Blog-Phạm trù không rõ ranh giới!

Thời đại số và sự bùng nổ của CNTT không chỉ làm thay đổi diện mạo đời sống nghe nhìn với sự tiện dụng của nó mà còn là lời cảnh báo cho xã hội khi nhiều giá trị văn hoá truyền thống đang dần bị phai lạt dần trong thói quen của loài người như văn hoá đọc, viết nhật ký, cách thức lưu trữ... Cùng với đó là sự báo động hiện tượng “dot com” thế hệ thứ hai dành cho báo giới và rất nhiều mối lo khác của các nhà quản lý xã hội từ một ứng dụng của công nghệ Net. Đó chính là Blog!.

Khác hẳn với sự hồ hởi ban đầu khi mạng thông tin toàn cầu được phủ sóng, làng báo thế giới vui mừng khôn tả khi khả năng phục vụ và đáp ứng nhu cầu thông tin của mình đã mang đến cho bạn đọc- người sử dụng sự tiện lợi, nhanh chóng hiệu quả, nay đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chiến truyền thông và cạnh tranh thông tin không chỉ với những tờ báo với nhau mà chính với bạn đọc của mình.

Dấu hiệu cho lời cảnh báo về hiện tượng dot com thế hệ thứ hai một lần nữa lại khởi nguồn từ chính nước Mỹ. Đất nước được xem có ngành truyền thông phát triển bậc nhất này, khi các đại gia, tập đoàn của làng báo như Time, Gannett, New Yock Time,  Los Angeles Time, Daily Telegram, Capital Time … lần lượt cắt giảm nhân viên vì lượng phát hành và doanh thu quảng cáo từ báo in sụt giảm nhanh chóng, trong số đó có những tờ báo đã giảm bớt số phát hành ra định kỳ hằng tuần cho báo in. Thậm chí phải ấn định ngày đình chỉ bản in vào 04/2009 như tờ Christian Science Monitor (Người hướng dẫn khoa học Đạo Cơ Đốc)-Một tờ báo nổi tiếng về những tin bài quốc tế, đặc biệt về vấn đề Trung Đông chỉ còn mảng báo mạng.

Nguyên nhân của sự thoái trào này một phần là do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng phần lớn là từ Net, khi mọi công dân có thể đọc miễn phí mọi lúc, mọi nơi với một chiếc điện thoại hay máy tính nối mạng Internet bằng cáp quang hoặc Wiless, và một thành phần không thể bỏ qua đó chính là Blogger-Một chủ thể có khả năng biên tập lẫn cung cấp thông tin cho cộng đồng theo những chủ đề mà họ quan tâm, được cập nhật kịp thời bởi các đường dẫn (Link) trên chính trang Blog của mình mà không chịu sự kiểm soát nào.

Nếu như, Blogger đang là đối thủ cạnh tranh của nhà báo hiện đại, thì ở lĩnh vực quản lý xã hội, các nhà chức trách cũng đang đau đầu về vấn nạn Blog bẩn”.  Và ngay tại nước nhà, thời gian qua vấn nạn “Blog bẩn” đã lợi dụng cái quyền thông tin và được thông tin mà không chịu sự kiểm soát nào để bôi nhọ các tổ chức, cá nhân, truyền bá những văn hoá phẩm đồi truỵ… Thậm chí tiết lộ luôn cả bí mật quốc gia, ảnh hưởng tới tình hình an ninh, chính trị, xã hội của đất nước. Thế nên, sau bao lần thăm dò dư luận về chuyện nên hay không nên đưa Blog vào vòng kiểm soát, dự kiến một thông tư về quản lý Blog sẽ được Bộ Thông tin &Truyền thông sẽ ban hành trong tháng 12/2008.

Mặc dù mỗi công dân có quyền thông tin và được thông tin nhưng luôn phải tuân thủ pháp luật nơi mình sinh sống. Nếu xưa kia để ý kiến, phát ngôn của một cá nhân đến được với đông đảo bạn đọc thường phải được thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đại diện cho những tổ chức xã hội khác nhau, thì nay với Blog, cá nhân dễ dàng thực hiện việc đó một cách nhanh chóng, hiệu quả. Chính vì vậy, các nhà quản lý chức năng lo ngại nếu Blogger phát tán thông tin rác thì mối nguy lo là không hề nhỏ.

 

Tuy nhiên, với mục đích định hướng và không đề cao yếu tố kỹ thuật, pháp lý để quản lý loại hình thông tin này. Song nếu ban hành thông tư, nghĩa là đưa Blog vào khuôn khổ của pháp luật trước hết cần phải làm sáng tỏ ngữ nghĩa của nó.

Có lẽ các nhà Tự điển họcchưa thể cập nhật, định nghĩa hay khái quát đầy đủ một từ mới phát sinh trong vài năm gần đây như Blog.

Theo cách hiểu thông thường thì Blog là khái niệm chỉ tính đơn thể, cá nhân. Nhưng nó sử dụng trong ngành CNTT, cụ thể là trong một Website- nó là một ứng dụng riêng lẻ mà nhà cung cấp dịch vụ dành cho khách hàng, thành viên, bạn đọc … từ Website của mình với mục đích chia sẻ và cung cấp thông tin và mỗi người sử dụng ứng dụng này gọi là một Blogger.

Phải chăng vì khái niệm đơn thể, cá nhân ấy và nó được sử dụng nhờ CNTT nên Blog mới được diễn đạt băng một khái niệm dễ hiểu hơn là Nhật ký điện tử?

Song khái niệm, định nghĩa đó đã không thể hiện hết chức năng, mục đích sử dụng vốn có của nó. Với Blog, mục đích chính vẫn là nơi cung cấp thông tin của người sử dụng và không đại diện cho bất cứ ai ngoài người sở hữu.

Nhưng vì nó được ứng dụng trong môi trường Net nên có đầy đủ mọi tính năng như một Website của một tổ chức đại diện cho một nhóm người nếu nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng không giới hạn các tính năng. Khả năng phổ biến tầm ảnh hưởng của những thông tin trên Blog nhiều khi còn vượt cả tầm kiểm soát của người sở hữu, bởi nó không giống như thông tin trên bản in, hay băng đĩa. Chỉ cần một đường dẫn (link), một vài lệnh copy, paste nghĩa là mọi thông tin được phát tán không ngừng nghỉ.

Do vậy, khi khẳng định Blog mang tính cá nhân thì đương nhiên không thể đại diện cho bất kỳ tổ chức nào rồi, dù đề cập đến vấn đề hoàn toàn riêng tư hoặc những vấn đề xã hội rộng lớn. Rõ ràng, là chỉ góc nhìn cá nhân, nhân danh cá nhân chứ không phải phát ngôn chính thống, đại diện cho một tổ chức, cơ quan nào và người đọc tiếp nhận những thông tin từ Blog cũng đã ngầm hiểu như vậy. Nhưng, nếu đã xác định Blog mang tính cá nhân thì không được đưa những thông tin kiểu báo chí thì cũng cần phải định nghĩa được thế nào là thông tin báo chí. Liệu có phải rằng, Blogger không được đưa tin, bình luận các sự kiện kinh tế, chính trị xảy ra trong đời sống xã hội?

E rằng, điều đó là khó khả thi bởi, nếu chỉ quy định về cách đưa thông tin thì chỉ định nghĩa thế nào là thông tin kiểu báo chí cũng đã khó khăn lắm rồi. Nếu những Blogger có khả năng viết lách thì việc thông tin về một sự kiện có thể thể hiện dưới nhiều thể loại khác nhau. Hơn thế, thực tế trong thời gian qua, cộng đồng Blogger tuy có những Blog đưa thông tin rác rưởi, nhưng cũng không ít những sự kiện được các Blogger tạo nên những hiệu ứng xã hội sâu rộng. Điển hình là việc treo Quốc kỳ vào các dịp lễ lớn của đất nước như ngày 2/09 hằng năm, và mới đây là phản ứng của cộng đồng Blogger trước sự phản ứng điều hành chậm chạp của lãnh đạo chính quyền TP.Hà Nội mà các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn không thể đáp ứng được ….

Với những phạm trù không rõ ranh giới như vậy, thay vì đưa ra một thông tư, nghị định quản lý Blog, nên thành lập hiệp hội sử dụng Blog cho cộng đồng Blogger. Thông qua hiệp hội, sẽ có các quy định, chế tài xử lý của hội, làm cơ sở đưa vào khung quản lý phù hợp với định hướng chung của cộng đồng cũng  như môi trường văn hoá, luật pháp nước nhà.

Khi cộng đồng sử dụng Blog đông đảo từ nhiều nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, việc kiểm soát nội dung Blog hay áp dụng luật pháp không thể thực hiện nếu Website của nhà cung cấp dịch vụ đặt ở nước ngoài. Trong khi, có rất nhiều trang diễn đàn của các hội, nhóm ở trong nước, các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát hết nội dung và ngay cả các diễn đàn mở (cụ thể là các Comment của một số tờ báo)- Đối tượng đang chịu sự quản lý bởi luật báo chí thì các Comment không phải chịu sự kiểm soát của Ban biên tập! Nếu quản lý, kiểm soát thêm nội dung trên Blog sẽ chiếm khối lượng công việc khá lớn và hoàn toàn không khả thi.

Các nhà quản lý chức năng chỉ có thể kiểm soát nội dung thông qua sự giám sát lẫn nhau giữa các Blogger. Khi cộng đồng Blogger phát hiện Blog nào vi phạm sẽ báo cáo với hiệp hội. Bằng những quy định, chế tài của mình, hiệp hội sẽ bày tỏ thái độ với nhà cung cấp dịch vụ để nhà cung cấp dịch vụ đưa ra lời cảnh báo, nếu những Blogger nào vi phạm mà không chỉnh sữa các thông tin vi phạm sẽ khoá vĩnh viễn tài khoản.

Hơn thế, thông tin đã tung lên Net không thể gọi là riêng tư được,  và cũng không thể kiểm soát được, thì chỉ có thể quản lý chủ sỡ hữu nó. Đối tượng sở hữu chính là cá nhân tạo lập Blog. Khi cá nhân vi phạm luật pháp, làm ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng, phương hại đến danh dự, nhân thân của người khác, của tổ chức nào đó thì đã chịu sự trừng phạt của các luật dân sự, hình sự rồi. Quan trọng là xác định rõ ai là chủ sở hữu của Blog đã phát tán những thông tin phạm pháp đó. Điều này cần dựa vào sự hợp tác từ các nhà cung cấp dịch vụ và cộng đồng Blogger.

Do đó, các nhà quản lý chức năng chỉ có thể kiểm soát nội dung thông qua sự giám sát lẫn nhau giữa các Blogger. Khi cộng đồng Blogger phát hiện Blog nào vi phạm sẽ báo cáo với hiệp hội. Bằng những quy định, chế tài của mình, hiệp hội sẽ bày tỏ thái độ với nhà cung cấp dịch vụ để nhà cung cấp dịch vụ đưa ra lời cảnh báo, nếu những Blogger nào vi phạm mà không chỉnh sữa các thông tin vi phạm sẽ khoá vĩnh viễn tài khoản. Nếu sự phản ứng của hiệp hội không được đáp trả thì cộng đồng Blogger nên tẩy chay các dịch vụ của nhà cung cấp. Tin rằng với những Bogger đang sử dụng Blog vào mục đích tốt đẹp vì cộng đồng sẽ nhiệt tình hưởng ứng. Như vậy mới là tuyên truyền, giáo dục định hướng tốt. Chắc rằng không chỉ quản lý tốt loại hình thông tin mới mẻ này mà trên tất cả các mặt trận thông tin, tuyên truyền khác, đồng thời mang lại những hiệu ứng xã hội tốt đẹp hơn.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)