Bình bình… là bình thường !
(Câu chuyện Mỹ thuật 2006)
Sắp đặt của Đào Anh Khánh |
2. Các Hội vẫn tiếp tục các hoạt động tẻ nhạt có tính phong trào của mình hoặc cho mượn danh nghĩa để cá nhân tổ chức các hoạt động. Nhà nước vẫn tin rằng các Hội là cần thiết để nuôi nghệ sĩ, nuôi phong trào và phục vụ nhân dân dù thực tế không như vậy. Các giải thưởng ít om sòm hơn, năm nay Bộ có sáng kiến tự đăng ký xin giải nên ai không xin cũng không muốn kiện cáo những người xin. Số người được giải đã quá nhiều và chất lượng đã quá thường nên cũng ít ai quá quan tâm tới “chuyện xôi thịt” hay “một miếng giữa làng” ấy nữa. “Nhà nước làm thì cứ làm! Picasso có được giải nào đâu mà lo!”.
3. Từ giữa những năm 1990 các môn “đương đại” bùng phát với sự đổ bộ từ bên ngoài và các cuộc “bạo loạn” nho nhỏ từ bên trong. Rồi các lo lắng qua đi, các cách thức hoạt động mới với nhiều yếu tố ngoại dần dần được thiết lập. Công chúng dần quen với “ngôn ngữ mới”. Sau những cái phảy tay làm ngơ và những lời “mắng mỏ” kiểu lý trưởng chánh tổng thì công chúng đã dần nghiêm túc quan tâm tới các thứ nghệ thuật này. Giới chuyên môn, quản lý và ngành du lịch đã quay ra ủng hộ, hỗ trợ hình thái “phi lợi nhuận” chả hại gì mà lại dễ tạo được sự kiện này. Các trường Mỹ thuật bắt đầu thử nghiệm giảng dạy các môn mới. Cũng vì đã trở nên bình thường, các sự kiện “đương đại” không còn gây được các cú sốc nữa và nếu không có ý tưởng thật hay thì các sắp đặt, biểu diễn, video… cũng trôi qua trước mắt người xem như mấy tranh chép ở các Gallery mà thôi.
4. Mỹ thuật thủ công cứ âm thầm “thắng” do đi cùng các làng nghề trong xuất khẩu và du lịch, xây dựng.
Sắp đặt của Đinh Công Đạt |
Tượng đài bao cấp như tầu ngầm siêu nặng cứ lừ lừ tiến cùng bộ máy quan liêu và tiêu tiền không cần cân đối. Nó tạo ra cuộc làm ăn cạnh tranh khốc liệt, tạo “bất bình đẳng giàu nghèo” căng thẳng trong giới mỹ thuật. Và nó vẫn tiếp tục làm hỏng thẩm mỹ công cộng. Tuy nhiên không thể ngăn con tầu “tiêu cực” này nếu lãnh đạo chính quyền các cấp không nhận ra sự thật là các tượng đài không phục vụ chính trị tốt như họ tưởng mà ngược lại. Sự kiện đáng nhớ nhất là hội nghị khoa học về điêu khắc ngoài trời do Viện Mỹ thuật tổ chức với không khí đối đầu căng thẳng giữa hai quan niệm nên dừng hay cứ tiếp tục làm tượng đài. Ai đang có hợp đồng (trong số đó có nhiều vị có chức vụ) thì kiên quyết: “Làm nhanh, làm nhiều, chất lượng thì hậu xét!”. Ai bị tố cáo cóp-py thì “phẫn uất thanh minh” mà chả có ai xét xử cả. Bộ VH&TT tiếp tục làm ngơ và tiếp tục duyệt các dự án! Tượng đài danh nhân, lịch sử đã xuống tới huyện và sẽ xuống tận các buôn làng dù các nhà thẩm mỹ có lo lắng bao nhiêu mặc lòng.
Các trại điêu khắc quốc tế cũng dần thành bình thường. Cũng có vấn đề chất lượng và tổ chức nhưng nó là hình thức quốc tế dễ chấp nhận có lợi nhiều mặt: đỡ tiền cho nhà nước, có tác phẩm cho người dân xem và tác giả được làm việc. Nếu tượng đài làm xấu môi trường thì tượng vườn của các trại điêu khắc cũng vậy dù tỷ lệ xấu ở đây chỉ 50% so với 95% ở tượng đài! Và ưu điểm lớn của nó là các tượng vườn xấu có thể bỏ đi dễ dàng trong khi các tượng đài thì rất khó phá bỏ.
Trách nhiệm về nghệ thuật công cộng chưa được các cấp lãnh đạo nhận thức một cách nghiêm túc phần vì không ít các vị lãnh đạo không “am hiểu về nghệ thuật” mà cứ làm, cho làm và vì nghệ thuật không quan thiết như tai nạn giao thông, bảo hiểm y tế hay cúm gia cầm! Bệnh thành tích thói khoa trương và “mị dân” của các địa phương cũng dẫn tới những lệch lạc trong mỹ thuật công cộng. Những tiêu cực đó cũng là bình thường! Có tham nhũng thì cũng chỉ là chuyện nhỏ so với những con khủng long như PMU18! Đây cũng là bài học phải học của nghệ thuật ở các nước nghèo!?
Các hoạt động giao lưu, hợp tác trong hội nhập đã trở nên bình thường. Các cơ quan, quỹ văn hóa Pháp, Đức, Mỹ, Anh, Tây Ba Nha, Thuỵ Điển, Italia, Đan Mạch… đóng góp ngày càng nhiều cho hoạt động Mỹ thuật ở Việt Nam. Sự hợp tác đi vào chiều sâu. Thậm chí có cả các cuộc tọa đàm cởi mở giữa các đại sứ quán, các cơ quan văn hóa nước ngoài với Bộ VH&TT về vai trò của nhà nước với văn hóa, vấn đề trước đây là rất nhậy cảm do những quan ngại về diễn biến hòa bình và đấu tranh chống ảnh hưởng xấu từ văn hóa đại chúng phương Tây. Các môn nghệ thuật “đương đại” vẫn là trung tâm của các sự kiện “có yếu tố ngoại” và dần dần tính tạp kỹ liên ngành cũng rõ hơn. Sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, thơ ca… có thể sát cánh với mỹ thuật trên sàn diễn hay dưới bàn tay chỉ huy của các curator tổ chức sự kiện. Trót lọt như liên hoan nghệ thuật trình diễn của 19 nước ở TP Hồ Chí Minh do Không Gian Xanh tổ chức hay đổ bể như SOC –Sài Gòn thành phố mở đều cho các kinh nghiệm tốt. Về sự cố SOC ông Augustin Viện trưởng Viện Gớt, một người có nhiều kinh nghiệm hợp tác về mỹ thuật ở Việt Nam cho rằng thất bại là do thiếu sự chủ trì của phía VN. Chỉ có tiền và các curator nước ngoài không hiểu tình hình và nghệ sĩ VN thì khó có thể thành công.
***
Một năm bình bình của mỹ thuật. Gợn sóng do hai triển lãm điêu khắc ở TP HCM dù chứng tỏ nơi đây có thể trở thành trung tâm số một của bộ môn này cũng chưa đủ gây “sóng gió” hay hứng khởi gì mới cho cả nền mỹ thuật đang “yên phận” ngủ ngày với cách sống bình bình của mình.