bậc đàn em, cho học trò của mình: hãy vượt qua những khó khăn, vững vàng đi trên con đường mình đã lựa chọn. Đó là một trong những lý do vì sao người Thầy Nguyễn Văn Chuyển được chúng tôi yêu mến và kính trọng đến thế.
GS Nguyễn Văn Chuyển và các học trò |
Hơn 10 năm nay, anh luôn chọn công ty SGLH nơi tôi làm việc, phụ trách “logistic supply” cho anh như một địa chỉ tin cậy : book cho anh khách sạn, phương tiện di chuyển và biết schedule của anh khi nào đến VN và trở lại Nhật Bản, trong lịch trình của anh cuối tháng 8 năm nay chúng tôi sẽ đón anh ở VN vậy mà anh đã lỡ hẹn. Lỡ hẹn với biết bao người, biết bao dự định, công trình còn dang dở.
Tôi có cơ hội hiểu được sự đóng góp của Anh cho ngành hóa thực phẩm và dinh dưỡng ở VN qua một vài lần tham dự hội thảo do anh và các giáo sư Nhật Bản chủ trì, mà tôi được mời như một “thính giả ngoài ngành”. Qua đó tôi hiểu được tâm nguyện của Anh về “cái ăn” của người Việt: đồng bào mình có cơm ăn là một điều tốt, nhưng ăn làm sao vẫn cảm thấy ngon mà còn bổ ích mang lại một thân thể tráng kiện, một tinh thần lạc quan, minh mẫn đó là “kỹ thuật” – không – mạnh mẽ hơn là một “kỷ luật” sống. Người Việt Nam mình chiều cao thấp bé, thể chất yếu đuối, bệnh tật tấn công, người VN muốn khắc phục những điều đó, muốn cải thiện giống nòi (gene) phải biết ăn uống cho đúng cách, đúng thực phẩm dinh dưỡng. “You are what you eat”.
Anh đã chỉ dạy tôi, một người phụ nữ có một ông chồng mắc bệnh diabet và huyết áp cao mãn tính cách nấu ăn để trị bệnh, anh tặng cho chúng tôi máy đếm bước đi bộ, kiểm tra mỗi ngày phải đi ít nhất 10,000 bước, mỗi bước 50cm, vị chi là đi được 5km / ngày, rất tốt cho người bệnh. Anh dễ thương, rất là dễ thương chính là ở điều đó, quan tâm đến mọi người, kể cả điều nhỏ nhặt, tinh tế nhất.
Mỗi lần rời VN, chúng tôi đều tặng anh trái cây để anh làm quà cho chị Ryuko. Chị thích nhất là bưởi và nhãn VN. Lần anh về VN cuối cùng là dịp cuối năm ngoái, ngoài trái bưởi, nhãn, vú sữa, tôi còn gửi anh mang về cho chị một chùm nho đỏ. Anh nhăn mặt : “Tôi chỉ thích trái cây VN, bên Nhật thiếu gì nho cô ơi”. Tôi trả lời anh : “Không anh à, đây là nho trồng ở VN, không có hạt, rất ngọt, mà rẻ nữa, giá chỉ bằng 1/5 nho Mỹ”. Anh ngắt một trái (không quên lau cẩn thận) nhâm nhi rồi khen “Ồ, nông dân VN giỏi quá”. Nhà nông học Nguyễn Văn Chuyển cười rạng rỡ, rất là … dễ thương.
Một kỷ niệm với anh Chuyển mà chúng tôi không bao giờ quên là hơn hai năm trước con gái tôi yêu và muốn lập gia đình với một người đàn ông nước ngoài, một cuộc hôn nhân “dị chủng”. Chúng tôi phân vân hỏi ý kiến anh, anh trả lời rất đơn giản “Con cái do mình sinh ra, nhưng nó có cuộc đời riêng, số phận riêng của nó”.”Con rể tôi, là người Đức, da trắng, mắt xanh, mũi lỏ, con rể tương lai cô là người gốc Hong Kong, ít nhất ngoại hình cũng không khác VN, văn hóa cùng là Á Đông cả” … Sau đó, nhân dịp đưa cả gia đình về VN du lịch, một buổi tối chúng tôi thật là bất ngờ được tiếp đón anh Chuyển, chị Ryuko- vợ anh, người phụ nữ Nhật hiện đại, đảm đang, con gái anh, con rể anh và cô bé cháu ngoại anh. “Bầu đoàn thê tử” đi bộ từ khách sạn Rex đến nhà tôi, anh muốn giới thiệu với chúng tôi gia đình con gái anh, một cuộc hôn nhân “dị chủng” nhưng rất hạnh phúc. Chúng tôi vô cùng cảm động trước tấm lòng và sự quan tâm tế nhị của anh. Mãi mãi chỉ biết nói anh Chuyển ơi, anh thật là … dễ thương.
Anh ra đi, ai cũng thương tiếc, đau buồn và cảm thấy nỗi mất mát này quá lớn, tôi đã dành nhiều phút cầu nguyện cho anh, lời cầu nguyện “rất không giống ai” là: “Anh Chuyển ơi, hãy sớm trở lại cõi ta bà này anh nhé, đối với chúng em, anh mang hạnh nguyện của một vị Bồ Tát hóa thân, rất gần gũi, thương yêu và luôn cứu giúp con người” …
Tôi là một Phật tử, tôi tin vào thuyết luân hồi và nhân quả. Vì vậy, tôi cho rằng Anh sẽ trở lại cuộc đời này, với một hình thái khác mới mẻ hơn, trẻ trung hơn, xuất sắc hơn. Để làm gì anh biết không? Để hoàn tất những dự định, những công trình, những ước mơ giúp người, giúp đời còn dang dở của anh.
Và như thế, nên tôi chỉ tạm biệt anh thôi.