Bernstein và “Lễ bái xuân”
Được ghi lại trong một buổi duy nhất vào ngày 20-1-1958, Le Sacre de Printemps (Lễ bái xuân) thực sự là nơi hội tụ của những điều vĩ đại: sáng tác của Igor Stravinsky, tài chỉ huy của Leonard Bernstein, trình độ biểu diễn của New York Philharmonic, và kỹ thuật của Columbia.
Từ tai tiếng đến danh tiếng
Lễ bái xuân là một trong số những tác phẩm quan trọng nhất trong lịch sử âm nhạc. Vào điểm giao thời giữa hai thế kỷ, nỗi hoang mang của Mahler và cuộc kiếm tìm âm điệu của Schönberg đã tạo lập một định hướng cho nền âm nhạc thế kỷ 20, rằng nó có thể mở rộng nhưng vẫn phải neo chắc vào đặc tính của âm nhạc thế kỷ 19. Điều đó khiến Stravinsky, trong một hành động đầy táo bạo và đột ngột, đã bẻ lái âm nhạc một cách đau đớn và tàn nhẫn, quăng nó đến một vùng đất hoàn toàn mới, nơi có thể không còn lối về.
Stravinsky đã mang gánh nặng này như thế nào? Ông không bao giờ nói ra điều đó, chỉ ngụ ý rằng, “Tôi không bị dẫn dắt bởi bất kỳ hệ thống nào, tôi viết ra những gì mình nghe thấy”. Và những âm thanh mà ông nghe thấy, không giống bất cứ thứ gì trước đó, ngay từ buổi diễn đầu tiên đã hiển lộ là một trong những tác phẩm lừng danh nhất mọi thời đại.
Giống như Chim lửa và Petrouchka, Lễ bái xuân được dàn dựng tại đoàn Ballets Russes của Sergei Diaghilev bởi biên đạo huyền thoại Vaslav Nijinski. Nó lẽ ra phải trở thành chiếc vương miện chiến thắng thứ ba từ sự kết hợp tuyệt vời giữa âm nhạc và vũ điệu mà châu Âu đã từng được chiêm ngưỡng. Nhưng Stravinsky lại có ý khác. Nhạc trưởng của đoàn ballet, Pierre Monteux, người được làm quen với bản tổng phổ khi nhà soạn nhạc chơi chúng trên đàn piano, nhớ lại: “Như những bức tường dội âm khi Stravinsky nện tay lên phím đàn, ông thỉnh thoảng còn giậm chân và nhảy lên nhảy xuống để gia tăng sức mạnh của âm nhạc trong khi không cần phải cường điệu như vậy.” Monteux nghĩ là Stravinsky bị “điên” và dự đoán tác phẩm sẽ gây ra một vụ bê bối. Ông đã lầm: nó đã gây ra một cuộc hỗn loạn thực sự.
Ở thế kỷ 21, nhạc trưởng Simon Rattle vẫn phải thốt lên thán phục: “Có ý kiến cho rằng, chính thứ âm nhạc sự lập dị, huyền bí và tuyệt diệu này chỉ có thể có ở đâu đó trên thiên đường và Stravinsky đã mang xuống cho chúng ta. Tôi luôn cảm thấy sức mạnh ấy. Điều tôi cảm nhận sau cùng là không biết ông đã viết tác phẩm đó như thế nào. Ông hiểu tới tận cùng thứ âm thanh mà ông muốn tạo nên… Tôi có thể tưởng tượng ra cảnh Stravinsky quay trở lại và tuyên bố rằng “Ôi, Chúa ơi, lẽ ra tôi phải viết nặng nề hơn nữa! Bởi vì tác phẩm muốn phá vỡ tất cả, thậm chí cả mọi quan niệm trong âm nhạc”. |
Độ khó tột bậc của âm nhạc đòi hỏi một dàn nhạc tăng cường và việc dàn dựng các vũ điệu đòi hỏi phải mất hơn một trăm buổi tập khiến Lễ bái xuân không thể ra mắt trong mùa diễn năm 1912. Nhưng cuối cùng đêm định mệnh 29-5-2013 đã tới.
Hai phút đầu tiên dường như rất êm thuận, khán giả vẫn còn đang bị mê hoặc bởi phần mở đầu ám ảnh. Nhưng sau đó, cùng lúc những âm thanh thô bạo bùng nổ là khung cảnh như sau này Stravinsky hồi tưởng lại: “Màn sân khấu kéo lên, một nhóm các cô gái tóc thắt bím dài nhảy chụm gối”. Bản thân chủ đề của vở ballet vốn đã gây sốc: thay vì những thứ tạo ra những giấc mơ êm ái lại là cảnh những kẻ ngoại giáo xấu xí hiến tế một trinh nữ dâng lên chúa xuân. Trang phục, vũ đạo, và cảnh trí sân khấu được dàn dựng một cách liều lĩnh, thể hiện cái đẹp hoang dại lạ lẫm. Bắt đầu xuất hiện một vài tiếng la ó và huýt sáo phản đối nhưng sau đó mới là cơn bão thực sự: đám khán giả bị sốc phản ứng bằng cách ném đồ lên sân khấu, la ó và đánh nhau. Diaghilev cố gắng làm dịu tình hình bằng cách liên tục bật – tắt hệ thống đèn trong nhà hát nhưng vô hiệu. Lúc đó, Nijinski cũng làm hết sức để duy trì màn trình diễn, ông ra hiệu nhắc vở cho các vũ công bởi họ không còn nghe được tiếng nhạc trong khán phòng ầm ĩ. Stravinsky thì điên tiết, bỏ về trước khi cảnh sát tới và chấm dứt luôn buổi diễn.
Nhưng điều này vẫn thường xảy đến với nghệ thuật, các scandal trong quá khứ lại tạo ra nền tảng cho thành công trong tương lai. Thực tế, chỉ ngay năm sau đó, Monteux đã giới thiệu Lễ bái xuân trong một buổi hòa nhạc và sức hấp dẫn của nó bắt đầu lan tỏa. Vào năm 1929, tờ New York Times đánh giá tầm quan trọng của Lễ bái xuân “với thế kỷ 20 cũng giống như bản giao hưởng số 9 của Beethoven với thế kỷ 19”. Sau đó, Lễ bái xuân đi vào văn hóa pop khi nó được chọn làm nhạc nền cho phim hoạt hình Fantasia của Walt Disney vào năm 1938. Mặc dù Stravinsky chỉ trích việc đơn giản hóa và sắp xếp lại âm nhạc của ông ở tác phẩm này (dưới bàn tay của nhạc trưởng Stokowski) là hết sức “đáng ghét”, còn phần hình ảnh thì “ngớ ngẩn không đỡ được” nhưng chính từ đây, Lễ bái xuân vẫn trở thành một trong những bản nhạc hiện đại phổ biến nhất, được hàng triệu triệu người trên toàn thế giới yêu thích.
Bản thu âm độc nhất vô nhị
Vấn đề mà Bernstein phải đối mặt khi chỉ huy Lễ bái xuân là làm thế nào để khôi phục lại tầm vóc ban đầu của một bản nhạc mà chỉ sau hai thế hệ đã trở nên phổ cập và quen thuộc, tới mức được người ta nhớ đến như nhạc nền của một bộ phim hoạt hình nhiều hơn là một tác phẩm nền tảng của âm nhạc thế kỷ 20.
Vốn được xếp vào một trong những nhà soạn nhạc đương đại và từng viết nhiều tác phẩm âm nhạc hiện đại, Bernstein nhận thức rất rõ rằng tầm quan trọng của Lễ bái xuân còn vượt trên cả sự nổi tiếng thuần túy. Trên thực tế, quá nhiều thứ mà chúng ta coi là “âm nhạc hiện đại” ngày nay đều có nguồn gốc từ Lễ bái xuân. Nhà văn và nhiếp ảnh gia Carl Van Vechten (người đã bị đánh trong đêm khởi diễn Lễ bái xuân tại Paris) hồi tưởng, khán giả phản ứng hết sức dữ dội bởi họ cho rằng toàn bộ tác phẩm “là một việc làm báng bổ nhằm tàn phá âm nhạc”. Còn nhà phê bình âm nhạc Anh, Edwin Evans, thì mô tả tác phẩm một cách khéo léo hơn, như “một cuộc xung đột gây chia rẽ mãi mãi, không phải để tàn phá mà là để vượt thoát”.
Về phần mình, Stravinsky cho rằng âm nhạc cổ điển truyền thống đã trở nên trì trệ và cần phải nhanh chóng có một bước tiến mới. Ông không tìm cách xóa bỏ thứ âm nhạc cũ ấy, nhưng những nhịp điệu gai góc, những hòa âm dữ dội và cường độ mãnh liệt của ông đã khai sinh cho biết bao điều mới mẻ của âm nhạc thời đại chúng ta.
Như vậy vấn đề của Bernstein là phải làm khán giả sửng sốt với một tác phẩm mà họ vốn coi sự cách tân của nó là đương nhiên.
Giải pháp của Bernstein rất thông minh, nhưng đồng thời, như điều thường xảy ra với các đột phá trong nghệ thuật, cũng hết sức đơn giản. Ông hiểu rõ rằng những gì gây sốc cho khán giả của năm 1913 sẽ chỉ là thứ hết sức bình thường với khán giả của hai thế hệ sau đó. Dĩ nhiên ông không muốn chỉ đơn giản là đưa khán giả trở về quá khứ. Nhưng ông cũng không thể làm sai lệch tổng phổ bằng cách thêm vào những yếu tố “hiện đại”. Chỉ còn một cách gây sốc cho khán giả đương thời trong khi vẫn bảo toàn được quan niệm nguyên bản của Stravinsky: tạo ra một nguồn năng lượng đủ mãnh liệt để tạo ra sự khác biệt giữa những gì khán giả đã biết và những gì họ sắp được nếm trải.
Và nếu có việc gì đó mà Bernstein làm được, thì đó chính là tạo ra năng lượng. Màn trình diễn của ông bùng nổ với những tia lửa dữ dội của sự phấn khích hồn nhiên, không thể kìm nén.
Nhưng tất cả những gì ông tạo ra trên bục chỉ huy sẽ trở nên vô ích nếu không có sự cộng hưởng của dàn nhạc. New York Philharmonic, theo quan điểm của hầu hết các nhà phê bình, đã trở nên uể oải và biếng nhác, mộng du qua những buổi hòa nhạc mà không vấp phải thách thức nào. Bernstein đã đưa dàn nhạc trở lại với cuộc sống. Các nhạc công thật sự yêu quý Bernstein, cây gậy chỉ huy của ông đã đem đến cho họ sự phóng túng điệu nghệ, khiến họ vượt qua những khuôn mẫu chuyên nghiệp nhàm chán, để tạo ra sự nồng nhiệt tươi mới của nghệ thuật.
Phản chiếu tất cả nguồn năng lượng mạnh mẽ từ nhạc trưởng, màn tấn công của dàn nhạc hết sức sắc bén, những cao trào của nó ăn khớp một cách hoàn hảo, cường độ nhịp nhàng như thể tan chảy, và sự điêu luyện đạt tới độ không thể tin nổi, ngay cả ở những đoạn phức tạp và khó nhất, vốn xuất hiện đầy rẫy trong tác phẩm. Ngạc nhiên hơn cả là các nhạc công đã tạo ra âm nhạc với những tiếng gầm rít nguyên thủy, giúp truyền tải đầy đủ sự phấn khích nguyên sơ theo quan niệm của Stravinsky.
Phần cuối cùng để tạo nên một bản thu âm huyền thoại chính là khâu thu âm. Ở đây, kỹ thuật thu âm xuất sắc đã góp phần vào thành tựu của Stravinsky, Bernstein và dàn nhạc.
Âm thanh rõ ràng đến mức khiến người ta sửng sốt, ngay cả ở thời đại ngày nay. Hẳn nhiều micro tại chỗ đã được sử dụng, bởi dường như chúng ta đang được ở bên trong từng nhạc cụ và cảm thấy tiếng rung của một lưỡi gà, động tác ghìm cây vĩ, sức bật của dây đàn, làn hơi căng thẳng của một cây sáo hay cây kèn đồng. Không khí vang lên với những âm thanh tự nhiên nhất, như tiếng rì rào của một khu rừng đang sinh sôi. Trên tất cả là bộ gõ được đẩy lên quá mức, to hơn âm thanh tự nhiên từ bất kỳ thính phòng nào, với chiếc trống định âm xé tan kết cấu âm thanh theo những cú đánh chói gắt.
Đến nay, Lễ bái xuân đã có hàng chục bản thu âm, nhưng không bản nào trong số đó – kể cả hai bản thu âm do chính Bernstein thực hiện lại, đạt tới sự chói sáng như của bản thu âm này khi nó hội tụ tất cả những yếu tố của thiên tài.
Trong buổi hòa nhạc tưởng niệm một năm ngày mất của Stravinsky do London Symphony thực hiện ngày 6-4-1972, Leonard Bernstein đã có bài phát biểu, trong đó có đoạn:
“Đêm khai diễn Lễ bái xuân tại Théatre des Champs-Elysées là một trong những vụ bê bối lớn nhất mọi thời đại, đem lại cho Stravinsky hình ảnh của một nhà cách mạng, người đập bỏ thánh tượng, kẻ lập dị và là tác giả của một tác phẩm làm thay đổi âm nhạc mãi mãi, và trong suy nghĩ của một số người, có thể đã tàn phá âm nhạc. Và nỗi sợ ấy đã tồn tại ngay cả trong một số nhạc sĩ nghiêm túc cũng như công chúng sang trọng tại buổi biểu diễn đáng nhớ đó. Ngày nay, 60 năm sau, chúng ta nghe tác phẩm này theo một cách khác: chúng ta hiểu được rằng thầy phù thủy Stravinsky đã đặc biệt lão luyện trong thuật giả kim, biến quá khứ thành tương lai. Chúng ta thấy Lễ bái xuân về cơ bản truyền thống như thế nào, nó đã bắt rễ sâu sắc từ những điệu thức dân tộc Nga ra sao, và thậm chí từ trong các nhà soạn nhạc cụ thể, như Scriabin, Rimsky-Korsakov, Debussy, và Ravel. Nhưng chính từ những cội rễ này đã xuất hiện một sự sáng tạo mới thần diệu, độc đáo và mạnh mẽ đến mức mà ngày nay vẫn còn gây sốc và áp đảo chúng ta.” |
Thanh Nhàn lược dịch