Bảo hộ và hỗ trợ – hai chính sách, một kết quả
Ngày nay, khi chứng kiến cảnh những phụ nữ Nhật từ vị thành niên đến tóc muối tiêu chen chúc đến ngất xỉu ở sân bay chỉ để được nhìn mặt một minh tinh Hàn đẹp trai hay thấy phim Hàn tràn ngập các rạp chiếu bóng từ Âu sang Á, ít ai nhớ rằng, chỉ mười mấy năm trước thôi, Điện ảnh nước này còn vô danh tới nỗi chẳng mấy ai ngoài người Hàn biết tới sự tồn tại của nó.
Có thể phân chia chính sách điện ảnh của chính phủ Hàn Quốc thành hai nhánh chính: Chính sách bảo hộ nền điện ảnh nội địa và Chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh: Chính sách bảo hộ điện ảnh nội địa mà Hàn Quốc (và nhiều nước khác đang áp dụng) cơ bản dựa trên một quy định gọi là screen quarter ( tỷ lệ chiếu phim nội địa bắt buộc). Còn Chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh với nội dung chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ về đào tạo, trang thiết bị, cơ sở kỹ thuật, hỗ trợ phim nghệ thuật…
1. Screen quarter – Một chính sách, hai kết quả trái ngược.
Tháng 2 năm 1962, Luật điện ảnh lần đầu tiên được công bố tại Hàn Quốc. Bốn năm sau, chính sách screen quarter được bổ sung như một điều khoản quan trọng của luật này. Được thực thi từ năm 1967, chính sách này quy định số ngày chiếu rạp bắt buộc dành cho phim nội địa là 146 ngày/ 1năm. Tuy nhiên mục tiêu của giới cầm quyền khi ban hành Screen quarter vào thời điểm đó mang ý đồ chính trị hơn là thực tâm muốn bảo hộ nền điện ảnh dân tộc. Những năm 1960 là thời kì chính phủ Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn sau chiến tranh và chính phủ nước này buộc phải đặt mục tiêu phát triển kinh tế và quân sự song song với giữ ổn định chế độ. Để thực hiện điều này họ tiến hành kiểm soát và quản lý gắt gao tất cả các lĩnh vực như báo chí, truyền hình, điện ảnh, xuất bản, nghệ thuật… Điện ảnh là một trong những phương tiện có ảnh hưởng tới người dân mạnh mẽ nhất, Chính vì vậy mà chính phủ Park Jeong Hee một mặt vừa kiểm soát ngành điện ảnh, vừa tận dụng nó như công cụ đắc lực cho mục tiêu chính trị của mình. Chế độ screen quarter thực ra là một hình thức hạn chế người dân tiếp xúc với những tư tưởng tự do bên ngoài, điều mà chế độ độc tài quân sự đang nắm quyền hết sức cảnh giác
Cảnh trong phim “Đàn bà là tướng của đàn ông” |
Với các nhà điện ảnh trong nước, chính phủ quân sự Park Jeong Hee áp dụng chính sách kiểm duyệt nghiêm ngặt ngay từ khâu kịch bản. Những phim được sản xuất trong thời kỳ này chủ yếu là các bộ phim ca ngợi chính quyền quân sự, ca ngợi hình ảnh người lính hay các phim tình cảm học đường và các phim hài giải trí. Những biện pháp bảo hộ của chính quyền với nền sản xuất phim nội địa chỉ dành cho số ít những nhà làm phim phục vụ chế độ. Phim Hàn vì thế không nhận được sự ủng hộ của dân chúng. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi chính phủ áp dụng chính sách đổi đầu phim lấy quota. Theo đó các hãng phim cứ sản xuất được một phim thì được phép nhập một số đầu phim nước ngoài tương ứng. Chính sách này khiến cho chỉ trong một thời gian ngắn lượng phim Hàn được sản xuất tăng vọt. Nhưng tiếc thay những phế phẩm quay vội chỉ cốt để lấy quota này đã nhanh chóng đẩy điện ảnh Hàn đến bờ vực. Đạo diễn Park Kwang Su, một trong hai nhân vật tiên phong của Điện ảnh Hàn Quốc sau này kể lại, vào thời điểm ấy sự khinh thường của người dân đối với phim Hàn sâu sắc tới mức chỉ có những học trò kém cỏi nhất, không thể đỗ nổi bất kì một trường đại học nào mới chịu học điện ảnh…
Tình trạng bi đát của điện ảnh Hàn chỉ kết thúc vào giữa những năm 80, khi chính phủ quân sự dưới áp lực của những cuộc biểu tình trên quy mô toàn quốc phải rút lui, nhường chỗ cho một chính phủ dân sự. Xã hội Hàn Quốc trở nên dân chủ và tự do hơn. Điều này ngay lập tức ảnh hưởng tới điện ảnh. Từ năm 1986, chế độ kiểm duyệt trước khi quay bị xóa bỏ. Các công ty nhập khẩu phim và doanh nghiệp làm phim tách khỏi nhau. Các nhà làm phim độc lập bắt đầu xuất hiện và kết quả là đã có trên 100 công ty với quy mô nhỏ được thành lập. Những điều kiện này giúp cho các nhà làm phim tự do chọn lựa đề tài và thể loại phim, khiến cho điện ảnh Hàn Quốc trở nên giàu có và phong phú hơn.
Chính sách screen quarter chỉ thực sự tạo ra hiệu quả giữ đất tại thị trường điện ảnh nội vào thời điểm những năm 1990. Đây là thời điểm kinh tế Hàn Quốc đạt được những thành tựu khiến cả thế giới phải kinh ngạc. Không khí tự do dân chủ và sự lạc quan về triển vọng kinh tế cũng khiến tinh thần tự hào dân tộc của người Hàn dâng cao hơn bao giờ hết.
Trong lĩnh vực điện ảnh, sự tham gia đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn tạo ra nguồn kinh phí làm phim đáng kể. Thị trường điện ảnh mở rộng, người dân bắt đầu quan tâm tới điện ảnh dân tộc như một cách để bày tỏ lòng yêu nước. Trong bối cảnh đó, chính sách screen quarter đã phát huy vai trò bảo hộ vô cùng cần thiết giúp nền điện ảnh mới hồi sinh của người Hàn có cơ hội lớn mạnh. Từ đây, nền điện ảnh Hàn Quốc có đủ điều kiện về chính trị, kinh tế và cả thị trường để phát triển một cách ổn định.
Năm 1999 có thể coi là thời điểm đánh dấu sự chuyển đổi trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc. Chính phủ nước này, một phần do áp lực của những hiệp định thương mại đã kí với Mỹ một phần do nhận thấy nền điện ảnh dân tộc đã đủ lớn mạnh bắt đầu từ bỏ dần các chính sách bảo hộ. Khởi đầu là chủ trương giảm số ngày chiếu phim nội địa tại các rạp. Việc làm này ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt của giới làm phim trong cả nước. Chính sách screen quarter vốn gắn liền với những thăng trầm của nền điện ảnh nước này trong gần nửa thế kỉ lần đầu tiên được đông đảo người dân biết đến nhờ những cuộc biểu tình của các diễn viên, các đạo diễn nổi tiếng. Tuy nhiên, việc Chính phủ Hàn quyết định bỏ chính sách screen quarter để đặt điện ảnh vào thế cạnh tranh bình đẳng như bất kì một ngành kinh tế nào khác có lẽ là một quyết định hợp lí khi mà bản thân nó đã đủ lớn mạnh và cần vươn đến những mục tiêu xa hơn.
2. Những chính sách hỗ trợ phát triển thiết thực, hiệu quả
Từ bỏ dần những chính sách bảo hộ có thể làm giảm tính cạnh tranh của nền điện ảnh dân tộc, Chính phủ Hàn đang hướng đến những chính sách hỗ trợ phát triển hiệu quả hơn. Nguyên tắc chủ yếu của những chính sách này là không hỗ trợ trực tiếp cho các dự án sản xuất phim. Việc sản xuất phim vẫn được dẫn dắt bởi các tập đoàn, công ty điện ảnh lớn. Chính phủ Hàn Quốc hiện nay thả lỏng cho khu vực này tự ‘nuôi mình’. Dấu ấn duy nhất của chính phủ trong lĩnh vực này là một hội đồng đánh giá, phân loại phim theo độ tuổi (12+, 15+, 18+) do Bộ Văn hóa chỉ định có trách nhiệm phân loại các phim trước khi phát hành. Tuy nhiên, trong những lĩnh vực vĩ mô đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và chi phí lớn như đào tạo nhân lực, xây dựng trường quay, lập quỹ hỗ trợ các nhà làm phim độc lập, mở các Liên hoan phim thì chính phủ lại đóng vai trò then chốt.
Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhận thấy nhu cầu phải đổi mới khẩn trương và toàn diện nền điện ảnh ốm yếu của mình, chính phủ Hàn đã có một quyết định đột phá. Họ tuyển chọn và gửi hàng trăm sinh viên ưu tú cùng lúc sang Mỹ học điện ảnh. Nguồn nhân lực sung sức được đào tạo đồng bộ, bài bản tại môi trường làm phim hàng đầu thế giới này sau khi về nước đã tạo ra một sự thay đổi kì diệu khiến cả thế giới phải kinh ngạc. Chính phủ Hàn cũng đứng ra xây dựng nhiều trường quay tiêu chuẩn và quy mô để cho các hãng phim thuê, tổ chức khoảng 20 liên hoan phim trong nước và quốc tế, trong đó có những Liên hoan tầm cỡ như LHPQT Pusan, Kyong Ju, liên hoan phim phụ nữ Seoul…
Cùng với sự lên ngôi của phim Hàn tại các rạp chiếu bóng trong và ngoài nước, sự thành công liên tục của phim Hàn trong các đại hội điện ảnh uy tín, các liên hoan phim quốc tế tổ chức trên đất Hàn đang thực sự biến nước này thành một trung tâm mới của điện ảnh thế giới…
———–