Bát nhã là bất nhị
Cũng có thể hiểu đạo Phật là đạo bất nhị. Tất cả đều là một, là ở trong nhau. Phật và chúng sinh là một, Phật sinh bất nhị, phàm thánh bất nhị, mê ngộ cũng bất nhị… Thân và tâm là một, có cũng là không. Nhị nguyên, phân biệt thì không phải là quan niệm của nhà Phật, không có sự tách bạch tinh thần và vật chất.
Tinh thần và vật chất là một chứ không phải là hai thế giới biệt lập như quan niệm của Descartes trong vật lý cổ điển. Vật lý hiện đại đã tiến rất gần tới tư tưởng của nhà Phật. Tính chất sóng và hạt tuy hai mà một bởi cùng hội tụ trong một dạng vật chất là ánh sáng…
Bất nhị là vô ngã, vì khi không có ngã, không có cái tôi thì sẽ không còn có cái mà tôi sở hữu, không còn cái nhà này, cái xe hơi này… là của tôi, thì sẽ không còn tham sân si.
Bồ tát là bất nhị, vì các vị Bồ tát tuy đã đủ hạnh quả để vào Niết Bàn nhưng vẫn không vào Niết Bàn mà ở lại nhân gian để cứu độ chúng sinh, ở trong trần thế mà không dính vào ô trọc, cứu độ chúng sinh mà không nghĩ là mình cứu độ, không phân biệt mình và chúng sinh…
Bất nhị là không hai, có cũng là không, không cũng là có, không phải có cũng không phải không. Vô thường là không, vô ngã cũng là không, Niết Bàn cũng là không.
Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230-1291) trong bài thơ Muôn Sự Đều Về Cõi Chân Như có câu: Có có không không rốt cuộc là đồng nhất/Phiền não, bồ đề vốn chẳng hai.
Hoặc một câu nữa trong bài Phàm Thánh Bất Dị: Lông mày ngang, mũi dọc giống nhau/Phật và chúng sinh đều chung một khuôn mặt.
Đều là những tư tưởng phá chấp nhị nguyên triệt để tận cùng của Tuệ Trung Thượng Sỹ.