Beethoven có khả năng nghe thấy bản giao hưởng cuối cùng

Các nhà âm nhạc học mới khám phá ra, trái ngược với những gì chúng ta đã tin tưởng thì nhà soạn nhạc Đức vĩ đại vẫn còn chút khả năng nghe trong những năm cuối đời. Theo một chuyên gia hàng đầu về Beethoven, nhà soạn nhạc vẫn còn nghe được bằng tai trái cho đến một thời gian ngắn trước khi qua đời vào năm 1827.

Điều này sẽ khiến những ai hâm mộ Beethoven phải phấn khích thay đổi một số thông tin về tiểu sử Beethoven,” Theodore Albrecht, giáo sư âm nhạc học tại trường đại học liên bang Kent, Ohio, nói với The Observer. Albrecht, người đã phát hiện ra bằng chứng quan trọng trong những tài liệu cùng thời nhà soạn nhạc, tin tưởng là dẫu Beethoven phải chịu đựng việc mất khả năng nghe thì ông cũng không bị mất đi hoàn toàn “những chiều sâu vô cùng tinh tế và nhạy bén” trong khả năng nhận biết âm thanh  mà nhiều nhà âm nhạc học đã tưởng nhầm.

“Không chỉ Beethoven không hoàn toàn điếc tại buổi trình diễn lần đầu tiên bản giáo hưởng số 9 vào tháng 5/1824, ông còn có thể nghe, dẫu đó là những thanh âm mờ nhạt, bởi ít nhất hai năm sau đó, có lẽ là ở buổi ra mắt bản tứ tấu đàn dây cung Si giáng, Op 130, ông vẫn có thể giám sát màn trình tấu của các nghệ sĩ”, Albrecht nói.

Beethoven bắt đầu mất khả năng nghe vào năm 1798. “Nếu tôi làm bất kỳ nghề nào đó thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn”, ông tâm sự với một người bạn, “nhưng trong nghề của tôi thì đó là một điều hết sức khủng khiếp”. Giữa năm 1812 và 1816, ông đã cố gắng nghe bằng thiết bị kích âm dạng kèn  trumpet và cũng có một số tín hiệu tốt. Kể từ năm 1818, ông mang kè kè bên mình “những cuốn sổ ghi hội thoại” để bạn bè và người quen có thể trao đổi với ông qua trang giấy và để ông có thể phản hồi.

Một cuốn năm 1823, kể lại về chuyến đi dạo của nhà soạn nhạc tới một quán cà phê mà ông yêu thích và bất ngờ nhận được hướng dẫn phục hồi thính giác của một người lạ. Beethoven đã viết xuống lời khuyên này: “Tắm [và] không khí trong lành có thể cái thiện nhiều thứ. Không  nên sử dụng các thiết bị cơ học [thiết bị kích âm dạng kèn trumpet] quá sớm; bằng việc tránh sử dụng chúng, tôi đã phục hồi được tai trái của mình theo cách này”.

Ông cũng biết thêm: “Khi có thể, [trò chuyện] thông qua viết tốt hơn nhiều; cái tai sẽ được nghỉ ngơi”. Trong một cuốn số khác, ghi năm 1824, một nhạc sĩ đến thăm và nói với Beethoven: “Anh có thể sẵn sàng chỉ huy bản overture này một mình… Việc chỉ huy cả buổi hòa nhạc có thể kéo căng thính giác của anh lên quá nhiều; do đó, tôi khuyên anh không nên làm việc đó.”

“Những cuốn sách ghi hội thoại sẽ đóng vai trò người thay đổi cuộc chơi,” Albrecht nói. Trong số những ví dụ mà chúng ta còn có ngày nay – hai tại nơi sinh của nhà soạn nhạc, Bảo tàng Beethoven – Haus ở Bonn, và 137 tại Thư viện Liên bang Berlin – ông đã tìm thấy 23 dẫn chiếu trực tiếp đến chủ đề thính giác của nhà soạn nhạc, và ước đoán hàng tá bằng chứng chứng tỏ “ông vẫn còn nghe được chút ít”.

Một số nhà âm nhạc học đề xuất, nếu thính giác của ông tệ hơn, Beethoven có thể thích nghe các nốt có phạm vi thấp hoặc trung bình trong các tác phẩm của mình, ông chỉ bắt đầu sử dụng các nốt cao khi mình trở nên điếc đặc và chuyển sang nghe, hình dung bằng trí nhớ. Nhưng nhìn vào phạm vi độ cao thấp của các nốt nhạc được sử dụng trong bản giao hưởng cuối cùng, Albrecht gạt bỏ giả thuyết đó: “Tôi không nghĩ điều đó đúng nữa. Những gì anh làm với piccolo trong bản giao hưởng số 9 – đưa các nốt lên cao – và các nốt cho đàn contrabass xuống thấp hơn? Tất cả các quãng âm đều ở đó. Ông ấy có thể nghe chúng ở bên trong tai. Ông ấy thật tuyệt vời.”

Albrecht  hiện giờ đang biên tập những “cuốn sổ hội thoại đó” và dịch chúng từ tiếng Đức sang tiếng Anh, một dự án xuất bản lớn với 12 tập

Công ty Anh Boydell & Brewer sẽ xuất bản tập ba Beethoven’s Conversation Books (Những cuốn sổ hội thoại của Beethoven) vào tháng 5 tới (45 bảng), tiếp theo việc xuất bản nghiên cứu mới trong bài báo “The Hearing Beethoven” (Khả năng nghe của Beethoven) trong The Beethoven Journal tháng này và Vienna Oboe vào tháng 3.

Bao phủ toàn bộ thời kỳ từ năm 1818 cho đến khi nhà soạn nhạc qua đời, cuốn sách với phạm vi của các chủ đề mở rộng từ âm nhạc, chính trị đến danh sách mua sắm và những việc vặt vãnh. Albrecht cho biết, dẫu một ấn bản tiếng Đức học thuật đã được bắt đầu từ năm 1968, nhưng nó vẫn còn quá khó hiểu và các nội dung của nó vẫn còn bị diễn giải sai. Bản dịch tiếng Anh của cuốn sách này đã bổ sung chú thích ở từng chân trang để giúp người đọc hiểu được ý nghĩa của thông tin.

Ông cho biết thêm là “những cuộc hội thoại đầy hấp dẫn” đó sẽ cho phép những người yêu nhạc nói tiếng Anh “nghe” được những gì Beethoven và bạn bè ông đã thảo luận.

Tô Vân dịch

Nguồn: https://www.theguardian.com/music/2020/feb/01/beethoven-not-completely-deaf-says-musicologist

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)