“At Swim-Two-Birds”: Nhà văn đều là bạo chúa

Mối quan hệ giữa nhà văn và nhân vật luôn là mối quan hệ bất cân xứng. Và viết văn là hành động đàn áp, còn nhà văn đều là bạo chúa.

“At Swim-Two-Birds” của Flann O’Brien là cuốn tiểu thuyết nơi các nhân vật bị kết tội bởi chính những đứa con tinh thần của mìn

Sẽ thế nào nếu Odysses quyết định chống lại Homer vì đã bắt mình phải lang thang suốt 10 năm ròng để trở lại quê hương? Sẽ thế nào nếu Oedipus thay vì chọc mù mắt mình, liền chọc mù mắt Sophocles để “trả thù” việc tác giả buộc nhà vua lấm vào bi kịch? Sẽ thế nào nếu các nhân vật quyết định đã đến lúc lật đổ tác giả, như người điên của Nietzsche châm một ngọn đèn lồng và chạy vào giữa đám người trong khu chợ rồi hô hoán rằng chúng ta đã giết Chúa rồi? Đó cũng không phải chuyện bất khả. Trong Những vấn đề của thi pháp Dostoevski, Mikhail Bakhtin từng chỉ ra rằng, các nhân vật của Dostoevski, rất nhiều người là “author-thinker”, những kẻ suy tư như tác giả, một chủ thể của tư tưởng: Raskolnikov, Myshkin, Stavrogin, Ivan Karamazov đều chẳng phải “đám nô lệ không tiếng nói” mà họ có thể “đứng ngang hàng người sáng tạo, có thể bất đồng với ông ta hạy thậm chí là nổi loạn chống lại ông ta.” Hãy thử tưởng tượng Raskolnikov vung rìu bổ đôi đầu Dostoevski!

At Swim-Two-Birds của Flann O’Brien rất phức tạp nhưng nếu cần phải tóm tắt lại ngắn gọn, thì đây là cuốn tiểu thuyết nơi các nhân vật bị kết tội bởi chính những đứa con tinh thần của mình. Họ hợp sức làm cuộc cách mạng chống lại Dermot Trellis, chỉ có điều, bản thân Trellis cũng là một sáng tạo hư cấu của một cậu sinh viên biếng học. Đó là kiểu hư cấu có thể mở ra đến vĩnh viễn, như những chiếc rương lồng trong trong rương mà chính O’Brien đã từng đưa vào The Third Policeman—hư cấu sinh ra hư cấu theo cách mất kiểm soát. Nếu ai đã đọc The Third Policeman và nhướn mày tự hỏi “thể loại tiểu thuyết quái quỷ gì đây?” thì At Swim-Two-Birds còn quái dị hơn cả thế —nhiều người không ưa cuốn sách, đến mức Flann O’Brien hài hước nói: “trên thực tế Hitler ghét nó đến mức ông ta phát động Thế Chiến II chỉ để tiêu huỷ nó”.

Ngay mở đầu, nhân vật kể chuyện tự đặt ra bài tập cho mình: “Một mở đầu và một kết thúc cho một quyển sách là điều tôi không đồng tình”, rồi viết ra ba mở đầu không liên quan cho tác phẩm, có lẽ giống như trò chơi mê cung đi tìm kho báu trên những tờ báo ngày xưa: những con đường ngoằn ngoèo được vẽ ra, và ta phải định đoạt nhân vật đi từ đâu sẽ tới mỏ vàng. Khác chăng, ta chẳng được chọn mình sẽ đi con đường nào. Chúng bình đẳng như nhau. Cấu trúc hỗn loạn ấy duy trì từ đầu đến cuối sách, đến khi ta chẳng còn biết mình đang ở phần nào nữa, vì các nhân vật thuộc những mạch kể khác nhau bắt đầu chồng chất, gặp gỡ, yêu đương, tương tác, ủ mưu…

Nhân vật, trong thí nghiệm văn chương này, không hẳn là một thứ được “tạo” ra, mà giống một thứ được “thuê” về. Nghĩa là nhân vật có tự chủ của nhân vật, dù làm thuê cho tác giả với một bản giao kèo chẳng khác gì hợp đồng nô lệ, thì nhân vật vẫn có quyền lực tự trị của mình.

Nhưng không phải bỗng nhiên họ quyết định xử tội tác giả. Tất cả bắt đầu từ sự kiện Dermot Trellis cưỡng đoạt nhân vật nữ xinh đẹp của chính mình, rất giống huyền thoại Pygmalyon, khi người tạc tượng nảy sinh tình cảm với chính bức tượng và rồi tình yêu của nhà điêu khắc biến bức tượng thành một phụ nữ thực thụ. Kết quả của vụ tác giả cưỡng hiếp nhân vật là sự ra đời của Orlick Trellis. Sinh vật lai, hay đứa con huyết thống kiêm đứa con tinh thần ấy, cũng có khiếu văn chương, và chính cậu ta đã được các nhân vật vận động để viết ra cuốn tiểu thuyết nơi ông bố bị kết án—dùng hư cấu để trả đũa hư cấu.

Nhân danh tác giả/Thượng Để của thế giới do chính ta hình dung, các nhà văn mặc sức đàn áp những sáng tạo của bản thân—ta có quyền đó không? Trong phiên xét xử Trellis, một con bò sừng ngắn được dẫn vào làm chứng, nó phẫn uất vì Trellis đã bưng nó vào tác phẩm nhưng lại chẳng thèm sử dụng nó thường xuyên—chẳng có mây phân cảnh nó được vắt sữa: “tôi đã bị bỏ mặc không quan tâm suốt một thời gian dài.” Và khi được hỏi nó có đau đớn không. Nó đáp: “Đau đớn tột độ.”

At Swim-Two-Birds của Flann O’Brien rất phức tạp nhưng nếu cần phải tóm tắt lại ngắn gọn, thì đây là cuốn tiểu thuyết nơi các nhân vật bị kết tội bởi chính những đứa con tinh thần của mình.

Nếu Kinh thánh cho người sáng tác có cái gọi là 10 Điều răn, thì hẳn một trong số những điều ấy sẽ luôn răn nhà văn là: phải xây dựng các nhân vật sống động lên, phải thổi phồng căng sự sống cho họ, để họ tròn đầy, đừng để họ phẳng lì dẹp lép như một tờ giấy cắt dán, một miếng bìa carton. Nhưng có thật ta coi nhân vật là con người không? Không hề. Ta vẫn chỉ coi họ là công cụ kể chuyện. (Nói thẳng thắn như Nabokov thì nhân vật chỉ là quân cờ trên bàn cờ mà thôi, ta đặt đâu họ phải ngồi đấy). Và ta vẫn quăng quật họ đấy chứ. Vẫn nhét chữ của ta vào miệng của họ đấy chứ. Vẫn lạm dụng họ, vẫn bóc lột họ, vẫn bỏ bê họ, vẫn phủi tay khi xong việc đấy chứ. Ai đã từng bỏ bê một nhân vật của mình thì hãy giơ tay lên! Chắc không ai không giơ cả. Bao nhiêu nhân vật phụ đã được huy động vào cuộc biểu diễn kỳ công của chúng ta và rồi bị vứt xó khi không còn có ích nữa? Thừa nhận đi, mối quan hệ giữa nhà văn và nhân vật luôn là mối quan hệ bất cân xứng. Và viết văn là hành động đàn áp, còn nhà văn đều là bạo chúa.

Mỉa mai ở chỗ, đám bạo chúa này phần lớn khá vô công rồi nghề. Cậu sinh viên sáng tạo ra cả vũ trụ ấy thường xuyên cúp học, thường xuyên bia bọt, thường xuyên làm biếng. Nhà văn trong thế giới thực là một sinh vật thất bại và tê liệt chức năng xã hội như thế; như để bù đắp cho sự bất lực của mình trong đời thật, anh ta thể hiện quyền năng toàn trị trong văn chương, quyền năng đến mức dấy lên cả một cuộc nổi loạn của nhân vật thứ cấp với nhân vật trực tiếp do mình tạo ra. Nhưng hãy để ý nhé, các nhân vật của Trellis thì phản bội Trellis, nhưng thái độ của Trellis với cậu sinh viên là gì? Chẳng có thái độ nào cả. Và rồi các nhân vật bị thiêu cháy khi bản thảo vô tình bén lửa.

Người ta đã nói quá nhiều về sức mạnh vô hình của văn chương, nhưng xin mở to mắt nhìn xem sự mong manh của hư cấu, sự mong manh của những thứ không có một cơ thể vật lý mà chỉ trôi nổi trong ý niệm.  Công cuộc giành độc lập của hư cấu tưởng thắng lại thua, sau rốt người chiến thắng vẫn là tác giả, cuộc cách mạng cũng chỉ là cách mạng giả hiệu mà thôi. Tác giả vẫn… chưa chết. Chúa vẫn là Chúa.

Cuộc phóng hỏa thiêu sống các nhân vật diễn ra vỏn vẻn chỉ trong một trang giấy. Nhanh, gọn, lẹ. Chúng ta thậm chí còn không được biết các nhân vật hư cấu nghĩ gì vào khoảnh khắc họ bị thiêu. Ta chỉ còn lại Dermot Trellis, còn nguyên áo ngủ trên người, kết luận rằng: “Ta gặp ác mộng và những giấc mơ kỳ quặc”. Bao nhiêu những câu hỏi siêu hình về bản chất của hư cấu sau rốt cũng chỉ được đơn giản hoá thành “ác mộng và những giấc mơ kỳ quặc”, sự nổi loạn của nhân vật có khi cũng chỉ là cuộc nổi loạn của ta với chính ta. Một trong những câu thoại khiến ta phải bật cười ở đoạn này, là khi cô hầu gái, người đốt bản thảo, thấy Trellis ăn mặc phong phanh, liền bảo: “Ông có thể mất mạng như chơi đấy”. Cô ta chẳng biết, ông chủ của mình quả vừa mất mạng, nhưng không phải vì thời tiết, mà vì đám người ảo trên trang giấy, và chẳng phải ai khác, chính cô đã cứu mạng ông ta. Mối nguy hiểm nào tiềm tàng hơn? Thế giới thực xoay vần quanh ta, dồn ép ta; hay thế giới bịa trong óc ta, và ta dồn ép nó? Con người có thể chết vì cái gì—một cơn mưa hay trí tưởng tượng? Trong thế giới của O’Brien thì nhiều khả năng là trí tưởng tượng.

Bài đăng Tia Sáng số 7/2025

Tác giả

(Visited 55 times, 55 visits today)