Ba điều trông thấy

Hơn 10 năm mới có dịp trở lại châu Âu, mấy anh bạn đùa hỏi: Mọt sách như cậu kì này có lượm được sàng khôn nào không? Xã hội học tập ngày nay thì tới “xuống lỗ” còn ối cái phải học. Tuy nhiên chỉ xin kể mấy điều mắt thấy tai nghe.

Khu hành chính Trung ương Đức bên sông Spree là một thành công điển hình cho việc tổ chức không gian quyền lực và thái độ ứng xử dân chủ đúng như một số nhà lý thuyết kiến trúc từng yêu cầu: Kiến trúc là biểu hiện của quyền lực. Nó cũng là thí dụ tốt về kết hợp cũ và mới, bảo vệ di sản và hiện đại hóa. Thành phố Berlin không may mắn, bị tàn phá vô cùng nặng nề trong thế chiến II, mấy chục năm sau, cho tới khi bức tường nổi tiếng bị phá bỏ nhiều nơi người ta còn thấy cảnh đổ nát. Bốn mươi năm chia cắt thành hai phần làm cho sự phát triển đô thị khập khễnh, gián đoạn, thiếu nhất quán. Tòa nhà Reichtag – Quốc hội Đức nổi tiếng với bức ảnh anh Hồng quân Liên Xô phất cờ trên nóc kết thúc chiến tranh cũng bị tàn phá nặng nề, mái vòm bị đánh sập hoàn toàn. Những lớp tường đá uy nghi cháy đen, còn như khét mùi khói súng. Nay người ta dựng một vòm kính khổng lồ, đường xoắn ốc với lõi hình phễu lắp gương phản chiếu dòng người đi lên và mây trời bốn hướng. Người dân đi dạo, uống cà phê, giẫm chân lên mái nhà công quyền tối cao. Nhìn xuống “giám sát” quyền lực làm việc! Bên trái là hai tòa nhà mới dài thấp, rất tân kì, có thể nhầm là các trung tâm công nghệ cao hay bảo tàng nghệ thuật đương đại. Đó là nơi Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng làm việc. Đối diện là một kiến trúc lạ, mái hình yên ngựa “xinh xắn”- Trung tâm hội nghị do Chính phủ Mỹ tặng. Tàu du lịch trên sông và các bậc thang, bãi cỏ, vườn hoa len lỏi, bao bọc khu đầu não tối cao này là nơi vui chơi thư giãn hằng ngày của dân Berlin. Phía bên phải ngang qua cổng Brandenburg cổ kính là Đài tưởng niệm người Do Thái châu Âu bị sát hại: Một bãi đá trải rộng bên lề đường, không cao quá đầu người với hàng ngàn phiến đá xám khối chữ nhật gập ghềnh với các hẻm hẹp lên xuống làm người ta tưởng có thể đi lạc trong cái mê cung của sự lạnh lẽo, ghê rợn và cô đơn. Một tác phẩm cực hiện đại, rất “ăn với” cảnh quan đô thị và “rất Đức”. Thẳng từ Reichtag trải ra mênh mông vài km là Công viên -Vườn thú, lá phổi và “vườn Thượng uyển” của Berlin. Tôi bỗng giật mình nhớ ra: Năm 1902 Lichtenfelden – Một cái họ Đức – đã xây dựng tòa Phủ Chủ tịch ở quảng trường Ba Đình ngày nay, Chính phủ cũng làm việc cạnh đó. Các kiến trúc sư Đức cũng đang xây toà nhà Quốc hội hiện đại, phía trước cũng là đài liệt sĩ và thành cổ, phía sau cũng là vườn Bách thú – Bách thảo nối với Hồ Tây, là phổi, cái máy điều hòa không khí của thủ đô ta.  Tương đồng kì lạ. Vấn đề là tổ chức sự sinh hoạt và chọn kiến trúc cụ thể ra sao mà thôi. Rất có cơ hội để trở nên đẹp một cách mẫu mực! Vậy mà chưa thấy đẹp. Hay ta chưa nhìn ra?

Nhân kỉ niệm 35 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Viện Quan hệ quốc tế Đức- IFA, tổ chức một triển lãm mỹ thuật đương đại Việt Nam -Connect – khá hay do bà B. Barsch giám đốc ifa – Gallerie Berlin và bà V. Radulovic, một nghệ sĩ từng ở Hà Nội 12 năm và giảng dạy tại đại học Mỹ thuật, tuyển chọn. Khá đông người xem. Một buổi thuyết trình, tọa đàm sôi nổi được tổ chức. Tôi có cảm tưởng công chúng dự hôm đó tường tận các vấn đề mỹ thuật đương đại, quan tâm tới nó hơn cả một số cán bộ quản lý văn hóa của ta! Song thú vị nhất là chương trình giáo dục nghệ thuật einladen (xin mời) cũng là ein Laden (một gánh hàng). 23 học sinh lớp 9 tới xem triển lãm, trao đổi tọa đàm. Sau đó các em thâm nhập các khu dân cư Việt quanh Berlin, làm phóng sự ảnh, tìm hiểu về con người và cộng đồng này. Rồi từng nhóm làm các tác phẩm là các “sắp đặt” dưới dạng các khay hàng đeo trước ngực của những người bán dạo. Triển lãm và những điều các em quan tâm được đưa lên mạng. Nhiều phát hiện của các em rất đáng lưu tâm: Vấn đề lớn của các gia đình Việt là con cháu chỉ nói tiếng Đức, ông bà, cha mẹ chỉ nói tiếng Việt vì tiếng Đức quá kém. Người Bắc và người Nam ở Việt Nam đã hòa hợp từ lâu nhưng ở Berlin thì họ lại chưa có được tiếng nói chung… Nghệ thuật đi vào đời sống như thế, bước  ra ngoài khung tranh, phòng triển lãm đến với tâm tư, tình cảm cảnh ngộ của những con người thực. Tôi nghĩ chính sự “giáo dục nghệ thuật” và triển lãm của các học sinh này là món quà lớn nhất cho công chúng và nghệ sĩ, là “ngoại giao văn hóa” sâu sắc. Ở ta mới chỉ có Bảo tàng Dân Tộc học của GS Nguyễn Văn Huy làm theo hướng này, và đã rất hiệu quả. Hai khái niệm “xã hội học tập”, và “học tập suốt đời” có vẻ còn trừu tượng ở Việt Nam, nơi mảnh bằng và chức danh quan trọng hơn bản thân sự học, thì ở Berlin, Roma hay Florence ta có thể bắt gặp chúng hiện hình cụ thể hằng ngày ở các bảo tàng. Khu Đảo Bảo tàng  gồm 5 nhà bảo tàng ở Berlin nổi tiếng thế giới với các kiệt tác nghệ thuật cổ đại Hi Lạp, Ba Tư, Ai Cập… Và tất nhiên bảo tàng Uffici hay bảo tàng Vatican đều thuộc loại top toàn cầu. Chúng là điểm đến ưa thích của hàng chục triệu người khắp năm châu mỗi năm. Nhưng trước hết chúng là các trung tâm giải trí và đào tạo của dân địa phương. Chưa vào mùa du lịch các tòa nhà này đã luôn đông nghẹt. Xếp hàng vài giờ là chuyện thường. Vé từ 6 đến 15 Euro, không đắt nhưng cũng không rẻ. Từ lúc mở cửa tới lúc đóng cửa ta luôn thấy: Các em bé mẫu giáo và tiểu học líu ríu cùng các cô giáo. Học sinh trung học và đại học nghiêm nghị lắng nghe các thầy bình luận các tác phẩm, ghi chép, chụp ảnh hoặc kí họa. Lớp trung niên thì đi theo tua có chuyên gia nghệ thuật nói đủ các thứ tiếng hoặc thuê tai nghe để tìm hiểu từng tác phẩm theo bản đồ cầm tay. Và không bao giờ thiếu các cụ già lò mò, run rẩy cắp theo những cái ghế nhẹ để ngồi trước mỗi bức tranh pho tượng. Nam phụ lão ấu ai cũng học cả! Học với đủ mọi hình thức, cấp độ: bắt buộc và tự nguyện, giải trí và nghiên cứu, phổ cập và nâng cao. Có hai chị em sinh đôi vừa lùn vừa liệt ngồi chung một xe đẩy khéo léo, tươi cười luồn lách giữa đám đông dừng lại trước tác phẩm họ thích, vừa nghe thuyết minh vừa trao đổi với nhau rất tự tin. Một chú bé bị mẹ kéo lại bắt nghe cho hết phần trình bày về một pho tượng vị lai. Một bé gái ngồi tư lự một mình, áp tai nghe theo dõi lời bình về một bức tranh siêu thực… Những cảnh đó thật cảm động nhưng quả là còn quá siêu thực với dân ta! Tự hỏi họ học cái gì ở đây? Họ học những  thứ “trừu tượng siêu thực” này để mà làm gì? Học tự thân nó đã là một giá trị sống, một phong cách sống. Nghệ thuật và bảo tàng không phải là cái để họ ngưỡng mộ, thờ cúng hay “giết thời gian” mà là cái là nơi họ sống và học tập tự chủ và tự tin!  Tuy chất lượng còn rất bê bết nhưng nước ta không thiếu bảo tàng, tỉnh nào chả có, binh chủng nào chả có, ngành nào chả có… chỉ thiếu đời sống của bảo tàng, sự học tập ở bảo tàng mà thôi! Chính vì không có sự sống, sự học tập nên chất lượng các “kho chứa đồ cũ” này lại càng thêm bê bết!

Di sản đầy đường. Florence đúng là như vậy. Với hơn 400 ngàn dân thành phố được coi là kinh đô của nghệ thuật Phục hưng có 8-9 triệu khách du lịch mỗi năm. Thành phố này mang dấu ấn của Người khổng lồ toàn năng Michelange, với hàng trăm pho tượng, trong đó có bức David, như là tác phẩm điêu khắc số một của nhân loại trong Thời đại mới. Hàng chục quảng trường, hàng trăm ngõ phố, hàng ngàn tòa kiến trúc từ lâu đài, dinh thự, nhà thờ, công sở đến nhà thị dân, giếng phun nước, vườn hoa, cầu qua sông Arno… mỗi hạng mục đều là một di sản nhân loại. Quanh mỗi ngõ ngách  đơn sơ, vắng vẻ nhất ta cũng có thể chạm trán một thiên tài, một kiệt tác. Vào mỗi toà nhà ta có thể bắt gặp những bức tranh, pho tượng từng là đề tài cho hàng chục cuốn sách, luận văn tiến sĩ… mà ta đã xem đến thuộc trong các sách giáo khoa. Muốn vào Uffici mùa này đã phải xếp hàng 3 tiếng. Nếu mua vé trước hẹn giờ vào cho ngày mai bạn chỉ cần xếp hàng khoảng 45 phút nhưng phải trả thêm 4 Euro. Trong 50 gian trưng bày tòa nhà hình chữ U khá giản dị, cũ kĩ này ta có thể chiêm ngưỡng 1000 kiệt tác. Ở các nơi khác mỗi bức như Mùa Xuân, Sinh ra nàng Venus của Botticelli, Madona của Rafaello hay Tin mừng của Leonardo…sẽ được đặt trang trọng, trong một phòng riêng và ta sẽ phải đi qua 1000 gian trưng bày! Đi theo chữ David và một mũi tên vẽ tay nguệch ngoạc trên các mảng tường cổ, tức xếp hàng khoảng 1 km, bạn sẽ tới với bức David thật bày trong bảo tàng của Viện Hàn lâm nghệ thuật! Trên đầu các quầy pizza, đồ lưu niệm, cạnh quán kem hay xưởng làm đồ da, phía ngoài một khách sạn hay một tiệm thời trang cao cấp… sau lưng một người ăn xin hay một sinh viên vẽ dạo, đàn dạo kiếm mấy Euro ta đều có thể gặp các thiên tài. Khi cách họ chỉ nửa mét tôi mới thấy các thiên tài thật giản dị. Hoàn toàn không có sự làm sang, hào nhoáng, chào mời, PR… bởi giá trị các di sản quá hiển nhiên. Di sản sống động trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Hoàn toàn không có quảng cáo hàng hóa. Hoàn toàn không có xây mới, làm mới. Mỗi viên gạch hòn đá đều “nguyên bản”. Một cái đầu tượng vỡ phần phục chế được chú thích cẩn thật. Một lọn tóc, một chóp mũi, dái tai… bị khuyết nếu làm lại cũng ghi rõ năm nào, ai đã phục chế. Phải bái phục cách bảo tồn, gìn giữ di sản và dùng di sản để làm du lịch, làm văn hóa, giáo dục, đào tạo của họ.  Ngẫm đến ta: Việc đập bỏ tất, làm mới kềnh càng, thô kệch, phục chế bừa bãi, chép nhái tứ tung, “phục dựng, sân khấu hóa, kỉ lục hóa” mọi di sản đang là một “đại dịch, một quốc nạn văn hóa” ở nước ta chăng?   Nghe sơ qua ba “điều trông thấy” ở trên một đàn anh trí giả bảo tôi: Mấy cái sàng khôn này của cậu nước ta chưa dùng được đâu. Nó mãi hoài hơi! Nhưng lòng tôi không nghĩ vậy nên mạo muội viết ra đây.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)