Bạo lực có dập tắt được tiếng cười?

Chính khả năng lột trần sự thật của tiếng cười khiến cho những kẻ hài hước trong một thế giới bạo lực phải chịu nhiều rủi ro, hy sinh. Và trong tình thế đầy thách thức đó, khi con người ta còn cười được, nghĩa là còn khí chất, dũng cảm, còn tham vọng đạp đổ sự ấu trĩ để lương tri con người trong sạch hơn, thế giới được lành mạnh hơn.

Tòa soạn tờ tạp chí cười Charlie Hebdo ở Paris vừa bị tấn công. 12 người, trong đó có 10 nhà báo, nhà biếm họa nổi tiếng của tờ tạp chí này bị sát hại.

Ngay sau vụ thảm sát, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói về vụ khủng bố: “Không thể biện minh. Hành động man rợ này không chỉ lấy đi sinh mạng của những công dân Pháp, mà còn tấn công đời sống báo chí và tự do ngôn luận – nền tảng của tự do dân chủ.”

Hành động khủng bố trên được cho là do lực lượng Hồi giáo cực đoan gây ra, sau vài lần (vào các năm 2006, 2011 và 2012) báo Charlie Hebdo cho đăng tải tranh biếm họa tiên tri Mohammed và từng bị thế giới Hồi giáo hăm dọa trả thù.

Ngoài chuyện triệt tiêu tự do ngôn luận, thì sự việc trên cũng đặt ra câu hỏi, phải chăng trong thế giới bạo lực này, đã đến lúc tiếng cười bị nguyền rủa? Và một khi tiếng cười bị xem là thù địch, tiếng cười phải trả giá bằng sinh mệnh con người, thì còn ai dám cười, dù biết, cho cùng, cười cũng là cách xác đáng để soi tỏ những sự thật khó cười nổi?

Mới đây, bộ phim hài The interview của hai đạo diễn Seth Rogen và Evan Goldberg (do hãng Sony Pictures Entertainment sản xuất) cũng đang gây ra tranh cãi. Thậm chí, The interview là nguyên nhân của những đợt tấn công mạng từ Triều Tiên nhằm vào nhà sản xuất, khi tác phẩm có màu sắc “siêu tưởng” này dám giễu cợt nhà lãnh đạo một quốc gia chuyên chế, về giá trị nghệ thuật của bộ phim thì để giới chuyên môn giải phẫu, vấn đề là cái nhảm, cái hài của nó lôi cuốn người ta đến rạp, cốt để xem những nhà làm phim trào lộng ra làm sao.

Không phủ định được điều này: công chúng hôm nay có nhu cầu được cười.

Hai câu chuyện trên cũng gợi nhớ đến Salman Rusdie, nhà văn Anh gốc Ấn, sau cuốn The Satanic Verses (Những vần thơ của Satan, năm 1988) từng bị giáo chủ Ayatollah Khomeini kết án tử hình chỉ vì hướng sự trào lộng vào thế giới Hồi giáo. Kết quả là Salman Rushdie phải sống ẩn dật trong vòng 10 năm. Nhiều năm sau, khi đã có độ lùi với cái sự việc mà nhà văn cho là “phủ bóng tối xuống sự nghiệp” của mình, trong cuộc trả lời phỏng vấn với nhà báo Lévai Balázs, Rusdie nói: “Sự hài hước hay trào lộng là khả năng giúp chúng ta coi nhẹ mọi việc. Nếu chúng ta quá coi trọng bản thân, thì ta sẽ không mấy khi cười. Người tự coi mình quá nghiêm chỉnh sẽ chẳng bao giờ cười. Và tôi coi đây là điều rất quan trọng, vì thế mà tôi luôn luôn đối nghịch với những người coi mình quá nghiêm chỉnh. Chính sự hài hước, trào lộng đã giúp tôi hiểu sự xung đột. Thực chất đó không chỉ là chuyện cuốn sách của tôi. Ta hãy xem điều gì thường xảy ra khi văn học và quyền lực đối đầu, lúc đó thường sinh ra trào phúng và giễu cợt, trong trường hợp nhất định, nó xúc phạm người ta còn hơn cả sự phê phán nghiêm túc, như cách người ta dễ bị kích thích bởi một vở hài kịch.”1

Chính khả năng lột trần sự thật của tiếng cười khiến cho những kẻ hài hước trong một thế giới bạo lực phải chịu nhiều rủi ro, hy sinh. Và trong tình thế đầy thách thức đó, khi con người ta còn cười được, nghĩa là còn khí chất, dũng cảm, còn tham vọng đạp đổ sự ấu trĩ để lương tri con người trong sạch hơn, thế giới được lành mạnh hơn.

Tiếng cười, dĩ nhiên, ngoài chức năng giải trí và khuây khỏa muôn thuở, nó còn hướng đến một sự thanh lọc. Sự hài hước kích thích sáng tạo và giúp người ta vượt qua nỗi sợ hãi. Nhà văn Mỹ Kurt Vonnegut, trong cuốn hồi ký Người không quê hương2, đã viết: “Tiếng cười là một phản ứng gần như bản năng của cơ thể trước nỗi sợ hãi”, “Rất nhiều tiếng cười phát sinh từ nỗi sợ”. Chính cách biết cười để trước những thực tế “không cười nổi” như bạo lực dã man, như chuyên chế ấu trĩ ấu trĩ lộng hành vô phương cứu chữa mà con người mới mạnh mẽ, kinh qua nhiều u ám, bất an vây bủa.

Chính vậy mà triết gia Friedrich Nietzsche đã tuyên bố “phong thánh cho tiếng cười”.

Sau những màn cắt cổ nhà báo dã man làm rúng động thế giới truyền thông năm qua nhằm đàn áp ngôn luận, thì đến lúc, phe bạo lực cực đoan đã ra đòn khủng bố mạnh mẽ nhằm vào tiếng cười. Pháp, nơi tiếng cười, chất u mặc (humour: hài hước, dí dỏm, trào phúng, châm biếm…) được tôn trọng, đề cao và coi như một thuộc tính quan trọng làm nên văn hóa đã là nơi gánh chịu tai ương đầu tiên. Trong một phóng sự ngắn phát trên truyền hình, một cụ bà người Pháp đã đến trước tòa soạn Charlie Hebdo để đốt nến tưởng niệm những nhà báo, họa sĩ xấu số. Cụ nói với phóng viên truyền hình rằng: “Bọn khủng bố đã giết chết một phần tinh thần Pháp”.

Nhưng liệu hậu Charlie Hebdo, nước Pháp nói riêng hay thế giới nói chung, có còn sự hiện hữu của tiếng cười?

Chắc chắn không bao lực nào dập tắt được tiếng cười, một khi đó là một thứ liệu pháp, một kháng thể tinh thần để giúp con người dám sống, sống bản lĩnh và sống trọn vẹn trong thế giới đương đại đầy rẫy những tai ương. Có khi ngay cả cái việc người ta dùng bạo lực để trấn áp hay cố tình hủy diệt tiếng cười lại là nguồn cảm hứng cho những kẻ biết cười để… quên chết!



1Lévai Balázs, Thế giới là một cuốn sách mở, Gíap Văn Chung dịch, Nhã nam & NXB Văn học, 2010.

2Kurt Vonnegut, Người không quê hương, Nguyễn Khánh Toàn dịch, Nhã Nam & NXB Thông Tấn, 2011.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)