Ba nữ họa sỹ thế kỷ 20: Những ý tưởng nghệ thuật táo bạo
Các nghệ sĩ nữ thường là bộ phận ngoại vi trong những mô tả về tiến trình lịch sử, không chỉ của hội họa mà còn của nhiều loại hình nghệ thuật khác. Nhưng thực sự chính từ những nghệ sĩ nữ, những ý tưởng nghệ thuật táo báo, đột phá nhất, gây ảnh hưởng lớn thường được khai sinh. Ba nghệ sĩ nữ được giới thiệu trong chùm bài viết này đã cho thấy sự trực cảm, tinh nhạy và quyết liệt ở họ đã mở ra những cách tiếp cận nghệ thuật bất ngờ và giàu sức sống cho đến tận bây giờ.  
Olga Vladimirovna Rozanova
Cho đến trước lúc qua đời, Olga Vladimirovna Rozanova (1886-1918), nữ họa sĩ Nga, luôn là một nhân tố tích cực tham gia vào việc sáng lập các trào lưu nghệ thuật tiền phong kể từ năm 1911. Bà sở hữu một óc phân tích đặc biệt sắc sảo và là một trong những người biện hộ sớm nhất cho nghệ thuật phi biểu hiện. Quan niệm của bà có lẽ đã có những ảnh hưởng nhất định đến một số luận điểm của Kazimir Malevich.
*
Nghệ thuật hội họa là sự phân tách những hình ảnh sẵn có của tự nhiên thành những đặc trưng nổi bật của vật liệu phổ biến được tìm thấy trong những hình ảnh ấy; đó cũng là hành vi sáng tạo những hình ảnh khác nhau bằng quan hệ qua lại giữa những đặc trưng này; mối tương liên ấy được thiết lập bởi ý hướng cá nhân của kẻ Sáng Tạo. Người nghệ sĩ xác định được những đặc trưng này là nhờ năng lực nhìn thấy của mình. Thế giới là một mảnh vật liệu thô – đối với những kẻ thiếu sự mẫn cảm, nó chỉ là mặt sau của một tấm gương; nhưng đối với những tâm hồn sâu sắc, có khả năng phản chiếu, đó là tấm gương với những hình ảnh tiếp diễn không ngừng.
Làm thế nào thế giới tự phát lộ trước chúng ta? Làm thế nào mà tâm hồn chúng ta phản chiếu được thế giới? Để phản chiếu, cần phải biết hình dung. Để hình dung, cần phải chạm vào, phải nhìn thấy. Chỉ có Nguyên lý Trực giác (the Intituitive Principle) mới dẫn nhập ta vào Thế giới.
Và chỉ Nguyên lý Trừu tượng-Tính toán (the Abstract Principle-Calculation) – như là hệ quả của tham vọng mãnh liệt nhằm biểu hiện thế giới – mới có thể dựng lên một bức tranh.
Điều này lập nên trình tự sau của quá trình sáng tạo:
1. Nguyên lý trực giác.
2. Sự chuyển hóa cái hữu hình bằng kinh nghiệm cá nhân.
3. Sự sáng tạo trừu tượng.
Sự hấp dẫn của cái vô hình, sự quyến rũ của cảnh tượng lôi cuốn con mắt và tham vọng sáng tạo đầu tiên của nghệ sĩ được khơi dậy từ sự đối mặt này với tự nhiên. Khát khao nhìn thấu thế giới và, khi phản chiếu nó, người ta có thể nhìn thấy chính mình là một động lực thuộc về trực cảm chi phối việc chọn lựa Chủ đề – từ này nên được hiểu theo ý nghĩa hội họa thuần túy của nó.
[1913]
Georgia O’Keeffe
Ngay từ cuộc triển lãm sớm nhất của mình tại Gallery 291 của Alfred Stieglitz vào năm 1916, Georgia O’Keeffe (1887-1986) đã cho thấy một khả năng đặc biệt trong việc khám phá những tính cách trừu tượng thuộc về bản chất của các hiện tượng tự nhiên. Dù đôi khi hội họa của bà, nhất là những tác phẩm màu nước, gần như đi đến sự trừu tượng tuyệt đối, chúng vẫn luôn khởi nguồn từ mối đồng cảm của bà với các vật thể và nơi chốn – hữu cơ và phi hữu cơ – mà bà trực tiếp trải nghiệm.
*
Tôi thấy ngạc nhiên khi nhiều người tách bạch cái mang tính vật thể với cái trừu tượng. Một tác phẩm hội họa vật thể sẽ không phải là một bức tranh đẹp chừng nào nó không mang một phẩm chất trừu tượng. Một ngọn đồi hay một cái cây chưa thể tạo nên một bức tranh đẹp khi nó chỉ là một ngọn đồi, một cái cây. Chính màu sắc, đường nét gắn kết với nhau để nói lên một điều gì đó. Với tôi, đó đích thực là nền tảng của hội họa. Sự trừu tượng hóa thường là hình thức rõ ràng nhất cho những gì mơ hồ ở trong tôi mà tôi chỉ có thể làm rõ khi vẽ.
Natalia Sergeevna Goncharova
Điều kiện của một gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu đã cho phép Natalia Sergeevna Goncharova (1881-1962) được học hành bài bản cùng với những chuyến du lịch khắp châu Âu. Năm 1906, bà đến Paris cùng với người bạn đồng hành, Mikhail Fedorovich Larionov. Tại đây, họ đã hào hứng khám phá nghệ thuật của trường phái Dã thú và các tác phẩm sẽ khơi nguồn cho phong cách lập thể của Picasso. Trở về Nga, Goncharova bắt đầu vẽ theo phong cách nghệ thuật tiền phong mà bà đã được quan sát ở Paris. Tuy nhiên, không lâu sau đó, bà hướng mối quan tâm của mình đến di sản nghệ thuật dân gian Nga, khai thác các mô-tip trong nghệ thuật của nông dân, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều họa sĩ khác cùng thời, trong đó có Kazimir Malevich. Niềm hứng thú đối với Chủ nghĩa Vị lai đã đưa bà hợp tác với Larionov để cùng phát triển một bút pháp trừu tượng mà họ gọi là Rayonism (Chủ nghĩa Tơ nhân tạo). Từ năm 1916, bà cùng Larionov định cư tại Paris, tại đây, bà chuyển hướng quan tâm của mình sang lĩnh vực thiết kế sân khấu.
*
Tôi tin rằng nghệ thuật hiện đại Nga đang phát triển với tốc độ mau lẹ và đã đạt được những đỉnh cao mà trong tương lai gần thôi, nó sẽ giữ vai trò đi đầu trong đời sống nghệ thuật quốc tế. Các ý tưởng nghệ thuật từ phương Tây (chủ yếu từ Pháp, những nơi khác không đáng nói đến) có thể không còn tác dụng gì với chúng ta nữa. Và sẽ không còn xa nữa, phương Tây sẽ học tập từ chúng ta với tinh thần cởi mở.
Tôi muốn rũ sạch bụi của phương Tây và tôi thấy những người vẫn đang cố gắng bắt chước những khuôn mẫu của phương Tây với hy vọng trở thành những họa sĩ thuần khiết, những người sợ tính văn chương trong hội họa hơn cả cái chết là những kẻ lố bịch và vụng về. Tương tự, tôi cũng thấy buồn cười làm sao trước những kẻ biện hộ cho tính cá nhân và những kẻ cho rằng có giá trị nào đó trong chữ “Tôi” của họ ngay cả khi cái Tôi ấy cực kỳ hạn chế. Tính cá nhân mà thiếu tài năng thì cũng vô dụng như một sự bắt chước kém cỏi và ta cứ mặc kệ luận điểm cũ kỹ, lạc hậu đó đi.
Tôi hàm ơn sâu sắc những họa sĩ phương Tây vì tất cả những gì họ đã dạy tôi.
Sau khi đã thận trọng điều chỉnh tất cả những gì có thể làm được theo những khuynh hướng này, sau khi nhận được vinh dự được đặt ngang hàng với các họa sĩ phương Tây đương đại – ở ngay chính phương Tây – giờ đây, tôi muôn khai phá một con đường khác.
Hải Ngọc dịch
Nguồn: Twentieth – Century Artists on Arts, Dore Ashton biên tập, NY:Pantheon Books, 1985.