Bí ẩn ngọc thạch cổ

Người Olmec, người Maya và người Aztec đặc biệt thích sử dụng ngọc thạch (jade) để gắn vào những mặt nạ, tượng cũng như các đồ vật chế tác khác. Nhưng họ lấy các viên đá quý màu xanh này ở đâu? Khoa học hiện đại đã tìm được câu trả lời.

Hàng trăm đồ vật làm bằng ngọc thạch tìm thấy ở châu Mỹ Latinh chứng tỏ rằng các nền văn minh tiền hiện đại ở nơi này (nền văn minh của châu Mỹ La tinh trước cuộc chinh phục của Tây Ban Nha) rất thích sử dụng loại đá quí này, loại đá phổ biến ở châu Á thời kỳ đó. Người Maya thậm chí đã áp dụng một loại thuế đặc biệt đối với loại ngọc thạch này.

Nhưng loại ngọc bích này từ đâu đến là một câu hỏi không dễ trả lời. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra trong đó có giả thuyết cho rằng chúng đến từ Trung Quốc. Nhưng dù rằng điều này có thể xảy ra nhưng không ai nghĩ rằng những trao đổi thương mại như vậy đã được thực hiện vào thời kỳ đó. Và nếu không phải là vậy thì phải chăng đã có những mỏ ngọc thạch ở châu Mỹ?

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu được thực hiện tại Mêhicô đều chưa đưa ra được bất cứ kết luận nào về chuyện này. Và rồi, các nhà khoa học lại chuyển cái nhìn của mình sang nước láng giềng bên cạnh, Guatemala.


Tìm hiểu rõ được nguồn gốc của ngọc thạch đôi khi không phải là chuyện dễ dàng

Những thăm dò địa chất đầu tiên được thực hiện tại Guatemala vào những năm 1950 cho thấy trên triền dốc Bắc của sông Rio Motagua có một loại đá tương tự như ngọc thạch và hoàn toàn khác so với tất cả những loại đá quí từng được khai thác ở khu vực này. Vào năm 1996, một đoàn địa chất của Pháp đã tìm thấy một mỏ đá quí lớn ở triền dốc đối diện của dòng sông.

Có đúng ngọc thạch hay không?

Người ta đã tìm thấy rất nhiều đá màu xanh khác nhau, từ ngọc lục bảo cho tới những loại đá bình thường khác, hay cả ngọc thạch nữa. Nhưng loại đá được tìm nhiều nhất là một loại đá xanh, rất cứng và có độ trong mờ. Đó là loại ngọc thạch nổi tiếng nhất, nhưng không phải là loại duy nhất trong họ đá quí này.

Ngọc thạch jadeit (jadéite) là loại mà chúng ta biết nhiều nhất. Chúng thường (tuy nhiên không phải luôn) có màu xanh. Loại ngọc thạch này có thành phần là nhôm và natri (aluminium và sodium). Chúng rất tinh khiết và nặng. Còn loại ngọc thạch nefrit (néphrite) thì cũng có màu xanh, nhưng lại hình thành từ magnet và canxi (magnésium và calcium). Loại ngọc này có trọng lượng nhẹ hơn ngọc thạch jadeit, vì thế chúng thường được sử dụng để chế tạo các dụng cụ trơn.


Chiếc mặt nạ của người Olmec được xác định làm ra vào khoảng thế kỷ thứ 10-6 trước Công nguyên

Có điều, hai loại đá quí này nhìn bằng mắt thường trông giống hệt nhau. Vậy thì có cách nào để phân biệt chúng? Và đặc biệt là làm sao biết được loại ngọc thạch mà người cổ đại châu Mỹ Latinh sử dụng để gắn lên mặt nạ và các bức tượng nhỏ là loại nào?

Bất ngờ thú vị

Để làm được điều này, người ta phải phân tích các mẫu đá lấy từ cổ vật bằng máy phân tích cấu trúc phân tử Raman bởi chỉ riêng trọng lượng riêng thì không đủ để đánh giá rõ được đặc tính của mỗi loại ngọc thạch. Cần phải biết cụ thể những thành phần hóa học (và tỉ lệ của chúng) cấu tạo lên mỗi loại đá quí. Ở đây, kết quả cho thấy là nhôm và natri, tức là ngọc của người cổ đại châu Mỹ Latinh dùng là loại ngọc thạch jadeit.

Điều thú vị là máy phân tích Raman còn cho phép đi ngược lại lịch sử địa chất của chất liệu được phân tích và biết rõ nơi nào loại ngọc thạch đó đến. Cho dù có cùng một loại đá thì mỗi loại ngọc thạch đều có dấu hiệu hóa học khác nhau, tùy theo tính chất địa lý nơi chúng được tìm thấy.


Một mặt nạ bằng ngọc thạch của người Maya

Đối với loại ngọc thạch mà người châu Mỹ cổ đại sử dụng thì đã có sự ngạc nhiên thú vị: hai triền dốc của sông Rio Motagua (nơi đã tìm ra mỏ ngọc thạch) lại tạo ra hai loại ngọc thạch khác hẳn nhau và đây là điều có một không hai trên thế giới. Đơn giản là trong quá trình hình thành, cụ thể là trong quá trình làm lạnh tự nhiên của chúng, hai loại ngọc thạch này không cùng chịu các điều kiện môi trường như nhau, đặc biệt là ở áp suất khác nhau.

Tại khu vực này, niềm đam mê ngọc quí đã chấm dứt khi những người chinh phục Tây Ban Nha tới. Đối với những người này, cái thu hút họ nhiều nhất là vàng. Chính vì vậy mà các mỏ đá quí mới tìm được đã bị “ngủ quên” trong nhiều thế kỷ.

        Vương Tiến theo L’Internaute

Tác giả

(Visited 25 times, 1 visits today)