“Biến thể”: cuộc phản kháng 2000 năm
2000 năm sau khi qua đời, Ovid mới được trở lại làm một công dân La Mã. Bởi phải tới tận năm 2017, chính quyền thành Rome mới quyết định thu hồi lệnh trục xuất một trong những thi sĩ vĩ đại nhất của loài người?, một lệnh trục xuất do hoàng đế Augustus đã ban ra từ năm thứ 8 sau Công nguyên.
Nhưng người ta chỉ có thể trục xuất nhà thơ khỏi một vùng đất địa lý, không ai có thể trục xuất nhà thơ khỏi lịch sử thi ca. Thậm chí, ở châu Âu, đâu đâu cũng là Ovid. Không thể kể hết những cái tên đã chịu ảnh hưởng của ông. Thậm chí có thể nói, nếu thiếu Ovid, thi ca sẽ tồn tại một cách lắt lay. Chaucer, Gower, Spenser, Marlowe, Shakespeare, Donne, Milton, Pope, Keats, Shelley, Tennyson – và như thế chẳng phải là toàn bộ thi ca Anh quốc đều chịu ảnh hưởng từ Ovid? Còn Goethe, ông coi Ovid như nhà thơ mến yêu nhất của mình, bất chấp ông gia sư Herder luôn tìm mọi cách vùi dập người thần tượng “tai tiếng” này, cho rằng “chẳng có cái chân lý thực thụ nào trong những bài thơ của Metamorphoses… đúng hơn là, mọi thứ đều rặt bắt chước những chuyện đã có”.
Herder nói không sai. Những gì Ovid viết trong Metamorphoses [hay Biến thể, theo bản dịch tiếng Việt của Quế Sơn do NXB TPHCM mới ấn hành] hầu như đều là những chuyện đã có từ thời Hy Lạp, nhưng Ovid, bằng sự thấu suốt trái tim con người đến kỳ lạ, đã rà soát lại thần thoại cổ xưa và những huyền thoại lưu truyền, thuật chúng bằng một ngôn ngữ khác, ông đã dấn bước rất sâu vào địa hạt tâm tư cả ngàn năm trước khi Giovanni Boccaccio trở thành văn sĩ châu Âu đầu tiên thử nghiệm với văn chương tâm lí.
Biến thể – kiệt tác thơ dài 15 thiên, gần 12000 khổ thơ và nhắc tới gần 250 truyền thuyết được viết dưới thể dactylic hexameter cổ điển * đã được tiên phong bởi Homer lẫn Virgil – được Ovid hoàn thành chính vào năm ông bị lưu đày. Đó cũng đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp trong sự nghiệp thơ ca của ông, từ một nhà thơ bi ca trở thành một nhà thơ sử thi.
Toàn bộ Biến thể được vận hành trên chính cơ chế của sự biến đổi và vận động không ngừng nghỉ, Không kẻ nào đứng yên ngoài quy luật ấy, vũ trụ biến thể từ hỗn mang, những nguyên tố sinh ra từ hỗn độn, đến lượt con người, các vị thần và á thần, họ hóa thành sao trời, muông thú, cỏ cây, chim chóc trong quá trình trốn chạy hay theo đuổi đam mê.
Những cuộc hóa thân mà Ovid mô tả không chỉ dừng lại ở sự thay đổi mang tính vật lí hay ý thích sáng nắng chiều mưa của các thần linh, trong nhiều trường hợp, nó là bước ngoặt tâm lí đối với nhân vật, tựa như một ẩn dụ về trạng thái cảm xúc của con người, như nàng Myrrha với tình cảm loạn luân dành cho người cha của mình, cuối cùng van xin chư thần “đừng cho tôi sống cũng như đừng cho tôi chết”, và nàng biến thành một cái cây nhựa trám hương, hay cô tiểu nữ thần Clytie vì mối tình vô vọng dành cho Mặt trời đã ngồi một mình cả ngày lẫn đêm, bất động suốt chín ngày không ăn không uống, tới khi héo hon lại và cắm sâu vào lòng đất, trở thành hoa hướng dương nhìn mãi về phía vị thần mình yêu tha thiết.
Trong ba cột trụ của thơ ca La Mã là Horace, Virgil và Ovid, Ovid là người được công chúng ngày nay say mê hơn cả, bởi dù đã sống trong những kỷ nguyên đã lụi tàn quá lâu, nhưng ông đã đi trước thời đại của mình khi dấn bước vào những mê lộ sâu kín của đời sống tâm hồn, sẵn sàng cởi mở khám phá cả những tình cảm hết mực vô luân. So Ovid với Virgil cũng giống như so Dionysus và Apollo vậy, cả hai cùng là con trai Zeus, nhưng một bên là hiện thân cho xúc cảm và bản năng, sự bất tuân và phần tối còn một bên đại diện cho lý trí và trật tự, sự khôn ngoan và ánh sáng. Trong thơ Ovid (và cả con người ông nữa) có một vũ điệu cuồng hoan, khoái dật của tình yêu, tình dục, sự buông thả đến suy đồi, sự hiến mình cho ân ái, sự truy cầu hạnh phúc cá nhân tối thượng. Người ta kể rằng Ovid đã cười vào Aeneid, tác phẩm lớn nhất còn để lại của Virgil, và theo ông, bởi Aeneid người sáng lập thành Rome là con trai thần Vệ Nữ, nên thành Rome phải là thành phố của tình yêu chứ không phải thành phố của lòng hiếu đạo, điều mà Augustus mong muốn dựng xây.
Cách tiếp cận của Ovid với sử thi cũng thật khác người. Biến thể gần như thiếu đi sự nghiêm túc, đường bệ của một thiên sử thi thông thường, ngược lại, nó trưng ra những tai tiếng gây sốc, những nghịch lý và quái đản, nó châm biếm những người anh hùng, trong nó không cài cắm những ý nghĩa về đạo đức, nghĩa vụ, tôn giáo hay chính trị, tất cả những nhân vật của nó, từ vua đến hoàng hậu, từ công chúa đến thường dân, từ thần tiên đến quái thú, từ trinh nữ đến ông già, họ vật lộn với những điên rồ của thế giới và của chính mình. Ngay cả trong những khoảnh khắc mang tính triết học, khi Ovid mô tả sự ra đời của vũ trụ từ hỗn mang, một tưởng tượng có nét tương đồng với học thuyết Plato về nguồn gốc vạn vật, nhưng nếu như thần sáng thế của Plato bị thúc đẩy bởi động cơ tạo ra những trật tự đúng đắn, thì thần sáng thế mà Ovid mô tả hoàn toàn xa lạ với điều đó. Nói như học giả Otto Steen Due, “Ovid không nói về đạo đức”, và trong thơ ông “cuộc đời có thể công bằng, nhưng còn lâu nó mới công bằng, nó thường lố bịch hoặc thảm hại hoặc cứng nhắc hoặc độc ác.” Còn nói như Brooks Otis, “Chẳng trách gì mà [Ovid] thường bị hiểu sai.”
Những tác phẩm của ông có một lịch sử bị kiểm duyệt hẳn là dài hơn tác phẩm của bất cứ ai, trải suốt từ khi ông sinh thời tới tận khi hình thành nước Mỹ hiện đại, thậm chí gây tranh cãi tới tận hôm nay. Ngay tại trung tâm thời Phục Hưng, một thời kỳ được coi là cởi mở, vậy mà vẫn có trào lưu “Đốt bỏ sự phù phiếm”, trong đó một thầy tu người Florence kêu gọi đốt bỏ toàn bộ những tác phẩm vô đạo đức của Ovid. Trong tiểu thuyết Vết nhơ của người, cố nhà văn Philip Roth đã kể lại bi kịch của một vị giáo sư, một bi kịch đã khởi thủy chỉ vì ông đã ngợi ca Ovid và coi thường các nữ sinh lên án văn chương Ovid là thứ văn chương kỳ thị giới. Roth hẳn đã không bịa ra chuyện ấy, bởi những năm sau này, thời đại chúng ta đang sống đây, khi phong trào #Metoo nổ ra, người ta lại lật lại Biến thể – một tác phẩm mô tả quá đỗi sống động, trực diện, sống sượng về những cuộc tấn công tình dục. Có người còn đặt câu hỏi, tại sao không tẩy chay Ovid như đã tẩy chay, chẳng hạn, Woody Allen? Còn Ovid, với trí tuệ quá ư khác biệt, dù chết đã 2000 năm, vẫn cứ trong vai kẻ nổi loạn và phản kháng.
Nếu như Biến thể trở thành hình mẫu cho văn chương và thi ca mai sau, thì tác giả của nó, cuộc đời ông cũng trở thành một mẫu mực về cách số phận vận hành cho nhiều thi sĩ hậu thời, những kẻ dám ngược lại lẽ thường. Những trang cuối của Biến thể, Ovid ngợi ca công lao Augustus, coi hoàng đế như “kẻ phục thù dũng cảm nhất cho sự ám sát cha mình” và kêu van với các vị thần cho tuổi đời Augustus thật dài lâu, song lòng sùng kính ấy của ông không khiến vị hoàng đế mảy may xao động.
Năm thứ 8 sau Công nguyên, Ovid – khi ấy là nhà thơ đương thời danh tiếng nhất – bị đứa con trai nuôi của Julius Caesar ra lệnh cho lưu đày tới tận Biển Đen xa xôi, vĩnh viễn tước đi tư cách công dân La Mã và rồi chết trong cô khổ. Không ai biết chính xác tại sao. Trong một ghi chép cuối đời, Ovid viết: “Perdiderint cum me duo crimina carmen et error”, nghĩa là “Hai trọng tội đã làm nên sự suy vi của tôi: một bài thơ và một lỗi lầm”. Về bài thơ, ông gọi nó là “turpe carmen” – một bài thơ tục tĩu, một bài thơ đã khiến ông trở thành “bậc thầy của sự thông dâm đê tiện”. Nhưng về lỗi lầm kia, Ovid lại chỉ viết vỏn vẻn rằng ông buộc phải câm lặng về nó, e rằng sẽ “khơi mở lại những vết thương” nơi Augustus Ceasar. Và sau, khi ta nhìn số phận tha hương của những thi sĩ phi thường như Dante hay Lord Byron, ta không khỏi nghĩ tới cái bóng của Ovid. Với những con người này, dường như cuộc đời đã bắt chước nghệ thuật.
Bất chấp tất cả những điều đó, ngay trong những làn sóng chống lại Ovid mạnh mẽ nhất, người ta vẫn biết Ovid và những thi phẩm của ông sẽ luôn phản kháng, luôn dành chiến thắng cuối cùng, luôn sống và sống bất tử. Ovid từng tuyên xưng rằng mình “được Venus giao cho vai trò gia sư của Tinh yêu. […] Chiron là thầy dạy của Achilles; ta là thầy dạy của Tình yêu”. Phải, ông đâu chỉ là thuộc về tình yêu, ông còn là người thầy của nó. Mà tình yêu luôn bất khả chiến bại, riêng nó không chết bao giờ.
—–
* dactalyc hexameter: một nhịp thơ cổ điển gắn liền với các bản sử thi anh hùng ca nổi tiếng thời Hy Lạp và La Mã. Sau này, nhiều nhà thơ Anh cũng làm nhiều cách để phỏng lại nhịp thơ trong tiếng Anh, dù không nhiều người thành công, một trong những bài thơ tiếng Anh theo nhịp thơ này vẫn còn được yêu thích tới ngày nay là bài Evangeline của Longfellow.