Bản giao hưởng gây tranh cãi của Dvorak

Khi rời nước Mĩ trở về quê hương năm 1895, Dvorak đã để lại đằng sau một tác phẩm mang “tinh thần Mĩ” đầu tiên thuộc thể loại âm nhạc nghiêm túc, mặc dù nguồn cảm hứng của nó không ngừng gây tranh cãi.

Vào cuối thế kỉ 19, trong khi nền văn học Mĩ đã tạo dựng được tiếng tăm ghê gớm thì nền âm nhạc nghiêm túc của Mĩ vẫn sa lầy trong những khuôn mẫu cũ. Một nhóm các mạnh thường quân Mĩ không bằng lòng với thực trạng đó nên tìm cách phát triển âm nhạc và hướng đến tính dân tộc của mình. Trong số đó có Jeanette Thurber, phu nhân của một thương gia giàu có. Bà quyết định thành lập Nhạc viện Quốc gia Hoa Kỳ và đã nhìn thấy khả năng lãnh đạo chắc chắn ở nhà soạn nhạc người Czech Antonin Dvorak. Thế là năm 1892, Dvorak đến New York tiếp nhận trọng trách mà phu nhân Thurber giao phó – Giám đốc Nhạc viện Quốc gia Hoa Kỳ, với mức lương cao gấp 20 lần so với ở Prague.

Lúc đó, đã nổi tiếng là bậc thầy lai ghép những giai điệu dân gian vào các hình thức cổ điển, Dvorak tuyên bố: “Tôi tin chắc rằng âm nhạc tương lai của đất nước này phải được hình thành trên cái gọi là những giai điệu da đen. Chúng có thể làm nền tảng cho một trường phái sáng tác nghiêm túc và độc đáo được phát triển ở Mĩ. Những chủ đề tuyệt đẹp và đa dạng là sản vật của vùng đất này. Chúng là những bài dân ca của nước Mĩ và các nhà soạn nhạc của các bạn phải hướng về chúng.”

Đúng như lời mình nói, Dvorak đã đắm chìm trong âm nhạc Mĩ-Phi. Ông đặc biệt yêu mến Henry Burleigh, người học trò thường hát dân ca Mĩ cho ông nghe tại nhà.

Đa phần thời gian tại Mĩ của Dvorak được dành cho việc giảng dạy và tổ chức biểu diễn. Nhưng trên tất cả, ông còn là nhà soạn nhạc và trong mùa đông đầu tiên ở New York, ông đã khởi thảo bản giao hưởng mà sau này trở thành tác phẩm được yêu thích nhất của mình.

Giao hưởng số 9 “Từ thế giới mới” được Dvorak hoàn thành trong một kỳ nghỉ hè tại Spillville, khu kiều dân của người Czech nhập cư, những người đã giúp Dvorak dịu bớt nỗi nhớ nhà da diết, ở bang Iowa. Dàn nhạc New York Philharmonic dưới sự chỉ huy của Anton Seidl công diễn tác phẩm lần đầu vào ngày 16/12/1895 tại Carnegie Hall.

Về mặt hình thức, tác phẩm hoàn toàn nằm trong truyền thống châu Âu với chương mở đầu ở hình thức sonata, một chương largo được xen vào những đoạn bùng nổ không ngừng, một chương scherzo với các phần trio điền viên, và một chương kết sôi nổi hân hoan. Để giữ xu hướng hình thức theo chu kỳ nổi bật, các chủ đề của tác phẩm đều nảy sinh từ một motive chung ban đầu và trở lại ở chương kết. Tuy nhiên từ buổi công diễn lần đầu thành công vang dội, tiêu đề “Từ thế giới mới” đã gây ra nhiều tranh cãi về nguồn cảm hứng và nội dung chủ đề của tác phẩm.

Sự tương đồng với các tác phẩm trước đó đã khiến một số nhà bình luận nhận định rằng Giao hưởng “Từ thế giới mới” chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ nỗi nhớ quê hương Bohemia của tác giả. Nhưng một số nhà bình luận khác lại nắm lấy sự lan tỏa của các tiết tấu đảo phách, các gam ngũ cung và các quãng bảy giảm trong âm nhạc bản địa Mĩ để chỉ ra sự gắn kết gần gũi hơn với nước Mĩ.

Một số nhà bình luận người Mĩ còn đi xa hơn trong việc chỉ ra sự tương đồng của chủ đề chính trong chương nhạc đầu với bài dân ca tôn giáo “Swing Low, Sweet Chariot” của những người nô lệ da đen. Còn chính nhà soạn nhạc thì lại chế giễu các tuyên bố rằng ông đã sử dụng các giai điệu Mĩ-Phi và nhấn mạnh rằng mình chỉ viết “theo tinh thần” của âm nhạc bản địa Mĩ mà thôi.

Sau này trong một bài thuyết trình thú vị năm 1956, Leonard Bernstein đã khảo sát từng chủ đề tác phẩm, lần theo dấu vết của chúng tới các nguồn gốc Pháp, Scotland, Đức, Trung Hoa và dĩ nhiên là cả nguồn gốc Czech. Bernstein kết luận rằng lời đánh giá chính xác duy nhất là coi tác phẩm này mang tính đa dân tộc.

Nhà phê bình James Huneker ở New York chỉ ra trong một bài bình luận về buổi công diễn lần đầu rằng Giao hưởng “Từ thế giới mới” rõ ràng mang tính chất Mĩ theo nghĩa là một kiến trúc hỗn hợp, phản ánh xã hội tụ cư kiểu Mĩ. Quả thực, nhiều điều tương tự có thể được tuyên bố về nền văn hóa Mĩ nói chung – nó được tạo bởi những chất liệu ngoại lai nhưng nổi bật lên từ chiếc lẩu thập cẩm là hương vị Mĩ.

Bất luận thế nào thì khi rời nước Mĩ trở về quê hương năm 1895, Dvorak đã để lại đằng sau một di sản thậm chí còn lớn hơn những gì mà phu nhân Thurber dám mơ tới – một tác phẩm mang “tinh thần Mĩ” đầu tiên thuộc thể loại âm nhạc nghiêm túc, mặc dù nguồn cảm hứng của nó không ngừng gây tranh cãi.

Được biết đến rộng rãi là nhà soạn nhạc lỗi lạc của Czech và châu Âu, Antonin Dvorak (1841-1904) đã tạo ra thứ âm nhạc lôi cuốn và hùng hồn, chứa đựng những đường nét cân đối rõ ràng, những giai điệu nghe vừa tự nhiên vừa đáng nhớ cùng khả năng phối khí hiệu quả, giàu màu sắc. Các bản giao hưởng của ông, trong đó phải kể đến Giao hưởng số 9 “Từ thế giới mới”, thuộc danh sách các mẫu mực nổi tiếng nhất của lịch sử giao hưởng. Tương tự như vậy, bản Cello Concerto (1894-1895) của Dvorak luôn có mặt trong danh mục các tác phẩm tạo cho nghệ sĩ độc tấu cơ hội bộc lộ kĩ năng bậc thầy và thể hiện tầm bay bổng.

Nhiều người xem ông là người kế tục Brahms – nhà soạn nhạc đã bênh vực Dvorak trong suốt quãng đường dài vươn lên đỉnh cao. Song không giống như Brahms, Lizst và một số nhà soạn nhạc khác, những người nghiên cứu âm nhạc dân gian từ một khoảng cách kinh viện và sử dụng chất liệu dân gian như một sự phá cách thoáng chốc, trong các “Duo Moravia”, các “Vũ khúc Slav” và những tác phẩm quan trọng khác làm nên danh tiếng ban đầu của Dvorak, chất liệu dân gian là phần cốt yếu.

Là con trai của một ông chủ hàng thịt và nhạc công nghiệp dư chơi đàn tam thập lục, Dvorak học đàn organ tại Prague khi còn trẻ và làm nhiều nghề khác nhau như chơi violin cho các quán cà phê, chơi organ cho nhà thờ suốt những năm 1860 và 1870. Cũng thời gian này, ông sáng tác ngày càng nhiều các bản giao hưởng, nhạc thính phòng và opera tiếng Czech. Những năm 1880 và 1890, danh tiếng của Dvorak trở lên lừng lẫy ở tầm quốc tế nhờ một loạt kiệt tác lớn gồm các giao hưởng số 7, số 8 và số 9.

Cuối đời, một lần nữa ông quay về sáng tác opera với vở Rusalka khởi thảo từ năm 1901. Trong tác phẩm này, Dvorak kết hợp chặt chẽ các ảnh hưởng của Wagner vào việc kể lại bằng âm nhạc một câu chuyện dựa trên huyền thoại.

Là giáo sư tại ĐH Prague từ năm 1891, Dvorak đã tạo ảnh hưởng sâu sắc lên âm nhạc Czech thế kỉ 20 thông qua các học trò xuất sắc như Josef Suk, người về sau trở thành con rể ông.

 

Tác giả

(Visited 62 times, 1 visits today)