“Bài ca Solomon”: Bi kịch là một kho báu

Bắt đầu bằng một cú bay và kết thúc bằng một cú bay, Bài Ca Solomon tự thân nó cũng là một cú bay từ Kinh Thánh.

“Tình yêu mạnh như sự chết” (Nhã Ca Solomon 8:6). Tình yêu và sự chết, đối xứng nhưng giá trị tuyệt đối là ngang nhau. Mở đầu kiệt tác Bài Ca Solomon, Toni Morrison – chủ nhân của giả thưởng Nobel văn chương năm 1993 – tạo ra một thế đối xứng như thế. Một người đàn ông tập bay từ trên gác mái và một đứa trẻ chào đời. Sự sinh (thường được hiểu như một tương đương với tình yêu) gặp gỡ / đối đầu / chạm trán cái chết: quỹ đạo của người nhân viên bảo hiểm và quỹ đạo của đứa bé Macon Dead III lướt qua nhau – quỹ đạo của một kẻ đi tìm tự do sau cùng và quỹ đạo của một tù nhân mới của màu da, giới tính, cuộc đời, lịch sử và nói chung là số phận.

Macon Dead III là con trai của một người da đen thành đạt. Sự giàu có của cha anh như một sự trả thù với chế độ nô lệ. Nhưng giàu có không phải một bao tải đủ lớn để phủ trùm lên lịch sử gia đình đã bị băm vằm đến xương cốt. Chàng thanh niên với cái biệt danh ô uế “Hàng Sữa” vì vẫn còn bú mẹ khi đã lớn tồng ngồng không thể không bị cuốn về điểm xoáy lốc trong dòng thời gian hàng chục năm trước nơi chuỗi bi kịch gia tộc mình đã diễn ra và vẫn còn bỏ ngỏ.

Bắt đầu bằng một cú bay và kết thúc bằng một cú bay, Bài Ca Solomon tự thân nó cũng là một cú bay từ Kinh Thánh. Những Solomon, Pilate, Ruth, Hagar, Magdalene,… được lấy từ trong tay Chúa và rồi được Toni Morrison thổi một luồng ruach (רוּחַ) – hãy tạm gọi là thần khí – và họ có một cuộc đời khác, ngoài thế giới thần thoại họ đã sống quen, trong một thời đại mà mọi thứ bị đảo lộn, bị lộn trái, và có lẽ đó là lý do mà Pilate không còn là tên của kẻ đã lệnh đóng đinh Chúa Jesus mà trở thành tên một người đàn bà bí ẩn được sinh ra từ bụng mẹ nhưng không có rốn, ngày càng thu mình vào một nội tâm tinh thần, luôn giữ bên mình một túi đựng xương bà tin là của cha; là lý do mà Ruth từ một người đàn bà goá một lòng với mẹ chồng cùng câu nói: “Mẹ đi đâu, con theo đấy” trở thành con gái vị bác sĩ da đen được trọng vọng trong vùng và vợ một người đàn ông da đen giàu có, nhưng sự phụ thuộc và mối dây ràng này không phải là lựa chọn tự nguyện; là lý do mà Solomon người trị vì trong những huyền thoại về trí tuế bậc hiền giả và kết cục sa ngã, khi sống trong thế giới này, đã phải bay lên, dù cuối cùng thì đế chế mà ông gầy dựng cũng không tránh khỏi sự tan vỡ như vương quốc Israel trong thánh kinh.

Toni Morrison

Rời khỏi thánh kinh, những nhân vật chỉ còn là những cái tên, với cuộc đời mới, thân thể mới, lại vật lộn lại từ đầu, như thể những hành trình trên đất thánh cũng chưa dạy cho ai bất cứ điều gì, họ được tái sinh và xuất hiện trở lại ở một vùng đất khác, một thời đại khác, lại mắc míu vào những lao khổ mới, tất cả mọi lao khổ đều như lần đầu tiên, như chưa từng có bài học nào đã được ghi lại để dạy con người. Sau bao nhiêu nghìn năm cũng chưa ai học được gì.

Sau bao nhiêu nghìn năm cũng chưa ai học được gì. Ta hãy nhìn xem gói vàng đã chia lìa Macon Dead Jr. và Pilate, cũng là cuộc săn vàng đã chia lìa Hàng Sữa và người bạn mình, cũng là cuộc săn kho báu mà cuối cùng Hàng Sữa sẽ chỉ đào bới ra toàn bi kịch. Vàng, Kinh Thánh nhắc đến còn chưa đủ nhiều hay sao? Toàn thế giới có ai giàu có và nhiều vàng hơn Vua Solomon? Ngài đã xây Đền thờ Solomon từ vàng được hiến dâng lên mình và rồi chính sự thịnh vượng ấy đã dần kéo ngài xa khỏi vòng tay Thiên Chúa. Còn Judas đã chỉ điểm Chúa chỉ vì vỏn vẹn 30 đồng bạc (còn chưa phải là vàng). Nhưng tiếng gọi của những ánh kim vẫn vẫy gọi Hàng Sữa, và có lẽ nếu thế giới có được tái khởi lại thì rồi đến một lúc ta sẽ lại bắt gặp cùng những con người ấy, vẫn đang trên đường tìm vàng, vẫn rúc đầu vào những thứ chắc chắn sẽ xé bỏ phong ấn những vong hồn quá khứ, để quá khứ trào ra và ám lấy ta.

Cuộc khai quật quá khứ của Hàng Sữa hồi hộp như một kỳ án hay một chuyến thám hiểm, một cuộc khảo cổ với những manh mối được cài cắm rải rắc như cấu trúc một truyện điều tra; hành trình cũng ứng tác như một bản blues jazz với những nghịch âm, đảo phách, những vòng hoà thanh phức tạp, không thể đoán trước, và mỗi nhân vật như một nhạc cụ trong một jazz ensemble, ai cũng được trao cho ít nhất một quãng đơn tấu, với những người đàn ông như những cây kèn đồng oai vệ, kiêu hãnh, phô trương, nhưng cũng đáng sợ, như một người bạn của Hàng Sữa cùng tham vọng lấy mạng đổi mạng để trả thù người da trắng; với những người đàn bà như bè piano, như bè bass lẩn quất bên dưới, nhưng có khi lại là mạch ngầm dẫn dắt.

Toni Morrison đã làm điều mà những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất trong lịch sử đã làm – như Lev Tolstoy đã làm với Anna Karenina hay Gustave Flaubert đã làm với Madame Bovary – di cư vào một tâm trí giới hoàn toàn khác để kể chuyện.

Và nhân đã nói đến sự nhập vai, thì đây, trong Bài Ca Solomon, Toni Morrison đã làm điều mà những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất trong lịch sử đã làm – như Lev Tolstoy đã làm với Anna Karenina hay Gustave Flaubert đã làm với Madame Bovary – di cư vào một tâm trí giới hoàn toàn khác để kể chuyện. Đó là hành động cao cả nhất mà một tiểu thuyết gia có thể làm được: sống với một nhân thân khác, bất chấp tất cả những giới hạn vật lý để đặt bản thân vào một người không giống ta. Bản thân sự nhập vai ấy đã là một nhát búa vào khuôn mẫu và mực thước, và mục tiêu không hẳn là tạo ra một giọng kể khả tín đến mức ta thực sự không một chút hoài nghi đây hoàn toàn là góc nhìn một người nam / người nữ, mà là cơi nới cái thế giới vốn được đặt vào rất nhiều barie và dải phân cách, để tìm thấy một lối đi hẹp giúp ta đi xuyên qua thế giới ấy.

Quay lại với cuộc săn vàng của Hàng Sữa, câu hỏi là liệu nếu không đi tìm vàng, Hàng Sữa có thể có một kết cục khác hơn là một cú tập bay, tái hiện lại cú phóng mình của ông cố mình? Và nếu có kết cục khác, kết cục ấy có đáng khao khát hơn không?

Bi kịch của con người lại nằm ở đây: rằng cả khao khát tự do lẫn khao khát tự hủy, cả khao khát nhận thức và khao khát dục vọng đều hồi quy về cùng một điểm. Nếu không chứng diện bi kịch thì cũng không nảy sinh ra khao khát vượt thoát. Càng biết nhiều hơn càng thấy rõ hơn yên cương của lịch sử đã thít chặt vào ta, thúc ta tiến tới. Nhưng nếu không biết gì cả thì yên cương vẫn còn ở đấy, chỉ là ta không thấy, và bộ yên vô hình vẫn đè nặng lên ta, như cách Hàng Sữa bị đè nghiến bới những phiên bản khác nhau về quá khứ gia đình mà anh không biết nên tin ai, tin vào đâu. Anh ta vẫn bị đè nghiến, không phải bởi sự vô tri thì là bởi sự hữu tri, không phải bởi lớp mù sương thì là bởi sự sáng rõ về lịch sử. Cũng như tình yêu và cái chết, tất cả những cặp đối xứng này có chung một giá trị tuyệt đối, chúng chỉ ngược dấu và ngược hướng mà thôi, còn sức ép là như nhất.

Một người đàn ông trẻ tuổi đi tìm kho báu, rốt cuộc lại tìm ra một đại bi kịch. Song cũng có thể nói theo cách khác: hiểu biết tận tường về bi kịch cũng là một kiểu kho báu. Và bản thân bi kịch cũng là kho báu. Không có bi kịch thì con người đã không phải huỷ mình. Nhưng không có bi kịch thì cũng làm gì có ai muốn được bay lên.

Bài đăng Tia Sáng số 7/2025

Tác giả

(Visited 20 times, 20 visits today)