Bình thơ
Có kẻ trèo ra khỏi cuộc đời chúng ta, có kẻ tự tiện bước vào cuộc đời chúng ta và ngồi xuống, có kẻ
tặng em một bông hồng,
sắm một chiếc xe mới,
có kẻ
rất gần gũi với em, có kẻ
em đã quên,
có kẻ, có kẻ
là chính bản thân em,
có kẻ em chưa từng thấy, có kẻ
đang ăn măng tây, có kẻ
là con trẻ,
có kẻ đang trèo lên mái,
ngồi tại bàn,
nằm trên võng, thả bộ với một cây dù
đỏ,
có kẻ đang nhìn em,
có kẻ chả bao giờ để ý tới em, có kẻ
muốn nắm tay em, có kẻ
đã chết đêm nay,
có kẻ là người khác, có kẻ là em, có kẻ
không phải em,
có kẻ chính là em.
Diễm Châu dịch
Lời bình :
Đấy không phải là sự rối loạn hay hoảng hốt. Đấy là sự nhận biết. Mỗi con người chúng ta có lúc như sự lan tỏa, có lúc như sự ngưng đọng, có lúc bị xé ra từng mảnh lang thang, có lúc đồng hiện như một phép thuật. Đấy là sự thật về mỗi cá thể sinh linh chúng ta trong đời sống. Đấy là điều làm cho chính một cá thể sinh linh này trở nên phong phú và cũng có thể làm cho chính nó tàn lụi. Sự thật là trong mỗi cá thể sinh linh chúng ta không chỉ duy nhất có một con người hay một hình ảnh. Khi chúng ta đặt bước thứ nhất rồi các bước tiếp theo trên con đường của thời gian thì mỗi bước ấy có một hình ảnh của chúng ta mà không hình ảnh nào giống hình ảnh nào. Nhiều người chúng ta không thừa nhận điều ấy bởi chúng ta thường sợ hãi trước chính sự thay đổi của chúng ta. Nhưng đừng nghĩ rằng sự thay đổi này làm chúng ta biến mất mà thực sự nó làm chúng ta kinh ngạc vì sự kỳ diệu của mỗi con người. Thực ra, hàng ngàn năm nay, chúng ta bằng cách trực tiếp hay gián tiếp luôn luôn đi tìm câu hỏi về chính bản thân mình: Ta là ai? Câu hỏi “Ta là ai?” là khát vọng khám phá và hoàn thiện con người chúng ta. Tại sao một kẻ đau khổ đang đi trên đường kia lại không phải chính ta? Tại sao kẻ mãn nguyện trong ngôi nhà ven đường mà ta nhìn thấy lại không phải chính ta? Tại sao kẻ mang một tâm hồn thiên thần kia không phải chính ta? Tại sao kẻ lầm lạc trong u tối kia không phải chính ta? Tại sao kẻ ích kỉ kia không phải chính ta? Tại sao kẻ nhân ái kia không phải chính ta?… Chúng ta là tất cả hay nói chính xác nhất là: có tất cả những con người kia trong một chúng ta. Bởi thế ta có thể u tối, có thể lầm lạc, có thể khổ đau, có thể dửng dưng vô cảm, có thể là một thiên thần… Đấy chính là con đường của chúng ta. Một nhà thơ Hàn Quốc viết: Con đường của những Bậc thầy là con đường của những xác chết. Con đường ấy là cuộc đời của mỗi chúng ta. Trên con đường ấy, với ý thức và những giấc mơ nhân bản, chúng ta phải chiến đấu không ngưng nghỉ để chiến đấu chống lại những cái TÔI ích kỷ, những cái TÔI tăm tối, những cái TÔI đầy dục vọng để từng bước, từng bước tới sự Toàn hảo. Khát vọng vươn tới sự Toàn hảo chính là điều duy nhất cứu vớt sự diệt vong của con người trong thế giới này.
Có thể tác giả thơ không hoàn toàn nhắm tới mục đích này. Nhưng đó đâu phải là điều hệ trọng của bài thơ. Bởi cũng như mỗi cá thể sinh linh kia, bài thơ ra đời và mang trong nó rất nhiều bài thơ khác. Văn bản mà tôi đang viết về nó là một bài thơ. Nhưng văn bản ấy lại hiện ra một bài thơ khác trong một TÔI khác khi đọc nó. Cái TÔI khác của tôi lại chính là bạn khi đọc văn bản này. Rolf Jacobsen là tác giả đầu tiên của bài thơ. Có thể tôi là tác giả thứ hai, bạn là tác giả thứ ba và bất tận… Một bài thơ có hàng ngàn hàng triệu văn bản đọc khác nhau bởi trong mỗi chúng ta có hàng ngàn hàng triệu con người khác nhau. Nếu bài thơ là nước thì nó lan tỏa và hiển lộ ở mọi nơi với nhiều hình ảnh khác nhau. Dòng sông là một văn bản của nước, đám mây là một văn bản khác và cơn mưa là một văn bản khác nữa. Trong một cái cây có sự hiện hữu của nước và trong một bông hoa cũng có một hiện hữu khác của nước. Nếu tâm hồn người đọc là một dòng sông thì nước mang hình ảnh và tinh thần ấy. Nếu tâm hồn là vũng nhỏ tù đọng thì nước ở đó hiện hữu như vậy.
Bài thơ là một khám phá về con người sâu thẳm của chúng ta. Nhưng nó cũng là lời kêu gọi về một sự chia sẻ của mỗi sinh linh với cộng đồng của nó.