Báo mạng là “sở hữu tập thể”?
Việc thu phí người đọc báo trực tuyến mang lại cho tờ The New York Times khoảng 10 triệu USD mỗi năm. Nhưng mới đây, “ông kẹ” làng báo thế giới này phải bỏ khoản thu phí đó để... kiếm được nhiều tiền hơn!
Theo giải thích của New York Times, nguồn thu từ những người trả tiền đọc báo trên mạng mặc dù đạt mức mong đợi, nhưng không tăng nhanh bằng nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến. Có một sự thay đổi lớn dẫn tới kết quả đó: Càng ngày càng có nhiều bạn đọc đến với New York Times thông qua công cụ tìm kiếm và những liên kết trên các website khác, thay vì truy cập thẳng vào webiste của New York Times. Những người đọc gián tiếp này không thể xem phần nội dung có tính phí, và ít có khả năng họ sẽ trả tiền để đọc như những người đọc trực tiếp trung thành trước đây. Nếu miễn phí nội dung cho những người đọc gián tiếp, New York Times sẽ có lượt truy cập (page views) cao hơn nhiều và điều đó làm tăng thu nhập từ quảng cáo trực tuyến. Ngược lại, nếu cứ duy trì mô hình thu phí trực tiếp, nó sẽ trở thành “chướng ngại vật” đối với mô hình kinh doanh dựa theo quảng cáo trực tuyến (nhiều tiềm năng hơn). Một vị phụ trách quan trọng của New York Times cho biết chính họ cũng không lường trước được về sự bùng nổ lượng truy cập xuất phát từ những cỗ máy tìm kiếm như Google, Yahoo và một số website khác.
Sự điều chỉnh phương thức kinh doanh của New York Times online là phù hợp với sự phát triển của các ứng dụng trên Internet và những tập quán mới của người dùng mạng. Vì đây là những yếu tố mang tính toàn cầu, nên thời cơ thu hoạch lớn từ quảng cáo trực tuyến không chỉ đến với New York Times mà còn đến với các báo điện tử Việt Nam.
Một người làm, cả làng “ăn”
Tuy nhiên, nếu New York Times là một tờ báo Việt Nam viết bằng tiếng Việt, và nếu nó làm ăn nghiêm túc, chắc chắn những toan tính làm tăng lợi nhuận từ quảng cáo của nó sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì, vẫn mang tiếng giữ bản quyền đối với các bài viết của mình, nhưng các bài viết của nó sẽ bị cắt và dán la liệt trên các báo điện tử và trang tin khác, từ lớn đến bé, từ uy tín cao đến uy tín thấp. Dấu hiệu để nhận biết nguồn bài gốc thường là một đôi chữ nhỏ, nằm kín đáo ở cuối bài và đôi khi lẩn sau những dòng quảng cáo.
Thế là những bài báo hay, những tìm tòi độc đáo, công lao khó nhọc của New York Times lại mang đến lượng truy cập và tiền quảng cáo cho cả những đối thủ cạnh tranh của nó. Một năm sau, nhiều năm sau, những bài viết cắt dán vẫn nằm ở những website đó, nghiễm nhiên trở thành tài sản và mang lại lợi ích lâu dài cho người copy nó.
Nếu New York Times là một tờ báo nhỏ hoặc báo chuyên ngành, nó sẽ càng “chết” nữa, vì đã nhỏ hoặc chuyên ngành thì ít người truy cập trực tiếp. Trong khi đó, nếu sử dụng công cụ tìm kiếm (với các từ chuyên ngành chẳng hạn), người ta rất dễ thấy các bài của New York Times trên những website khác là chính. Những website này thường nằm ở vị trí cao hơn trong kết quả tìm kiếm, vì thông tin ở đó nhiều hơn (do copy nhiều) nên có nhiều người đọc hơn dẫn đến lượng truy cập cao hơn và các cỗ máy tìm kiếm (sau khi nhận thống kê từ những dịch vụ như Google Analytics) sẽ “ưu ái” hơn. Ngoài ra, một khi không phải mất công làm báo thì những website chuyên copy có thể đầu tư nhiều hơn vào việc quảng bá và cải thiện vị trí kết quả tìm kiếm.
Làm thế nào một tờ báo, trang tin điện tử ở Việt Nam có thể bảo vệ thành quả của mình, tăng sức cạnh tranh? Cách mà hầu hết các báo làm trong thời gian qua là “Ông cóp của tôi thì tôi cũng cũng cóp lại của ông”. Cuối cùng, chúng ta có một thực trạng rất bát nháo về bản quyền báo điện tử.
Hoàn cảnh mới, thói quen cũ
Năm 1997, VN mới chính thức kết nối Internet. Năm 1998, VN mới có tờ báo điện tử chính thức đầu tiên (Nhân Dân điện tử). Cho đến trước khi có hiện tượng bùng nổ Internet băng rộng (vào năm 2005), hầu hết người Việt còn rất xa lạ với Internet. Hệ thống cơ sở pháp lý cho nội dung thông tin trên Internet hầu như chưa có. Về mặt văn hóa, tình trạng “sở hữu tập thể” đối với các tác phẩm báo điện tử có thể xem là hệ quả của một lối tư duy luộm thuộm, dễ dãi, thiếu tôn trọng mình, thích ăn không của người khác. Một đặc điểm rất quan trọng nữa là các báo điện tử Việt Nam hoàn toàn miễn phí nội dung, và thời gian đầu có ít quảng cáo, nên người copy thì nghĩ rằng mình không vi phạm gì (vì không sử dụng cho mục đích thương mại); người bị copy thì cảm thấy không ảnh hưởng lắm đến lợi ích của mình.
Nay hoàn cảnh đã thay đổi, chỉ riêng số người sử dụng Internet ở Việt Nam hiện đạt khoảng gần 16 triệu người, chiếm tới gần 20% dân số. Người đọc báo mạng ngày càng nhiều và trình độ chung của người đọc đã cao hơn hẳn, ý thức của họ về bản quyền cũng tăng dần. Báo mạng ngày nay đã trở thành một lực lượng truyền thông quan trọng, đôi khi lấn át báo giấy ở một số khía cạnh. Các doanh nghiệp đã đánh giá cao hơn về tiềm năng của quảng cáo trực tuyến và ngày càng chi cho quảng cáo trực tuyến nhiều hơn. Và Luật Sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực từ 7/2006… Tất cả thay đổi, trừ thói quen “đánh cắp” vẫn còn nguyên.