Bohr có tiết lộ những bí mật hạt nhân?

Niels Bohr đã gặp một đặc phái viên Xô Viết vào cuối 1945. Mặc dù một số người buộc tội Bohr tiết lộ các bí mật hạt nhân, nhưng đã có một bằng chứng tuyệt vời để minh oan cho nhà bác học lỗi lạc này.

“Tài liệu trọng yếu giúp cho việc chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên của Xô Viết là do những nhà khoa học thiết kế bom nguyên tử của Mỹ ở Los Alamos cung cấp… Họ đã chấp nhận chia sẻ những thông tin về vũ khí hạt nhân cho các nhà khoa học Xô Viết…”
Luận điệu rất nhạy cảm này được trích từ cuốn sách Những Đặc vụ (1994) nhằm cáo buộc Niels Bohr và các nhà khoa học nổi tiếng khác của Chương trình Manhattan đã cung cấp cho gián điệp Xô Viết thông tin về việc phát triển bom hạt nhân của Mỹ. Cuốn sách này được dựa trên hồi ký của Pavel Sudoplatov, một trong những sỹ quan tình báo quan trọng nhất của Joseph Stalin, nhưng nó đã không thể đưa ra bất cứ bằng chứng cụ nào cho sự cáo buộc. Tuy nhiên, việc xuất bản cuốn sách đã gây nên một sự ồn ào đầy mâu thuẫn.

Ngày 28 tháng 11 năm 1945

Thưa đồng chí STALIN J.V
Nhà vật lý nổi tiếng , giáo sư Niels BOHR, người liên quan đến việc chế tạo bom nguyên tử, đã từ Mỹ trở về Đan Mạch để bắt đầu làm việc tại Viện Vật lý Lý thuyết ở Copenhagen. BOHR là nhà khoa học xuất chúng và có uy tín lớn trong cộng đồng quốc tế. Chúng tôi đã gửi tới Copenhagen một số đặc phái viên để bắt liên lạc với Niels BOHR và để lấy từ ông các thông tin về bom nguyên tử…

Ký tên: L. Beria

Gần đây, một bức thư gửi cho Stalin nói về mối liên hệ với Bohr đã được tiết lộ từ hồ sơ của KGB. Tài liệu này được cho là chứa bản thuật lại nguyên văn một cuộc gặp gỡ bí mật tháng 11/1945, trong đó người ta cho rằng Bohr đã trao cho người Xô Viết những thông tin đặc biệt. Chúng ta sẽ xem xét lại tài liệu này và có thể thấy một cách rõ ràng rằng mọi sự buộc tội đối với Bohr đều là không có cơ sở.
 
Những nhà khoa học và những gián điệp Xô Viết
Người Xô Viết, dĩ nhiên cũng rất quan tâm đến vũ khí nguyên tử. Vào giữa những năm 1930, một nhóm các nhà thực nghiệm trẻ tuổi ở Viện Vật lý Kỹ thuật Leningrad, do Igor V. Kurchatov đứng đầu đã trở thành những người rất thành thạo trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân. Chính một học trò của Kurchatov, Georgii N. Flerov là người đầu tiên xác nhận tiên đoán Bohr-Wheeler về sự phân hạch tự phát của urani.
Những nhà lý thuyết Xô Viết thì đã đạt tầm cỡ hàng đầu thế giới. Ở Viện Lý Hóa Leningrad, Iulii B. Khariton và Iakov B. Zel’dovich (người đã cùng với Andrei Sakharov chỉ huy chương trình bom hydro của Xô Viết sau chiến tranh) đã thực hiện và xuất bản những nghiên cứu mang tính tiên phong về phản ứng phân hạch dây chuyền của urani tự nhiên. Năm 1941, Khariton và Zel’dovich, giống như Frisch và Peierls trước đó, cũng đã tính được một cách chính xác khối lượng tới hạn của urani 235.
Các nhà vật lý Xô Viết đã khiến chính phủ quan tâm đến tiềm năng quân sự của hiện tượng phân hạch. Nhưng Liên Xô phải tập trung chống lại sự xâm lược của Hitler từ tháng 6/1941 và đã không thể dành những nguồn lực mạnh nhất của mình cho một mục tiêu vẫn còn chưa chắc chắn như bom hạt nhân. Tuy nhiên, tình báo Xô Viết đã hoạt động cực kỳ hiệu quả. Tháng 9/1941 ở London, họ đã lấy được một bản báo gửi cho chính phủ Anh liên quan đến những ghi chép nghiên cứu của Frisch và Peierls. Đây là một thông tin vô giá, bởi vì chính phủ Anh đã quyết định hợp tác với Mỹ về việc nghiên cứu bom nguyên tử. Một vài tháng sau đó, Xô Viết đã có trong tay một nhân vật tình báo quan trọng, đó là nhà vật lý Klaus Fuchs, một người cộng sản chạy trốn Đức quốc xã sang sống ở Anh và làm việc với Peierls, ông cũng là thành viên nhóm của Anh tham gia vào Chương trình Manhattan. Xô Viết khi ấy đã nhận được những tài liệu về sự phân tách đồng vị và các lò phản ứng hạt nhân, đặc biệt là vào tháng 6/1945, họ đã có được những thông tin chi tiết về quả bom mà sau này được thả xuống Nagasaki. Vì vậy, hai tuần trước khi ném bom xuống Hiroshima, tổng thống Mỹ Harry Truman đã úp úp mở mở với Stalin rằng: “chúng tôi có một vũ khí mới với sức phá hủy kinh hoàng”, ông này đã sai lầm khi tưởng rằng Stalin đã không thể hiểu cái câu bóng gió đó. Trên thực tế, Stalin đã nhanh chóng thực hiện chính sách thúc đẩy chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân ở Xô Viết. Stalin cũng đã bổ nhiệm Lavrentii P. Beria, một cảnh sát mật khét tiếng làm nhiệm vụ theo dõi chương trình này. Beria có khả năng làm cho bất cứ ai dưới quyền cũng phải phục tùng trong sự kính sợ. Con người này không tin vào bất cứ ai, kể cả những nhà khoa học và những gián điệp của mình. Chỉ có Kurchatov, người lãnh đạo chương trình nghiên cứu, là nhà khoa học duy nhất nhận thức được toàn bộ hoạt động tình báo hạt nhân. Tuy nhiên, năm 1945, Beria đã sử dụng một nhóm nhỏ các nhà khoa học để xử lý lại các tư liệu tình báo. Nhóm này do Iakov Terletskii dẫn đầu, đây là một nhà vật lý trẻ tài năng thuộc nhóm của Kurchatov nhưng lại hoàn toàn chịu sự chỉ huy của Beria.
 
Một người khách đến từ Moscow

Tháng 10 năm 1945, Terletskii đến Copenhagen để gặp Bohr, người vừa trở về nhà sau khi tham gia Chương trình Manhattan. Trong bản tường thuật gửi cho Stalin, Beria đã vạch ra mục đích khai thác những thông tin hữu ích từ Bohr, một nhà bác học có uy tín lớn trên thế giới. Rõ ràng là Beria cũng nghĩ rằng, nếu Bohr mà tiết lộ bất cứ bí mật gì, dù sự tiết lộ đó là vô tình hay cố ý, thì thông tin này cũng sẽ có thể dùng để xác minh những nguồn tin tình báo khác của Xô Viết, và điều đó có lẽ sẽ khiến Bohr gặp nguy hiểm.
Theo Aage Bohr (con trai Niels Bohr, cũng là một nhà vật lý được giải Nobel) thì bố của ông khi ấy đã rất kinh sợ. Niels Bohr đã gọi cuộc gặp gỡ này là “một sai lầm đáng tiếc”, và quả quyết với chính phủ Đan Mạch rằng, ông đã chỉ hoàn toàn nói về những vấn đề chung chung và những thông tin vẫn được phổ biến trong cộng đồng. Bohr cũng đã thông báo sự việc với các nhà cầm quyền phương Tây, và khi ấy họ đã bày tỏ lo ngại rằng Bohr có thể sẽ bị bắt cóc.
Tuy nhiên, một cuộc gặp gỡ đã diễn vào ngày 14 tháng 11, chính phủ Đan Mạch khi ấy đã bố trí để bảo vệ Bohr. Người con trai 21 tuổi của Bohr, Ernest đã chờ ở phòng bên cạnh và cầm trong tay một khẩu súng lục. Chắc chắn là các chính quyền phương Tây đã rất muốn biết xem người Xô Viết sẽ hỏi Bohr những gì. Những tài liệu do chính phủ Anh tiết lộ đã cho thấy rằng, Bohr đã giữ liên lạc với đại sứ quán Anh trong suốt những tuần trước khi diễn ra buổi nói chuyện. Một bức điện tín gửi cho Văn phòng Ngoại quốc của Anh đã báo cáo rằng, Bohr đã đến đại sứ quán hàng ngày trước khi lần đầu tiên gặp Terletskii.
Lời kể của hai nhân chứng độc lập về cuộc trao đổi của Bohr và Terletskii là trùng khớp nhau. Tập hồi ký của Terletskii xuất hiện ở Nga một thời gian ngắn sau khi ông qua đời năm 1993. Trong suốt cuộc nói chuyện, Aage Bohr khi ấy mới 23 tuổi, ở trong phòng và chứng kiến toàn bộ, ông đã nhớ lại các chi tiết một cách rất rõ ràng.                            
Cuộc giao tiếp giữa những người tham dự nói chung là rất nghèo nàn về thông tin. Một chuyên gia Xô Viết về thương mại quốc tế, một người không biết vật lý đã làm phiên dịch. Bohr đã hạ thấp chất giọng nhỏ nhẹ của ông khi nói đến những vấn đề nhạy cảm, và khi ấy thì không dễ gì hiểu được theo tiếng Anh hoặc tiếng Đức, kể cả khi có ai đó nắm rất rõ chủ đề. Và tất nhiên là Terletskii cũng đã không thể hiểu được. Trong hồi ký của mình, Terletskii thừa nhận rằng ông đã chỉ nắm được loáng thoáng những điều mà Bohr nói sau đó mới nhờ người phiên dịch cố gắng lắp ghép lại nội dung câu chuyện.
Theo cả hai lời kể trên, Bohr đã dành nhiều thời gian để nói về Kapitsa và Lev Landau. Kapitsa đã từng làm việc với Ernest Rutherford ở Cambridge cho đến năm 1934, khi trở về thăm họ hàng ở U.S.S.R thì Stalin đã không để ông quay lại Anh nữa. Landau, một nhà lý thuyết tài giỏi, đã từng làm việc tại Viện Vật lý Lý thuyết của Bohr và từng bị Stalin bỏ tù một năm từ hồi trước chiến tranh.
Terletskii cũng kể rằng, cuối cùng thì cơ hội để hỏi những câu hỏi quan trọng đã đến. Aage vẫn có mặt ở đó, ông nhớ lại: “Terletskii đã phần nào cảm thấy hết hy vọng sau một câu chuyện dài về Kapitsa… cảm thấy rất nóng lòng muốn đưa ra một số câu hỏi. Họ lướt khá nhanh, và qua người phiên dịch chúng tôi cũng không nắm được nội dung của các câu hỏi.”
Trong lần gặp thứ hai ngày 16 tháng 11, Bohr đã đưa cho Terletskii bản báo cáo Smyth, vào thời gian đó, 100.000 bản sao của nó đã được bán ra một cách rộng rãi.
 
Bản ghi chép
Khi Beria gửi cho Stalin bản thuật lại kết quả nhiệm vụ của Terletskii, ông ta đã gắn kèm theo đó bản ghi chép lại nguyên văn những câu hỏi của Terletskii và những câu trả lời của Bohr. Hơn một nửa trong số 22 câu hỏi của Terletskii (đã được chuẩn bị bởi nhóm của Kurchatov) đều là về các lò phản ứng hạt nhân và kỹ thuật tách đồng vị, một vài câu là về sự tự phân hạch và các cơ chế kích nổ bom. Một câu hỏi là về khả năng có thể phòng thủ chống lại vũ khí hạt nhân được hay không. Bản ghi chép đã xác nhận lời kể của Terletskii rằng: “các câu trả lời của Bohr rất chung chung. Lần nào ông cũng nói rằng, ở Los Alamos ông đã không được biết chi tiết… và rằng ông chưa bao giờ đến các phòng thí nghiệm ở East Coast”, nơi có các trung tâm tách đồng vị của chương trình Manhattan. Thực ra, về các lò phản ứng và các kỹ thuật tách đồng vị, các câu trả lời của Bohr chỉ cung cấp những thông tin đã được biết từ trước chiến tranh. Khi được hỏi về hiện tượng tự phân hạch, Bohr đã nhắc đến những tài liệu có từ trước chiến tranh đặc biệt là công trình nổi tiếng của ông làm cùng với Wheeler.
Khi được hỏi về số neutron được phát ra bởi các đồng vị urani và plutoni khác nhau, Bohr đã trả lời một cách đơn giản: “Nhiều hơn hai.” Khi ấy Terletskii hỏi tiếp: “Ông có thể cung cấp một con số chính xác hơn không?”, Bohr trả lời: “Không, tôi không thể… Con số chính xác cũng không có ý nghĩa nhiều lắm…”. Nhưng lượng urani 235 hoặc plutoni cần cho một quả bom trên thực tế lại phụ thuộc khá nhạy cảm vào số neutron sinh ra sau mỗi phân hạch.
Câu hỏi thứ hai dường như liên quan đến thiết kế bom sử dụng cơ chế phân hạch tự phát, mà như chúng ta đã biết, điều đó là tối quan trọng đối với kế hoạch chế tạo vũ khí plutoni. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu yêu cầu của Terletskii là muốn biết về thiết kế bom hay lò phản ứng, và câu trả lời của Bohr là chính xác chỉ cho trường hợp thiết kế lò phản ứng, trong đó sự phân hạch tự phát là không quan trọng. Câu hỏi cuối cùng liên quan đến việc một phản ứng dây chuyền sẽ diễn biến như thế nào sau khi vụ nổ hóa học nén các vật liệu phân hạch lại. Bohr đã đưa ra câu trả lời rất mơ hồ, rối rắm và hầu như không liên quan đến câu hỏi.
Vì Bohr đã không dính dáng đến việc tách đồng vị và thiết kế lò phản ứng trong suốt Chương trình Manhattan, cho nên ông cũng không có căn cứ nào để trả lời chi tiết cho những câu hỏi về chủ đề này. Tuy nhiên, trong thời gian ở Los Alamos, ông đã được Richard Feynman giới thiệu sơ qua về phản ứng dây chuyền của bom và tham gia vào việc vạch ra thiết kế nổ. Nếu Bohr mà muốn tiết lộ thông tin thì những câu hỏi này chính là cơ hội. Nhưng thực ra, ông đã chỉ cho người Xô Viết những câu trả lời vừa khó hiểu vừa không đầy đủ, những câu trả lời chẳng tiết lộ điều gì cả.
Đối với câu hỏi về khả năng chống lại bom, Bohr đã nói một tràng dài rằng cần thiết phải có sự điều phối mang tính quốc tế. Nhưng một câu trả lời được cho là của ông cũng tỏ ra hơi ngớ ngẩn: “Oppenheimer đã phản đối và thôi không làm việc về lĩnh vực này nữa.” Trong khi đó, sự thực là Robert Oppenheimer đã dời Los Alamos để trở về Đại học California ở Berkeley, ông trở thành cố vấn cực kỳ quan trọng về chính sách vũ khí hạt nhân. Chúng ta có thể hiểu rằng, những câu trả lời của Bohr có lẽ đã bị nắn đi nắn lại khi chúng được chuyển đến Stalin. Thực ra, trong tập hồi ký, Terletskii đã kể lại rằng chính vị đại tá cảnh sát mật đã dạy cho ông việc làm thế nào để nhắc lại một cách tốt nhất những điều được nghe. Beria đã không hài lòng về kết quả, “đột nhiên mất bình tĩnh và buông những lời chửi rủa tục tĩu nhắm vào Bohr và người Mỹ.” Ấy thế mà, trong bản báo cáo với Stalin, Beria lại ngụ ý rằng nhiệm vụ của Terletskii đã thành công – thực ra cũng không nên ngạc nhiên về điều này bởi vì đây là kế hoạch do chính ông ta đề xuất. Chúng ta có thể thấy một điều thú vị là bản tường thuật của Beria không hề nhắc đến báo cáo Smyth. Có lẽ Beria và người của ông ta đã nghi ngờ rằng đó là một trò lừa, một thông tin đánh lạc hướng.
Bất kể có bao nhiêu từ của Bohr đã bị thay đổi bởi Terletskii và những người của Beria, thì bản ghi chép được gửi cho Stalin vẫn là phiên bản xác đáng nhất về cuộc gặp gỡ. Mục đích của bất cứ sự thay từ đổi ngữ nào ở đây cũng đều là nhằm làm tăng thêm tính quan trọng của những thông tin mà Bohr đã cung cấp. Sự thực là Bohr đã chẳng nói bất cứ điều gì về những ý nghĩa quân sự hay kỹ thuật mà bản báo cáo Smyth không đề cập tới. Vì vậy, cái luận điệu cho rằng Bohr đã tiết lộ những bí mật hạt nhân cho Xô Viết đã bị bác bỏ bởi chính bản báo cáo của Beria về cuộc gặp gỡ giữa người của ông ta với Bohr.

Trần Trung (lược dịch)

 

Cuộc nói chuyện ở Copenhagen

Terletskii: Phương pháp thực tế để thu được một lượng lớn urani 235 là gì, phương pháp nào được coi là triển vọng nhất?
Bohr: Lý thuyết để thu được urani 235 đã được các nhà khoa học ở nhiều nước biết tới; nó đã có từ trước chiến tranh và không còn là bí mật. Chiến tranh về cơ bản đã chẳng đem lại điều gì mới. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, lò phản ứng urani và plutoni đã được phát triển trong giai đoạn chiến tranh, nhưng chúng đều không có gì mới về mặt nguyên tắc. Sự tiến bộ chủ yếu là việc phân tách urani 235 từ hỗn hợp đồng vị tự nhiên. Sau khi thu được một lượng đủ urani 235 thì chẳng có khó khăn lý thuyết nào trong việc chế tạo một quả bom. Urani 235 được phân tách bằng phương pháp khuếch tán đã được biết và cũng bằng công cụ khối phổ ký. Không có phương pháp mới nào cả. Sự thành công của Mỹ là do việc thử nghiệm các thiết kế đã biết trên một phạm vi lớn. Tôi cũng phải nói trước với ông rằng, khi ở Mỹ, tôi đã không tham gia vào việc phát triển kỹ thuật cho chương trình, do đó tôi không nắm rõ về các đặc trưng thiết kế cũng như kích cỡ của các thiết bị, thậm chí một phần của chúng tôi cũng không biết…
Terletskii: Số phân hạch tự phát trong mỗi đơn vị thời gian của tất cả các chất đã nói ở trên [urani 235, urani 238, plutoni 239, plutoni 240] là bao nhiêu? 
Bohr: Phân hạch tự phát ở đây cũng không có ý nghĩa lắm, và nó được bỏ qua trong các tính toán. Thời gian sống cho sự phân hạch tự phát là khoảng 7000 năm. Tôi không thể đưa cho ông một con số chính xác, nhưng ông cần hiểu rằng với thời gian sống lớn như vậy thì không nên nghĩ rằng sự phân hạch tự phát có thể ảnh hưởng đáng kể đến quá trình.
Terletskii: Những quả bom nguyên tử được làm từ vật liệu nào?
Bohr: Tôi không biết chính xác về vật liệu được sử dụng cho những quả bom thả xuống Nhật Bản. Tôi không nghĩ là nhà lý thuyết nào cũng có thể trả lời câu hỏi đó. Chỉ quân đội mới biết câu trả lời. Là một nhà khoa học, tôi có thể nói rằng chúng được làm từ plutoni hoặc urani 235.
Terletskii: Vật chất siêu nặng được sử dụng trước vụ nổ bom hay dưới sự tác động của vụ nổ?
Bohr: Cái thứ đó là không cần thiết. Vấn đề là trong vụ nổ các hạt urani chuyển động với vận tốc bằng vận tốc của các neutron. Nếu không như vậy, quả bom sẽ bị phân rã và chỉ một phần nhỏ nhiên liệu là nổ được. Nhưng nếu các vận tốc bằng nhau, quá trình phân hạch sẽ vẫn tiếp tục thậm chí ngay cả sau vụ nổ.  

  

Hans Bethe, Kurt Gottfried và Roald Z. Sagdeev

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)