Bổ khuyết cho một lịch sử còn khuất lấp

Các sử gia khi viết về lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ 19 thường đặt Đại Nam trong quan hệ với Pháp. Tuy vậy, với những công trình mới được công bố của học giả Nguyễn Duy Chính, “Bang giao Việt – Thanh thế kỉ 19” và bản dịch “Việt Nam trong cuộc chiến Trung – Pháp”, lịch sử Đại Nam đã được nhìn trong một mối quan hệ khác, với Trung Quốc, quốc gia mà các triều đại quân chủ Việt giữ quan hệ triều cống trong suốt thời đại tự chủ của mình.

Họa phẩm “Vạn quốc lai triều đồ” (1761) thời Thanh. Nguồn: Sina.

Sau vẻ ngoài khiêm nhường của “thuộc quốc”

“Bang giao Việt – Thanh thế kỉ 19” là một tuyển tập bao gồm bản dịch các nghiên cứu của các học giả Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam (Sở Cuồng Lê Dư, viết bằng chữ Hán và công bố trên Nam phong tạp chí) và của chính nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính về quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc từ thời điểm Gia Long đánh thắng Tây Sơn đến tận những nỗ lực cuối cùng của vua Hàm Nghi kháng chiến chống Pháp. Cuốn sách đã cung cấp những thông tin rất đa dạng về quan hệ ngoại giao Việt – Thanh trong suốt gần một thế kỉ, từ những khuynh hướng vận động chính, những biến động về chính sách, những hoạt động ngoại  giao, những nhân vật lịch sử từ những vị hoàng đế Việt Nam như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, các đại thần của nhà Thanh như Lý Hồng Chương, những sứ đoàn chính thức và bí mật của Việt và Thanh, đặc biệt của Phạm Thận Duật, Nguyễn Thuật (Việt) và Đường Đình Canh, Đường Cảnh Tùng (Thanh), danh sách các sứ đoàn Thanh – Việt trong thế kỉ 19, cho đến những “tiểu tiết” nhưng rất ý nghĩa như lễ tấn phong vua Gia Long, những lá thư khiêu chiến của Lưu Vĩnh Phúc gửi Francis Garnier hay chiếc quốc ấn mà nhà Thanh phong cho vua Gia Long và đã bị nung chảy trước khi hòa ước Patenôtre được kí năm 1884.

Đó là câu chuyện về một mối quan hệ mang dáng dấp của một vòng luẩn quẩn. Một mặt, không thể phủ nhận quan hệ triều cống đã trở thành một nguyên tắc bất di bất dịch được duy trì trong suốt lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam nhưng nhìn vào thực chất, quan hệ đó chưa bao giờ làm ảnh hưởng đến chủ quyền và tính độc lập của quốc gia Việt Nam: nói theo ngôn ngữ hiện đại, các hoàng đế phương Bắc chỉ có thể thừa nhận tính chính danh của các vị vua Việt Nam (thường là trong thế sự đã rồi) mà không thể can thiệp vào quốc sự của quốc gia mang danh nghĩa “thuộc quốc”. Mặt khác, từ triều Tây sơn cho đến hết giai đoạn trị vì của hoàng đế Minh Mạng, có thể thấy một khuynh hướng biến quan hệ triều cống chỉ còn là một quan hệ mang tính hình thức và khẳng định sự bình đẳng tương đối của Việt Nam với Trung Quốc: Quang Trung xin cưới công chúa nhà Thanh kèm theo các yêu sách về lãnh thổ; Gia Long tự quyết định đế hiệu; trong giai đoạn đầu triều Nguyễn, quốc hiệu được đổi hai lần (Đại Việt, năm 1812 dưới triều Gia Long và Đại Nam, năm 1833 dưới triều Minh Mạng) mà không cần sự công nhận cũng như sự thảo luận với nhà Thanh; đồng thời, đế quốc phương Nam không ngừng mở rộng vòng ảnh hưởng và tạo dựng một hệ thống phiên thuộc của riêng mình. Sử liệu đã cho thấy đằng sau vẻ bề ngoài khiêm nhường của “thuộc quốc”, những yêu cầu phong vương của Nguyễn Huệ và đặc biệt Gia Long đã từng đặt Hoàng đế phương Bắc vào tình thế khó xử đồng thời phải củng cố phòng vệ ở biên giới phía Nam vì lo sợ các cuộc tấn công từ lãnh thổ Việt Nam. Tiếp theo đó, Minh Mạng cũng là người đã theo dõi rất kĩ những xung đột giữa nhà Thanh và các nước phương Tây; chê trách người Trung Quốc về thất bại trong chiến tranh Nha phiến và đẩy tâm lí coi thường nhà Thanh, coi họ là ngoại tộc, đồng thời khẳng định chính Việt Nam mới là quốc gia giữ văn minh chính thống Khổng giáo lên đến đỉnh điểm.

“Bang giao Việt – Thanh thế kỉ 19” và “Việt Nam trong cuộc chiến Pháp – Thanh” là những công trình khảo cứu, biên dịch có giá trị đặc biệt về mặt sử liệu. Cả hai công trình đều có chung một nền tảng rất quan trọng là những tư liệu từ nguồn văn khố nhà nước của nhà Thanh về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc – Pháp trong thế kỉ 19.

Tuy vậy, sự suy sụp của Đại Nam sau cuộc xung đột với Pháp trong những năm cuối triều Tự Đức đã đảo ngược khuynh hướng ngoại giao nói trên. Sau loạn Thái Bình thiên quốc, vùng phía Nam của nhà Thanh trở thành một khu vực bất ổn với các thế lực li khai cát cứ. Những nhóm li khai này tràn sang miền Bắc Việt Nam và trở thành một nhân tố gây bất ổn cùng với người Pháp. Điển hình cho những nhóm này là toán quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc. Thất bại trong những chương trình canh tân đất nước (rất nhiều trong số đó học theo mô hình Trung Quốc), bất lực trong việc chống Pháp, Tự Đức đã buộc phải cầu cứu sự hỗ trợ của nhà Thanh trong việc trấn áp các lực lượng cát cứ tràn sang từ lãnh thổ Trung Quốc. Từ 1870, biên giới Việt Nam đã được mở cửa cho các đơn vị quân chính quy của các  địa phương phía Nam Trung Quốc tràn vào và ở lại trong suốt hơn mười năm, cho đến cuộc chiến tranh Pháp – Thanh (1882 – 1883). Theo những nghiên cứu được công bố trong sách, ở thời điểm đỉnh cao, có đến 3 vạn quân chính quy của nhà Thanh dưới quyền chỉ huy của một tổng đốc, một tuần phủ, một  đề đốc, hai tổng binh và nhiều quan lại địa phương Trung Quốc. Đạo quân này đóng tại nhiều nơi trọng yếu ở bờ Bắc sông Hồng, sâu vào nội địa Việt Nam đến tận thành Bắc Ninh. Và mặc dù Hòa ước 1874 giữa Pháp và triều Nguyễn đã công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập thì Tự Đức vẫn duy trì đều đặn quan hệ triều cống với Trung Quốc. Không những thế việc cầu viện sự can thiệp của quân đội chính quy Trung Quốc vào cuộc kháng chiến chống Pháp trên lãnh thổ Việt Nam đã trở thành một chính sách liên tục từ Tự Đức cho đến Hàm Nghi. Điều đó cho thấy, khi bất lực trong việc tự cường chống lại mối đe dọa phương Tây, nhà Nguyễn đã quay lại vòng ràng buộc của Thanh  triều trong thế yếu.

Giai đoạn cực độ của khủng hoảng

“Nếu như Bang giao Việt – Thanh thế kỉ 19” cung cấp một toàn cảnh, đa chiều về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong suốt cả thế kỉ 19 thì “Việt Nam trong cuộc chiến Trung – Pháp” của Long Chương lại tập trung vào một giai đoạn cực độ của khủng hoảng: hai năm 1883 – 1884, thời điểm tham vọng chiếm toàn bộ miền Bắc Việt Nam của người Pháp xung đột với lợi ích của nhà Thanh về vùng phên dậu được bảo trợ ở phía Nam với sự hiện diện của các toán quân chính quy nhà Thanh ở vùng Bắc sông Hồng. Đây là giai đoạn nhà Thanh có tham vọng thoát khỏi mối nhục chiến tranh Nha phiến, đang nỗ lực học tập phương Tây (phong trào Dương vụ), mở mang thương mại và công nghiệp, hiện đại hóa quân đội bằng cách mua vũ khí hiện đại và thuê người phương Tây huấn luyện. Họ đã có được thắng lợi trong việc giành lại Tân Cương và đẩy Nga khỏi khu vực này và bắt đầu gia nhập thế giới hiện đại với việc thành lập Tổng lí các quốc sự vụ Nha môn (tương đương với Bộ ngoại giao) vào năm 1861, có các công sứ ở châu Âu và áp dụng kĩ  nghệ điện báo vào thông tin liên lạc.

Chính trong bối cảnh đó, Triều Nguyễn đã kẹt giữa tham vọng chiếm toàn bộ Bắc Kỳ của cả Pháp và Trung Hoa: một bên muốn đưa vùng lãnh thổ này thành thuộc địa của đế quốc Pháp; một bên quyết dựa vào tính “chính danh” của quan hệ triều cống để giữ, thậm chí sáp nhập miền Bắc Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc khi điều kiện cho phép. Để trả giá cho tham vọng này, nhà Thanh có gần một thập niên hiện diện ở miền Bắc sông Hồng với các toán quân chính quy của các tỉnh Nam Trung Quốc. Có thể nói, những xung đột đẫm máu nhất với thiệt hại nghiêm trọng nhất của người Pháp ở miền Bắc Việt Nam trong suốt mười năm từ 1873 đến 1883, 1884 là với các toán quân Thanh, cả quân chính quy lẫn các toán thổ phỉ, điển hình là nhóm Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Là công trình của một học giả đồng thời cũng là một nhà ngoại giao của Đài Loan (Trung Quốc), cuốn sách chủ yếu thể hiện một cái nhìn từ phía nhà Thanh về quan hệ với Pháp và Việt Nam. Một mặt, nó làm hiện hình rõ nét tham vọng của nhà Thanh trong việc trục lợi từ cuộc chiến Pháp-Việt. Thậm chí, cả khi đã thất bại và buộc phải nhường lại Bắc Việt Nam cho Pháp, một số quan lại Trung Quốc vẫn có toan tính kích động khuynh hướng li khai của một số nhóm thiểu số ở miền núi phía Bắc Việt Nam để họ sáp nhập vào Trung Quốc.

Công trình cũng bạch hóa toàn bộ những giao thiệp qua con đường văn thư và bút đàm giữa giữa Việt Nam và Trung Quốc bao gồm giao thiệp giữa Tự Đức và quan lại, hoàng đế nhà Thanh, giữa các phái đoàn bí mật của nhà Thanh sang Việt Nam để dò la và đàm phán với triều đình nhà Nguyễn qua con đường Chiêu Thương Cục (một công ty thương mại, vận tải Trung Quốc có chi nhánh tại Hải Phòng và Hội An). Qua những văn thư và bút đàm này, có thể thấy, từ 1870, nhà Nguyễn đã giữ một niềm tin về việc nhà Thanh sẽ “vô tư” giúp Việt Nam chống Pháp và ổn định tình hình ở miền Bắc Việt Nam. Tất nhiên, đây cũng chính là hạn chế của công trình này khi nó thuần túy là một cái nhìn từ bên ngoài, đơn phương từ phía nhà Thanh vào những sự kiện ở Việt Nam mà không hề quan tâm đến những vận động của chính người Việt Nam được thể hiện trong những sử liệu từ phía triều Nguyễn.

Việt Nam trong cuộc chiến Trung Hoa – Pháp, Long Chương, Nguyễn Duy Chính dịch và giới thiệu, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2022 và Bang giao Việt – Thanh thế kỉ XIX, Nguyễn  Duy Chính biên dịch và khảo cứu, NXB Tổng hợp TP .Hồ Chí Minh, 2022. Có thể khẳng định đây là hai cuốn sách có giá trị, không phải để kết  án tiền nhân (những con người bị bó buộc trong những giới hạn của hoàn cảnh lịch sử cụ thể) mà là để nhớ lại về một bài học không bao giờ mất giá trị: khi nào mà một quốc gia mất đi tính tự cường về ý thức hệ và đường hướng phát triển của riêng mình, lập tức, quốc gia đó sẽ bị lôi cuốn vào vòng ảnh hưởng và bị các cường quốc lợi dụng, thậm chí, đẩy đến chỗ diệt vong.

Có thể nói, “Bang giao Việt – Thanh thế kỉ 19” và “Việt Nam trong cuộc chiến Pháp – Thanh” là những công trình khảo cứu, biên dịch có giá trị đặc biệt về mặt sử liệu. Cả hai công trình đều có chung một nền tảng rất quan trọng là những tư liệu từ nguồn văn khố nhà nước của nhà Thanh về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc – Pháp trong thế kỉ 19 và được công bố trong những năm 60 của thế kỉ trước. Thực ra trước hai cuốn  sách này, hướng nhìn Việt Nam đặt trong một tam giác quan hệ Việt Nam – Pháp – Trung Quốc đã từng được đưa ra trong công trình kinh điển của học giả Yoshiharo Tsuboi “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa” (xuất bản tại Pháp lần đầu năm 1987 và tại Việt Nam năm 1999, bản dịch của học giả Nguyễn Đình Đầu). Tuy vậy, công trình của học giả Nhật vẫn gần như thiếu vắng nguồn từ văn khố của nhà Thanh mặc dù được xây dựng từ rất nhiều nguồn sử liệu. Tất nhiên, với nguồn sử liệu từ văn khố nhà Thanh, vẫn cần phải có một sự kiểm chứng lại về tính xác thực khi mà nó chỉ xuất  phát từ một bên, chưa kể không ít sự kiện còn cần phải có những lí giải sâu hơn: con số chính xác quân đội nhà Thanh ở Việt Nam giai đoạn 1870 – 1884; lá thư đề nghị Trung Quốc đưa quân vào Việt Nam để cùng đánh Pháp với phong trào Cần Vương liệu có phải do Hàm Nghi thực sự viết hay chỉ là một toan tính của Tôn Thất Thuyết (chính ông này đã một mình sang Trung Quốc cầu viện, sống lưu vong và chết ở đây) hay tính chính xác của những cuộc bút đàm giữa các đại thần nhà Nguyễn và phái đoàn bí mật của nhà Thanh. Hơn thế nữa, mặc dù được biên dịch, chú giải, biên soạn rất công phu nhưng vẫn còn những vấn đề về biên tập trong cả hai cuốn sách. Cần phải có chú giải rất kĩ lưỡng về quan niệm quốc gia dựa trên văn hóa và ý thức hệ rất khác với quan niệm về quốc gia dân tộc dựa trên chủng tộc thời hiện đại, nếu không, người đọc  sẽ không thể hiểu được hoặc có những hiểu lầm về việc Minh Mạng gọi thần dân của nhà Thanh là “Thanh nhân”, “Đường nhân” trong khi đó lại gọi chính  thần dân của mình là “Hán nhân”. Cũng cần phải có những chú giải về thái độ có phần thiếu tôn trọng của Long Chương khi không dùng đế hiệu để gọi tên các hoàng đế Việt Nam. □

Tác giả

(Visited 41 times, 1 visits today)