Bát và người

Ngồi ngắm mấy cái bát gốm Lý xinh xinh thấy người Việt mạnh, người Việt lớn là vì những thứ nhỏ như thế. Người Việt chỉ hay khi làm nhỏ. Qua cái bát gốm Lý cũng đủ thấy văn hóa Việt mạnh thế nào. Sau một nghìn năm bị đô hộ, bị đồng hóa mà vẫn không mất mình.

Năm 1991, lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác lạ khi đi mua đồ xưa. Một cửa hàng nhỏ trên đường Kim Mã, toàn đồ ít tiền, cọc cạch. Người bán không có nhiều đồ và đồ nhiều tiền mà người mua thì cũng thuộc loại thích đồ xưa nhưng ít tiền. Ít tiền nhưng hễ biết thì vẫn chơi được, vẫn có kiểu chơi của nó. Mua được mấy món linh tinh, gốm Lý, chẳng món nào lành, toàn đồ sứt vỡ. Lần đầu có khác, đi đâu cũng chỉ mau mau chóng chóng muốn về ngay để ngắm nghía vuốt ve mấy cái đĩa, cái bát mốc meo đó. Thế mà sướng, sướng vì tìm được một trò chơi mới, một niềm vui mới với những đồ vật xưa cũ… và tự nhiên thấy mình khác trước, đơn giản hơn là bỗng thấy trong lòng mình có thêm những cảm giác khác.

Trong mấy thứ mua được hôm đó, có một cái bát, không mẻ nhưng bị nứt, vết nứt nhìn kỹ mới thấy, như sợi tóc, gõ nhẹ vào thành bát, tiếng kêu đục, không trong nữa. Tiếng kêu cũng cũ. Nhưng nhìn bát chứ có nghe đâu mà cần. Cái bát có lớp men áo màu xanh hơi thiên vàng, quen gọi là xanh ngọc nước dưa. Lớp men trong đọng vào những nét lõm của họa tiết được khắc vạch khi xương đất chưa khô hẳn, ẩn hiện nông sâu, đậm nhạt, tan chảy, nhòe hoặc tụ lại ở chân bát hình giọt lệ. Họa tiết thường gặp là hoa cúc dây trong lòng bát. Cái đẹp của tạo dáng bát đời Lý là cái đẹp của tương phản, miệng bát rộng, rộng rãi, cởi mở, mở ra và thu lại đến vô cùng, chân bát thấp, nhỏ. Màu men và tạo hình dáng bát này có thể coi là điển hình của bát gốm Lý cũng có thể coi là tác phẩm design đầu tiên bằng gốm của người Việt. Chẳng cứ phải làm gì to tát, khẳng định mình (bằng nghệ thuật) qua cái bát sau một nghìn năm Bắc thuộc cũng là xong một việc. Nói vậy là bởi gốm Lý hay bị so sánh với gốm Tống. Vẻ đẹp của gốm Tống là chỉn chu, nuột nà, gọn gàng, sạch sẽ, mỏng manh, cân đối ngược lại với gốm Lý, Lý đẹp là do mộc mạc, thô vụng, không đều, không cái nào giống cái nào, màu men thì chỗ xanh chỗ vàng, nhiều tình cờ do ít nhiều của đất nước lửa, có lẽ vậy mà gốm Lý nặng tình, nhiều tình hơn lý. Gốm Lý nghiêng về mỹ thuật hơn mỹ nghệ, nhiều cảm hơn nghĩ.


Bát đời Lý, TK 10

Ngồi ngắm mấy cái bát gốm Lý xinh xinh thấy người Việt mạnh, người Việt lớn là vì những thứ nhỏ như thế. Người Việt chỉ hay khi làm nhỏ. Qua cái bát gốm Lý cũng đủ thấy văn hóa Việt mạnh thế nào. Sau một nghìn năm bị đô hộ, bị đồng hóa mà vẫn không mất mình. Nghệ thuật là làm ra mình, tìm ra mình. Qua một cái bát gốm vẫn thấy được đời sống tinh thần người Việt trong đó.

Một nghìn năm đã đi qua mấy cái bát này. Những cái bát đã đi qua bao gia đình, đi qua bao bữa cơm sáng trưa chiều tối. Ai đã vuốt ra cái bát này, ai vẽ, ai vào lò ra lò? Ai đã nung cái bát này? Tại sao lại bát ăn bát để, tại sao lại ăn ở đầy vơi như bát, tại sao lại tham bát bỏ mâm, nhà sạch bát sạch, ăn cháo đá bát? Tại sao chết thì lại gối đầu lên bát sẽ “ngủ” yên hơn?

Năm 1994, (tôi) vẽ một bức tranh khổ lớn, sơn dầu trên vải, chỉ vẽ mỗi cái bát, một cái bát gốm cổ và vài cái đũa. Bức này người ta in làm bìa cho cuốn sách của triển lãm lần đầu tiên (của tôi) ở ngoài Việt Nam (Triển lãm Con đường Tĩnh lặng – Hongkong & Singapore 1995). Một cái bát gốm tĩnh lặng hóa ra lại nói và nói được nhiều chuyện của cá nhân mình.


Bát cuối Trần, đầu Lê

Cách nung gốm của Lý là xếp bát thành từng chồng, giữa bát nọ với bát kia có một con kê để ngăn không bị dính men, cho nên lòng của bát Lý bao giờ cũng có vết con kê. Từ cuối Trần trở đi, kỹ thuật này bỏ hẳn, thay bằng kiểu ve lòng. Chân bát, đĩa của Lê được thiết kế cao hẳn lên để khi xếp chồng lên nhau, khoảng cách giữa chúng sẽ rộng ra, vừa không bị dính men vừa cho nhiệt vào được nhiều hơn, men không sống. Xuất phát từ kỹ thuật nhưng lại có hiệu quả nghệ thuật. Dáng bát đĩa chân cao rất độc đáo và tiêu biểu của gốm Lê. Trước và sau Lê không có dáng này, bát đĩa gốm của các nước cũng không có dáng chân cao như vậy.

Sang thời Nguyễn, dáng bát quay về với tinh thần Lý, miệng bát xòe rộng, chân bát nhỏ, ngắn, điểm khác biệt là có ngấn, thắt lại ở phần eo chia bát làm hai phần rõ rệt gọi là bát chiết yêu. Men áo là men búp dong, hơi xanh, làm bằng tro bếp pha nước vôi, vẽ lam dưới men.

Thời trước, cỗ quê một mâm gồm năm đĩa hai bát là dùng bát chiết yêu. Cỗ nhà giàu, hết bát này múc thêm bát khác, cỗ nhà nghèo chỉ một bát, dáng bát chiết yêu như vậy nên không chứa được nhiều thức ăn nhưng trông vẫn đầy đặn, no đủ, ít nhất thì cũng no mắt, đủ mắt.


Bát chân cao đời Lê, TK 17

Chuyện bát cũng là chuyện người, chuyện ăn uống cũng là chuyện người. Người Việt có nhiều loại thức ăn nước hơn thức ăn khô, canh, cháo, phở, bún, miến… nên bát dùng nhiều hơn đĩa, có nhiều dáng bát lạ, đẹp.

Học đã mới chơi được, nhưng chơi cũng là một cách để học, để hiểu, cho dù chỉ là chơi mấy cái bát xưa, cũng vẫn thấy được truyền thống, văn hóa, nghệ thuật, thấy được tâm tính của người Việt.

Tác giả

(Visited 46 times, 1 visits today)