Biến đổi khí hậu làm sụp đổ nền văn hóa Lương Chử?
Khi đi tìm nguyên nhân lý giải sự tàn lụi của Lương Chử, một nền văn hóa cổ đại rực rỡ thời kỳ Đồ đá mới tại vùng châu thổ sông Dương Tử, một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế đã đề xuất một giả thuyết: sự tạo thành hay sụp đổ của một số nền văn hóa thời kỳ này có thể là do biến đổi khí hậu.
Thành cổ Lương Chử, nằm trên vùng đồng bằng sông Dương Tử màu mỡ, nơi cách Thượng Hải 160km về phía Tây Nam, vẫn còn lưu giữ những tàn tích của nền văn hóa 5.300 tuổi. Những gì còn sót lại cho thấy, Lương Chử từng là một nền văn hóa ở trình độ cao với những cơ sở hạ tầng thủy lợi gồm các đập, ao hồ, kênh rạch phức tạp để ngăn ngừa lũ lụt mùa mưa, điều tiết nước tưới tiêu mùa khô. Dẫu không làm ra các loại kim loại như sắt hay đồng như các nền văn minh khác, cư dân Lương Chử vẫn có thể xây dựng và vận hành một hệ thống cấp nước quy mô lớn đến kinh ngạc, cho phép họ có thể cày cấy, trồng trọt và gặt hái được những mùa vụ bội thu. Đây là lý do mà sau này, mỗi khi nhắc đến Lương Chử, người ta thường ví thành cổ này với danh hiệu “Venice của phương Đông” cổ đại.
Nhìn tổng thể, so với mọi nền văn hóa Đồ đá mới khác, nền văn hóa Lương Chử, có lẽ, là tiên tiến bậc nhất về mặt kỹ thuật và vật liệu, với những cung điện và cả lớp tường thành khổng lồ bao quanh (gấp bốn lần kích thước Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh) và một nền chế tác ngọc thạch hết sức tinh tế.
Tại sao họ lại có thể làm được tất cả những điều đó, nếu chỉ dựa vào đôi bàn tay và những công cụ đá? Điều này vẫn thật khó hiểu và do đó, người ta vẫn phải tìm hiểu về nền văn hóa Lương Chử, nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2019. Mặt khác, người dân thời kỳ đó đã định cư ở đây, sống trong cảnh đủ đầy lương thực trong vòng cả nghìn năm, nhưng ngày nay người ta vẫn không rõ nguyên nhân vì sao thành cổ lại sụp đổ một cách đột ngột. Nhiều giả thuyết được đưa ra nhằm lý giải nguyên nhân này.
Từ năm 2012, các nhà khoa học Trung Quốc đã bắt đầu nêu giả thuyết về sự tàn lụi của Lương Chử là do ảnh hưởng của khí hậu, và/hoặc những sự kiện môi trường như lũ lụt, biển dâng…, xuất phát từ các trận siêu bão, hay hiện tượng biển tiến, các chu kỳ hạn hán đi kèm lụt lội, nhiệt độ thấp cực đoan hoặc khí hậu lạnh – ẩm. Một số giả thuyết khác mang tính xã hội hơn như chiến tranh, những thay đổi về cấu trúc xã hội…
Cho đến nay, phần lớn các nghiên cứu đều ủng hộ giả thuyết lụt lội. “Một lớp bùn mỏng được tìm thấy trong các tàn tích, cho thấy mối liên hệ giữa nền văn minh này với các lần dâng nước của sông Dương Tử hoặc biển Hoa Đông. Không có bằng chứng do con người gây ra như chiến tranh”, nhà khảo cổ học Christoph Spötl, trưởng nhóm nghiên cứu Kỷ Đệ tứ, trường Đại học Innsburck, Áo, nhận xét. “Tuy nhiên, không thể có kết luận rõ ràng về nguyên nhân này, nếu chỉ dựa vào lớp bùn”. Đó là lý do vì sao ông và các cộng sự Mỹ, Áo, Trung Quốc tìm thêm bằng chứng ủng hộ kết luận này.
Trong bài báo “Collapse of the Liangzhu and other Neolithic cultures in the lower Yangtze region in response to climate change” (Sự sụp đổ của Lương Chử và các nền văn hóa khác ở vùng Hạ Dương Tử trong sự phản hồi với biến đổi khí hậu) xuất bản trên tạp chí Science Advances1, họ đã tự hào viết “Trong nghiên cứu này, chúng tôi nêu các ghi chép mới về speleothem (một dạng thành hệ địa chất được hình thành trên cơ sở tích tụ khoáng chất theo thời gian, liên quan chặt chẽ đến nước trên bề mặt hang động và độ ẩm của không khí hang động) có niên đại chính xác và có độ phân giải cao từ các hang Thần Nông (Shennong) và Cửu Long (Jiulong) gần đồng bằng sông Dương Tử, kết hợp với các dữ liệu cổ sinh và khảo cổ học để đem lại bằng chứng hỗ trợ giả thuyết về lũ lụt. Dữ liệu của chúng tôi đem lại những hiểu biết mới về việc biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến các nền văn hóa thời đại đồ đá mới khác trong khu vực như thế nào”.
Tìm câu trả lời từ tự nhiên
Có lẽ, không có gì thuyết phục hơn cho giả thuyết của mình bằng các bằng chứng xác thực. Tuy nhiên, tìm bằng chứng ở đâu, khi những gì cần xác thực đã diễn ra cách đây trên 5000 năm mà không có sử sách nào ghi lại? Lúc này, cách tiếp cận của những người làm nghiên cứu về cổ khí hậu học đã giúp họ hiểu về lượng mưa ở Lương Chử cũng như những gì ảnh hưởng đến sự tiến hóa của các nền văn hóa thời kỳ Đồ đá trước cả Lương Chử: những gì còn lại trong các hang động và những tích tụ của chúng theo thời gian chính là những kho lưu trữ khí hậu quan trọng bậc nhất còn sót lại đến ngày nay, từ đó sẽ cho phép các nhà nghiên cứu phục dựng được các điều kiện khí hậu cách đây hàng trăm nghìn năm.
Tuy nhiên, câu chuyện này chỉ thực sự bắt đầu vào năm 2017, khi nhà địa chất học Haiwei Zhang của trường Đại học Giao thông Tây An đã nhận được học bổng một năm nghiên cứu tại Đại học Innsbruck. Ông đã lấy mẫu măng đá từ hai hang động Thần Nông và Cửu Long, nằm ở phía Tây Nam của địa điểm khai quật. “Trong nhiều năm trước đây, nhiều nhà nghiên cứu đã khảo sát các hang động này. Chúng nằm cùng khu vực ảnh hưởng của gió mùa Đông Nam Á, măng đá trong hang (đây là một dạng trầm tích hang động phát triển từ dưới nền hang động đá vôi lên với hình măng, nón…, được thành tạo do kết tủa canxi carbonat từ nước chảy qua đá vôi từ trần hang động) sẽ đem lại cái nhìn chính xác về thời điểm sụp đổ của nền văn hóa Lương Chử”, Spötl giải thích.
Việc phân tích dữ liệu thu được từ các măng đá cho thấy vào quãng thời gian từ 4345 đến 4324 năm trước, ở vùng này đã có một thời kỳ có lượng mưa rất lớn – có thể là do sự gia tăng của tần suất xuất hiện của các điều kiện ElNinõ – Dao động Nam. Đây không phải là ước đoán bởi các bằng chứng từ đồng vị carbon được đo đạc trong phòng thí nghiệm trường Đại học Innsbruck đã cho thấy điều đó. Bên cạnh đó, các phép phân tích uranium-thorium tại Đại học Giao thông Tây An giúp họ xác định được niên đại với độ sai số ± 30 năm. Spötl nhận xét: “Điều này chính xác một cách đáng kinh ngạc nếu xét theo chiều thời gian”.
Mối liên hệ giữa mực nước biển và sự bồi tụ của đồng bằng sông Dương Tử có thể đóng vai trò quan trọng trong sự tiến hóa trong thế kỳ Holocene sớm. Do đó, những thay đổi trong chế độ khí tượng thủy văn của vùng này càng có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của Lương Chử.
Điểm thuận lợi nữa của Lương Chử nằm chính ở vị trí địa lý của nó. Lương Chử được hình thành trên một vùng đất được những ngọn đồi bao quanh, gần với nguồn nước và rừng. Nhờ vậy, nó thoát khỏi nguy cơ bị nước biển xâm nhập trở lại sau khi các vùng đất ngập nước ven biển đã được cung cấp nước ngọt. Dữ liệu từ hang Thần Nông cho thấy, việc hình thành Lương Chử trùng hợp với sự bắt đầu của một khoảng thời gian khô hạn của cả vùng.
Thêm một đặc điểm của nơi này là lũ lụt thường xảy ra vào tháng sáu, sau đó khô và nóng vào tháng bảy – tháng tám. Các nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, nền văn minh Lương Chử đã biết cách quản lý hiệu quả tài nguyên nước bằng cách sử dụng một hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi để giảm thiểu lũ lụt, điều tiết tưới tiêu để có thể tồn tại trong điều kiện khí hậu khô hạn. Tuy nhiên, trong quá trình này, họ cũng phải chịu đựng một trận siêu hạn hán vào khoảng 4.400 năm trước. Việc vận hành một hệ thống thủy lợi tốt đã giúp họ vượt qua hạn hán.
Sau đợt hạn hán này, Lương Chử đã phải đối diện với một thời kỳ khí hậu ẩm bất thường trong suốt thời kỳ tồn tại còn lại của mình. “Dữ liệu speleothem và bằng chứng địa hóa từ lớp trầm tích của văn hóa Lương Chử cho thấy lượng mưa vô cùng lớn ở vùng trung và hạ nguồn thung lũng sông Dương Tử có thể gây ra lũ lụt, và/hoặc nước biển dâng lên làm ngập khu định cư của người và khu trồng lúa”, các tác giả viết trong nghiên cứu.
Theo phân tích của Spötl, “những trận mưa lớn trong mùa mưa có thể đã làm dẫn đến tình trạng lũ lụt nghiêm trọng của sông Dương Tử và các chi lưu của nó. Tình thế nghiêm trọng đến mức ngay cả những con đập và kênh được thiết kế một cách hoàn hảo cũng không thể ‘gồng gánh’ được một khối lượng nước từ trên trời đổ xuống này, qua đó dẫn đến việc phá hủy thành cổ Lương Chử và buộc mọi người phải rời đi”.
Các nền văn hóa phụ thuộc vào khí hậu
Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu đã đi tìm mối liên hệ giữa khí hậu và sự hưng thịnh của các nền văn hóa, các xã hội. Vì dụ, bài báo “Extreme weather events and military conflict over seven centuries in ancient Korea” (Những sự kiện thời tiết cực đoan và xung đột chiến tranh suốt bảy thế kỷ ở Hàn Quốc cổ đại) xuất bản trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences đã chứng tỏ ba vương quốc kiểm soát bán đảo Triều Tiên từ năm 18 trước Công nguyên đến 660 Công nguyên đã tăng gấp đôi nguy cơ tham gia vào một cuộc xung đột có vũ trang với vương quốc láng giềng, sau khi trải qua những sự kiện thời tiết cực đoan như hạn hán hoặc quá dư thừa nước sau những đợt mưa quá lớn. Thêm vào đó, tình trạng bấp bênh về lương thực là một nguồn cơn nguy hiểm thực sự, có thể dẫn đến cảnh một vương quốc sau khi phải hứng chịu hoặc hạn hán, hoặc lũ lụt bị láng giềng xâm chiếm2.
Tuy nhiên, việc nhận diện tác động của khí hậu với nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa các vương quốc này dựa trên sử liệu. Nó khác biệt với nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Kỷ đệ tứ do Spötl dẫn dắt.
Những bằng chứng từ hang động thu thập được cũng đem lại cho Spötl và cộng sự các thông tin về những nền văn hóa khác ngoài Lương Chử. Biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Dương Tử cũng tác động đến những nền văn hóa thời kỳ Đồ Đá khác ở trong vùng, vốn tồn tại trước nền văn hóa Lương Chử. Ví dụ, sự chuyển tiếp từ nền văn hóa Thượng Sơn sang Khoa Hồ Kiều (Kuahuqiao) có thể do ảnh hưởng của thời kỳ khô hạn kéo dài hàng trăm năm. Tuy nhiên, nền văn hóa Khóa Hồ Kiều cũng có thời gian tồn tại ngắn ngủi do có thể liên quan đến thời kỳ chuyển tiếp từ một khí hậu khô sang ẩm ướt hơn. Một số nghiên cứu trước đây cũng đề xuất các sự kiện khí hậu cực đoan như bão lụt có thể là nguyên nhân chính. Các nền văn hóa tiếp theo như Hà Mỗ Độ (Hemudu) và Mã Gia Banh – Tung Trạch (Majiabing-Songze) đã phát triển mạnh trong suốt thời kỳ Holocene có lượng mưa tối ưu, vì dữ liệu khảo cổ cho thấy việc trồng lúa đã đạt tới trình độ cao. Có thể, các nền văn hóa này đã may mắn được hưởng từ sự màu mỡ của vùng đồng bằng ven biển do mực nước biển ổn định và lượng phù sa vô cùng lớn từ sông Dương Tử và Tiền Đường trong thời kỳ khí hậu ẩm.
Sau nền văn hóa Lương Chử, các điều kiện khí hậu ẩm đã tiếp tục trong vài trăm năm tiếp theo. Và các nền văn hóa Tiền Sơn Dạng-Quảng Phú Lâm (Qianshanyang-Guangfulin) kế tiếp chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Các dữ liệu địa chất và khảo cổ học từ những nghiên cứu khác cho thấy, trong giai đoạn này cũng xuất hiện một đợt siêu hạn hán. Do đó, các nhà nghiên cứu vững tin vào giả thuyết là sự sụp đổ của các nền văn hóa Tiền Sơn Dạng-Quảng Phú Lâm là do chính đợt siêu hạn hán này.
Cuối cùng, những cuộc thăng giáng đã kết thúc với sự ra đời của nhà Hạ vào khoảng thế kỷ 21 đến khoảng thế kỷ 16 trước Công nguyên. Người sáng lập ra nhà Hạ là vị vua huyền thoại Hạ Vũ, người đi tiên phong trong việc áp dụng các phương pháp kiểm soát lũ trên sông ngòi hiệu quả như thay vì đắp đập, ông nạo vét sông, thiết lập một hệ thống thủy lợi điều tiết nước lũ, dẫn nước vào ruộng lúa – những yếu tố quan trọng làm nên sự thịnh vượng của vương quốc. Vì vậy, ông còn được gọi là “Đại Vũ trị thủy”.
“Trong khi nhiều tài liệu sử sách cho thấy là vua Hạ Vũ tạo dựng được nhà Hạ bởi ông thành công trong việc kiểm soát lũ trên sông thì cũng có một số nghiên cứu đề xuất giả thuyết là việc kiểm soát lũ này của ông có thể được quy cho biến đổi khí hậu”, các tác giả viết và cho biết thêm “Quan sát mới này đem lại một bằng chứng thuyết phục mới là sự trỗi dậy của nhà Hạ có thể là do xuất hiện trong bối cảnh của một thời kỳ chuyển tiếp khí hậu lớn từ điều kiện ẩm ướt sang khô hạn…”.
Có thể, huyền thoại vẫn là huyền thoại nhưng những gì mà khoa học đưa ra cho thấy chúng ta rõ một điều: biến đổi khí hậu sẽ không chừa một ai, ngay cả nền văn hóa phát triển rực rỡ cũng không ngoại lệ.□
Tô Vân tổng hợp
Nguồn: https://www.uibk.ac.at/;
https://cosmosmagazine.com/
————————————-
1. https://www.science.org/doi/10.1126/sciadv.abi9275#
2.http://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Lich-su-co-dai-roi-anh-sang-moi-vao-su-ket-noi-giua-thoi-tiet-va-chien-tranh-27055
|