Bố cục mưa

Cái hay của nghệ thuật là mở ra cánh cửa để người ta bước vào những không gian mới. Công việc khó khăn của nghệ thuật là giúp con người tìm lại cảm giác hân hoan khám phá trước những gì tưởng như đã chai mòn cũ kỹ, giúp họ tự lột xác và tái sinh sang một cảnh giới khác.

Nghệ thuật có chức năng khai tâm. Việc đó không nhất thiết phụ thuộc vào thông điệp cụ thể của một tác phẩm. Để hiểu được điều này, ta phải hiểu bản chất về sự hài hòa của bố cục.
Tịch mịch u trái lý
Chung tiêu thính vũ thanh
Tiêu hao kinh khách chẩm
Điểm trích sổ tàn canh
Cách trúc khao song mật
Hòa chung nhập mộng thanh
Ngâm dư hồn bất mị
Đoạn tục đáo thiên minh

(Thính vũ, Nguyễn Trãi)

Bố cục của bài thơ này là như thế nào? Bố cục nghệ thuật là gì? Để trả lời câu hỏi này, ta phải tạm quên đi tác phẩm. Phải sống và từng trải cái đã!
Bố cục là sự phân bổ các ấn tượng trong lòng người. Lê Quý Đôn nói “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được”. 
Càng đi xa thì bố cục về các ấn tượng trong lòng người càng rộng, càng phức tạp. Và người ta càng có sự hiểu tinh tế hơn, sâu sắc hơn, chân thật hơn về lễ.
Đúng lễ tức là hành xử làm sao cho ấn tượng trong lòng mình về hành xử ấy đúng thật là cân đối hài hòa trong từng hoàn cảnh đời sống. Cố gắng dụng công sao cho không thừa không thiếu, không mạnh quá không yếu quá, không già quá không non quá.
Cân đối theo chiều rộng với các đầu mối lớn liên kết giữa không gian. Cân đối có trước có sau theo chiều dài thời gian.
Được như thế người ta gọi là biết sống.
Nhưng lọc lõi đến một độ nào đó rồi con người ta phải biết tự lột xác. Bản năng sẽ bảo rằng mình mới như thế thì hãy còn chật hẹp. 
Vậy thì phải rộng hơn nữa. Rộng đó nghĩa là bố cục trong lòng mình phải thay đổi.
Lấy ví dụ như nghệ thuật Trung Quốc. Người Trung Quốc lâu nay thích làm phim và viết tiểu thuyết về những vụ thiên tai, những biến cố lớn lao. Dùng ấn tượng về cái chết và sự đau khổ, nỗi tang thương, sự tù túng hoặc trớ trêu của các số phận, rồi những vấn đề chính trị liên quan, để đánh động vào cảm xúc người ta. Nhưng quanh đi quẩn lại thì vẫn chỉ như thế. Cho nên nghệ thuật Trung Quốc hiện nay không lớn được.
Nghệ thuật lớn là thứ nghệ thuật thực sự làm biến đổi bố cục trong nhân sinh quan người xem. Khiến những kẻ lõi đời nhất cũng phải giật mình. Phá vỡ đi những ảo ảnh định kiến. Cân đối lại mình trên một thế giới quan mới. 
Đường tu tâm với đường đi của sáng tạo nghệ thuật chân chính, về bản chất thực ra không có sự khác biệt. Cả hai đều hướng tới sự cân đối hài hòa của tâm trên một bố cục ngày càng biến hóa, ngày càng mở rộng. 
Tới đây không thể không hỏi: thế nào là cân đối hài hòa? Câu hỏi nghe chừng đơn sơ, hoặc quá đỗi đại tự sự nên Nghệ thuật Đương đại phương Tây hoặc là xem thường, hoặc là tránh né bỏ qua. Phương Tây vì ỷ mình đã quá thâm hậu nên đang tự chạy lòng vòng lạc lối. 
Lại nói về bài thơ Thính Vũ của Nguyễn Trãi. Ai đó đã từng tạm dịch thơ thế này:
Nghe mưa
Tịch mịch phòng trai tối
Nửa đêm nghe tiếng mưa
Buồn buồn lay gối khách
Giọt giọt điểm canh tà
Luồn trúc gõ song cửa
Theo chuông vào giấc mơ
Ngâm song nằm chẳng ngủ
Đến sáng nhặt rồi thưa

Trước kia người viết bài này chẳng hiểu vì sao mà mỗi lần đọc xong Thính vũ không tránh khỏi khắc khoải, thao thức; vị ngọt dài không dứt. Bây giờ thì tạm hiểu. Mấu chốt của bài thơ này là bố cục của nó cứ mở ra mãi. Đang chơi vơi giữa không gian này thì một không gian mới lại lại mở ra. 
Không vướng mắc nên bụi trần không bám được. Hài hòa vô tận. 
Có sinh, có diệt, lại luân hồi.
Âm điệu mưa
Âm điệu đời
Âm điệu đạo của vũ trụ
Tất cả là một.

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)