Bóng đá: Môn thể thao quốc dân

Bóng đá đã trở thành môn thể thao quốc dân, thế nhưng trong quá khứ môn thể thao này từng là công cụ của thực dân và là chỉ dấu cho tầng lớp tinh hoa bản địa thân Pháp.

Đội bóng của Trung đoàn Bắc Kỳ của Pháp, chụp ảnh tại Việt Trì năm 1938. Nguồn: http://foreignlegion.info/units/5th-foreign-regiment/

Người Việt Nam rất mê bóng đá, đặc biệt kể từ năm 2008 khi đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup, cho đến năm 2018 khi đội tuyển U-23 vào được trận chung kết của AFC U-23 Asian Cup, làn sóng ủng hộ bóng đá cuồng nhiệt chưa từng có ở toàn dân. Hàng vạn người đổ xô xuống đường hò reo và ca hát, huấn luyện viên trưởng trở thành ân nhân trong lòng người hâm mộ, các cầu thủ trở thành hình mẫu thần tượng của giới trẻ.

Nhưng cũng ít ai biết rằng, thuở ban đầu mới du nhập vào Việt Nam, bóng đá không dành cho tất cả mọi người như bây giờ.

Từ chỗ phục vụ thực dân Pháp

Bóng đá vào Việt Nam đầu thế kỷ XX, cùng thời điểm một loạt các hoạt động thể thao, giải trí, văn hóa mới mẻ với dân bản địa như cà phê vỉa hè, nhà hát đại lộ, đi dạo theo nghi thức trong các khu cảnh quan kiểu mới (công viên, vườn bách thảo), khiêu vũ, thể thao (bi sắt, đua ngựa, quần vợt, đấu kiếm, điền kinh, bóng đá…)1 (Larcher-Goscha, 2009, tr68). Bóng đá không chỉ được coi là một môn thể thao thuần túy, mà còn gánh nhiệm vụ kép: vừa làm công cụ rèn luyện thể lực cho lính Pháp, vừa để thúc đẩy quá trình tiếp biến văn hóa, sử dụng không gian thể thao tạo ra một mạng lưới tinh hoa địa phương thân Pháp. Trong đó, việc rèn luyện thể lực cho lính Pháp rất được coi trọng, vì binh sĩ Pháp gặp khó khăn với thời tiết nhiệt đới ở thuộc địa Đông Dương, đồng thời nước Pháp cũng vừa bị tổn thất 1,3 triệu lính trong Thế chiến I2 (Fossard, 2020, tr15).

Quân đội thực dân Pháp chủ trương chỉ đẩy mạnh tiếp biến văn hóa đối với nhóm thiểu số tinh hoa bản địa Đông Dương có nhiều đặc quyền trong xã hội bấy giờ. Đầu tiên là những người làm việc cho vua trước khi người Pháp xâm lược, thứ đến là thế hệ con cái của các triều thần và các công chức làm việc cho Pháp, cuối cùng là nhóm thượng lưu thân Pháp như giới thông ngôn, thương nhân, nhà báo, học giả. Chỉ nhóm thiểu số này mới có điều kiện tiếp xúc với người Pháp để quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra trong họ (Fossard, 2020, tr11).

Nhưng trong khoảng chục năm đầu bóng đá được đưa vào Việt Nam, giới tinh hoa người Việt không mấy mặn mà. Trận đấu bóng đá đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam là vào năm 1905 ở Sài Gòn chỉ là trận đấu của riêng lính Pháp đấu với lính Anh. Bóng đá nói riêng và thể thao nói chung chỉ là hoạt động của binh lính nước ngoài. Giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo nên các hoạt động vận động quá trớn là điều mất thể diện đối với tầng lớp thượng lưu của xã hội. Giới Nho sĩ vẫn còn đang duy trì tục nuôi móng tay dài và cho rằng lao động chân tay là thô thiển. “Bởi vì giới cầm quyền truyền thụ những quan niệm của phương Tây về thể chất hoàn toàn trái ngược với những quan niệm được Nho giáo dạy trong quá khứ, nên việc cổ vũ thể thao trong một thời gian dài đã đi ngược lại sự bảo thủ về mặt đạo đức của các sĩ phu Việt Nam. Phép tắc cổ xưa quy định rằng giới thượng lưu (và đặc biệt là phụ nữ) phải kìm chế thể chất và các biểu hiện của nó, điển hình là sự kìm chế của giới quan lại có học hoặc có tham vọng – những người bỏ lại cho tầng lớp thấp những công việc chân tay và những màn biểu diễn thể chất bị coi là thô thiển.” (Larcher-Goscha, 2009, tr68).

Kế hoạch dùng bóng đá để tiếp biến văn hóa của thực dân Pháp có thể nói là vừa thành công nhưng cũng vừa thất bại. Thành công ở điểm người Pháp thực sự tạo được một mạng lưới người Việt thân Pháp qua trò chơi này; thất bại ở chỗ một số nhà dân tộc chủ nghĩa cấp tiến người Việt đã sử dụng nó làm công cụ để hình thành và thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc thể thao, thứ vẫn đang tồn tại ở người Việt kể từ thời điểm đó đến bây giờ; đây dường như là tác dụng không mong muốn đối với người Pháp.

Thành chất keo cho những người đồng chí hướng

Phải sau năm 1910, quá trình tiếp nhận bóng đá mới diễn ra một cách tự nguyện. Không quay lưng như lúc ban đầu, kể từ đây, Việt Nam được đánh giá là thuộc địa tiếp thu thể thao nhanh bậc nhất  Đông Dương. Trong những năm 1916-1918, hàng loạt đội bóng bản địa ra đời, một số còn gây được tiếng vang lớn, chẳng hạn Bien Hoa Sport (1913), Mytho-Sport (1917), Tanan Sport, Tandinh Sport, Cholon-Sport, Govap-Sport (1918), Sai Gon Port. Trung tâm Giáo dục thể chất ở Sài Gòn cũng bắt đầu mở cửa cho cả thường dân, và các giáo viên trẻ tuổi của Nam Kỳ còn được triệu tập vào các khóa đào tạo thể chất bắt buộc (Fossard, 2020, tr16). Kể từ đây, người Việt không những chỉ tham gia chơi thể thao mà còn có giáo viên giáo dục thể chất để có thể tự dạy cho thế hệ con cái của mình. Thậm chí, cuối những năm 1930, những đội bóng đá nữ đầu tiên ra đời điều này “cho thấy sức hấp dẫn đáng kể của môn thể thao này đối với Việt Nam giữa hai cuộc chiến tranh”. (Larcher-Goscha, 2009, tr67).

Lí do dẫn tới sự thay đổi mang tính tự nguyện này chính là ở bản chất của thể thao – mang lại niềm vui và sự hòa đồng. Điều đó đã khiến môn thể thao này vượt qua được vách ngăn giữa người dân thuộc địa với người dân của mẫu quốc. Một số nhà dân tộc chủ nghĩa thuộc nhóm tinh hoa bản địa người Việt nhận thấy rằng qua bóng đá họ có thể thúc đẩy tinh thần dân tộc, dần dà họ hình thành niềm tin rằng việc xuất sắc trong lĩnh vực thể chất và thể thao sẽ là bàn đạp của việc giành lại độc lập cho đất nước sau này. (Larcher-Goscha, 2009, tr68-9). Đây cũng là thời điểm mà báo chí loan tải rộng rãi tư tưởng yêu nước thông qua thể thao, tờ Tribune Indigène (12/9/1918, tr2), Mac-Moc, “La régénérescence du corps et de l’esprit par les sports” (Cải thiện thể chất và tinh thần nhờ thể thao); tờ Echo Annamite (18/10/1928, tr1), Duong Van Loi, “L’éducation physique chez les Annamites” (Giáo dục thể chất ở người An Nam).

Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup năm 2008.

Có nhiều đánh giá cho rằng đối với một số trí thức người Việt bấy giờ thì làm thể thao cũng ngang với làm chính trị. “Những nhà chủ nghĩa dân tộc hiện đại ấy tin rằng một cuộc cải cách văn hóa trong xã hội là cần thiết để đồng bào của họ nhận được từ giới thực dân lòng tôn trọng tối cần cho sự hợp tác giữa những con người bình đẳng về mức độ văn minh và tài năng. Đối với nhóm người này, thể thao (của phương Tây) trở thành nỗi ám ảnh đích thực, nó được coi như vũ khí hoặc sự nghiệp vệ quốc. Nó là hiện thân của một lối sống thể hiện giá trị hiện đại và ‘văn minh’ ở tầm vóc ngang hàng với giới thực dân. Bên cạnh vai trò giải trí lành mạnh cho thể chất và tinh thần, nó trở thành một lời hứa hẹn trong tương lai về con đường cứu rỗi cho bản thân và tập thể đồng bào của họ”. (Larcher-Goscha, 2009, tr84-5).

Bấy giờ bóng đá ở Việt Nam là một chất keo gắn kết cộng đồng của những người trong cùng một dân tộc và mang cùng một chí hướng. (Thậm chí không gian của các câu lạc bộ bóng đá còn có thể trở thành nơi truyền bá tinh thần cách mạng, đơn cử như trường hợp của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tham gia đội Sai Gon Port và cố gắng truyền bá tinh thần cách mạng ở đây trước khi bị thực dân Pháp bắt năm 1929).  Theo Fossard3 bóng đá “đã thành công trong việc tạo ra một động lực quốc gia mạnh mẽ hơn cả các thành tựu của ‘Young Annam’ – một phong trào chính trị ôn hòa” và “Trong khi người An Nam không có quyền bầu cử (ngoại trừ một số rất ít công dân) cũng như quyền lập hội và biểu tình, họ đã tìm thấy sự thay thế rất hay bằng việc ủng hộ các câu lạc bộ bóng đá. Sau năm 1925, mỗi trận đấu với Gia Định là một cơ hội để họ tập hợp lại vì một mục tiêu chung: niềm tự hào được thuộc về người An Nam. Kể từ cuộc chinh phục của Pháp, họ có rất ít cơ hội để thể hiện điều đó nhưng giờ đây việc ấy đã trở nên khả thi nhờ hoạt động thể chất này”. (Fossard, 2020, tr3).

Nhưng mặt khác, bóng đá bấy giờ cũng là nơi để thể hiện và để khoét sâu thêm những mâu thuẫn chính trị giữa những người không cùng một dân tộc hoặc cùng dân tộc nhưng mang chí hướng trái ngược nhau. “Ở đế quốc thực dân Pháp, bạo lực thể thao thường được sử dụng như một phương tiện để bày tỏ tình cảm chống Pháp”. và “Kết quả là, một trận đấu bóng đá đôi khi trở thành cơ hội để hạ nhục các cầu thủ người Pháp hoặc người An Nam.” (Fossard, 2020, tr7). Hành động bạo lực thể thao từ người Việt bấy giờ còn được nhắm cả vào những con lai Việt-Pháp khi đang chơi bóng cho đội Pháp, đối với người Việt thì con lai là hiện thân của những gì họ căm ghét nhất “Bởi vì cha của họ là lính Pháp hoặc cha hoặc mẹ của họ là người Pháp nên họ bị coi là kẻ thù”.

Các quy tắc bất thành văn trong bóng đá điển hình ở Việt Nam, chẳng hạn như cổ động viên mang Quốc Kì vào để cổ vũ và nếu mang ảnh ai đó thì luôn phải là ảnh của các vị anh hùng dân tộc; sau trận đấu mọi người có thể kéo nhau đi bão (hành động xuống đường ăn mừng), nếu có ca hát khi đi bão thì luôn là các bài hát nhạc cách mạng được sáng tác trong thời kì chiến tranh vệ quốc. Tất thảy những điều này vô hình trung biến bóng đá, cả theo cách chính thức lẫn không chính thức, trở thành một truyền thống tân tạo ở Việt Nam.

Nhìn chung, kế hoạch dùng bóng đá để tiếp biến văn hóa của thực dân Pháp có thể nói là vừa thành công nhưng cũng vừa thất bại. Thành công ở điểm người Pháp thực sự tạo được một mạng lưới người Việt thân Pháp qua trò chơi này; thất bại ở chỗ một số nhà dân tộc chủ nghĩa cấp tiến người Việt đã sử dụng nó làm công cụ thể hình thành và thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc thể thao, thứ vẫn đang tồn tại ở người Việt kể từ thời điểm đó đến bây giờ; đây dường như là tác dụng không mong muốn đối với người Pháp.

Niềm tự hào dân tộc của người Việt

Sau một thế kỷ từ lúc du nhập vào, bóng đá ngày nay là trò chơi dành cho tất cả công chúng chứ không còn là đặc trưng của giới tinh hoa như xưa nữa. Và bóng đá đã trở thành chất men gắn kết tinh thần dân tộc của người Việt.

Bóng đá hiện đại đang gắn liền với một bộ quy tắc cả thành văn lẫn bất thành văn một cách rất rõ ràng. Các quy tắc thành văn được nâng tầm trở thành một nghi thức như kéo Quốc Kì, hát Quốc ca, bắt tay đối thủ trước trận đấu. Các quy tắc bất thành văn, điển hình ở Việt Nam, chẳng hạn như cổ động viên mang Quốc Kì vào để cổ vũ và nếu mang ảnh ai đó thì luôn phải là ảnh của các vị anh hùng dân tộc; sau trận đấu mọi người có thể kéo nhau đi bão (hành động xuống đường ăn mừng), nếu có ca hát khi đi bão thì luôn là các bài hát nhạc cách mạng được sáng tác trong thời kì chiến tranh vệ quốc. Tất thảy những điều này vô hình trung biến bóng đá, cả theo cách chính thức lẫn không chính thức, trở thành một truyền thống tân tạo ở Việt Nam.

Bóng đã đã gắn liền với lòng tự hào dân tộc.

Truyền thống tân tạo (invented tradition) là thuật ngữ Eric Hobsbawm đưa ra trong quyển sách The Invention of Tradition (Sự tân tạo truyền thống) nhằm chỉ đến “Một tập hợp các thực hành, thường được vận hành bởi các quy tắc được chấp nhận một cách công khai hoặc ngầm ẩn và có tính chất nghi lễ hoặc biểu tượng, nhằm khắc ghi các giá trị và quy tắc cư xử nào đó bằng cách lặp lại, nhằm tự động ngụ ý tính liên tục với quá khứ. Thực tế, nếu có thể, chúng thường được dùng để tạo ra tính liên tục với một quá khứ lịch sử phù hợp.” (Hobsbawm, 1983, tr1). Ông còn bổ sung thêm để phân biệt giữa truyền thống và thói quen sinh hoạt thường nhật: “Điểm khác biệt thứ hai, ít quan trọng hơn, cần được nói rõ là giữa ‘truyền thống’ theo nghĩa của chúng ta và tục lệ hoặc lề thói, thứ vốn không có chức năng nghi lễ hoặc biểu tượng giàu ý nghĩa, mặc dù có thể có được một cách tình cờ. […] Những mạng lưới tục lệ hoặc lề thói như vậy không phải là ‘truyền thống tân tạo’ vì các chức năng của chúng, cũng là bằng chứng ngoại phạm của chúng, mang tính kĩ thuật hơn là tính tư tưởng”. (Hobsbawm, 1983, tr3).

Trước tiên, trong bóng đá, nhiệm vụ của truyền thống tân tạo là tạo ra một sợi dây liên tục và liền mạch giữa lịch sử gần đây và lịch sử xa xưa. Bởi chưng chủ nghĩa dân tộc và mô hình quốc gia-dân tộc đang thống trị các quốc gia ngày nay đều là những sản phẩm rất mới mẻ có tuổi đời chưa quá 300 năm. Chẳng hạn người ta vẫn gọi đội tuyển bóng đá Pháp là “Gà trống Gaulois”, cái tên này bắt nguồn từ tộc người Gaul, sống từ thế kỉ V TrCN đến thế kỉ V, được cho là tổ tiên của người Pháp bây giờ. Nhưng nếu nhìn vào sắc tộc các cầu thủ trong tuyển Pháp, tiếng Pháp, cờ Pháp, quốc ca Pháp thì rõ ràng chúng không hề còn sợi dây liên kết nào với tộc người Gaul xưa kia nữa cả, nói cách khác, chúng đều là thứ được tân tạo trong lịch sử gần đây nhưng chủ ý được nối kết với lịch sử xa xưa. Cũng tương tự với Việt Nam, nếu chúng ta nhìn vào chữ quốc ngữ (mới có tuổi đời chưa quá 400 năm), Quốc Kì (tuổi đời chưa quá 100 năm), Quốc ca (cũng chưa quá 100 năm) mà so sánh với người Việt tận thời huyền sử về vua Hùng như những gì mà diễn ngôn của thời đại này vẫn nói về dân tộc Việt, thì sẽ thấy rất yếu tố tân tạo rõ ràng như thế nào. Những điều này có thể áp dụng cho hầu hết các đội tuyển và quốc gia khác trên thế giới.

Thứ đến, ở Việt Nam khi dân chúng đi bão thì Quốc Kì, ảnh anh hùng dân tộc, và nhạc cách mạng là những thứ duy nhất được đồng hành, chưa bao giờ có hiện tượng người hâm mộ bóng đá mang ảnh người yêu hay hát vang các bài nhạc trẻ khi đi bão cả. Điều này là tự phát và bất thành văn nên cho thấy sự hiện diện của truyền thống tân tạo dưới tư cách ngầm ẩn. Không ai nói với ai nhưng người dân đều hiểu rằng màn ăn mừng này không đơn thuần xoay quanh sở thích cá nhân mà nó mang tính biểu tượng bắt buộc, những vật dụng đồng hành cuộc đi bão không mang tính thuận lợi trong thực tiễn mà mang tính tư tưởng, những hành động này lặp lại nhiều lần, và các biểu tượng cùng tham chiếu đến một lịch sử rất gần, thay vì lịch sử xa xưa từ thời quân chủ.

Cũng giống như truyền thống cũ, truyền thống tân tạo sinh ra để khắc ghi các giá trị nhất định; và khi mà xã hội hiện đại sản sinh nhiều giá trị mới lạ đến nỗi truyền thống cũ không thể đáp ứng được thì truyền thống tân tạo sẽ ra đời để đáp ứng nhu cầu. Vậy nên truyền thống tân tạo như một phần tất yếu của lịch sử, chừng nào chúng ta còn muốn khắc ghi giá trị và tạo một sợi dây liên kết, dẫu không có thực, cho đời sau thì chừng ấy truyền thống tân tạo sẽ vẫn có mặt để sẵn sàng phục vụ. □

——-

Chú thích

1 Theo nghiên cứu của Agathe Larcher-Goscha, 2009, “Du Football au Vietnam (1905-1949): colonialisme, culture sportive et sociabilités en jeux” [Về bóng đá ở Việt Nam (1905-1949): chủ nghĩa thực dân, văn hoá thể thao và tính hoà đồng trong trò chơi] đăng trên tạp chí lịch sử Outre-Mers (Hải ngoại).

2 Theo nghiên cứu của Brice Fossard, 2020, “L’armée coloniale et l’acculturation sportive des élites indochinoises (1897-1939)” [Quân đội thực dân và sự tiếp biến văn hoá thể thao của giới tinh hoa Đông Dương (1897-1939)] đăng trên tạp chí khoa học STAPS.

3 Theo nghiên cứu của Brice Fossard, 2020, “Playing Football in Vietnam before 1940: An Act of Resistance?” (Chơi bóng đá ở Việt Nam trước 1940: Một hành động phản kháng?) đăng trên tạp chí khoa học có bình duyệt Soccer & Society.

—–

Tư liệu tham khảo:

1. Fossard, Brice. “L’armée Coloniale et l’Acculturation Sportive Des Élites Indochinoises (1897-1939).” Staps, vol. n° 127, no. 1, 18 Feb. 2020, pp. 9–27, 10.3917/sta.127.0009.

2/.  Larcher-Goscha, Agathe. “Du Football Au Vietnam (1905-1949) : Colonialisme, Culture Sportive et Sociabilités En Jeux.” Outre-Mers, vol. 96, no. 364, 2009, pp. 61–89, 10.3406/outre.2009.4414. Accessed 21 Jan. 2021.

3. Fossard, Brice. “Playing Football in Vietnam before 1940: An Act of Resistance?” Soccer & Society, 31 May 2020, pp. 1–10, 10.1080/14660970.2020.1775040. Accessed 13 July 2020.

4. Hobsbawm, Eric J, and Terence Ranger. The Invention of Tradition. Cambridge University Press, 1983.

Tác giả

(Visited 89 times, 1 visits today)