Bản sắc dân tộc là hiện đại hóa

Khi bàn đến chuyện bản sắc, chúng ta mặc nhiên nghĩ đến cái gì đó hình thành lâu đời trong quá khứ, hiển nhiên không thể là cái “bản sắc” mới hình thành trong hiện tại hoặc trong quá khứ quá gần. Cái gì đó hình thành như mưa dầm ngấm lâu tạo ra những cánh rừng sâu rễ bền gốc, chứ không thể là những chuyến hàng nhập lậu chở hàng bãi rác về bán trôi nổi để nhanh chóng thoả mãn nỗi thèm khát tiêu dùng.

Thế là ta bị bắt buộc phải nghĩ đến khái niệm văn hóa, và nghĩ đến bản sắc dân tộc như một sản phẩm của phạm trù văn hóa.
Để cho nhất quán, người viết xin được nhắc lại quan niệm về văn hóa đã phát biểu trên báo Tia Sáng (số tháng 7 năm 2005), có thể tóm gọn lại như sau:
– “Văn hóa” là cái gì ngược lại với “Tự nhiên”.
– “Ngược lại với” không có nghĩa là “đối lập với” hoặc “chống lại”, mà hiểu là những gì bàn tay con người xây dựng ra để cái tự nhiên không còn là tự nhiên hoang dã.
– Cái gọi là “tự nhiên hoang dã” dĩ nhiên bao gồm trước hết những vật thể có sẵn trong tự nhiên: từ đó mà con người có cái quả núi văn hóa, cái dòng sông văn hóa, cái đồng cỏ văn hóa… Hiện tượng này được lưu lại rõ ở ngôn ngữ phương Tây khi culture vừa có nghĩa “văn hóa” lại vừa có nghĩa “trồng trọt”, “nuôi dưỡng”; (do đó có agriculture, nghề nông hoặc “văn hóa” làm ruộng; có sylviculture, nghề rừng hoặc “văn hóa” làm rừng; có sériciculture, nghề tằm tơ hoặc “văn hóa” trồng dâu nuôi tằm dệt lụa…)
– Mở rộng ra, bản thân con người từ khởi thủy cũng là vật thể tự nhiên hoang dã, và cũng được bàn tay con người nhào nặn, vì thế mà có puériculture tức là nghề nuôi dạy trẻ hoặc là “văn hóa” trồng người đó.
Tác giả không sành chữ Hán, nhưng liều lĩnh đồ chừng rằng cái khái niệm chứa đựng trong chữ “văn hóa” của người Tàu rất có thể hàm chứa ý tưởng về sự biến hóa cái vũ phu thô kệch thành cái “văn”. Hệt như Cicéron từng phân biệt agri-cultura (văn hóa vật chất, sự “trồng trọt” cái vật chất, và do chỗ nghề nông ở đâu cũng từng là “nông vi bản” mà nó thành “nông nghiệp”) với animi-cultura (văn hóa tâm linh, sự nuôi dưỡng cái phần hồn trong mỗi con người).
Có thể hiểu vấn đề dưới góc độ ấy lắm. Vì chẳng nhẽ ta lại coi “bản sắc” của người châu Phi là cái da đen có sẵn trong tự nhiên? Hay là coi “bản sắc” người châu Âu là da trắng mũi lõ tóc xoăn có sẵn trong tự nhiên? Hay là coi “bản sắc” người Việt Nam mình là mũi tẹt da vàng cộng với một chiều cao khiêm tốn có sẵn trong tự nhiên? Da đen da trắng da vàng thảy đều là những thức có sẵn trong tự nhiên hoang dã. Phần văn hóa sẽ được xây lên từ đó. Và chắc là, trong lâu dài, trong sự hình thành lâu đời, rất có thể có được một bản sắc nào đó cho những cộng đồng ấy.
***
Giả định như chúng ta thống nhất được với nhau về khái niệm văn hóa như vậy, thì cũng có thể tạm thừa nhận với nhau một điều khác nữa: cái sản phẩm của văn hóa được gọi bằng bản sắc dân tộc sẽ là thành tựu của một cộng đồng chứ không phải của mỗi con người riêng rẽ. Ngay cả trong trường hợp thành tựu cộng đồng được bắt đầu từ hành động của một cá nhân, thì sản phẩm riêng đó cũng cần phải được cộng đồng tiếp nhận và nhân bản, khi đó mới có một nền văn hóa để có một bản sắc văn hóa ra đời trên cơ sở đó.
Thế nhưng, tới đây ta lại bắt gặp một tình tiết phải xem xét: cộng đồng nào? Nằm chung trong một tập hợp mà đường ven cũng là đường biên giới lãnh thổ đã hình thành trong lịch sử, có nhiều thành tố là những cộng đồng khác nhau.
Cái tập hợp chung kia mặc dù vẫn quen gọi là một dân tộc có thể phân giải ra để gọi tên nó là quốc gia- dân tộc mà bên trong là những tập hợp con hoặc là những cộng đồng nhỏ. Xin đừng hiểu “nhỏ” ở đây bằng số lượng. Có lẽ nói những “cộng đồng cấu thành” thì tổng quát hơn và bình đẳng hơn, đúng nghĩa hơn khi coi đó là những thành tố của một tập hợp.
Những thành tố này, hoặc những cộng đồng cấu thành quốc gia dân tộc này, vốn được hình thành tách biệt trong lịch sử và trên những vùng địa lý cách biệt nhau. Vậy là, bên trong một cộng đồng văn hóa chung nhau và dĩ nhiên là to lớn rồi, chắc chắn cũng hình thành những cộng đồng văn hóa cấu thành, những yếu tố này “nhỏ” hoặc “to” đến đâu thì chưa rõ, nhưng chắc chắn là chúng “khác” nhau.
Giá mà những yếu tố cộng đồng văn hóa dân tộc cấu thành đó lại gọn gàng bên trong chúng thì may mắn biết bao! Có điều là, bên trong cái tập hợp quốc gia dân tộc bao gồm bởi những tập hợp nhỏ cộng đồng văn hóa, ta lại còn bắt gặp những tập hợp giao nhau. Tác nhân tạo ra sự giao nhau giữa các “tập hợp con” kia có thể là tín ngưỡng, quan điểm chính trị, hoạt động nghề nghiệp. Một anh nhà báo ở Đồng Văn và một chị nhà văn ở Cà Mau có thể không nhất trí với nhau (đến độ choảng nhau) về chuyện họ cùng là con của một mẹ Âu Cơ, song rất có thể họ yêu thương nhau hơn anh em ruột thịt chỉ vì những mối liên kết thuần khoa học, nghệ thuật, và chính trị.
Đến đây, hẳn là ta sẽ thấy rằng, khôn ngoan hơn cả là hãy nhìn một quốc gia dân tộc như một tập hợp đa văn hóa, như thế đã đành, còn khôn ngoan hơn nữa khi đừng rủ rê cái tập hợp lớn đó vừa đi vừa ngoảnh mặt về phía sau lưng, mà hãy mở đường cho nó tiến lên theo hướng hiện đại hóa. Phía sau là một cái “bản sắc” mơ hồ, là những giá trị đầy tranh cãi, lắm khi lại như thể những điều vô công rồi nghề. Ngược lại, hiện đại hóa không những làm thành cái mẫu số chung bảo đảm cả sung túc vật chất lẫn ổn định tâm linh cho mọi tập hợp con tạo thành tập hợp lớn, đó còn trở thành một cái điều tôn thờ mới chung cho tất cả, mà chẳng ai dám cả gan báng bổ.

Phạm Toàn

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)