Bảo tồn cổ nhạc Đại Việt: “Khổ lắm, nói mãi”!

Như đã biết, âm nhạc cổ truyền Việt Nam luôn được lưu truyền chủ yếu bằng phương thức truyền miệng, truyền ngón nghề trực tiếp. Điều đó có nghĩa sự bảo lưu mọi giá trị tinh hoa cổ nhạc hoàn toàn phụ thuộc vào giới các nghệ nhân nhà nghề. Chúng không tồn tại dưới dạng văn bản kiểu như nhạc cổ điển phương Tây. Từ đó, có thể hiểu được vai trò đặc biệt quan trọng của nghệ nhân cổ nhạc Việt Nam. Họ không chỉ đơn giản là những người biểu diễn nghệ thuật - tức những nhạc công thuần túy. Nghệ nhân – đó chính là những người nắm giữ toàn bộ kho tàng các giá trị tinh hoa của truyền thống. Vừa biểu diễn, vừa mang chức năng sáng tạo tại chỗ, họ còn đồng thời là những người THẦY (theo một nghĩa rộng), đóng vai trò chủ yếu trong việc duy trì nghề nghiệp giữa các thế hệ tiếp nối.

Với đặc điểm đó, sẽ thấy muốn tái tạo, bảo tồn đời sống âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong xã hội hiện đại, trước hết chúng ta cần đặc biệt chú trọng tới vai trò của các nghệ nhân cổ nhạc. Tựu trung, có một số vấn đề cơ bản được đặt ra như sau:
+Một là vấn đề quyền lợi của nghệ nhân, đặc biệt với những nghệ nhân lão thành. Để kiếm sống được bằng nghề, họ phải được hưởng một chế độ đãi ngộ nào đó sao cho có thể truyền dạy toàn tâm, toàn ý mọi vốn liếng nghề nghiệp còn lại của cha ông mà họ đã lưu giữ bấy lâu nay. Sở dĩ phải đặt vấn đề như vậy bởi chúng ta không thể kêu gọi chữ TÂM một cách đơn giản. Lẽ thường, “có thực mới vực được đạo”! Trong hàng chục năm qua, tình trạng giấu nghề, bất mãn với chế độ đãi ngộ là một thực trạng nan giải mà chúng tôi đã vấp phải trên khắp các nẻo đường điền dã. Nhiều khi, câu chuyện đó trở thành khúc ca bi hài – kiểu những chuyện thật như bịa trong đời sống hiện tại. Ví như nghệ nhân Hát Xẩm cuối cùng của Việt Nam – bà Hà Thị Cầu. Cho đến nay, bà vẫn chưa hề được hưởng một chế độ đãi ngộ xứng tầm với tài năng và vị trí xã hội nghệ thuật của mình. Không có lương và bảo hiểm y tế, vì theo cơ chế, bà chẳng thuộc một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nào. Gần đây, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho bà. Hẳn điều đó đã át đi phần nào danh hiệu NSƯT, cái mà đối với chúng tôi là khá hài hước với một nghệ nhân tầm cỡ! GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cho biết, trong nhiều năm qua, ông đã đệ trình xin cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các nghệ nhân nhưng chưa được xét duyệt!? Trong khi nhà nước có thể đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác một cách hết sức lãng phí (như thể thao chẳng hạn). Mà hiệu quả như thế nào thì ai cũng biết. Thương thay, một vận động viên than phiền trên TV rằng mỗi ngày anh chỉ được hưởng tiền ăn có hơn 100.000đ thì bà Hà Thị Cầu cũng như nhiều nghệ nhân lão thành khác vẫn phải chạy vạy từng bữa ăn hàng ngày. Có người đã làm một phép tính, chúng ta bỏ ra khoảng 300.000.000 USD cho một kỳ đại hội thể thao để thu được 150 huy chương các loại. Như thế mỗi huy chương có giá trị tương đương với 2.000.000USD. Có lẽ không cần bình luận gì nhiều!
+Hai là chế độ đãi ngộ với người học nghề. Đến nay, câu chuyện này hẳn vẫn còn là một vấn đề bức xúc trong xã hội Việt Nam đương đại. Một thanh niên theo học cổ nhạc sẽ được gì? Nếu theo học kiểu THẦY – TRÒ truyền thống, đương nhiên họ sẽ không có BẰNG CẤP – cái tiêu chuẩn hết sức thông thường mà một thanh niên trong xã hội hiện đại cần vươn tới. Muốn có bằng cấp về âm nhạc dân tộc, họ buộc phải theo học ở các trường chuyên nghiệp như Nhạc viện Hà Nội hay Sân khấu điện ảnh… Ở Nhạc viện thì chơi nhạc Dân tộc cải biên là chủ yếu. Còn ở Sân khấu điện ảnh thì chỉ có Chèo, Tuồng và Cải lương. So với môi trường đào tạo tự do ngoài đời, việc dạy các bộ môn cổ nhạc ở đây tỏ ra hạn chế hơn nhiều. Ngoài việc học cổ nhạc, các sinh viên còn phải học thêm nhiều kiến thức khác của nhạc Tây phương để chuẩn bị hành trang cho việc trình diễn các loại nhạc Dân tộc cải biên khác. Bởi Tuồng cải biên, Chèo cải biên hiển nhiên đã là mục tiêu chủ yếu của các nhà hát trong phân nửa thế kỷ qua. Vậy nếu muốn có một giới nghệ nhân chỉ chuyên biểu diễn cổ nhạc thuần túy, rõ ràng việc thay đổi cơ chế đào tạo, cơ chế đãi ngộ lương bổng là một vấn đề tối quan trọng. Nếu không, chúng ta vẫn phó mặc việc truyền thụ cổ nhạc cho trường sân khấu. Nơi mà sự giáo dục vẫn ở thực trạng lệch vế, vừa thiếu vừa thừa! Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp những thanh niên tài năng theo học nghệ nhân nhiều năm, đã trở thành một nghệ nhân trẻ thực thụ song vẫn phải thi vào Nhạc viện để có bằng Đại học, mới mong xin được việc làm ở các nhà hát. Mặt khác, học ở trường nhà nước thì có chế độ đãi ngộ. Nhưng theo học thầy tư thì đương nhiên phải bỏ tiền túi. Rồi nhà nước chỉ đào tạo Tuồng, Chèo, Cải lương một cách chính thống. Còn nhiều bộ môn khác như Ca trù, Hát Văn, Xẩm… thì vẫn trôi nổi ngoài đời. Cuộc sống thoi thóp phụ thuộc vào sự tôn vinh của xã hội, thăng trầm trong từng thời kỳ. Thi thoảng có nhà tài trợ hay được các phương tiện thông tin đại chúng “rờ” tới thì ầm ĩ, rầm rộ một thời gian. Xong rồi đâu lại vào đấy, lập lòe như đom đóm ngoài đồng! Mọi sự cố gắng của chúng ta thường chỉ mang tính chụp giật, nhất thời. Thực tế cho thấy, MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI của cổ nhạc Đại Việt là cái mà các nghệ nhân cũng như các nhà nghiên cứu tâm huyết vẫn còn nằm mơ! Nói loanh quanh vậy song vẫn thấy vấn đề chủ yếu là đầu ra cho cái nghiệp cầm ca cổ nhạc. Cơ chế xã hội cần phải xác lập một vị trí xứng đáng, danh giá sao cho lớp trẻ đủ niềm tin để “dám” phấn đấu trở thành một nghệ nhân cổ nhạc. Đấy chính là vấn đề bức xúc bấy lâu nay.
Chúng tôi thường ước ao, giá mà giữa cái đất Thăng Long này, chúng ta có những nhà hát nhạc cổ thực thụ kiểu Chèo sân đình, Tuồng sân đình, quán Ca trù… để cho giới thức giả ít ỏi có chỗ đến mà nghe. Hãy tưởng tượng, trong quá khứ, mới cách đây phân nửa thế kỷ, đã từng tồn tại một kho tàng đồ sộ với tầm 40 vở Chèo cổ, hơn chục vở Chèo, Cải lương của Nguyễn Đình Nghị, hàng trăm vở Tuồng… Trong đó, có nhiều vở Tuồng Pho, mỗi vở diễn cả tháng trời mới hết. Rồi Hát cửa đình, Hát cửa quyền như thế nào, Ả đào ca quán ra làm sao, một đám Hát Trống quân gồm những gì… Tất cả phần lớn đều đã trở thành những câu chuyện kiểu như nghe nói thế, thấy bảo thế! Các sinh viên say mê cổ nhạc, giới những người cao tuổi và cả những người nước ngoài muốn tìm hiểu (chí ít là tò mò) cũng chẳng biết tìm đâu cho được. Môi trường biểu diễn thì hầu như chẳng phân định. Nhạc dân tộc cải biên thường được ngộ nhận như nhạc cổ truyền đích thực. Các nghệ nhân tài danh thì vẫn lay lắt. Số ít lớp trẻ có tâm, có tài thì vẫn vật lộn với vài miếng nghề ít ỏi, kiếm sống chật vật.
Phân nửa thế kỷ qua, chúng ta đã bỏ khá nhiều tài lực để bảo tồn và phát huy các giá trị nhạc cổ điển châu Âu (mà thực chất là nhạc cổ truyền của họ – tôi nhấn mạnh). Trên các phương tiện thông tin đại chúng, không ít tuyên ngôn quan ngại cho cái sự kém cỏi, không biết nghe loại nhạc này của dân Việt Nam. Trong khi đó, hãy thử xem chúng ta làm được bao nhiêu với kho tàng các giá trị cổ nhạc của cha ông. Một bài toán thật dễ hiểu! Xem ra, cái thế của chúng ta trong cuộc hội nhập với thế giới quả là khá hài hước! Chúng ta luôn cố gắng học HỌ, giống HỌ, bươn trải đủ mọi cách để tiếp thu và kế thừa những tinh hoa nghệ thuật của HỌ với cái nghĩa QUỐC TẾ, phải hội nhập. Không biết HỌ có làm điều ngược lại khi hội nhập với chúng ta? Ở đây, điều mà chúng tôi trăn trở lớn nhất là nếu không có TA, thì HỌ vẫn bảo tồn được các giá trị cha ông của HỌ. Nhưng nếu TA không chủ động bảo vệ thì các giá trị cổ truyền của TA sẽ ra đi mãi mãi.
Hãy tưởng tượng, trên các phố phường Hà Nội, nếu hình thành được một hệ thống các nhà hát vừa và nhỏ để biểu diễn các thể loại cổ nhạc thì môi trường âm nhạc sẽ thay đổi về cơ bản. Kèm theo đó, trên các đài truyền hình cần có một kênh chuyên biệt giới thiệu mang tính giáo dục đại chúng. Các nhà hát cổ nhạc đương nhiên cần sự bao cấp dưới nhiều hình thức khác nhau. Giá vé phải thật bình dân, thậm chí miễn phí trong một thời gian dài. Không gian trình diễn cũng cần được thiết kế đồng bộ sao cho người thưởng thức có thể đắm mình trong một thời vang bóng. Hiệu quả ra sao thì thật dễ đoán. Giới thức giả sành điệu có chỗ mà nghe đã đành, ngay cả các tầng lớp thanh niên và du khách cũng có chỗ mà tìm hiểu, chí ít là thỏa mãn chí tò mò. Trải theo thời gian, môi trường nghệ thuật cổ truyền sẽ dần tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng. Phương châm đặt ra là không cần nhiều, chỉ cần thật chất lượng. Đó chính là phương thức bảo tồn tập trung trong không gian đô thị hiện đại.
Tất nhiên vấn đề lớn nhất, khó khăn nhất vẫn là nguồn kinh phí để một mặt đảm bảo mức sống tối thiểu cho các nghệ sĩ biểu diễn, mặt khác phải đài thọ cho cả người DẠY lẫn người HỌC. Bên cạnh sự bao cấp từng phần của Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân sẽ là nguồn tài trợ lớn. Vấn đề là ai sẽ làm Mạnh Thường Quân bảo trợ cho các bộ môn cổ nhạc, duy trì môi trường cung cầu lành mạnh trong cơ chế thị trường hiện nay? Để kêu gọi lòng hảo tâm cũng như tinh thần dân tộc của họ, không gì khác là Nhà nước phải có một chính sách ưu đãi tương thích cho các doanh nghiệp tài trợ, nuôi dưỡng nhạc cổ. Như chính sách giảm thuế, sự ưu tiên trong chính sách đầu tư chẳng hạn… Cách làm này chẳng có gì mới. Bởi các nước phát triển vẫn làm vậy để duy trì cổ nhạc của HỌ từ rất lâu rồi. Nói nôm na, giải pháp tháo gỡ là một bài toán dễ nhưng sẽ khó thực thi bởi nó luôn phụ thuộc vào hai chữ TIỀN và QUYỀN./.
———-
* Ban NC Di sản văn hóa phi vật thể, Viện Văn hóa – Thông tin

Ảnh trên: Tranh: Bùi Suối Hoa

Bùi Trọng Hiền

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)