Bạn đã đọc chưa – thơ Dư Thị Hoàn?

Khoảng 50 năm về trước, lịch sử văn học Việt Nam ghi nhận một hiện tượng: Hồ Dzếnh (tác giả tập truyện ngắn - thơ - hồi ký Chân trời cũ (1942), trong đó rung lên một trái tim trắc ẩn thánh thiện đồng thời chứa chất ma lực nghệ thuật, lay động thấm thía tận đáy hồn người. Tác giả Chân trời cũ càng lạ và càng quý thêm bởi nửa phần máu huyết thuộc dân tộc Trung Hoa, nhưng tấm lòng con người ấy lại trĩu nặng tình quê mẹ Việt Nam: “Hỡi nước Việt Nam, tôi nghiêng lòng xuống người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói tiếng nói của Người, vì tôi đã thề yêu Người trên bậc tuyệt vời của tôn giáo". Gần nửa thế kỷ trôi qua. Giờ đây, một hiện tượng văn học có phần tương đồng lại xuất hiện: Thơ Dư Thị Hoàn.

Nói có phần vì Dư Thị Hoàn là nữ, nữ thật (không phải nữ kiểu Lưu Thị Hạnh, tác giả Một truyện tình 15 năm về trước- 1942, mà lại chính là Hồ Dzếnh), thậm chí một thời còn được tôn là hoa khôi trường Hoa kiều Trung học (Hải Phòng), “có phần” nữa khác vì Dư Thị Hoàn gốc Hoa trăm phần trăm. Hai phần ấy chẳng qua tiểu dị; điểm đại đồng đáng quý giữa hai cây bút này là nếu Hồ Dzếnh được coi như “con nuôi nước Việt” (xem Tác phẩm chọn lọc – NXB Văn học, 1988), thì giờ đây Dư Thị Hoàn cũng tâm niệm một lòng gắn bó với mảnh đất thân quen qua nửa đời người. Hiện nay, mẹ và các em của chị đang sống ở một xứ xa xôi  “bên kia bờ biển… Rực ánh đèn thâu đêm nê-ông” (Bức thư người Hoa); nhưng tác giả tập thơ Lối nhỏ (Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng – 1988) vẫn tự nguyện làm “giọt máu sẻ chia miền đất xa tít tắp”, hàng ngày cùng chồng con “thương nhau, xì xụp bát canh bầu ám khói” ở “dải đất này chao đảo”. Cái “dải đất” mà tác giả Quê ngoại hằng “yêu mến bằng một tấm lòng trọng đại vô song” mặc dầu đời thường thuở ấy cũng “không được huy hoàng rực rỡ” (Em Dìn, 1943)… Tác giả Lối nhỏ tự nguyện ở lại đất Việt, để như chị thường tâm sự với bạn bè – làm thơ:

Nếu mai sau
Bài thơ được chắp cánh bay cao
Bằng lao động kiệt cùng
Chị sẽ đền ơn mẹ
Và lúc đó đừng ngạc nhiên các em nhé
Nếu chị không dùng tiếng mẹ đẻ
Nếu bài thơ viết bằng ngôn ngữ
Của một dân tộc đau khổ
Mẹ và các em đã rời bỏ, lìa xa.

   (Bức thư người Hoa , 1987)
Mới chính thức bước lên thi đàn, Dư Thị Hoàn đã gây được sự chú ý đặc biệt của người đọc với ba bài thơ đăng trên tuần báo Văn nghệ (số 1244, ngày 5-9-1987): Viên mãn, Bước chân chậm, Trong bệnh viện tâm thần.
Trong Bước chân chậm: giữa “những ngày ốm đau” (câu này do biên tập báo Văn nghệ biên thêm, không có trong bản thảo – DTH), “ Em chỉ mong có một tiếng gõ cửa”, thế rồi một sớm mai, tiếng ai đã động mái ngoài:
Tiếng bước chân anh ngoài cửa
Em hồi hộp rút then ngang khe khẽ
Anh đã đến với em…
Nhưng có ngờ đâu
Nắng buổi sáng
Nắng chói chang
Đã ùa vào ôm gọn em trước mặt anh
Anh đến với em…
Muộn mất rồi

     (1987)
Cái “nắng buổi sáng” ngang nhiên ôm người theo kiểu Lược hôn cổ quái như vậy hình như là một trong những hình tượng thơ hiếm thấy trong thơ ca đông tây kim cổ. Hình tượng thơ dị thường ấy hàm nghĩa ra sao? Tất cả người đời đều chậm trễ cả chăng? Hạnh phúc vô thường chăng? Định mệnh chăng?… Bạn đọc cứ nên khám phá, nghĩ suy… Khoảng hai trăm năm về trước, “Ông già lười” mà nhất mực siêng năng Lãn Ông – Lê Hữu Trác đã góp ý với chúng ta rồi: “Thơ cốt ở ý, ý có sâu xa, thơ mới hay. Phải làm cho người đọc suy nghĩ mới hiểu được thì mới hay. Không phải bất cứ điều gì cũng phải nói ra bằng lời”! Bạn đọc trước bài thơ hãy cứ nên “đối diện đàm tâm”.
Đến bài Trong bệnh viện tâm thần:
… Tôi sẽ khỏi bệnh
Lại dịu dàng hát bên chiếc khung thêu ngày ấy
Không cần bác sĩ
Không cần những viên thuốc đắt tiền
Chỉ cần đôi bàn tay nào run rẩy mang đến
Một nhành hoa dại thôi.

      (1987)
“Một nhành hoa dại thôi”! Nét bút thơ lại khơi gợi ra miền nào thăm thẳm nữa! “Hoa dại”, hoa đồng nội kỷ niệm tình yêu tuổi xanh xa xưa không bao giờ trở lại, hay hoa của bây giờ – anh nghèo lắm không đủ tiền đối thoại với quán hoa nhưng là “một nhành” hương sắc hồn hậu của trời đất mưa chăm nắng bón như tình người và hạnh phúc, được biểu lộ qua tiếng thơ đột xuất đến thế hẳn cũng không nhiều.
Cách nhau nửa thế kỷ, văn Chân trời cũ rồi thơ Dư Thị Hoàn qua tập Lối nhỏ đã làm biểu lộ cái hằng số bi kịch của một địa bàn cư dân Đông và Nam Á. Liệu chúng ta có liên quan gì với cái hằng số này không? Khi xưa văn hào Pháp Huygo trả lời rồi: “Đừng tưởng không có anh trong những dòng riêng tư của người viết”. Biêlinxki nói rõ thêm: “Bất cứ nhà nào, sở dĩ họ vĩ đại là bởi vì có những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội”. Có lẽ độc giả sẽ không cảm thấy xa lạ với tứ thơ Số phận sau đây:
Đừng bắt tôi lên diễn đàn
Đừng buộc tôi ra sân khấu
Hãy để tôi ngồi yên trong góc tối
Như cái chiện đen giáng xuống
Tờ khai sinh của tôi
Thời cuộc sắp đặt tôi
Gần hết một đời rồi
Tôi đã quen chỗ ngồi

Góc tối (1)
“Thương thay cũng một kiếp người”, cái chủ đề trữ tình “bà góa sống không còn biết khóc” đã “quen chỗ ngồi góc tối” ấy lại thiếu thói quen sử dụng những loại thuốc giám thống “hiện đại”, bởi vì người thiếu phụ ấy cổ quá, Đông phương quá – người đó không những chấp nhận tình huống:
Nụ cười em lãnh đạm
Đôi mắt em lơ đãng
Đâu phải cho anh
Mà để tự hành hình
Chớ dừng chân
 Khi vô tình gặp em anh nhé
Em mang bản án chung thân
Gái đã có chồng !

    (Tình lặng – 1987)
mà còn hay dùng phép “dịch địa” để tìm đáp số cho những bài toán thế tình éo le:
Anh đến thăm em
Có gặp dáng chị ấy thẫn thờ đợi cửa

Anh ơi
Anh mãi mãi là mặt trời
Của người vợ đáng thương ấy
Lẽ ra trên thế gian này
Đừng nên có em

    (Chị ấy – 1987)
Nữ thi sĩ am hiểu văn học và văn hoá Trung Hoa này muốn xử thế theo chữ “nhân” trái tim Nho giáo: “Kỷ sở bất dục, bất thi ư nhân” (Điều mình không muốn, chớ làm với người). Đó là một nét nhân bản khả thủ, kết quả của việc tiếp thụ truyền thống, nhưng ứng xử vị tha “duy lý” như vậy lại có phần gây nguy cơ thêm cho tâm bệnh nan y. Bị bao vây giữa biết bao giằng xé (nội tâm, gia đình, đất nước), tác giả Lối nhỏ không thể trèo lên đỉnh núi cao theo gót thiền sư xưa mà “Kêu dài một tiếng lạnh cả bầu trời” (Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư – Không Lộ thiền sư); lòng buồn đành tìm đến với những “Đêm trắng” một mình mình biết, một mình mình hay:
Đêm mất ngủ ngọt ngào
Báo tử từng tế bào vỏ não
Ta không dại dột nữa đâu
Hỡi viên thuốc ngủ
Chớ dở trò quyến rũ
Hạnh phúc đã cho ta tận hưởng đêm trắng
Vần vụ với chính ta
Hình bóng
Mông lung

     (1988)
Nhận hung tín “báo tử tế bào vỏ não” mà cảm thấy “đêm trắng” là “hạnh phúc đã cho ta tận hưởng…”, như vậy tuy không hiển ngôn nói rõ, nhưng từ Bước chân chậm, Trong bệnh viện tâm thần… qua Tình lặng, Chị ấy đến Đêm trắng đã thấp thoáng hiện dần một niềm đau vô oán :
 “Em mang bản án chung thân”… bản án thiên sinh không cội nguồn khởi tố.


Không đề- Tranh Bửu Chỉ

Niềm đau vô oán thấp thoáng này đã từng xuất hiện “toàn phần” trong thơ ca Việt Nam từ trước 1945 với tên gọi “sầu vô cớ” (thiên cổ sầu, vạn cổ sầu). Về bản thể là sầu nghìn xưa, sầu muôn thuở của người, một tính thường nhân loại – sầu tính dã! – một niềm đau vô oán: “Nghĩ trời đất vô cùng, một mình tuôn giọt lệ” (Niệm thiên địa chi du du – độc thương thiên nhi lệ hạ – Trần Tử Ngang). Dạo đầu cho khúc nhạc sầu vô cớ trong văn chương lãng mạn là Tản Đà: “Sầu không có mối, chém sao cho đứt, sầu không có khối, đập sao cho tan”; tiếp đó là Huy Cận: “Một chiếc linh hồn nhỏ, mang mang thiên cổ sầu”; Xuân Diệu: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”; Tế Hanh: “… không biết cớ sao buồn”…
Như vậy, niềm đau vô oán bàng bạc trong Lối nhỏ của Dư Thị Hoàn có mạch nối lịch đại với thơ Việt Nam quá khứ. Nỗi niềm ấy lại cũng có quan hệ đồng đại với một số thi tứ trong dòng chảy của thơ ca Việt Nam hiện đại (nhất là mấy năm gần đây): đó là những cảm xúc về tình yêu chia ly, tuổi già đến sớm… Kêu lên những nỗi niềm sầu vô cớ, đau vô oán một cách thấm thía đẫm tính mỹ học, các thi nhân xưa và nay không làm chuyện vô bổ mà hữu ích, không hành động tiêu cực mà tích cực: họ đã dánh thức tính tương thân và tương trợ của cộng đồng nhân loại–cái nhân loại có dị biệt giai cấp mà tương đồng bản mệnh: “Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai” (ca dao), “Hận sự xưa nay khó hỏi trời” (Cổ kim hận sự thiên nan vấn – Nguyễn Du)… Nghệ sĩ nói về cái sầu thường dễ được thế nhân cộng cảm vì nhân loại đồng bệnh: “Đồng bệnh tương lân” – thi sĩ nổi tiếng Pháp Muyxê từng nhận xét: “Lời tuyệt vọng là lời ca đẹp nhất – Tiếng nấc kia chứa tuyệt bút muôn đời” ( Les plus désespérés sont les chants ies plus beaux – Et j’en sais d’immortels qui sont de purs sanglots )–Do nhiều nguyên nhân, tinh thần cộng đồng nhân loại ngày càng thức tỉnh này đang chi phối một quan niệm phổ biến hiện nay: trái đất là một mái nhà chung, cần đối thoại giải trừ quân bị, phải hợp sức bảo vệ môi sinh… Nhìn lại những nhà nhân đạo chủ nghĩa đại giác trong lịch sử loài người mà một số đã được tôn vinh giáo chủ, ta thấy hạt nhân minh triết của các vị cũng không ngoài ý thức sâu sắc về nỗi đau. “Bọt trong bể khổ…” (Nguyễn Gia Thiều), nhưng mà “Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu” (Nguyễn Du)…, dẫn đến chủ thuyết một tình yêu lớn: Giê-su nói “Bác ái”, Tất-đạt-đa giảng “Từ bi”, Khổng Khâu khuyên “nhân” và Mặc Địch “mòn chân lỏng gót” trên bao nẻo đường liệt quốc cũng chỉ cốt kêu lên một lời khuyến dụ: “kiêm ái” (gồm yêu – amour universel)…
“Tiếng khóc” khan hay đẫm lệ thoảng vang Lối nhỏ, qui căn đáo để, phải chăng cũng là một mảnh hồn nhân bản, có công năng gọi thức tình người.
 Với nội dung khá đặc thù, thơ Lối nhỏ va đập mạnh tâm thức độc giả chủ yếu do tứ chứ không phải vì từ. Nhiều lúc tác giả cũng đã hy sinh từ (kể cả vần và nhạc tính), cho tứ có ý thức hay không, nhà thơ đã tuân thủ kinh nghiệm cổ nhân: “Người xưa không bỏ phép luyện chữ. Nhưng lấy cái hơn ý mà không lấy cái hơn về lời” (Thẩm Đức Tiềm). Đặc biệt trong cấu tứ thì tương tự Đường thi, trọng tâm tứ thơ Dư Thị Hoàn thường lắng đọng ở mấy câu kết có tính đột biến (coup de théâtre). Có thể coi bài Tan vỡ là tiêu biểu:
Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ
Bút viết xong không đậy nắp bao giờ
Ôi anh yêu, lơ đãng đến là
Con nai rừng của em…

*
Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi
Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng
Nếu không có một lần
Một lần như đêm nay
Sau phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em./.

Cũng do tác giả thơ Lối nhỏ dồn tinh lực sáng tạo cho tứ thơ nên trường hợp tứ thơ bị đuối thì toàn bài trở thành mờ nhạt dễ quên (Qua đèo Hải Vân, Một giọt nước mắt…). Dẫu sao mặc lòng, chỉ cần những bài đặc sắc trong số hơn 40 bài của tác phẩm đầu tay, Dư Thị Hoàn cũng đáng được chúng ta trân trọng.
Dư Thị Hoàn sinh năm 1947, tên thật là Vương Oanh Nhi, thường được gọi tắt thân mật là Oanh: Hoàn là sắp xếp lại chữ Oanh (thêm dấu huyền cho đẹp), Dư là thừa – bút danh Dư Thị Hoàn ngậm nghĩa đắng cay là Cái Oanh thừa!
Thưa nhà thơ Dư Thị Hoàn! Chị không thừa đâu! Chị cần cho đời.

VI   VU
          Dư Thị Hoàn

 
Hà nội
       Mùa thu rồi nhỉ
Yểu điệu
       đài các
                mà làm gì
Chẳng hẹn 
           vàng lá vẫn rơi
Thả mình đi em
          gương soi

***
Màu tím của ngày hôm qua
Màu hồng ngày hôm kia
Cả màu trắng trong ngày xưa nữa
Bội mùa hư không
***
Khâu lại chiếc ba-lô chưa kịp rũ bụi
– ừ , em đi
Lại một hành trình không chú thích
Thân gái dặm trường
Mùa nào mà chẳng hư không …

    11/9/05

 

Văn Tâm

Tác giả

(Visited 32 times, 1 visits today)