Bản sắc xuất phát từ quá khứ nhưng thuộc về tương lai
1. Trước khi trả lời bản sắc Việt Nam như thế nào, tôi muốn đi tìm những yếu tố quy định bản sắc đó. Nói khác, đó cũng là cách trả lời câu hỏi như thế nào bằng tại sao. Có thể có nhiều yếu tố quy định sự hình thành và phát triển của bản sắc Việt Nam, trong đó ngoài yếu tố còn chưa biết có hay không như gien sinh học chẳng hạn, hoặc những yếu tố bất di bất dịch như vị trí địa lý của đất nước, còn có những yếu tố được hình thành trong lịch sử và do đó, có “số phận lịch sử”. Tôi nghĩ, chúng ta nên chú ý nhiều đến các yếu tố sau cùng, bởi vì nó mà một bản sắc dân tộc vốn bị/được hình thành trong quá khứ mà có được một tương lai.
Bản sắc của dân tộc Việt Nam trước hết bị quy định bởi môi trường trong đó nó sinh sống. Đó là vùng nhiệt đới gió mùa, ẩm thấp, nắng lắm mưa nhiều. Các điều kiện tự nhiên nói trên ngưng kết thành hệ sinh thái tiền sử phồn tạp: nhiều loài, nhưng trong mỗi loài số lượng cá thể lại ít. Hơn nữa, cây vượt trội hơn con. Điều này quy định phương thức sống của người Việt cổ (xin chấp nhận một từ khá phiếm chỉ như vậy) là hái lượm trội hơn săn bắt và (sau này khi đã chuyển sang nông nghiệp) trồng trọt trội hơn chăn nuôi. Tính trội này càng làm cho văn hóa Việt Nam thuần nông nghiệp hơn, mà lại là một nền nông nghiệp đa canh, lúa ngô khoai sắn, cái gì cũng có nhưng mỗi thứ chỉ một tý. Rồi địa hình Việt Nam nhiều vùng miền, nhiều tộc người, nhiều khoáng sản nhưng trữ lượng ít…, tóm lại cái sự nhiều nhưng ít này sẽ tạo ra trong tâm thức Việt Nam những khuôn mẫu vụn vặt, nhưng vừa vừa, nho nhỏ, xinh xinh…
2. Hệ sinh thái tiền sử, yếu tố khởi nguyên quy định (bản sắc Việt Nam, không phải là riêng của Việt Nam mà là chung cho cả vùng Đông Nam Á. Nhưng cho đến nay, người Thái Lan, người Campuchia, người Indonesia, người Mã Lai… khác người Việt Nam là bởi trong diễn trình lịch sử dân tộc còn có thêm nhiều yếu tố văn hóa xã hội khác chêm vào. Và, tôi nghĩ, quan trọng hơn cả là sự hình thành ở Việt Nam một xã hội tiểu nông Nho giáo. Hai yếu tố làng tiểu nông và ý thức hệ Nho giáo không tồn tại riêng rẽ, mà chi phối lẫn nhau, nương tựa vào nhau để dựng nên một xã tiểu nông Nho giáo.
Làng nông nghiệp ở Bắc Bộ vốn ra đời từ sớm, thoát thai từ các công xã nguyên thủy và công xã nông thôn, nhưng chỉ đến thời Lê Thánh Tông mới trở thành cái làng tiểu nông. Một phần vì bấy giờ Nho giáo trở thành quốc giáo, độc tôn, thành ý thức hệ toàn xã hội, chi phối đến cơ cấu tổ chức làng xã. Phần khác, làng xã đến bấy giờ mới hội đủ các điều kiện kinh tế xã hội khác. Chính sách hạn điền, hạn nô và đề cao Nho giáo của Hồ Quý Ly đã phá vỡ nền kinh tế điền trang thái ấp cùng tầng lớp quý tộc Phật giáo Lý Trần và cho ra đời, một mặt, tầng lớp địa chủ nhỏ và nông dân có ruộng tư, mặt khác tầng lớp nho sĩ – quan lại, tôn xưng ngôi vua. Nhưng sụ bảo lưu ruộng công đất công nơi làng xã trói buộc người nông dân lại với làng quê, khiến họ không dám bỏ làng đi làm ăn buôn bán xa, biến làng thành một xã hội khép kín, tự cung tự cấp, thậm chí một vũ trụ tự nó, bởi làng có thể đáp ứng mọi nhu cầu của một thôn dân từ tâm linh, kinh tế, pháp luật, văn hóa, văn nghệ.
Tập quán làm lúa nước trên những cánh đồng có độ cao thấp khác nhau bởi châu thổ Bắc bộ chưa được bồi lấp phẳng khiến người nông dân phải chia ruộng thành những mảnh nhỏ để giữ nước. Và để canh tác trên những thuở ruộng quy mô nhỏ ấy, đại gia đình phải tự vỡ ra thành những gia đình hạt nhân (hoặc gia đình hạt nhân mở rộng). Tục lệ phân chia tài sản ruộng đất cho tất cả các con trai (đôi khi cả con gái nữa) khiến cho những mảnh ruộng đã nhỏ lại càng nhỏ hơn. Người nông dân nhanh chóng trở thành người tiểu nông trên mảnh ruộng bé, gia đình nhỏ, giấc mơ con. Mặc dù rất sinh động và giàu cá tính, nhưng người tiểu nông không thể thành một cá nhân. Nếu xã hội Việt Nam cổ truyền là một ngôi làng mở rộng, hoặc một tập hợp các ngôi làng, thì tư tưởng tiểu nông là một trong những tư tưởng ngự trị xã hội.
3. Cùng tiếp thu Nho giáo như Triều Tiên, Nhật Bản, nhưng Nho giáo Việt Nam khác hẳn với Nho giáo Triều Tiên, Nhật Bản là chỉ tiếp thu phần hình nhi hạ như khoa cử, đạo đức, nghi lễ, chứ không hề có hình nhi thượng. Sự thực dụng này trước hết hẳn là bị chi phối bởi tư tưởng tiểu nông, bởi nhu cầu xây dựng một chính quyền trung ương tập quyền mạnh, một bộ máy nhà nước thuần nhất, một sùng bái vương quyền. Hơn nữa, sự độc trị của Nho giáo, sự kỳ thị của nó với Đạo giáo, Phật giáo… làm cho nó mất sự đối trọng, trở nên xơ cứng, chỉ chuộng hình thức, không có tư tưởng học thuật, trường phái.
Nho giáo Việt Nam, bởi thế, cần cho một xã hội ổn định, nghèo mà ổn định thì vẫn tốt (an bần lạc đạo). Ngoài tầng lớp sĩ, tức các nho sĩ – quan/thư lại, nó coi trọng nông dân, một đồng minh tự nhiên, kỳ thị thương nhân, yếu tố gây mất ổn định xã hội bằng tư tưởng thị dân, bằng phương thức sống, bằng sự… giàu có. Như vậy, Nho giáo Việt Nam luôn luôn sợ cái mới, cái khác. Nhưng phương thức phản ứng của nó thật tài tình: nó quan sát đối thủ của mình, làm ra vẻ ủng hộ, rồi rút tỉa những điểm khả thủ của đối phương đưa vào hệ thống của mình và như thế biến cái mới cái khác chỉ còn là những hình thức không có nội dung, một thứ mốt vô hại. Một xã hội như vậy sẽ không phát triển được thương nghiệp, nhất là ngoại thương, sẽ không có tầng lớp thương nhân, không có văn hóa đô thị, không có tầng lớp trí thức thực sự, sẽ bế quan toả cảng cả về kinh tế lẫn tư tưởng.
Nhà nước quân chủ Nho giáo quả thực là rất mạnh. Nhờ nó mà Việt Nam đã chống được sự xâm lược từ phương Bắc, chiến thắng được các quốc gia theo Ấn Độ giáo ở phía Nam, tạo ra được một sự thống nhất hành chính và tư tưởng trên toàn lãnh thổ. Tuy nhiên, chiến tranh liên miên đã tạo ra sự ám ảnh lớn, thường trực, đến mức ở thời bình vẫn duy trì những chức năng của nhà nước thời chiến, tức lấy cái bất bình thường (chiến tranh) làm cái bình thường (hòa bình). Sự tuyệt đối hóa vai trò của Nhà nước này đã tạo ra sự nhà nước hóa toàn bộ xã hội, khiến các tổ chức xã hội, tổ chức dân sự không phát triển được, tư tưởng dân chủ, vì thế, cũng kém phát triển.
4. Như vậy, bản sắc hình thành trong và bằng quá khứ và có những khác nhau ở từng giai đoạn lịch sử – xã hội cụ thể. Nó tạo ra một hệ giá trị nhằm đáp ứng nhu cầu ổn định (và phát triển) của xã hội đó, như tính cộng đồng, sự duy tình, chuộng đồng đều, tính thiết thực, sự nhẫn nại, chịu thương chịu khó… Nhưng khi xã hội Việt Nam cổ truyền chuyển sang xã hội hiện đại, thì những giá trị trên thành cản trở trong việc xây dựng những giá trị mới như là mặt đối lập của nó như tính cá nhân, sự duy lý, sự vượt trội (chống cào bằng), sự nhìn xa trông rộng, sự bất bình… Đây là cơ sở để thấy rằng, bản sắc tuy xuất phát từ quá khứ, nhưng lại thuộc về tương lai.
2. Hệ sinh thái tiền sử, yếu tố khởi nguyên quy định (bản sắc Việt Nam, không phải là riêng của Việt Nam mà là chung cho cả vùng Đông Nam Á. Nhưng cho đến nay, người Thái Lan, người Campuchia, người Indonesia, người Mã Lai… khác người Việt Nam là bởi trong diễn trình lịch sử dân tộc còn có thêm nhiều yếu tố văn hóa xã hội khác chêm vào. Và, tôi nghĩ, quan trọng hơn cả là sự hình thành ở Việt Nam một xã hội tiểu nông Nho giáo. Hai yếu tố làng tiểu nông và ý thức hệ Nho giáo không tồn tại riêng rẽ, mà chi phối lẫn nhau, nương tựa vào nhau để dựng nên một xã tiểu nông Nho giáo.
Làng nông nghiệp ở Bắc Bộ vốn ra đời từ sớm, thoát thai từ các công xã nguyên thủy và công xã nông thôn, nhưng chỉ đến thời Lê Thánh Tông mới trở thành cái làng tiểu nông. Một phần vì bấy giờ Nho giáo trở thành quốc giáo, độc tôn, thành ý thức hệ toàn xã hội, chi phối đến cơ cấu tổ chức làng xã. Phần khác, làng xã đến bấy giờ mới hội đủ các điều kiện kinh tế xã hội khác. Chính sách hạn điền, hạn nô và đề cao Nho giáo của Hồ Quý Ly đã phá vỡ nền kinh tế điền trang thái ấp cùng tầng lớp quý tộc Phật giáo Lý Trần và cho ra đời, một mặt, tầng lớp địa chủ nhỏ và nông dân có ruộng tư, mặt khác tầng lớp nho sĩ – quan lại, tôn xưng ngôi vua. Nhưng sụ bảo lưu ruộng công đất công nơi làng xã trói buộc người nông dân lại với làng quê, khiến họ không dám bỏ làng đi làm ăn buôn bán xa, biến làng thành một xã hội khép kín, tự cung tự cấp, thậm chí một vũ trụ tự nó, bởi làng có thể đáp ứng mọi nhu cầu của một thôn dân từ tâm linh, kinh tế, pháp luật, văn hóa, văn nghệ.
Tập quán làm lúa nước trên những cánh đồng có độ cao thấp khác nhau bởi châu thổ Bắc bộ chưa được bồi lấp phẳng khiến người nông dân phải chia ruộng thành những mảnh nhỏ để giữ nước. Và để canh tác trên những thuở ruộng quy mô nhỏ ấy, đại gia đình phải tự vỡ ra thành những gia đình hạt nhân (hoặc gia đình hạt nhân mở rộng). Tục lệ phân chia tài sản ruộng đất cho tất cả các con trai (đôi khi cả con gái nữa) khiến cho những mảnh ruộng đã nhỏ lại càng nhỏ hơn. Người nông dân nhanh chóng trở thành người tiểu nông trên mảnh ruộng bé, gia đình nhỏ, giấc mơ con. Mặc dù rất sinh động và giàu cá tính, nhưng người tiểu nông không thể thành một cá nhân. Nếu xã hội Việt Nam cổ truyền là một ngôi làng mở rộng, hoặc một tập hợp các ngôi làng, thì tư tưởng tiểu nông là một trong những tư tưởng ngự trị xã hội.
3. Cùng tiếp thu Nho giáo như Triều Tiên, Nhật Bản, nhưng Nho giáo Việt Nam khác hẳn với Nho giáo Triều Tiên, Nhật Bản là chỉ tiếp thu phần hình nhi hạ như khoa cử, đạo đức, nghi lễ, chứ không hề có hình nhi thượng. Sự thực dụng này trước hết hẳn là bị chi phối bởi tư tưởng tiểu nông, bởi nhu cầu xây dựng một chính quyền trung ương tập quyền mạnh, một bộ máy nhà nước thuần nhất, một sùng bái vương quyền. Hơn nữa, sự độc trị của Nho giáo, sự kỳ thị của nó với Đạo giáo, Phật giáo… làm cho nó mất sự đối trọng, trở nên xơ cứng, chỉ chuộng hình thức, không có tư tưởng học thuật, trường phái.
Nho giáo Việt Nam, bởi thế, cần cho một xã hội ổn định, nghèo mà ổn định thì vẫn tốt (an bần lạc đạo). Ngoài tầng lớp sĩ, tức các nho sĩ – quan/thư lại, nó coi trọng nông dân, một đồng minh tự nhiên, kỳ thị thương nhân, yếu tố gây mất ổn định xã hội bằng tư tưởng thị dân, bằng phương thức sống, bằng sự… giàu có. Như vậy, Nho giáo Việt Nam luôn luôn sợ cái mới, cái khác. Nhưng phương thức phản ứng của nó thật tài tình: nó quan sát đối thủ của mình, làm ra vẻ ủng hộ, rồi rút tỉa những điểm khả thủ của đối phương đưa vào hệ thống của mình và như thế biến cái mới cái khác chỉ còn là những hình thức không có nội dung, một thứ mốt vô hại. Một xã hội như vậy sẽ không phát triển được thương nghiệp, nhất là ngoại thương, sẽ không có tầng lớp thương nhân, không có văn hóa đô thị, không có tầng lớp trí thức thực sự, sẽ bế quan toả cảng cả về kinh tế lẫn tư tưởng.
Nhà nước quân chủ Nho giáo quả thực là rất mạnh. Nhờ nó mà Việt Nam đã chống được sự xâm lược từ phương Bắc, chiến thắng được các quốc gia theo Ấn Độ giáo ở phía Nam, tạo ra được một sự thống nhất hành chính và tư tưởng trên toàn lãnh thổ. Tuy nhiên, chiến tranh liên miên đã tạo ra sự ám ảnh lớn, thường trực, đến mức ở thời bình vẫn duy trì những chức năng của nhà nước thời chiến, tức lấy cái bất bình thường (chiến tranh) làm cái bình thường (hòa bình). Sự tuyệt đối hóa vai trò của Nhà nước này đã tạo ra sự nhà nước hóa toàn bộ xã hội, khiến các tổ chức xã hội, tổ chức dân sự không phát triển được, tư tưởng dân chủ, vì thế, cũng kém phát triển.
4. Như vậy, bản sắc hình thành trong và bằng quá khứ và có những khác nhau ở từng giai đoạn lịch sử – xã hội cụ thể. Nó tạo ra một hệ giá trị nhằm đáp ứng nhu cầu ổn định (và phát triển) của xã hội đó, như tính cộng đồng, sự duy tình, chuộng đồng đều, tính thiết thực, sự nhẫn nại, chịu thương chịu khó… Nhưng khi xã hội Việt Nam cổ truyền chuyển sang xã hội hiện đại, thì những giá trị trên thành cản trở trong việc xây dựng những giá trị mới như là mặt đối lập của nó như tính cá nhân, sự duy lý, sự vượt trội (chống cào bằng), sự nhìn xa trông rộng, sự bất bình… Đây là cơ sở để thấy rằng, bản sắc tuy xuất phát từ quá khứ, nhưng lại thuộc về tương lai.
Đỗ Lai Thúy
(Visited 1 times, 1 visits today)