Bốn điều cần có
Không một ai có thể phủ nhận: vấn đề mở rộng địa giới hành chính của một đô thị, nhất là một Thủ đô có ý nghĩa quan trọng mang tầm vóc chiến lược thể hiện ý chí chính trị sâu sắc. Mặt khác, mở rộng địa giới hành chính không chỉ đơn thuần tăng về diện tích, dân số… mà còn tác động lớn tới vấn đề phát triển kinh tế xã hội, văn hoá, môi trường, đời sống của cộng đồng dân cư… của bản thân đô thị và vùng.
Vì sự tác động lớn lao và sâu sắc đó, nên vừa qua, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Hội đã triệu tập phiên họp bất thường bàn về vấn đề này. Mặc dù còn những băn khoăn nhất định nhưng việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội đã được các đại biểu thông qua nhanh chóng. Không biết trước khi giơ tay bỏ phiếu tán thành vấn đề này mỗi đại biểu còn nhớ hành động đó phải là đại diện của ý chí nguyện vọng, là cánh tay của hàng ngàn cử tri của Hà Nội và cũng tác động đến hàng triệu bà con của các tỉnh lân cận, đó không chỉ là cánh tay, là suy nghĩ của riêng ai. Không biết các đại biểu đã được cung cấp những số liệu, luận cứ, luận chứng gì về vấn đề này trước khi giơ tay. Các số liệu này phải chăng chỉ là những phép cộng đơn thuần của các con số về dân số, diện tích…hay đã đầy đủ các chỉ số về vấn đề dân sinh xã hội: nhà ở, thu nhập, việc làm,… xuất phát từ kết quả điều tra xã hội học. Bên canh việc lý giải sự cần thiết, mục tiêu, lợi thế, hiệu quả…liệu báo cáo có làm rõ, sâu sắc các vấn đề phải đối mặt, những thách thức, tác động bất lợi về nhiều mặt, nhiều phía khi mở rộng Hà Nội. Trong báo cáo đó có chỉ rõ mối quan hệ tương hỗ, tương tác, cộng sinh giữa thành phố Hà Nội và khu vực phụ cận, đồng bằng sồng Hồng, đặc biệt là đồ án quy hoạch vùng Thủ đô đã được nghiên cứu từ nhiều năm nay. Báo cáo đó liệu đã được xác lập rõ vấn đề dự báo, tính chất Thủ đô những tác động và xu thế toàn cầu hoá cũng như những quy luật về phát triển đô thị?
Mong rằng những phỏng đoán, hoài nghi về sự thiếu thốn trên của tôi là…sai.
Trong lịch sử từ thời phong kiến đến nay, Hà Nội đã từng mở rộng và thu nhỏ không ít lần, có những lần vì lý do chính trị, quân sự; hay địa- kinh tế, địa – văn hoá, hay yêu cầu đòi hỏi phù hợp thời cuộc…đây là những bước đi, bài học cần được tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, sâu sắc để tránh nóng vội, duy ý chí và phải trả giá.
Tính chất Thủ đô cùng cương lĩnh, mục tiêu phát triển đô thị bền vững sẽ định dạng sự phát triển đô thị cũng như hình thể và tâm hồn Thành phố. Nó cần được đặt trong mối quan hệ với quốc gia, quốc tế đặc biệt với Vùng Hà Nội. Cần xác định, làm rõ Hà Nội hiện hữu, Hà Nội tương lai trong Vùng Hà Nội
Mở rộng và phát triển Hà Nội cần vận dụng sáng tạo lý thuyết về phát triển đô thi tiên tiến trên thể giới, đặc biệt là các thủ đô và phải phù hợp với quy luật khách quan và tiến trình phát triển của đô thị trong mối quan hệ hài hoà với nông thôn. Minh định mô hình tương lai của đô thị Hà Nội – đô thị Thủ đô.
Như đã đề cập ở trên, mở rộng địa giới Hà Nội tác động mạnh mẽ tới nhiều mặt và người dân là đối tượng trực tiếp và toàn diện được thụ hưởng cũng như phải gánh chịu những tác động này. Đây là một vấn đề lớn, do đó cần được điều tra xã hội học một cách bài bản khoa học và có thể trưng cầu dân ý.
Ngày nay, các công cụ quy hoạch không gian Hà Nội vẫn chưa ngang tầm với nhu cầu đặt ra, vấn đề trọng tâm ở đây là công tác chỉ đạo điều hành và thực thi còn lúng túng, bất cập chưa hiệu quả. Nếu mở rộng địa giới hành chính sức nặng này càng gia tăng, liệu Hà Nội có những chính sách, giải pháp tương thích và đủ sức để gánh vác, thực hiện.
Tình trạng dư thừa lao động nông nghiệp là một thực tế hoàn toàn trái ngược với mong muốn phát triển khi mở rộng địa giới hành chính, bởi nó sẽ kìm hãm sự năng động cần có của Thủ đô.
Vấn đề môi trường, bền vững ngày càng trở lên bức xúc với Hà Nội phát triển, tác động trực tiếp đến chất lượng sống của cộng đồng và cả các thế hệ tiếp theo, nó đặt ra thách thức, ẩn số với bài toán mở rộng Hà Nội nhưng cũng là bài toán chung cho phát triển Vùng Hà Nội. Làm gì để đô thị không phát triển theo vết dầu loang, giữ gìn khôi phục những nguồn lực tự nhiên, an sinh xã hội, duy trì phát huy được nền tảng văn hoá, có văn minh đô thị?
Đến thời điểm này việc khẳng định có hay không việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội vẫn trông chờ những câu trả lời xuất phát từ đâu? và làm gì để 4 có:
– Có ý chí, mục tiêu chính trị
– Có tìm hiểu một cách khoa học về nhu cầu nguyện vọng của người dân.
– Có yêu cầu đòi hỏi từ thực tế và phát triển
– Có nền tảng khoa học, lý luận phát triển đô thị dẫn hướng.
Vẫn biết rằng mở rộng địa giới hành chính Hà Nội không phải là một việc làm ngẫu nhiên… nhưng xác lập và giải đáp những vấn đề trên giúp làm rõ: có mở rộng không; tại sao phải mở rộng; mở rộng đến đâu thì vừa, thì phù hợp; thời điểm nào chín muồi cho việc mở rộng; Hà Nội trong mối tương quan với Vùng Hà Nội; thay vì mở rộng Hà Nội tại sao không phát triển Vùng?… để Hà Nội có thể tự tin, kiêu hãnh vững bước phát triển xứng tầm Thủ đô ngàn năm văn hiến cùng cả nước vì cả nước.
-anh1: Hà Nội đã từng mở rộng và thu nhỏ không ít lần.
-anh2: Tình trạng dư thừa lao động nông nghiệp là một thực tế hoàn toàn trái ngược với mong muốn phát triển khi mở rộng địa giới hành chính.
Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT): Mỗi năm có khoảng 73.000ha đất nông nghiệp, “bờ xôi, ruộng mật” ra đi do thu hồi đất để phát triển bền vững đất nước. Sự thu hồi đất trong 5 năm qua, đã tác động đến đời sống của 627.495 hộ gia đình, khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu người dân nông thôn. Đồng bằng sông Hồng có số hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất lớn nhất, khoảng 300.000 hộ, Đông Nam Bộ khoảng 108.000 hộ….. Địa phương đứng đầu bảng: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đà Nặng…..Chúng ta cần kháng định: Trong quá trình phát triển bền vững đất nước phải: Công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH), đô thị hóa (ĐTH) chắc chắn thu hẹp đất nông nghiệp, nhưng giảm bớt hoặc tránh tác động tiêu cực của nó đối với đời sống của nông dân mới là quan trọng và phải bàn cho thấu đáo: Tránh biến nông dân là vật hy sinh cho quá trình CNH, HĐH và ĐTH.