“Ave Maria” – giai điệu thánh thiện còn mãi với thời gian

Với “Ave Maria”, một giai điệu kiểu Ý trên nền Predude số 1 giọng Đô trưởng trong “Bình quân luật” tập I của Bach, Charles Gounod vẫn bị những nhà phê bình khắt khe chỉ trích rằng ông đã làm hỏng âm nhạc kinh điển của Bach bằng việc thêm vào đó chất đa cảm ủy mị. Tuy nhiên, “Ave Maria” có giá trị tự thân và chính nó là một tác phẩm khiến công chúng luôn nhớ đến Gounod.

“Trò tinh nghịch”

Năm 1839, chàng sinh viên nhạc viện Paris Charles Gounod giành giải thưởng Grand Prix de Rome bằng bản cantata Ferdinand và được tới nước Ý để tiếp tục học tập. Trong thời gian ở thành Rome, Gounod đã gặp gỡ nữ nghệ sĩ piano kiêm nhà soạn nhạc Fanny Hensel, chị gái của Felix Mendelssohn. Những tác phẩm âm nhạc của Bach mà Fanny Hensel chơi để lại trong Gounod một ấn tượng lâu bền.

Kết quả là, một giai điệu kiểu Ý trên nền Predude số 1 giọng Đô trưởng trong Bình quân luật tập I của Bach đã ra đời trong những phút Gounod ngẫu hứng bên đàn piano sau một bữa tối với người thân và bạn bè năm 1852. Ông bố vợ của Gounod ngay lập tức yêu cầu con rể mình chơi lại giai điệu lần nữa để ông có thể chép ra giấy.

Chẳng bao lâu sau, Gounod được nghe tác phẩm của mình dưới dạng chuyển soạn cho violon và piano. Không những thế, bố vợ ông còn bán tác phẩm cho một nhà xuất bản. Phiên bản cho violon và piano với cái tên Méditation sur le première prélude de Bach (Khúc trầm tư trên prelude số 1 của Bach) được xuất bản đầu tiên và tiếp theo đó là nhiều phiên bản chuyển soạn cho các nhạc cụ khác.

Nhưng Méditation không chỉ dừng lại ở những phiên bản không lời. Theo một người trong gia đình Gounod kể lại, thời gian đó Gounod rất quý mến một thiếu phụ tên là Rosalie. Ông đã lắp những câu thơ của nhà thơ Pháp Alphonse de Lamartine vào giai điệu của Méditation để đem tặng nàng.

Lời thơ mà Gounod chọn khá ngây thơ trong sáng nhưng bà mẹ của Rosalie cho rằng nó không được phù hợp cho lắm. Theo gợi ý của bà, Gounod thay thơ của Lamartine bằng phần lời tiếng Latin lấy từ Kinh Thánh và chuyển giai điệu sang giọng thứ cho phù hợp với phần lời. Kết quả là Ave Maria của hai tác giả Bach/Gounod ra đời.

Những nhà phê bình khắt khe chưa từng thôi chỉ trích Gounod rằng ông đã làm hỏng âm nhạc kinh điển của Bach bằng việc thêm vào đó chất đa cảm ủy mị. Tuy nhiên, giai điệu Ave Maria của Gounod là một hình mẫu bel canto tinh tế kiểu Bellini và có giá trị tự thân.

Cùng lúc đối mặt với cả thành công và sự chỉ trích, đã có lúc Charles Gounod gạt bỏ tác phẩm này như một “trò tinh nghịch”. Tuy nhiên chính nó lại là một trong những tác phẩm khiến công chúng luôn nhớ đến ông. Trong sự nghiệp sáng tác, danh tiếng của Gounod nhiều lần bị dao động nhưng Ave Maria thì luôn ở trong lòng người yêu nhạc.

Không tiên phong nhưng vẫn ảnh hưởng lớn

Gounod nổi tiếng nhất nhờ hai vở opera Faust và Romeo et Juliette cùng với bản Ave Maria (1859) bất hủ. Ngoài các concerto, ông đã sáng tác các thể loại khí nhạc quy mô lớn khác nhưng không thành công lắm. Gounod thành thạo hơn trong lĩnh vực thanh nhạc, đặc biệt là ở thể loại opera và nhạc nhà thờ. Dù danh tiếng của ông bắt đầu lu mờ thậm chí ngay từ trước khi ông qua đời thì về mặt tổng quan ông vẫn được xem như một nhân vật lớn của âm nhạc Pháp thế kỷ 19. Về phong cách, ông là một người bảo thủ nhưng lại có ảnh hưởng tới cả Bizet, Saint-Saëns và Massenet. Gounod không được coi là người tiên phong hay sáng lập của bất cứ trào lưu hay trường phái âm nhạc nào. Âm nhạc của Gounod giàu tính giai điệu, sức tưởng tượng và phối khí dàn nhạc tài tình. Ngày nay, các tác phẩm của ông, ngay cả hai bản giao hưởng và các vở opera ít được biết đến, thi thoảng mới được khảo sát, còn hai vở opera nói trên cùng bản Ave Maria thì được biểu diễn và thu âm rộng rãi.

Gounod sinh ngày 17/6/1818. Mẹ ông là nghệ sĩ piano và cũng là giáo viên dạy piano đầu tiên của con trai mình. Khi còn nhỏ, Gounod đã được mẹ thu xếp cho học sáng tác với nhà soạn nhạc Pháp gốc Czech Anton Reicha, người bạn lâu năm của Beethoven và thầy dạy của Franz Liszt và Hector Berlioz. Sau khi Reicha qua đời, Gounod bắt đầu học tại Nhạc viện Paris, nơi ông giành giải thưởng Grand Frix de Rome năm 1839 nhờ bản cantata Fernand.

Sau các bài học sáng tác chuyên sâu hơn tại Rome, nơi Gounod tập trung vào âm nhạc nhà thờ thế kỉ 16, đặc biệt là các tác phẩm của Palestrina, ông bắt đầu quan tâm sâu sắc tới tôn giáo và thậm chí đến năm 1845 ông còn dự định trở thành thầy tu. Mặc dù cuối cùng ông bỏ dự định đó và kết hôn song vẫn là một người cả đời ngoan đạo và đã soạn nhiều tác phẩm tôn giáo, gồm các bản mass1 mà nổi tiếng nhất là Mass St. Cecilia năm 1855.

Cùng năm đó Gounod chuyển sang soạn hai bản giao hưởng thu hút được sự chú ý nhưng thành công không bền. Chính vở opera Faust năm 1859 sau quãng khởi đầu chậm chạp mới trở thành tấm danh thiếp của Gounod. Vở Mireille (1864) và đặc biệt là vở Romeo et Juliette (1867) đã làm tăng thêm danh tiếng của ông, không chỉ ở Pháp mà trên khắp châu Âu.

Từ năm 1870 đến 1875, Gounod sống tại nước Anh do tình trạng khẩn cấp của chiến tranh Pháp – Phổ. Trong những năm đó và trong giai đoạn tiếp theo khi quay về Pháp, Gounod sáng tác nhiều, đặc biệt là âm nhạc tôn giáo nhưng không đạt được thành công như trong các thập niên 1850 và 1860. Trong số các tác phẩm hấp dẫn hơn và giàu sức tưởng tượng hơn về sau có bản giao hưởng nhỏ – Petite Symphonie (1885) – chỉ viết cho 9 nhạc cụ.

Charles Gounod qua đời tại St. Cloud vào ngày 18/10/1893.

(1)    Thể loại thánh ca dưới dạng tác phẩm hợp xướng phổ nhạc các phần cố định của nghi lễ ban thánh thể. Bản Missa Solemnis giọng Rê trưởng Op. 123 của Beethoven là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất ở thể loại này cùng với bản Mass giọng Si thứ của J. S. Bach.

 

Tác giả

(Visited 56 times, 1 visits today)