Biên tập sách – đi tìm chuẩn mực đã mất

Đến các cửa hàng sách trong nước hiện nay, người ta đều phải công nhận rằng sách Việt bây giờ phong phú, phồn tạp hơn hẳn so với trước kia. Tuy vậy, những người từng trải qua thời kỳ bao cấp ở miền Bắc những năm 1960-80, nếu tinh ý, lại phát hiện được một điều trái ngược: sách bây giờ tuy rộng rãi hơn hẳn trước kia xét về mặt đề tài, song dường như lại kém tin cậy hơn, nếu xét về chất lượng làm sách.

Trước một quyển sách mới, người ta phải xem xét kỹ nếu không muốn lâm vào cảnh mua lấy sự bực mình, vì rất dễ vớ phải một ấn phẩm chỉ đẹp đẽ ngoài bìa mà văn bản bên trong ruột lại là thứ không dùng được hoặc không mấy tin cậy.Nhận xét nêu trên không phải là không có cơ sở, và nó liên quan đến chuyển động bên trong hoạt động xuất bản ở Việt Nam thời kỳ “hậu bao cấp”.

Chỉ có vài NXB, nhờ lợi thế độc quyền, trở nên tương đối có thế lực trên thị trường sách; số còn lại, do bị làm yếu từ đầu vì quy chế “chức năng” hẹp của mỗi NXB, do không có vốn, do trì trệ, giữ nếp sống bao cấp, do tự thu mình lại, ít dám chấp nhận cạnh tranh, v.v…, rốt cuộc đều đành lòng chấp nhận vai trò “làm thủ tục” cho các xuất bản phẩm, thực chất là “bán giấy phép” cho các đối tác liên kết và đành lòng sống bám vào hoạt động kinh doanh của các đối tác liên kết ấy.

Lấy những năm 1990 làm điểm tính. Từ đó về trước, xuất bản nằm trọn trong quỹ đạo bao cấp; mỗi nhà xuất bản (NXB) với vài ba chục nhân viên, trong đó có chừng mươi biên tập viên, hằng năm chỉ cho ra vài ba chục “tít” (= tên, đầu) sách; mỗi cuốn sách thường được “hoài thai” trong vòng dăm ba năm: đề tài sách thường được đề xuất từ phía NXB; nếu do phía các tác giả đưa tới, nó cũng được cân nhắc rồi đưa vào kế hoạch ngắn hạn hoặc dài hạn của NXB; quá trình chuyển dự án làm sách (trong kế hoạch) thành bản thảo (viết, biên soạn, dịch thuật…) trải ra trong một vài năm; ngay khi bản thảo đã trở thành tác phẩm hoàn chỉnh sẵn sàng đưa in, nội dung đã được đọc duyệt cẩn thận, vẫn cần chờ “chỉ tiêu” về giấy in (mỗi NXB hằng năm được cấp một hạn mức về giấy in) mới có thể được in thành sách. Tốc độ chậm của dây chuyền làm ra nội dung sách, cộng với trình độ học vấn chắc chắn của biên tập viên thời ấy (thường ở mức trung học trước 1954 ở trong thành, hoặc tốt nghiệp văn sử đại học tổng hợp ở Hà Nội những năm 1960-70, dùng được một trong các ngoại ngữ Pháp, Hán, Nga), khiến cho sách thường được làm kỹ; có khi nội dung sách thì công thức khuôn sáo nhưng văn bản vẫn được làm rất cẩn thận, chuẩn xác; kết quả là từng cuốn sách đều là sản phẩm của sự biên tập chuẩn mực. Nếu bản thân tác phẩm có hàm lượng tri thức văn hoá cao thì các bộ máy biên tập thời ấy đủ sức thể hiện chúng thành những cuốn sách có giá trị sử dụng lâu dài. Xin hãy nhớ tới, − hoặc hãy tới thư viện tìm xem lại để thẩm tra, và chỉ cần xem xét phương diện biên tập sách mà thôi − những bộ sách xuất bản ở miền Bắc những năm 1960-80, ví dụ các bộ sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, các bộ hợp tuyển Thơ văn Lý-Trần, các cuốn sách dịch, từ Chiến tranh và hoà bình (của L. Tolstoi) đến Tự do (của R. Garaudy), v.v…

Việc nâng cao chất lượng biên tập sách, việc hướng tới các chuẩn mực làm sách của các nền xuất bản tiên tiến, sẽ góp phần định hình một mặt bằng văn hoá kỹ thuật khả quan hơn cho diện mạo chung của sách Việt, thúc đẩy các tác giả trong việc sáng tạo nội dung tri thức sẽ được thể hiện trên nền của mặt bằng ấy.

Từ đầu những năm 1990, hệ thống xuất bản bắt đầu thoát ly bao cấp, không còn được làm sách bằng vốn từ ngân sách Nhà nước, phải sống hoàn toàn bằng thu nhập từ việc sản xuất và kinh doanh sách trên thị trường. Cũng từ thời điểm đó, các đối tác liên kết (ban đầu được coi là “đầu nậu”) chen chân mỗi ngày một mạnh hơn vào nghề sách, bắt đầu từ việc nắm khâu phát hành để dần dần chiếm lĩnh và phân chia nhau thị trường sách. Đồng thời, do thiếu tư cách pháp nhân (không được phép lập NXB) các đối tác liên kết, từ chỗ phải phụ thuộc các NXB, đã dần dần trở thành nguồn sống chính của các NXB, do vậy, trên thực tế đã biến các NXB chính ngạch trở thành một khâu trong chu trình sản xuất và kinh doanh sách của mình. Chỉ có vài NXB, nhờ lợi thế độc quyền, trở nên tương đối có thế lực trên thị trường sách; số còn lại, do bị làm yếu từ đầu vì quy chế “chức năng” hẹp của mỗi NXB, do không có vốn, do trì trệ, giữ nếp sống bao cấp, do tự thu mình lại, ít dám chấp nhận cạnh tranh, v.v…, rốt cuộc đều đành lòng chấp nhận vai trò “làm thủ tục” cho các xuất bản phẩm, thực chất là “bán giấy phép” cho các đối tác liên kết và đành lòng sống bám vào hoạt động kinh doanh của các đối tác liên kết ấy. Các thành viên ban giám đốc, giữ phần quyền lực cho hay không cho in đối với một ấn phẩm nhất định (đây là cái phần độc quyền duy nhất mà Nhà nước còn giữ lại cho NXB “quốc doanh”), thì đóng vai trò chủ chốt trong việc cấp giấy phép; nhưng để xem xét từng bản thảo có thể cho in thành sách hay không, cần phải có thợ chuyên môn: đó là các biên tập viên.
Nên nhớ: không đối tác liên kết xuất bản nào thuỷ chung như nhất với “một và chỉ một” NXB nào, nên rốt cuộc, rất ít đối tác liên kết tạo được gương mặt riêng; trong khi hầu hết các NXB đều tự đánh mất diện mạo riêng, do gắn nhãn hiệu nhà mình vào đủ loại ấn phẩm thượng vàng hạ cám khác nhau!
Trong tình trạng lưỡng chủ như trên, có vẻ như một loạt khâu thuộc chu trình làm sách được cả hai phía (NXB và đối tác liên kết) đều đồng thời thực hiện; song tình trạng ấy liệu có nâng cao chất lượng làm sách?
Những việc mà cả phía NXB lẫn phía đối tác liên kết đều phải làm là: 1/ giao dịch với tác giả (tác giả, soạn giả, dịch giả…) để họ đồng ý trao cho mình quyền công bố (xuất bản) tác phẩm; làm việc với tác giả để tác giả tiến hành sửa hoặc cho phép mình sửa chữa, bổ sung, hiệu chỉnh văn bản trước khi công bố dưới hình thức in hàng loạt; biên tập ngôn ngữ trên bản thảo…2/ làm chế bản (với các khâu sắp chữ, tức là đánh máy vi tính, sửa in một vài lần cho đến khi có thể tin chắc là đã có bản sắp chữ đúng thì chuyển thành chế bản, tức là bản in trên phim hoặc giấy can, soát lại chế bản trước khi đưa đến nhà in); tóm lại đây là những việc làm trước biên tập, biên tập và sau biên tập.
Các NXB, theo quy chế, tất phải có một bộ máy biên tập. Các đối tác liên kết, vốn là những tư nhân hoặc nhóm, có thể có hoặc không có đầy đủ bộ máy biên tập; mức đơn giản là một vài nhân viên lo thuê đánh máy và chế bản, công việc biên tập kỹ thì trông vào NXB sẽ đứng ra làm thủ tục đăng ký xuất bản cho mình; mức quy mô (ví dụ dạng các công ty văn hoá truyền thông gần đây) thì hình thành bộ máy gần như các NXB, song do không chịu sự quy định nào về biên chế nên hầu như không có chuẩn mực chung về biên tập; trên thực tế, công việc gọi là “biên tập” không thật sự có ranh giới so với công việc “sửa in”.
 

Trên một “tít” sách cụ thể, vai trò biên tập có khi thuộc đối tác liên kết, có khi thuộc NXB. Phía NXB chịu trách nhiệm đọc duyệt, sửa chữa và “OK” nội dung sách để có thể ưng thuận đứng tên đăng ký xuất bản cho sách; song, nếu bản thảo đã được phía đối tác liên kết xử lý tương đối kỹ rồi thì phía NXB chỉ còn việc đọc và “OK”. Bản thảo sách chỉ ghé qua NXB trong một thời gian ngắn ngủi nên dấu ấn biên tập của NXB trên cuốn sách là khá hạn chế. Còn phía các đối tác liên kết, ngay những đơn vị tương đối có uy tín về làm sách (như Trung tâm Đông Tây, Công ty Nhã Nam ở Hà Nội, Công ty Phương Nam ở TP. HCM.,…), khả năng xử lý công việc gọi là biên tập cũng thường chỉ ở mức làm tốt khâu sửa in, còn lại, những gì ở mức cao hơn thì hầu hết đều tuỳ thuộc vào sự kỹ tính hay không của các tác giả (soạn giả, dịch giả).Vậy mà những điều điều “cao hơn khâu sửa in” đó, từ những công việc “tiền bản thảo”, hoạch định một cái nhìn tương lai về cuốn sách;  quá trình hợp tác  hiệu chỉnh bản thảo cùng với tác giả cho đến việc đảm bảo những chú thích, bảng chỉ dẫn… lại là những công việc thực sự mang tính biên tập. Hiện tại, đây gần như đều là những việc quá sức các nhân viên gọi là “biên tập” trong các cơ sở liên kết làm sách. Ngay ở các NXB chính ngạch, những nhiệm vụ thực sự biên tập kể trên cũng đang trở nên quá sức các biên tập viên mới vào nghề, vì hầu như các ngành học về xuất bản chưa dạy cho họ về các loại công việc ấy, hoặc một ít khái niệm nhận được từ nhà trường không đủ cho họ có khả năng xử lý trước những bản thảo cụ thể. Đối với các biên tập viên lớn tuổi hơn họ, công việc biên tập, từ khá lâu rồi, cũng đã được hạ chuẩn, tức là bị đơn giản hoá: trước một bản thảo có sẵn, người biên tập chỉ cần đọc một lượt, nắm đại ý của bản thảo, nêu với người đọc duyệt (tổng biên tập NXB) vài nét chung về tác phẩm, đặc biệt lưu ý những trang những đoạn ”nhạy cảm” để tìm cách khắc phục ngay từ bản thảo (thương lượng với tác giả để cắt bỏ) hoặc có ứng xử thích hợp (từ chối đứng tên xin phép cho in); còn lại, tình trạng ngôn ngữ của bản thảo thường được coi là việc của phía đối tác liên kết hoặc của nhân viên sửa in ở NXB.
Trong hoạt động làm sách hiện giờ, các viên chức NXB biết chắc rằng: chỉ khi sách làm ra bị coi là vi phạm những những vấn đề nghiêm trọng về nội dung thì mới đáng lo ngại (tức là có thể đe dọa cái ghế chánh phó giám đốc, tổng biên tập). Còn lại, những thứ khác, ví dụ những va chạm rắc rối về tác quyền, những kém cỏi vụng về trong nội dung hay cách trình bày sách, những sai sót về ngôn ngữ, v.v… đều không đáng ngại, đều có thể biện minh. Người ta biết chắc sách sẽ bị xử phạt hay thu hồi nếu bị kết luận là ”có sai lầm về nội dung” chứ chưa khi nào vì có quá nhiều lỗi in, nói chi đến những kém cỏi về biên tập!
Tóm lại, tuy có “chồng lấn” theo lối vừa hỗ trợ vừa dựa dẫm vừa ỷ lại nhau trong các công việc xung quanh biên tập, hai phía NXB và các đối tác liên kết hiện tại đều chưa có bộ máy biên tập có năng lực cao; hoạt động làm sách chỉ mới vận hành theo chuẩn “không bị xử phạt hay thu hồi”; chưa vận hành (cũng chưa được cổ vũ) theo những chuẩn chất lượng cao.
Trong khi đó, vấn đề thật sự đáng đặt ra đối với nghề làm sách của Việt Nam là, người Việt Nam làm sách còn ở dưới chuẩn làm sách ở các nước tiên tiến.
Sách Việt Nam chưa đi vào quỹ tiêu dùng chung về sách của thế giới, đó là một sự thật chưa dễ khắc phục trong năm mười năm tới. Vào những siêu thị sách ở những thành phố lớn nước ngoài, người ta thấy các khu vực sách chữ Anh, chữ Pháp, chữ Hán, chữ Nga, chữ Nhật, chữ Hàn, và một vài thứ chữ nữa, nhưng không có sách chữ Việt; ngay ở những quầy riêng về Đông Nam Á bằng chữ Anh (ví dụ ở gian sách lớn trong siêu thị dưới chân tháp đôi ở Kuala Lumpur, Malaysia mà người viết những dòng này được thấy trong ngày đầu tháng 5 /2008 vừa đây) cũng hầu như không có dấu vết nào của Việt Nam.
Vậy thì, thay vì tính ngay đến việc “đưa sách Việt ra thế giới”, hãy đưa các chuẩn làm sách của thế giới vào giới những người làm sách Việt. Hai giới liên quan là giới tác giả (kể chung soạn giả, dịch giả) và giới biên tập sách.
Với giới tác giả, vấn đề tuỳ thuộc năng lực chuyên môn của họ; các công ty truyền thông hay các NXB không thể cứu thua cho mọi non yếu, thiếu sót của tác giả, tuy vẫn có những độc giả nhẹ dạ bốc đồng tìm mua những cuốn sách được quảng cáo tuyên truyền ồn ào.

Những điều “cao hơn khâu sửa in” ở công việc biên tập sách gồm những gì? Trước hết là một cái nhìn bao quát mang tính đánh giá về cuốn sách tương lai: Nó thêm được những nội dung gì cho độc giả? Nó có gì mới hơn so với một loạt cuốn sách có đề tài gần gũi với nó? Thử đặt vào vị trí công chúng để hình dung tác dụng của cuốn sách sẽ ra mắt, v.v… Bên cạnh đó là sự phát hiện những chỗ sai, chỗ yếu, chỗ thiếu… ở bản thảo cần được sửa chữa hoặc bổ sung để hoàn chỉnh trước khi đưa in; sự phát hiện này phải đi kèm với việc người biên tập có khả năng trình bày và thuyết phục được tác giả cũng thấy như vậy và cùng hợp tác khắc phục. Đó là những việc mà người biên tập phải xử lý được trước một bản thảo sách thông thường. Riêng đối với loại sách biên khảo, chuyên đề nghiên cứu, v.v…, công việc biên tập còn phải thể hiện cái nhìn của một nhà nghiên cứu đối với công trình mới của nhà nghiên cứu là tác giả cụ thể này (giúp tác giả tránh những sai sót không đáng có trong dữ liệu, trong nhận định, đánh giá…), công việc biên tập cũng phải thể hiện trách nhiệm của NXB đối với người dùng sách thông qua năng lực làm các chú thích về nhân vật, về sự kiện lịch sử hoặc văn hoá, các chú thích về từ ngữ, năng lực thực hiện những bảng chỉ dẫn tra cứu (tra cứu chủ đề, tra cứu tên riêng) ở cuối sách.  

Với giới biên tập, vấn đề là các chuẩn về làm sách được nâng cao lên, buộc tay nghề của họ phải vươn lên đáp ứng. Các NXB còn tiềm năng biên tập, các công ty văn hoá truyền thông hoặc trung tâm làm sách nên hướng đến việc đưa các chuẩn cao vào các sản phẩm của mình. Mặt khác, giới quản lý xuất bản, hiệp hội của giới xuất bản (mà hiện giờ vẫn chỉ là trú sở cho những hưu quan có chỗ đi về) cũng nên đề xuất những chuẩn làm sách, và điều quan trọng là đưa các chuẩn đó tới các NXB và các đối tác có tham gia liên kết làm sách, là tạo nên những trao đổi về những chuẩn nên có, nên vươn tới của sách Việt. Từ trong và ngoài giới làm sách nên hình thành các chuẩn sàn (tối thiểu, không thể thấp hơn) như số chữ trong mỗi loại trang (nhằm chống lối in quá thưa, mượn sách để bán giấy trắng giá cao…), số lỗi chính tả được phép mắc trong một số lượng trang nhất định (để làm cơ sở thu hồi hoặc đình chỉ những sách phạm quá nhiều lỗi in ấn, kỹ thuật), v.v… và các chuẩn trần (tối đa, mang tính khuyến khích) ví dụ như việc sách biên khảo cần có các bảng tra cứu (chủ đề, ngữ vựng, tên riêng…) ở cuối sách. Ở đây mới chỉ nói đến sách in theo kiểu thông thường, chưa nói đến sách loại mới, có thêm các công cụ điện tử, ví dụ kèm đĩa CD, nâng thêm khả năng giúp ích cho người sử dụng; các loại này càng cần nâng chất lượng khâu biên tập thêm lên nhiều hơn nữa.
Tất nhiên, một mình giới biên tập không nâng được chất lượng sách lên. Song, việc nâng cao chất lượng biên tập sách, việc hướng tới các chuẩn mực làm sách của các nền xuất bản tiên tiến, sẽ góp phần định hình một mặt bằng văn hoá kỹ thuật khả quan hơn cho diện mạo chung của sách Việt, thúc đẩy các tác giả trong việc sáng tạo nội dung tri thức sẽ được thể hiện trên nền của mặt bằng ấy.

Lại Nguyên Ân

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)