Boyhood, khi phim xem khán giả

Chủ nghĩa hiện thực ra đời như một đối trọng của chủ nghĩa hình thức ngay từ thời sơ khai của điện ảnh, nó đề cao “khả năng ghi chép” hiện thực của phim ảnh. Vậy sau một trăm năm, đạo diễn Richard Linklater làm gì để tính chân thực trong phim Boyhood của ông mới mẻ?

Để xem phim Boyhood, cần có năm thứ sau: phim Boyhood, một giấc ngủ đầy trước đó, trà thơm lúc đó, một người bạn ngồi cạnh, và thật ít mong chờ. Thật ít mong chờ thôi bởi Boyhood không phải là giấc mơ bạn theo đuổi, không phải là cuộc sống bạn muốn được trú ngụ thông qua trải nghiệm xem phim. Boyhod tự làm cho nó ít giống một bộ phim nhất có thể, nó từ chối chuyện kể biến ra từ câu thần chú “phim kể những điều chưa bao giờ xảy ra hoặc đáng nhẽ không nên xảy ra” để trở nên giống cuộc đời nhất có thể. Chính tính chân thực giữ Boyhood ở vị trí đặc biệt giữa các xưng tụng kịch tính, nóng bỏng trên màn ảnh và cả trong một thế giới thực nhiều bạo động, ưa biến đổi.

Câu chuyện về thời ấu thơ chuyển sang niên thiếu và dừng lại ở tuổi thành niên chạm ngõ đời của Mason (Ellar Coltrane) được thực hiện đến 12 năm với cùng một dàn diễn viên mang đến sự độc đáo khi đưa ba giờ trải nghiệm bình thản và ôn tồn trước màn ảnh thành 12 năm song hành. Bạn ngồi đó và chứng kiến những người xa lạ phía bên kia Thái Bình Dương thay đổi, lớn lên và già đi thực sự qua 12 năm, điều mà trước đây bạn chỉ có thể tìm thấy trong một cuốn album gia đình, chứ không phải kiểu thay hình đổi dạng nhờ kĩ xảo của Benjamin trong The Curious Case of Benjamin Button (2008). Diễn viên và nhân vật đã lớn lên bên nhau, cùng tận hiến tận hưởng cuộc đời của nhau, vì thế Boyhood là một phim hư cấu có phẩm chất tài liệu. Cuộc đời thì liên tục, còn phim ảnh thì tỉnh lược. Nghệ thuật của nhà làm phim nằm ở chỗ kể gì và không kể gì. Để giữ cho Boyhood chân thực như cuộc đời, Richard Linklater lựa chọn đưa lên màn ảnh những sinh hoạt thường nhật của nhân vật. Những bước ngoặt trong cuộc đời Masson là những dấu mốc của thời gian, tuổi tác như sinh nhật, ngày tốt nghiệp cấp ba, ngày vào đại học… chứ không phải những biến cố có nhiệm vụ gia tăng kịch tính buộc phải lựa chọn theo kiểu tiến lên hay thoái lui. Kết quả, chúng ta có một câu chuyện diễn tiến theo kiểu tiểu sử được quy định bởi thời gian lịch sử trong sự vắng bóng của một chuyện kể phát triển theo hướng dẫn dắt đến cao trào bùng vỡ. Sự biến đổi của nhân vật từ diện mạo đến tâm sinh lý cũng là do thời gian khách quan đặt họ vào những chặng khác nhau của cuộc đời. Bằng cách đó, bộ phim dẫn dụ người xem hồi nhớ tiểu sử của chính mình.

Tính chân thực của Boyhood còn được gia cố khi Richard Linklater cho các nhân vật của mình và khán giả sống cùng trong một hiện thực. Bộ phim không xuất hiện những text chỉ thời gian, mà đưa vào các dấu vết chính trị, văn hóa đại chúng… nổi bật của xã hội đương thời như những bài hát, bộ phim, trò chơi điện tử, sự thay đổi công nghệ thông tin, những cơn sốt kiểu Britney Speas, Harry Potter, Lady Gaga, Facebook đến sự kiện 11 tháng 9, các cuộc bầu cử Tổng thống… Khán giả vừa thú vị, vừa loay hoay so bì với nhân vật để nhớ lại mình đã phản ứng thế nào trước cùng một sự đi qua hiện thực đó. Trong các bộ phim của Richard Linklater, nghệ thuật viết thoại phim luôn là dấu ấn nổi bật. Các nhân vật của ông thường nói rất nhiều và may mắn là nó luôn hay theo kiểu “khôi hài đen” của Kurt Vonnegut. Nói bằng di sản của nhà văn Mỹ hậu hiện đại này, nghĩa là dí dỏm, thông minh, không ham triết luận mà mang hiện thực ra chế giễu, chế giễu chính mình theo kiểu bọc bi kịch bằng hài kịch. Yếu tố hài hước từ thoại vừa khiến bộ phim nhẹ nhàng dễ chịu, vừa kéo các nhân vật xích gần nhau, còn xung đột thì “chạy mất dép”. Trong Boyhood, nhiều căng thẳng đã dược xoa dịu khi các nhân vật khước từ nói năng theo kiểu “sinh sự để sự sinh” mà nêm nếm một chút hài hước chua cay khiến lời trách móc hay xưng tội cũng dễ được chấp nhận và thông cảm. Ta thấy khi các nhân vật nói thẳng toẹt, hai lần ở hai người cha dượng của Mason, họ không còn khả năng ví von hài hước là lúc tình huống đó dẫn đến đổ vỡ.

Đi từ lệ thuộc sang độc lập, từ định nghĩa thế giới đến định vị bản thân, Mason trong Boyhood có thể là bất cứ Mason nào ở Pháp, Việt Nam, Nhật, Úc, Nam Phi… trong quá trình khôn lớn trưởng thành. Nhà làm phim không mô tả thế giới nội tâm, đời sống tình cảm quá riêng tư của Mason để xây dựng một cá biệt mà đặt cậu trong các tương tác của các mối quan hệ thường tình: con trai – mẹ, em trai – chị gái, con trai – bố, con vợ – bố dượng, bạn cùng trang lứa, bạn trai – bạn gái, học trò – giáo viên, người làm thêm – ông chủ… Cậu luôn gắn với một đối tượng nào đó nhưng không ở vai trò quyết định, chủ động mà thường là người quan sát, người được nhận sự chăm sóc, trao tặng, chỉ bảo, khích lệ hoặc đôi khi là nạn nhân. Vì thế, điểm nhìn của Boyhood từ Mason là điểm nhìn của sự biết ơn được có mặt trong cuộc đời.

Boyhood của Mason cũng có thể là lịch sử gia đình được lèo lái bởi một bà mẹ mạnh mẽ (Patrica Arquette) nuôi dạy hai đứa con, trải qua ba đời chồng, hoàn thành việc học xuất sắc để trở thành giảng viên uy tín của trường đại học. Hai lần tái cấu trúc gia đình từ những đổ vỡ, từ bỏ tất cả chỉ trừ con cái rồi òa khóc khi con cái từ bỏ mình để xây dựng cuộc sống riêng, người mẹ của Mason đại diện cho người mẹ Mỹ tình cảm, trách nhiệm, tự chủ, quyết đoán. Chính vì thế mô hình gia đình mà bà xây dựng là gia đình kiểu Mỹ tiêu biểu thứ hai luôn được “sửa chữa để hoàn thiện”, “gắng gỏi để chống đỡ”, sau kiểu mô hình gia đình tiêu biểu thứ nhất “ngụy trang yên ổn” từng được phổ quát sâu sắc trong bộ phim American Beauty (1999) của đạo diễn Sam Mendes. Bên cạnh vai trò nuôi dưỡng đã được thực hiện tốt bởi người mẹ, làm sao để làm tròn vai trò cổ xưa của một người bố là sự huấn luyện con cái khi mà mình bị đẩy ra khỏi gia đình. Người bố nghệ sĩ (Ethan Hawke), không sống cùng mà chỉ thỉnh thoảng đi chơi cùng các con nhưng lần nào cũng tranh thủ tạo niềm vui, lắng nghe và dạy dỗ các con của mình điều gì đó, là mẫu người đàn ông tự do phóng khoáng, có nhiều phẩm chất của ông bố tốt song không thể trở thành ông bố tốt chỉ vì thiếu một chút bao dung của người mẹ của các con mình. Người bố và người mẹ, hay các nhân vật khác đều là những người đàn ông và đàn bà Mỹ có những tính cách nổi bật, sự chịu trách nhiệm, hướng đến tương lai, vươn đến những điều mới mẻ tốt đẹp. Họ cởi mở thân thiện dễ dàng xây dựng các mối quan hệ nhưng đồng thời cũng “giỏi giang” trong việc phá hủy các mối quan hệ đó.

Trong khi xem Mason sáu tuổi nằm trên bãi cỏ ngắm mây vẽ trí tưởng tượng chờ mẹ đón về sau buổi học đã ngày qua ngày thành Mason 18 tuổi ngồi bên cô bạn gái mới ngắm hoàng hôn trên núi trong buổi đầu đến trường đại học chinh phục nghệ thuật nhiếp ảnh như thế nào, bạn cũng đừng quên nghiêng người, ghé tai nghe người bạn xem cùng thủ thỉ: “Thực ra phim xem mình rất nhiều. Rất nhiều điều của mình trồi lên, hiện ra rõ nét khi phim đang chiếu và vấn vương dai dẳng khi nó đã kết thúc.”

 

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)