Anna Netrebko – Giữa những chia rẽ

Là một trong những ngôi sao lớn nhất sân khấu opera hiện tại nhưng sự nghiệp của soprano Nga Anna Netrebko đang bị xáo trộn. Các nhà hát hàng đầu thế giới đang chia rẽ về việc có nên chào đón cô trở lại hay không.

Anna Netrebko. Nguồn: Deutsche Grammophon

Anna Netrebko đứng trên bậc thềm Casino de Monte-Carlo được trang hoàng lộng lẫy chụp ảnh cùng bạn bè và ngắm những chiếc xe hơi Aston Martin và Ferrari phóng vút qua màn đêm. “Ở đây có cảm giác yên tĩnh và thanh bình,” cô nói trong một cuộc phỏng vấn ngắn bên ngoài sòng bạc ngay trước nửa đêm. “Và mọi người yêu thương nhau, điều rất hiếm thấy”.

Đó là vào một buổi tối cuối tháng tư, khi Netrebko vừa kết thúc buổi diễn vở Manon Lescaut của Puccini tại Opéra de Monte-Carlo. Tuy nhiên đây không hẳn là kế hoạch ban đầu của cô bởi lẽ vào giờ này, cô phải ở Nhà hát Opera Metropolitan New York, nơi cách đó gần 4.000 dặm, diễn trong một vở opera khác của Puccini, Turandot.

Sau xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, Netrebko tuyên bố mình phản đối các giải pháp quân sự nhưng từ chối chỉ trích Tổng thống Vladimir V. Putin, người cô đã ủng hộ từ lâu. Do vậy gần như chỉ sau một đêm, từ chỗ là một trong những ngôi sao âm nhạc cổ điển nổi tiếng bậc nhất thế giới, cô trở thành kẻ bên lề. Suất diễn của cô tại các nhà hát Teatro alla Scala ở Milan, Zurich Opera Thụy Sĩ và Elbphilharmonie ở Hamburg, Đức… đều bị hoãn lại. Nhà hát Met Opera, nơi Netrebko từng là prima donna thống trị trong nhiều năm, đã hủy hợp đồng hai mùa với cô và cảnh báo là có thể sẽ không bao giờ mời cô trở lại.

Việc Netrebko được Monte Carlo mời biểu diễn, lần đầu tiên sau hơn hai tháng, là bước khởi đầu cho nỗ lực xây dựng lại sự nghiệp đang gặp nhiều khó khăn của cô. Nhưng nơi này trưng cho mọi người thấy một bối cảnh bất thường: khán phòng 517 chỗ ngồi của một nhà hát opera gắn liền với sòng bạc nổi tiếng với các máy đánh bạc đặt gần hành lang. Từ chỗ thường các nhà hát phải xếp hàng đặt lịch trước nhiều năm Netrebko mới gật đầu, giờ cô chỉ được mời vào phút chót khi một ca sĩ mắc COVID và hai người mời hát thế khác từ chối.

Dĩ nhiên, Netrebko được đón nhận nồng nhiệt bằng những tràng pháo tay và tiếng hô vang “Brava!” ở cảnh diễn kết vở (cùng đêm đó ở New York, Liudmyla Moosystemrska, giọng soprano người Ukraine thay thế Netrebko tại Met, cũng được cổ vũ khi quấn quanh mình lá cờ Ukraine lúc quay trở lại sân khấu chào khán giả.)

Tranh cãi về cách đối xử với nghệ sĩ Nga

Sau xung đột ở Ukraine, các tổ chức văn hóa ở Hoa Kỳ và châu Âu đều lên án Moscow và phải đối mặt với quyết định khó khăn về cách đối xử với các nghệ sĩ Nga. Nhiều tổ chức đã cắt đứt quan hệ với những người thân cận Putin – đặc biệt là nhạc trưởng Valery Gergiev, một người bạn lâu năm của Tổng thống Nga và cũng là người dẫn dắt Nhà hát Mariinsky ở St.Petersburg. Ông đã tổ chức các buổi hòa nhạc mang ý nghĩa chính trị trong nhiều năm, bao gồm một buổi hòa nhạc ở một vùng ly khai Georgia và một buổi hòa nhạc khác ở Palmyra.

Gần như chỉ sau một đêm, từ chỗ là một trong những ngôi sao âm nhạc cổ điển nổi tiếng bậc nhất thế giới, cô trở thành kẻ bên lề.

Giờ đây nhiều tổ chức văn hóa phải đối mặt với một vấn đề không dễ chịu: Làm gì với Netrebko? Mối liên hệ của cô với Putin không sâu sắc như mối liên hệ của Gergiev, nhưng cũng rất đáng kể. Tên của cô xuất hiện trong danh sách ủng hộ Putin trong cuộc bầu cử năm 2012. Vào năm 2017, trước khi Putin tái đắc cử, cô nói với một hãng thông tấn nhà nước Nga rằng “không thể nghĩ ra một tổng thống tốt hơn cho nước Nga”. Cô cũng ủng hộ các chính sách của ông; cô từng lan truyền một tuyên bố của Putin trên Instagram. Năm 2014, cô quyên góp cho một nhà hát opera ở vùng ly khai Donetsk.

Đổi lại, Putin đã dành cho Netrebko những lời khen ngợi và trao tặng nhiều giải thưởng. Cô đã được mời hát tại Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 và các lễ kỷ niệm khác của quốc gia. Tháng chín năm ngoái, vào ngày sinh nhật thứ 50 của cô, ông đã gửi một bức điện gọi cô là niềm tự hào của nước Nga, và mô tả cô là “một người cởi mở, quyến rũ và thân thiện, có tính cách hướng thượng và lập trường công dân rõ ràng”. Tại buổi hòa nhạc kỷ niệm sinh nhật cô tại Điện Kremlin, Dmitry Peskov, thư ký báo chí của tổng thống, đã đọc thông điệp này của Putin.

Trước khi cuộc xung đột nổ ra, Netrebko đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Giờ đây, cô hy vọng thuyết phục được giới văn hóa nhìn nhận lại mối quan hệ của mình với Putin, thậm chí thuê một hãng truyền thông về xử lý khủng hoảng, vận động các nhà hát opera và các phòng hòa nhạc để được mời trở lại và nộp đơn khiếu nại Met vi phạm luật lao động.

Nhưng lập trường của Met khá cứng rắn. Peter Gelb, Tổng giám đốc Met, nói sẽ là “vô đạo đức” nếu mời cô diễn khi đang có xung đột giữa Nga và Ukraina. Met mới tổ chức một buổi hòa nhạc gây quỹ và giúp thành lập một dàn nhạc của người Ukraine, do vợ của Gelb, nữ nhạc trưởng người Canada gốc Ukraina Keri-Lynn Wilson chỉ huy. Gần đây, Met còn cắt đứt quan hệ với một ca sĩ người Nga khác, Hibla Gerzmava, người cũng từng lên tiếng ủng hộ Putin.

Thông thường, các nhà hát phải mất rất nhiều năm đặt lịch trước mới nhận được cái gật đầu của Anna Netrebko. Nguồn: The Guardian

Ở một số nhà hát khác, Netrebko cũng phải đối mặt với sự tẩy chay, phản đối. Tại buổi hòa nhạc ở Philharmonie de Paris vào tháng năm, khoảng 50 nhà hoạt động người Ukraine đã biểu tình bên ngoài nhà hát, phát thứ nhạc pha trộn giữa âm nhạc Tchaikovsky với tiếng súng và tiếng còi báo động gợi nhắc chiến tranh. Một phụ nữ ăn mặc theo phong cách Netrebko với những vết máu giả trên váy, nhảy múa trong khi những người biểu tình nằm bất động trên mặt đất.

“Tôi vẫn là một công dân Nga”

Netrebko đã ở Moscow cùng chồng mình, tenor Yusif Eyvazov, người đóng cùng cô trong Manon Lescaut vừa qua, khi cuộc xung đột bắt đầu. Đêm hôm trước, cả hai đã biểu diễn ở Barvikha, một thị trấn gồm các biệt thự và cửa hàng xa xỉ gần Moscow khi hát các tác phẩm của Verdi và Puccini trước khán giả Nga. Vé cho buổi hòa nhạc, do nhà buôn kim hoàn Thụy Sĩ Chopard mà Netrebko làm đại sứ thương hiệu tài trợ, được bán với giá 2.000 USD một vé.

Vào một ngày sau xung đột, khi Netrebko và chồng mình đến tham dự một buổi hòa nhạc ở Đan Mạch đã được lên lịch trước, cô đã buộc phải hủy diễn trong tiếng la ó. Những ngày sau đó, cô phải chịu áp lực buộc phải lên án xung đột. Là một diva của thời đại kỹ thuật số, với hơn 700.000 người theo dõi trên Instagram, cô thích nói chuyện trực tiếp với người hâm mộ. Vào ngày 26/2, cô đăng một tuyên bố phản đối chiến tranh. Nhưng cô cũng có vẻ phẫn nộ với sự soi mói khi viết thêm: “Việc buộc các nghệ sĩ, hoặc bất kỳ nhân vật nào của công chúng, phải công khai nói lên quan điểm chính trị của mình và lên án quê hương mình là không đúng đắn”. Trong một bài đăng khác, cùng các biểu tượng cảm xúc trái tim và bàn tay cầu nguyện, cô đã chia sẻ một văn bản có kèm lời rủa xả những nhà phê bình phương Tây đã chỉ trích mình.

Khi số lần hủy diễn ngày càng tăng, hành vi của cô ngày càng trở nên khó đoán. Vào đầu tháng ba, cô đã gửi một bức ảnh qua WhatsApp cho một giám đốc điều hành cấp cao tại Deutsche Grammophon, hãng thu âm ký hợp đồng lâu dài với cô, ẩn danh để tương tác riêng. Người này nói rằng bức ảnh cho thấy bàn tay của Netrebko đang giơ một chai rượu tequila trước màn hình có Putin hiện diện. Quyết định gửi bức ảnh khiến bạn bè và cố vấn của cô thất vọng, họ cho rằng việc đó không phù hợp và lo lắng rằng nó có thể gây tổn hại thêm cho sự nghiệp của cô. Đại diện của Netrebko từ chối bình luận về bức ảnh.

Chính tại Mariinsky do Gergiev điều hành, Netrebko đã tạo dựng được sự nghiệp, khi từ một sinh viên thanh nhạc triển vọng và lau sàn nhà hát như một công việc bán thời gian vươn lên thành một trong những ngôi sao lớn nhất của Mariinsky.

Khi xung đột ngày càng khốc liệt, Gelb, Tổng giám đốc của Met, đã gọi cho đại diện của Netrebko và yêu cầu cô lên án Putin. Netrebko lưỡng lự, và trong cuộc trao đổi cuối cùng giữa họ, Netrebko nói với Gelb rằng cô phải đứng về phía đất nước mình, Gelb kể. Cuối cùng, Gelb đã hủy hợp đồng với cô và nói có thể cô sẽ không bao giờ được quay lại Met.

Netrebko, hiện đang sống ở Vienna với hai quốc tịch Nga và Áo, đã nói rõ mình sẽ không chỉ trích Putin. “Không ai ở Nga được làm điều này,” cô nói trong một cuộc phỏng vấn với Die Zeit, một tờ báo của Đức. “Putin vẫn là Tổng thống của Nga. Tôi vẫn là một công dân Nga, vì vậy bạn không thể làm điều gì đó như vậy. Bạn hiểu không? Vì vậy, tôi đã từ chối đưa ra tuyên bố như vậy”.

Netrebko và Putin đã gặp nhau được nhiều thập kỷ khi cùng là bạn chung của Gergiev, người mà Netrebko gọi là “cha đỡ đầu trong âm nhạc”. Chính tại Mariinsky do Gergiev điều hành, Netrebko đã tạo dựng được sự nghiệp, khi từ một sinh viên thanh nhạc triển vọng và lau sàn nhà hát như một công việc bán thời gian vươn lên thành một trong những ngôi sao lớn nhất của Mariinsky.

Từ lô hoàng gia ở nhà hát Mariinsky, Putin thường xem Netrebko biểu diễn, ít nhất là từ năm 2000 khi cô 28 tuổi và đóng vai Natasha Rostova trong vở Chiến tranh và hòa bình của Prokofiev và trở thành “ngôi sao không thể tranh cãi của màn trình diễn”, theo tờ Kommersant của Nga. Netrebko trở thành một trong những đại sứ văn hóa nổi tiếng nhất của Nga và năm 2008, Putin đã trao cho cô danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, danh hiệu cao quý nhất của đất nước dành cho các nghệ sĩ biểu diễn, tại một buổi lễ ở St.Petersburg cũng có sự góp mặt của Gergiev.

Về phần mình, Netrebko dường như chấp nhận thương hiệu chủ nghĩa dân tộc của Putin. Cô đã được chụp ảnh đeo ruy băng St. George hai màu đen và cam, một biểu tượng của quân đội Nga đã trở nên phổ biến và mặc áo phông kỷ niệm chiến thắng trong Thế chiến thứ hai. “Tôi luôn tỏ thái độ rõ ràng ủng hộ nước Nga và tôi nhận thức rằng những công kích nhằm vào đất nước mình là vô cùng tiêu cực”, cô nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2009 với một tờ báo nhà nước Nga, trong đó cô lên án cách nước ngoài đưa tin về cuộc chiến ở Gruzia. Năm 2014, cô gây tranh cãi khi ủng hộ một triệu rúp – khi đó khoảng 18.500 USD – cho nhà hát opera ở Donetsk. Vào thời điểm đó, Crimea đã được sáp nhập vào Nga.

Nỗ lực trở lại

Vào mùa xuân năm nay, khi sự nghiệp gặp nhiều xáo trộn, Netrebko đã tìm cách thay đổi hoàn toàn. Cô chia tay với quản lý lâu năm của mình, Judith Neuhoff, người thúc giục cô lên án Putin, và làm việc với Miguel Esteban, một nhà sản xuất âm nhạc đã giúp xử lý vấn đề tài chính của cô. Với sự hỗ trợ của Hiệp hội Nghệ sĩ Âm nhạc Hoa Kỳ, tổ chức đại diện cho các ca sĩ opera, cô đệ đơn khiếu nại Met vi phạm luật lao động và mong sẽ đòi được khoản bồi thường hơn 350.000 USD.

“Anna Netrebko trở lại La Scala”, một hãng tin Ý đưa tin như vậy sau khi Netrebko trình diễn trong một buổi diễn bán hết sạch vé tại đây vào tháng 5. Nguồn: Brescia & Amisano/Teatro alla Scala

Cô hủy các lần trình diễn ở Nga, gồm cả màn trình diễn tại một liên hoan do Gergiev điều hành. Cô đã ngừng phát biểu về chính trị trên Instagram. Vào cuối tháng ba, Netrebko đã đưa ra tuyên bố không “liên minh với bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Nga” nhưng tránh chỉ trích trực tiếp Putin. Trong khi phải trả giá bằng vài hợp đồng biểu diễn ở Nga, cách tiếp cận của cô dường như có hiệu quả ở các tổ chức châu Âu, với những lời mời từ Monte Carlo và Berlin ngay sau đó. Jean-Louis Grinda, Giám đốc nhà hát Opéra de Monte-Carlo, cho biết ông yên tâm trước những bình luận phản đối xung đột của Netrebko.

Khi đến Monte Carlo, Netrebko đã xin lỗi Grinda vì việc cô xuất hiện có thể gây xoi mói và bày tỏ lo ngại rằng các buổi biểu diễn có thể bị gián đoạn bởi các cuộc biểu tình. Ví dụ ở buổi diễn ở Philharmonie de Paris, những người biểu tình đã phát tờ rơi có nội dung “Bạn đang ủng hộ Netrebko, nhà tuyên truyền của Putin và do đó ủng hộ Nga”. Sophia Anisimova, 25 tuổi, một ca sĩ vừa tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật quốc gia Kharkiv, đã cầm một tấm biển cho thấy cảnh tàn phá tại trường học của mình. Sau đêm diễn, họ vây quanh các khán giả đang rời đi và hô vang “Netrebko, kẻ đồng phạm”.

Trong những tuần gần đây Netrebko đã cố gắng để giành đồng minh trong các tổ chức khác của Mỹ, bao gồm Carnegie Hall, San Francisco Opera và New York Philharmonic, với các đại diện của cô gửi thư bày tỏ ý tưởng về các buổi hòa nhạc trở lại. Nhưng cho đến nay, chưa có tổ chức nào của Mỹ phản hồi quan điểm. “Dù sao chúng tôi cũng không có nhiều mối quan hệ với cô ấy và hiện giờ khó có vẻ là thích hợp cho một sự khởi đầu,” Deborah Borda, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của New York Philharmonic, cho biết.

Elena Maximova, một giọng soprano cũng hát trong chương trình ở Paris cho biết, Anna Netrebko đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận bất kỳ phản ứng nào từ khán giả, nhưng thật lạ là cô đã được khán giả chào đón như một nữ hoàng.

Về phía Met, Gelb nói rằng dẫu “không bao giờ nói không” với việc Netrebko trở lại Met nhưng không hình dung nổi một viễn cảnh như vậy cho đến lúc diễn ra một thay đổi thật sự.

Dù thế nào, Netrebko vẫn luôn là Netrebko. Ở những nơi khác, sự trở lại của Netrebko đang được tiếp thêm đà khi một số tổ chức nghệ thuật ở châu Âu từng xa lánh cô mới công bố kế hoạch mời cô trở lại, sớm nhất trong năm tới. Vào cuối tháng năm, cô đã hát trong các buổi recital trước đám đông khán giả nhiệt tình ở Paris và Milan, nơi nhà hát Teatro alla Scala đã bán hết vé. Các hãng tin Ý tuyên bố đây là “một chiến thắng” khi viết “Sau tạm nghỉ vì xung đột, Anna Netrebko chiếm lại La Scala: bừng nở hoa và pháo tay”.

Netrebko đã theo lời khuyên của Grinda là phải biết chấp nhận rủi ro la ó và phản đối có thể đến bất cứ lúc nào. Trước buổi biểu diễn tại Paris, Netrebko đã hội ý với các nghệ sĩ cùng biểu diễn đêm đó để bàn phương án chuẩn bị cho trường hợp chương trình bị gián đoạn. “Anna đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận bất kỳ phản ứng nào từ khán giả”, Elena Maximova, một giọng soprano cũng hát trong chương trình cho biết, nhưng thật lạ là “cô đã được khán giả chào đón như một nữ hoàng”.

Khi bắt đầu buổi biểu diễn, từ bao lơn hàng ghế tầng trên, một người đàn ông hướng về phía Anna và bắt đầu hét lớn về cuộc xung đột ở Ukraine. Cô tạm dừng và mỉm cười, giữ điềm tĩnh khi khán giả la ó buộc người đàn ông này phải ra khỏi khán phòng.

Rồi cô cất tiếng hát.□

Ngọc Anh lược dịch

Nguồn: https://www.nytimes.com/2022/06/22/arts/music/anna-netrebko-opera-putin-russia.html

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)