Blakelock, “họa sĩ bóng đêm”

Được biết đến rộng rãi trong giới nghệ sĩ với biệt danh “thiên tài điên loạn”, Ralph Albert Blakelock là một trong những tài năng hội họa vĩ đại nhất thế kỷ XIX, nổi tiếng nhờ phong cách độc đáo trong những tác phẩm phong cảnh đã trở thành kinh điển.

Ralph Alber Blakelock sinh năm 1847 ở New York City trong một gia đình khá giả. Năm 1864, Blakelock đỗ kỳ thi tuyển vào Học viện Tự do New York với tham vọng trở thành dược sĩ nhưng chỉ học đúng ba kỳ. Đến tháng 2-1866, ông bỏ học để đi làm họa sĩ.

Bác ông, một thầy dạy nhạc và họa sĩ phong cảnh nghiệp dư, là người đầu tiên động viên ông vẽ. Dù chủ yếu tự học nhưng Blakelock có tranh được triển lãm từ rất sớm. Ông bắt đầu trưng bày tác phẩm tại Học viện Thiết kế Quốc gia từ năm 1867, khi mới hai mươi tuổi. Nhưng vinh quang và thành công chỉ đến với ông vào những ngày cuối đời.

Năm 1877, Blakelock cưới Cora Rebecca Bailey, người mà ông quen từ khi còn nhỏ. Họ chuyển tới East Orange, bang New Jersey, nơi ông làm nghề thiết kế biển hiệu cho một công ty.

Đôi vợ chồng có chín người con. Điều này cộng thêm số tác phẩm ít ỏi khiến cho hai người luôn trong tình trạng thiếu thốn về tài chính, thậm chí là nghèo đói. Blakelock làm thêm các việc vặt và vẽ tranh khổ nhỏ để bán nhanh hơn, lấy tiền nuôi gia đình. Hậu quả là tác phẩm của ông không đồng về đều kích thước và chất lượng. Như lời vợ ông giải thích, “những tác phẩm tốt nhất cần nhiều thời gian để hoàn thành mà trong lúc ấy thì chúng tôi vẫn phải sống. [Ông ấy] vẽ tranh để sống.”

Vào trong hoang dã

Trong khi hầu hết các nghệ sĩ đương thời tìm kiếm cảm hứng từ châu Âu thì Blakelock lại du hành về miền Tây nước Mỹ, nơi thiên nhiên vẫn còn hoang sơ và hùng vĩ. Từ năm 1869 tới năm 1871, ông thăm Kansas, Colorado, Wyoming, Utah, Nevada, California và đi tới tận Mexico, Panama và Jamaica.

Người ta không biết gì nhiều về hành trình của Blakelock, ngoại trừ việc ông đi ngựa một mình, ký họa phong cảnh và chỉ vẽ thành tranh khi đã trở về vùng Đông Bắc. Những trải nghiệm này khơi nguồn cho nhiều tác phẩm, đặc biệt nổi tiếng là những bức về làng Da đỏ, mô tả lều trại của các bộ tộc thổ dân châu Mỹ từ xa. Dù Blakelock không thường xuyên ghi lại hoạt động của họ và cũng không giải thích gì nhiều từ góc độ nhân chủng học hay sử học nhưng cách ông xử lý chủ thể thật tuyệt hảo và tạo ra những bức tranh gây ám ảnh về một đề tài hiếm gặp vào thời ấy.

Ngoài những tác phẩm về người Da đỏ, Blakelock cũng nổi tiếng với tranh đêm trăng, thường có gam màu trầm, tối. Chính những tác phẩm này đã mang đến cho ông danh hiệu “họa sĩ bóng đêm”.

Những tác phẩm đầy thi vị của ông có vẻ huyền bí, cô độc và hư ảo đặc trưng, tạo ra cảm xúc mạnh mẽ nơi người xem. Blakelock cũng thử nghiệm nhiều chất liệu khác nhau như thuốc nhuộm từ dầu hỏa, véc-ni cô-pan và bột tan. Ông tạo ra những bức tranh giàu họa tiết bằng cọ vẽ cỡ lớn hoặc bằng cách nhuộm nhiều lần. Ông còn dùng một kỹ thuật đặc biệt mà nhà văn viết tiểu sử Elliot Daingerfield mô tả lại: “Khi nền bạc của bức tranh đã khô và cứng lại, ông ấy phủ lên nhiều lớp khác bằng sơn mỏng nhưng có màu sắc đẹp hơn; khi làm khô từng phần, ông ấy dùng dao để làm mịn; các lớp được làm nhẹ bớt bằng cách lau và phơi khô thêm lần nữa. Quy trình này được lặp lại thường xuyên, và khi bề mặt [tranh] quá tối hoặc quá sáng, ông sửa chữa bằng bột đá bọt. Kỹ thuật này làm cho lớp bạc dưới tranh hiện lên, và với màu xám chủ đạo này, ông phát triển đề tài của mình, vẽ bằng các màu tối và các màu sơn nền.”

Vì chỉ một số tác phẩm được Blakelock đề ngày nên rất khó theo dõi sự phát triển về phong cách của ông. Tác phẩm của ông là sự giao hòa của nhiều trào lưu nghệ thuật thế kỷ XIX. Người ta thường cho rằng phong cách ban đầu của ông thuộc trường phái Sông Hudson vì ông chú trọng chi tiết và màu sắc.

Nhưng ở nhiều khía cạnh, ông tách khỏi chủ nghĩa tự nhiên truyền thống của trường phái này. Cảnh trong tranh ông đều vô danh, không hoành tráng và không tả thực theo cách mà các nghệ sĩ trường phái Hudson ưa thích. Chất cá nhân giàu cảm xúc của trường phái Barbizon cũng như chất kịch tính thường thấy trong chủ nghĩa lãng mạn châu Âu có lẽ gần với gu của Blakelock hơn. Ông đã đi trước thời đại, dự báo sự phát triển của chủ nghĩa hiện đại ở Mỹ. Dù thường được so sánh với các đồng nghiệp trường phái Tonalism, nhất là Albert Pinkham Rhyder, tác phẩm của Blakelock còn có sắc thái trừu tượng.

Cuối cùng, các tác phẩm của Blakelock thường chủ quan, dựa trên trí tưởng tượng và nhãn quan của tác giả nhiều hơn từ các xu hướng đương thời.

Vinh quang muộn mằn

Blakelock bị suy nhược thần kinh và tâm thần phân liệt không lâu sau khi có người con thứ chín vào năm 1899. Ông trải qua những năm tháng còn lại trong bệnh viện tâm thần Middletown, New York. Ở đó, ông còn mắc chứng ảo tưởng, luôn luôn nghĩ rằng mình rất giàu.

Một giai thoại kể rằng Blakelock vẽ giỏi nhưng rất kém chuyện buôn bán nên đã nghèo lại càng nghèo. Có người hỏi mua tranh ông với giá hàng ngàn USD (khoản tiền rất lớn thời ấy) nhưng ông không chịu vì nghĩ sẽ bán được giá cao hơn. Cuối cùng, ông buộc phải bán với giá rẻ như cho và tức giận đến mức xé nát số tiền ngay sau đó.

Mỉa mai thay, người ta chỉ nhận ra tài năng và tôn vinh sự nghiệp của Blakelock sau khi ông nhập viện. Giới nghệ thuật tán dương tài năng và sự sáng tạo của người nghệ sĩ tâm thần, coi ông là một trong những họa sĩ tài năng nhất thế kỷ XIX.

Danh tiếng lúc cuối đời đánh dấu việc tài năng của Blakelock được giới nghệ thuật chấp nhận. Năm 1913, Thượng nghị sĩ Clark mua một bức tranh của ông với giá kỷ lục – 13.900  USD. Chỉ ba năm sau, một bức tranh vẽ đêm trăng khác, “Dòng suối dưới ánh trăng”, đạt kỷ lục 20.000  USD; đó là giá cao nhất từng được trả cho một nghệ sĩ Mỹ còn sống vào thời điểm ấy.

Giới phê bình cũng nâng Blakelock lên tầm cao mới. Nhà phê bình nổi tiếng Edward Alden Jewell tuyên bố rằng “ông ấy xứng đáng được đánh giá quan trọng ngang với Winslow Homer, Alber P. Ryder và Thomas Eakins.”

Blakelock không rời cây cọ cho đến khi qua đời ở tuổi 71. Đến nay, ông vẫn được coi là một trong những họa sĩ Mỹ vĩ đại nhất. Tác phẩm của ông được triển lãm ở mọi bảo tàng lớn của nước Mỹ, trong đó có Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Bảo tàng Nghệ thuật Brooklyn, Triển lãm Nghệ thuật Corcoran, Bảo tàng Nghệ thuật Hạt Los Angeles, Bảo tàng Nghệ thuật Hoa kỳ Smithsonian và Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Boston.

———


Khu lều trại người da đỏ dưới ánh trăng, 1889

…Một mặt trăng nhỏ tròn vành vạnh nằm chính giữa toan – tôi thấy đúng ở trung tâm theo nghĩa toán học – và sự nhợt nhạt của cái đĩa màu trắng này rọi sáng tất cả những gì nằm phía trên và phía dưới: bầu trời, một cái hồ, một cái cây lớn cành lá chằng chịt, và những ngọn núi thấp ở chân trời. Ở tiền cảnh, người ta nhìn thấy hai vùng đất nhỏ, ngăn cách bởi một dòng suối. Trên bờ trái là một túp lều của người Da đỏ và một ngọn lửa trại; quanh đống lửa đó, có vài người đang ngồi, nhưng rất khó nhìn rõ mặt, đó chỉ là những hình ảnh con người nhạt nhòa, có thể là năm hoặc sáu người, mặt ửng đỏ vì phản chiếu của than hồng; bên phải cái cây lớn, tách biệt hẳn với những người khác, một người kỵ sĩ đơn độc ngắm nhìn bờ hồ bên kia – trong sự im lìm tuyệt đối, như thể chìm vào một suy tư sâu thẳm. Cái cây nằm sau lưng ông ta lớn hơn ông ta từ mười lăm đến hai mươi lần, và sự tương phản khiến ông ta trở nên nhỏ xíu, không chút quan trọng. Ông ta và con ngựa chỉ là những bóng hình, những cái bóng đen không độ dày cũng như tính cách cá nhân. Ở bờ đối diện, mọi thứ còn sẫm màu hơn, gần như chìm hẳn vào trong bóng tối. Có vài cái cây nhỏ, cùng những cành lá rậm rạp chằng chịt như cái cây lớn, và rồi, tận phía dưới, một điểm màu rất khó nhìn mà tôi thấy dường như có thể để thể hiện một nhân vật khác (đang nằm ngửa – có thể là đang ngủ, có thể đã chết, hoặc có thể là đang ngắm nhìn đêm) hoặc là vết tích của một đống lửa khác, tôi không thể xác quyết được. Tôi chìm sâu vào việc nghiên cứu những chi tiết tối tăm nằm ở phần dưới của bức tranh đến nỗi khi cuối cùng ngẩng đầu lên để xem xét bầu trời một lần nữa, tôi bị sốc vì thấy mọi thứ ở phần trên bức tranh tươi sáng đến bao nhiêu. Ngay cả khi chỉ chú mục vào vầng trăng tròn trặn, bầu trời vẫn có vẻ quá lộ liễu. Dưới lớp men rạn phủ trên bề mặt, bức tranh bừng sáng với một cường độ siêu nhiên, và cái nhìn của tôi càng di chuyển xa hơn về phía chân trời, cái ánh sáng đó càng mạnh thêm lên – như thể ở đó trời đã sáng, và những ngọn núi đã được mặt trời chiếu rọi. Khi nhận ra điều này, tôi cũng bắt đầu thấy thêm đủ thứ khác nữa trong bức tranh. Chẳng hạn như bầu trời về tổng thể mang một sắc xanh lá cây nhạt. Được tô điểm bởi màu vàng chạy theo viền những đám mây, nó quay cuồng xung quanh cái cây lớn, với những nét vẽ mạnh tay trông nó có dáng vẻ của một cầu thang xoáy ốc, một xoáy nước làm từ chất liệu bầu trời ở nơi tận cùng không gian. Làm thế nào mà bầu trời lại có thể mang màu xanh lá cây? tôi tự hỏi. Đó cũng là màu của cái hồ phía dưới, và có vẻ như điều này là không thể. Trừ trong thời khắc đen tối nhất của đêm tối nhất, bầu trời và mặt đất luôn luôn khác nhau. Rõ ràng Blakelock là một họa sĩ quá ư lành nghề để có thể không biết điều đó. Nhưng nếu như không phải là ông cố tái hiện một phong cảnh có thực, thì đâu là chủ ý của ông? Tôi cố hết sức để tìm kiếm câu trả lời, nhưng màu xanh lá cây của bầu trời ngăn cản tôi làm được việc đó. Một bầu trời mang cùng màu sắc với mặt đất, một màn đêm giống với ban ngày, và tất cả các nhân vật bị thu nhỏ thành những chú lùn bởi sự hùng vĩ của cảnh vật – chỉ còn là những bóng hình không rõ ràng, những nét ký hiệu đơn giản của cuộc sống. Tôi không muốn sa đà quá sớm vào một sự diễn giải mang tính biểu tượng, nhưng trước các bằng chứng hiển nhiên của bức tranh, tôi nghĩ mình không có lựa chọn nào khác. Mặc cho vẻ bé nhỏ so với khung cảnh chung, những người Da đỏ không có dấu hiệu nào của sợ hãi hay lo lắng. Họ thoải mái trong môi trường của mình, yên ổn với nhau và với thế giới, và càng nghĩ về điều này, tôi càng thấy sự thanh thản đó ngự trị bức tranh. Tôi tự hỏi không biết liệu có phải Blakelock vẽ bầu trời màu xanh để nhấn mạnh thêm sự hài hòa ấy, để chỉ ra sự kết nối giữa trời và đất. Nếu con người có thể sống thoải mái trong môi trường của mình, hẳn ông gợi ý như vậy, nếu họ có thể học được cách cảm nhận mình là một phần của những gì vây quanh, cuộc sống trên trái đất hẳn sẽ mang một cảm giác thật thánh thiện. Tôi chỉ đoán vậy thôi, dĩ nhiên, nhưng tôi có cảm giác Blakelock vẽ một khung cảnh điền viên nước Mỹ, cái thế giới của người Da đỏ trước khi người da trắng kéo đến hủy hoại nó đi… Có thể, tôi tự nhủ, tác phẩm này được hình dung như một lời chứng về những gì chúng ta đã mất đi. Đó không phải là một bức tranh phong cảnh, đó là một hình thức tưởng niệm, một khúc tang lễ dành cho một thế giới biến mất.


Trích tiểu thuyết “Moon Palace” – Paul Auster; Cao Việt Dũng dịch

 

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)