Bedrich Smetana vị tướng tiên phong

Vào nửa cuối thế kỉ 19, ở vùng đất mà ngày nay là nước Cộng hòa Crech đã từng có một “Cuộc chiến tranh nhân dân” mà vũ khí lợi hại nhất của phong trào giành độc lập cho Czech từ Đế chế Hapsburg là âm nhạc, nơi mà các vị tướng là các nhà soạn nhạc và bộ binh là dàn nhạc. Bedrich Smetana có thể coi là vị tướng tiên phong nhất trong cuộc chiến cam go này.

Vùng đất mà ngày nay Cộng hòa Czech ngự trị trước kia là Vương quốc Bohemia, nơi trong nhiều thế kỉ là một trong những trung tâm chính trị, văn hóa và tôn giáo của châu Âu. Nhưng giống như những láng giềng Moravia và Slovakia, Bohemia đã tiến hành một cuộc chiến không ngừng để duy trì nền độc lập trước những mưu đồ bành trướng của các nước láng giềng. Sau Cuộc chiến Núi Trắng năm 1620, Bohemia không còn là một dân tộc tự chủ và bị sáp nhập vào Đế chế Hapsburg cho đến tận lúc chấm dứt thế chiến thứ nhất. Đến cuối thế kỉ 18, chỉ có tầng lớp nông dân Bohemia mới nói tiếng Czech trong khi tiếng Đức được dùng như là ngôn ngữ dân tộc. Nhưng âm nhạc của Bohemia, bộ phận đặc trưng nhất của nền văn hóa dân tộc, vẫn mãnh liệt sống.

 Trong thế kỉ 18, truyền thống âm nhạc của Đức đã có một ảnh hưởng quan trọng ở Bohemia. Nhiều nhà soạn nhạc lớn của Bohemia rốt cục cũng định cư ở Đức. Mặc dù những nhà soạn nhạc đó viết theo một phương pháp và phong cách tương tự với những đồng nghiệp người Đức nhưng cũng có cả nét đặc trưng Czech độc đáo và có thể nhận ra được với sự táo bạo về hòa âm và nhịp điệu. Phải đến nửa cuối thế kỉ 19, âm nhạc Bohemia mới thực sự là chính mình và nổi lên như một vũ khí hiệu nghiệm trong cuộc chiến tranh văn hóa. Những nhân vật chủ chốt trong thời kỳ này là Bedrich Smetana (1824-1884) và Antonin Dvorak (1841-1904).

 Smetana được xem là người sáng lập ra âm nhạc dân tộc Czech. Là một nhà ái quốc nồng nhiệt, ông đã có mặt tại chiến lũy trong cuộc nổi dậy bị Hapsburg đè bẹp ở Prague năm 1848. Tại thời điểm đó ông đã viết một bản hợp xướng với piano có tên Pisen svobody (Bài ca tự do). Đây là tác phẩm duy nhất có lời tiếng Czech tính đến năm 1860 của ông nhưng nó đã không đến được với công chúng lúc đó. Sau này tác phẩm trở nên quen thuộc với người Mĩ nhờ bản thu âm song ngữ của Paul Robeson. Smetana đã tiến tới hình thành quan niệm sáng tác âm nhạc như một nhiệm vụ ái quốc.

 Vào ngày 25/9/1866, Smetana đạt được một vị trí mà ông mong chờ nhất là chỉ huy chính của Royal Provincial Czech Theatre, nhà hát chuyên nghiệp đầu tiên của Czech.  Smetana nhận thức rõ về vai trò cốt yếu mà opera Czech có thể đảm nhiệm trong đời sống dân tộc và nhận ra rằng sân khấu chuyên nghiệp thường xuyên sẽ cần một đội ngũ những vở opera Czech mới. Nhu cầu này cũng được bá tước Jan Harrach tiên liệu khi vào tháng 2/1861 ông thông báo một cuộc thi chọn hai vở opera Czech xuất sắc nhất (comic và seria). Smetana bắt đầu tìm kiếm libretto và trong hai năm 1862-63 ông đã soạn vở opera đầu tiên của mình, Braniboři v Čechách (Những người Brandenburg ở Bohemia). Smetana đã ẩn danh gửi nó đến cuộc thi của Jan Harrach với phương châm :”âm nhạc- ngôn ngữ của cảm xúc, lời – ngôn ngữ của tư tưởng”. Sau ba năm cân nhắc, ban giám khảo cuộc thi đã tuyên bố vở Braniboři v Čechách giành chiến thắng. Đến lúc này, Smetana đã cho diễn tập và trình diễn lần đầu tiên tại Royal Provincial Czech Theatre vào ngày 5/1/1866. Thành công của nó cùng với một công chúng đang hăm hở với các vở opera Czech đã khiến nhà hát ngay lập tức chấp nhận vở opera thứ hai của Smetana, Prodaná nevěsta (Cô dâu bị đánh tráo), vừa được hoàn thành lúc đó. Mặc dù tác phẩm còn phải sửa chữa nhiều lần trước buổi công diễn lần đầu không mấy triển vọng vào ngày 30/5/1866 (do bóng đen của cuộc chiến Áo-Phổ đang treo lơ lửng), nó bắt đầu được công chúng dần chấp nhận là một opera Czech mẫu mực thực hiện ý tưởng rằng opera phải điển hình cho dân tộc. Tuy nhiên là một opera comic, đôi khi nó bị coi là quá nhẹ cân đối với một mục đích nghiêm túc.

 Một cột mốc quan trọng cho phong trào văn hóa vì nền độc lập Czech đang lớn mạnh là việc đặt viên đá xây nền cho Nhà hát quốc gia Prague thay thế cho cho Royal Provincial Czech Theatre nhỏ bé. Đại diện cho mọi nhạc sĩ Czech, Smetana đã tham gia vào lễ khởi công và tuyên bố : “Trong âm nhạc có đời sống của người Czech”. Việc công diễn vở opera thứ ba của ông, Dalibor (16/5/1868), cũng là một phần của lễ khởi công. Vở Dalibor trở thành luận cứ cho cả hai phe ủng hộ và chống Wagner trong những cuộc bút chiến. Nhưng Smetana giữ niềm tin không lay chuyển về tính sáng tạo độc đáo của mình. Ông viết trong một bức thư cho nhạc trưởng Adolf Čech (4/12/1882): “Tôi chẳng viết theo phong cách của bất cứ nhà soạn nhạc nổi tiếng nào, tôi chỉ ngưỡng mộ sự vĩ đại của họ và lấy cho mình mọi thứ mà tôi thấy tốt và đẹp, và trên tất cả là chân thực trong nghệ thuật. Anh đã biết ở tôi điều này trong một thời gian dài nhưng những người khác thì không và họ cứ nghĩ rằng tôi đang giới thiệu trường phái Wagner!!! Tôi đã viết bằng bút pháp Smetana cũng như phong cách này là thành thực nhất.” Trong thời kỳ những cuộc bút chiến gay gắt nhất, Smetana đã soạn vở opera long trọng Libuše (1869–72), tiếp theo là opera salon Dvě vdovy (Hai bà quả phụ, 1873-74).

 Chịu chung số phận với Beethoven, Smetana phải đối mặt với những bi kịch cá nhân của việc mất đi thính giác vào mùa thu năm 1874. Ông phải từ bỏ vị trí chỉ huy của mình ở nhà hát, rời Prague và chuyển đến sống với cô con gái cả ở Jabkenice gần Mladá Boleslav. Sau này ông đã viết : “Hãy tin rằng tôi cần tất cả lòng can đảm và sức mạnh để giữ mình khỏi trở nên tuyệt vọng đến nỗi dự tính dùng bạo lực nhằm chấm dứt nỗi đau đớn của mình. Chỉ có gia cảnh và ý nghĩ rằng mình phải tiếp tục làm việc cho nhân dân và đất nước mình mới giữ cho tôi sống và tạo cảm hứng cho những sáng tạo mới của tôi.” Bệnh điếc đã không thể nào đè bẹp được sức sáng tạo âm nhạc của Smetana mà ngược lại, trong thập niên cuối đời ông đã tận dụng được khả năng sáng tác trong yên tĩnh. Ngay khi mới bị điếc và còn ở Prague, ông đã hoàn thành hai chương Vyšehrad và Vltava của liên khúc thơ giao hưởng Má vlast (Tổ quốc tôi). Bốn chương còn lại được viết ở Jabkenice trong hơn 5 năm tiếp theo. Trong thập niên cuối cùng của mình, ông cũng viết hai tứ tấu đàn dây (bản thứ nhất có tên Z mého života (Từ cuộc đời tôi) khắc họa một cách cảm động sự tấn công của bệnh điếc); hai bộ Czech Dances cho piano và liên khúc Večerní písně (Những khúc ca chiều tối). Những tác phẩm hợp xướng thời kỳ này gồm cả Píseň na moři (Bài ca của biển) – một tác phẩm đòi hỏi khắt khe và hai tác phẩm viết cho lễ kỉ niệm lần thứ 20 ngày thành lập đội hợp xướng Prague Hlahol là Věno (Dâng tặng) và Modlitba (Lời nguyện cầu). Quan trọng nhất là có thêm ba vở opera : Hubička (Nụ hôn, 1875–6) được trình diễn lần đầu vào ngày 7/11/1876 và ngay lập tức được hoan nghênh nhiệt liệt, Tajemství (Điều bí mật, 1877–8) và Čertova stěna (Bức tường của quỷ, 1879–82).  Sức khỏe ngày càng tồi tệ khiến Smetana phải chuyển đến một dưỡng trí viện ở Prague nơi ông qua đời vào ngày 12/5/1884. Người Czech tiếc thương ông như một vị anh hùng dân tộc. Một trong những người cùng thời với ông là Ladislav Dolansky nói : “Với tôi, Smetana luôn là một hình mẫu của lòng yêu nước thuần khiết nhất. Khi ông phát âm từ “dân tộc tôi”, giọng ông ngân vang và trái tim những người nghe ông nói đập nhanh hơn.”

Trong âm nhạc và văn hóa Czech, Smetana được công nhận là một trong những đại diện lớn nhất của âm nhạc dân tộc Czech. Tiến trình song song của phong cách cá nhân Smetana và một phong cách dân tộc được củng cố trong nửa cuối những năm 1870 và được Dvorak, Janacek kế tục sau khi Smetana qua đời. Bản thân Smetana cũng hoàn toàn nhận thức được vai trò mà một số tác phẩm của mình đã bắt đầu đáp ứng; nhận thức này càng lớn trong cộng đồng Czech thì ý thức về bổn phận của ông càng lớn. Thái độ điển hình này có thể được tìm thấy trong một bức thư gửi Ludevít Procházka ngày 31/8/1882 khi ông từ chối soạn những đoạn hài hước lồng thêm vào vở opera Dvě vdovy theo đề nghị của người chuyển soạn vở này sang tiếng Đức : “Tôi phải tìm cách giữ gìn vị thế danh dự và vẻ vang mà những sáng tác của mình đạt được ở dân tộc mình và đất nước mình. – Theo công trạng và theo những nỗ lực của tôi thì tôi là nhà soạn nhạc Czech và người sáng tạo theo phong cách Czech trong mọi nhánh âm nhạc kịch nghệ và giao hưởng – dành riêng cho người Czech… Tôi không thể làm việc với một bản lời phù phiếm ; thứ âm nhạc như vậy làm tôi ghét cay ghét đắng và nếu tôi sắp làm việc đó thì tôi chỉ chứng tỏ với cả thế giới rằng tôi viết bất cứ cái gì người ta muốn vì tiền.”

(nhaccodien.info)
Ngọc Anh

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)