Annie Ernaux, hồi ức là hư cấu kỳ lạ nhất
Thế giới này đang tồn tại. Vậy tại sao phải tái tạo lại nó? Bởi tôi muốn nghĩ về nó, tôi đang cố gắng hiểu được nó. Tôi là một kẻ xì ke trí tuệ, biết thừa rằng trí tuệ, theo nhiều cách, chỉ là ma túy. Tôi muốn một thứ văn chương được xây dựng hoàn toàn từ sự chiêm nghiệm và sự khải lộ. Ai quan tâm những điều khác chứ?”, trên đây là một trong 618 đoạn văn làm nên cuốn Reality Hunger: A Manifesto (tạm dịch: Cơn khát hiện thực: Một tuyên ngôn) của nhà văn người Mỹ nổi tiếng David Shields, một cuốn sách phi hư cấu về nhu cầu phi hư cấu hóa những tác phẩm hư cấu, trong đó, theo ông, hồi ức cũng là một loại hư cấu.
Shields cho rằng điều đó không mới. Ngay cả người Hy Lạp cũng đã biết điều đó từ lâu. Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần của ký ức, Mnemosyne, là người hạ sinh ra chín Nàng Thơ. Bởi vậy cho nên, “bất cứ thứ gì được xử lí bởi hồi ức đều là hư cấu”.
Có một động cơ hết sức nguy hiểm với chính bản thân một người viết: phơi bày hồi ức của mình. Chưa nói rằng đó là một công việc khó, khó nhất trong những công việc khó, bởi có gì khó dò dẫm hơn sự tồn tại, chẳng phải Nabokov trước khi trút hồi ức đời mình vào Speak, Memory, đã viết câu mở đề về dự cảm của một con người khi sắp sửa bước vào cuộc đời từ dạ con của mẹ: “Cái nôi rung lắc phía trên một vực thẳm, và cảm nhận thông thường nói với chúng ta rằng sự tồn tại của ta không là gì hơn ngoài một vệt sáng nơi vết nứt giữa hai vùng bất diệt của bóng tối”? Nhưng nó không chỉ khó, mà việc để lộ ra mình thực sự đã từng là ai còn đáng sợ nữa. Thăm khám những hồi ức giống như tự đào một đường hầm vào bên trong mình, nhưng một khi đã xuống rồi, có chắc sẽ tìm được đường lên.
Ernaux viết nhiều, và Hồi ức thiếu nữ là cuốn sách gần đây nhất của bà, cuốn sách mà hơn một lần ở những dòng được viết bên trong, bà thú nhận đã luôn lần lữa coi nó như “cuốn sách vẫn luôn còn thiếu. Luôn luôn bị trì hoãn. Một lỗ hổng không thể gọi tên.” Bà không định viết, rồi vẫn viết, rồi bỏ dở, rồi nhiều năm sau, lại quay về viết, với ý nghĩ đây biết đâu là cuốn sách cuối cùng, và nếu bà không viết bây giờ, sẽ không còn ai hồi tưởng về “cô” nữa. Bà gọi mình của năm 1958 là “cô”, như một người xa lạ thuộc về một cuộc đời khác. Không phải một kiểu làm ra vẻ mà nó đúng là như vậy, tất nhiên không chỉ vì thổ âm vùng Normandie hay lối suy nghĩ dùng ngôn từ của Camus mà hẳn đã thay đổi theo thời gian. Khi hồi tưởng về một thời đã xa (mà cụ thể ở đây, 50 năm trước), ta của hiện tại sẽ thấy ta của quá khứ cũng chỉ giống như một cái tên quen liếc thấy trong niên giám trang vàng, một người bạn thân cũ đã lâu không liên hệ.
Cô nàng năm 58 có mặt tại một mùa hè khi bài Histoire d’un amour của Dalida đương thịnh hành. Trong bài hát này có câu: “Chuyện của tôi là một chuyện tình yêu”. Nhưng mặc dù có vẻ rất giống với một hồi ức tình yêu, cuốn sách của Ernaux không phải một chuyện tình yêu. Cô yêu H., đến với anh, bị anh bỏ lại – hồi ức ấy là khởi điểm cuốn sách này, nhưng càng men theo con suối của hồi ức thì nó càng dẫn cô đi vào sâu trong những phong cảnh kín đáo của tâm tưởng: niềm đam mê, giấc mơ, nỗi hổ thẹn, sự kiêu ngạo, sự vô tri, cảm giác là một người phụ nữ trong thế giới mà Simone de Beauvoir phải đi tìm ý nghĩa của việc là một người phụ nữ.
Ernaux đã tìm ra một thứ ngôn ngữ cho hồi ức, cùng một lúc sống động mà cũng hư mờ – như lấy tay mà lau đi tấm kính giữa trời mưa, chỗ này vừa hiện ra thì chỗ khác lập tức nhòa đi, bà có thể thấy rõ cô trong rất nhiều cảnh huống, ngồi trên một chiếc ghế đầu ở quán bar Chez Graindorge, ngồi trong căn phòng mình nghe những điệu waltz của Strauss, nhưng lại không thể thấy rõ cô đang nghĩ gì – bánh con sò, phô mai hay chẳng gì cả – và logic nào đã đưa cô đến những trạng thái mà cô hiện diện, như cái lúc trong phòng ngủ của H., dường như dù theo sát cô đến đâu thì giữa cô và bà vẫn là một rèm che. Bà thường băn khoăn về sự vô hình của ta trong cuộc đời người khác, sợ “họ đã quên cô và quên nhau”, nhưng ngay cả sự hữu hình của bà trong cuộc đời của cô (hay ngược lại) cũng có thực sự giải thích được gì đâu. Đọc văn chương của Annie Ernaux khiến người ta tin rằng bản thân hiện thực cũng đã có một quầng kỳ ảo. Sự hư huyễn không cần ai đó phải bịa ra, chỉ cần cạo lớp ngoài cùng của hiện tại, thì hư huyễn sẽ xuất hiện, có thể là nằm ngay trong một lớp kem đánh răng được viết trên gương.
Làm sao để có thể viết mà không dùng ẩn dụ? Ta buộc phải tự hỏi thế với Annie Ernaux. Không ẩn dụ giống như không bôi lớp phấn nền, đứng trần trụi trong ánh nắng, không úp mở về mình – một biểu hiện của lòng can đảm. Và một trong những đoạn văn can đảm nhất mà Annie Ernaux đã đặt bút là vào nhiều năm sau, khi bà đi tìm H. trên Google, xem ảnh kỷ niệm đám cưới vàng của H., và thấy không gì thực tế hơn mà cũng không gì hư ảo hơn. Ngay phía trước đó, bà bày tỏ về một ham muốn tình cờ gặp lại anh trên con đường mình đi hằng ngày. Chớ đánh đồng cảm giác ấy với những ham muốn đã được tạo mẫu sẵn theo kiểu các kịch bản truyền hình, không, nó đến từ “vùng bất diệt của bóng tối” và những tơ vò xuyến xao mãi mãi không thành hình hài. Nó, một lần nữa, cũng cho thấy không nhất thiết cần một lọ keo nào để dán chất liệu hiện thực vào chất liệu tưởng tượng để dệt nên hư cấu, mà tự thời gian sẽ tạo nên chất keo đó. Một khoảng đủ dài và ngay lập tức hồi ức sẽ thành hư cấu ngay thôi: từ chàng trai trong quá khứ giống Marlon Brando cô đã yêu biến thành người đàn ông bệ vệ trong một khu vườn nông thôn bên gia đình bà không quen. Đó là câu chuyện hư cấu kỳ lạ nhất.
Ernaux gọi trí nhớ là “nhân viên đạo cụ phi thường, khiến tôi trở thành một khán giả bị thôi miên trước bộ phim vô ý nghĩa” – hàm ý rằng mọi sự kiện diễn ra trong đời ta đều vô nghĩa, có lẽ vô nghĩa như cái khuỷu tay mà Lev Tolstoy đã thấy khi đang nằm trên sofa sau bữa tối, nhưng Tolstoy đã nhìn thấy nó như một người phụ nữ buồn bã trong yến tiệc và vì thế nên viết Anna Karenina. Vậy thì một nhà viết tự truyện cũng là người phải nhìn thấy người phụ nữ buồn bã trong yến tiệc từ những chuyện vô nghĩa đã từng.
Điều này tất nhiên không dễ chịu. Việc tìm kiếm ý nghĩa trong những thứ vô nghĩa luôn không dễ chịu, sự hoang tưởng đó là nguồn cơn của mọi nỗi khốn khó nơi một con người. Cho nên nếu so với những người không viết, người viết, nhất là những người viết tự truyện, như những kẻ đã chọn bước vào trò chơi dại dột nhất, họ là những nhà tiên tri buồn luôn thấy hung tinh từ một bầu trời đầy sao lộng lẫy mà đáng ra chỉ nên ngắm nghía. Giả sử bà sống như H., hoàn toàn không đếm xỉa đến sự hiện diện của cô nàng năm 58, bà sẽ không phải tự phơi bày bản thể, không đặt mình vào thế bất trắc và dễ tổn thương, không phải xoay vần nỗi hổ thẹn từ năm này qua năm khác.
Nhưng nói như Annie Ernaux thì bà không ganh tị với anh. “Bởi tôi chính là người viết”. □