Bậc thầy của những bí ẩn nơi trái tim con người
Alice Munro kể những câu chuyện lớn lao về những con người có đời sống bề ngoài nhỏ bé. Hiếm khi bà viết về một con người bên lề với phẩm chất đặc biệt. Bà là người bảo vệ lớn cho những kẻ bên lề bình thường, của những người không thể vừa vặn với cuộc đời ở những điểm tuy nhỏ nhưng lại rất quan trọng, những người cần một đời sống tốt đẹp hơn thứ được đem đến cho họ.
Câu văn của bà luôn giản dị và trong sáng nhưng không bao giờ bị rơi vào buồn tẻ. Văn xuôi của Munro rất có nhịp điệu. Bà biết một dòng nên dài đến đâu, hay khi nào một câu dài nên được tiếp nối bằng một câu ngắn hơn. Cảm quan nhạc tính của Munro thật hoàn hảo, vậy nhưng tác phẩm của bà không thuộc loại trưng trổ kỹ thuật với tham vọng làm lại văn chương. Munro không phải Joyce, cũng chẳng phải David Foster Wallace – tôi nhắc đến họ với niềm kính trọng. Tác phẩm của bà được viết bằng một lối viết khiêm nhường hơn và theo nghĩa nào đấy nó cũng là canh bạc lớn hơn. Bà không mong trở thành một trong số những chàng tuổi trẻ – dường như họ hầu hết chỉ là những chàng trai – muốn tạo ra những sự thách đố và gây hấn trong văn chương vốn thường được người ta nghĩ đến như những khẩu thần công, và bởi tác phẩm của bà không hô hào, ngôn từ của bà chẳng quả quyết, bà chấp nhận mạo hiểm đứng khuất sau những phong cách ồn ã khác. Trên thực tế, sự quả quyết khi bà đào sâu vào đời sống nhân vật của mình khiến những thử nghiệm bề mặt bỗng trở thành hướng đi dễ dãi. Munro không bận tâm nhiều đến việc gây ấn tượng với độc giả. Bà bận tâm nhiều hơn đến sự thâm trầm, vẻ đẹp và chân lý trong những truyện của bà.
Tôi không biết liệu có tác giả nào khác có thể làm tốt hơn Munro trong việc khắc họa những hỗn độn nơi bản thể con người, sự phức tạp và mờ tối khó ngờ của những cảm xúc. Chẳng hạn, Munro kiên quyết từ chối chấp nhận ý niệm rằng người mẹ hay đứa con hành xử theo những phương thức khả đoán. Bà để cho cha mẹ có những cảm giác nhập nhằng về những đứa con của họ và ngược lại. Và cách Munro xử lý vấn đề tình dục trong tác phẩm của mình có chút gì đó giống với điều Flannery O’Connery từng làm với sự can thiệp của thánh thần (divine intervention)1. Rất nhiều truyện của Munro xoay quanh sự hiện diện của những quan hệ dục tính cuốn phăng cuộc đời nhân vật chính hệt như Bàn tay của Chúa trong tác phẩm của O’Connor. Thật khó tin nhưng đó là sự thật. Còn thứ gì khác có thể đảo lộn những kế hoạch của chúng ta hơn tình dục và tình yêu? Bạn đang sống và mọi thứ có vẻ yên ổn, và rồi – kapow! một quan hệ dục tính xuất hiện và đời bạn chẳng còn như xưa nữa.
Munro thấu hiểu mối tương tác phức tạp giữa ý chí, khát vọng của chúng ta với những ngoại lực mà ta hầu như không thể kiểm soát. Một ngoại lực có thể đến, từ sự kiểm soát của chính quyền cho đến thứ gì đó đột ngột cho bạn thấy đời sống lãng mạn của bạn chỉ là một ảo tưởng, một sự giả tạo. Munro không e sợ cái hỗn loạn; bà biết rằng sự hỗn loạn sẽ bồi đắp bản lĩnh chúng ta. Như mọi tác gia tôi kính trọng, bà hiểu rằng công việc của nhà văn hư cấu chính là làm cho thế giới này càng thêm phức tạp. Bà buộc độc giả ý thức rằng dù mọi thứ trông có vẻ phức tạp đến đâu, thực chất chúng còn phức tạp hơn thế.
Nếu các nhà văn có xu hướng hoặc hết sức lãnh đạm hoặc quá mức ân cần, thì Munro lại thuộc về một đẳng cấp của riêng bà. Bà mang lòng trắc ẩn lớn lao nhưng không hề ủy mị. Munro nhắc nhở chúng ta rằng không có cách giải quyết đơn giản nào cả. Có hạnh phúc, bi kịch và những thứ ở giữa chúng; và bất kì thế giới quan nào khăng khăng thứ này và bỏ qua thứ khác thì đều bất toàn hoặc phiến diện. Bí ẩn và bất ngờ là thành phần cốt yếu của mọi câu chuyện, và Munro là bậc thầy về cái bí ẩn náu mình trong trái tim con người. Ít kinh nghiệm nào có thể khiến độc giả thỏa mãn hơn việc được nhìn nhân vật làm điều gì hoàn toàn bất ngờ và rồi chợt nhận ra đó là thứ duy nhất mà nhân vật có thể làm. Trong truyện của Munro, bạn không biết được điều gì sắp xảy đến với mọi người – tựa như trong chính cuộc đời này vậy.
Đức Anh dịch
Nguồn: “Appreciations of Alice Munro”, Lisa Dickler Awano biên soạn, The Virginia Quarterly Review, Summer 2006; 2, 3, trang 91-4.
————
1 Divine intervention: sự can thiệp của thần thánh vào diễn biến sự kiện, kiểu như trong thần thoại Hy Lạp