Bruno Schulz và vẻ đẹp một chiếc giường nhàu nhĩ
Phải viết về một nhà văn được so sánh với Franz Kafka thì chẳng bao giờ dễ cả. Luôn cần một sự thận trọng lớn lao. Bởi thế mà thay vì bắt đầu từ một điều gì đó nằm ngoài tầm với, xin phép bắt đầu từ một hình ảnh Bruno Schulz (1892 - 1942) viết trong tập truyện của mình buộc tôi phải gạch chân hai lần khi đọc tới: cái giường nhàu nhĩ sau giấc ngủ không được ai dọn dẹp – một chi tiết trong ngàn ngàn chi tiết tinh xảo như trên một tấm thảm đăng ten thủ công Ba Lan – cái hình ảnh đáng ra phải rất thảm đạm ấy nhưng lại hiện diện như thuộc về đường diềm của một thế giới khác.
Cụ thể, Schulz viết: “Giường chiếu để nguyên không dọn nhiều ngày liền, chất đống đám chăn mền nhàu nhĩ và rối tung bởi sức nặng của những giấc mơ, dựng lên như những con thuyền sâu lòng đang chờ trôi về các mê cung ẩm ướt và rối rắm của một Venice không ánh sao.” (từ dịch giả Xuân Trường, bản Những hiệu quế, Xuất bản Khác / FORMApubli và NXB Hội Nhà Văn)
Một câu văn tuyệt đối hoàn hảo. Không cần biết trước nó là gì, sau nó là gì, đây là giường chiếu của ai, vì sao chúng trở nên nhàu nhĩ thế. Sự tồn tại của câu văn là sự tồn tại độc lập, ngay lập tức hút hồn ta vào hình ảnh đó, tự nó đã kiến thiết một vùng trời vô hạn trong cái hữu hạn của mình, tự nó lập nên vương quốc. Đám chăn mền không thể úi xùi hơn và rúm ró hơn, bỗng vút lên thành một cuộc phiêu lưu, một di sản thế giới, một vĩ thanh của những giấc mơ.
Schulz dày đặc những câu văn như thế. Thứ văn chương cho người ta một lý do để tiếp tục theo đuổi văn chương bất chấp sự ra đời của những hình thức biểu đạt mới kiêu kỳ hơn ngôn ngữ thuần túy. Chỉ ở trong văn chương mới có những lối đi bí mật dẫn từ trạng thái của một chiếc giường sau khi ai đó vừa ngủ dậy khỏi những giấc mơ xáo trộn tới một Venice không ánh sao – điện ảnh không làm được thế, âm nhạc không làm được thế, kịch nghệ không làm được thế, có khi hội hoạ cũng không làm được thế.
Có lẽ chiếc giường ở Prague sau khi Gregor Samsa tỉnh dậy và biến thành một con côn trùng khổng lồ thì cũng giống như chiếc giường nhàu nhĩ này thôi. Câu văn của Schulz biến đống giường chiếu có phần túng quẫn trở thành ranh giới giữa hai phía của thực và mơ, của những gì có thật và không có thật. Có cảm giác trạng thái sống được phân đôi ở nơi chiếc giường.
Trong Những hiệu quế (Sklepy Cynamonowe), một trong hai tập truyện duy nhất của Schulz trước khi bị Gestapo bắn chết trên đường về nhà, cũng có một cuộc hoá thân thành côn trùng như trong tác phẩm kinh điển của Kafka. Không phải một cuộc hoá thân triệt để, một cuộc hoá thân làm tiền đề cho sáng tác như cuộc hoá thân ngay ở dòng đầu tiên như của Gregor Samsa. Cuộc hoá thân của người cha, một nhà tiểu thương nho nhỏ sống trong căn nhà tối tăm nho nhỏ của một thị trấn nho nhỏ với những ảm đạm nho nhỏ, xuất hiện ở khoảng hai phần ba cuốn sách, khi nhân vật “tôi” hồi tưởng lại thời cha còn sống.
Ở cuốn sách này, cuộc hóa gián giống một chứng bệnh nhiều hơn, chứng điên, người đàn ông đêm đêm lẩn quất trong những góc tối, ông trườn bò trên đất, trên người lốm đốm những vệt đen, nhưng sự hóa thân cũng chỉ nằm ở một câu hỏi: “…liệu ông có phải một trong số những con côn trùng chết Adela tìm thấy mỗi sáng, nằm ngửa giơ cẳng lên trời, bị chị quét vào sọt rồi sau đó đem đi đốt?” Chí ít, ở Hóa thân của Kafka còn có một cuộc biến đổi đường đường chính chính như những cuộc biến đổi trong Hóa thân của Ovid. Còn đây có vẻ như giống với một cuộc hoá thân nửa chừng, không phải cuộc hoá thân bi kịch, chỉ như một tiểu phẩm huyễn hoặc, đôi khi siêu thực về đời sống của một thị dân sống trong thị trấn mê cung, không có hậu kỳ cho cuộc hoá thân ấy, người cha lẫn vào “cái bộ lạc đen đúa kỳ dị”, rồi sang chương tiếp theo, dòng thời gian chuyển dịch, và ông lại xuất hiện, không có biểu hiện nào rằng một ngày kia, ông sẽ hóa gián.
Có nhiều cuộc biến hình ở nhiều mức độ trong Những hiệu quế. Bài thuyết giảng của người cha được ví như “Sáng thế ký đệ nhị” đã một mực khẳng định rằng “không có vật chất chết” và “chẳng có gì xấu xa trong việc rút lại sự sống thành những dạng khác và mới hơn” để thay đổi “dạng tồn tại chai cứng và dai dẳng chẳng còn gây thích thú nữa”. Ngoài những cuộc biến hình bản chất (người biến thành gián), biến hình ngôn từ (giường chiếu hoá thành Venice), còn cả những cuộc biến hình khoảnh khắc, như một đêm sao Chổi lướt qua — sự lật mình hiếm hoi của vũ trụ làm đảo lộn đời sống trong giây lát; hay đơn thuần hơn thế, một đêm huy hoang dắt ngựa dạo đêm, và con ngựa bị thương sắp giã biệt cõi đời, sắp bị nhấn chìm trong tuyết trắng bỗng dưng biết nói.
Bruno Schulz mài đi tất cả những vệt chai trong sự tồn tại của mọi điều nhỏ nhất, không có gì không được tráng qua một lớp hoá chất để tẩy bong những vết ố của sự rập khuôn hay sáo mòn, và khi được nhấc ra, tất cả đều hiện diện như lần đầu tiên hiện diện trên cõi đời này, hoàn toàn tươi mới: dẫu là một ngày thứ Ba vô danh không mặt; những ngày lạnh lẽo được ví như ổ bánh mì ẩm mốc mà ta chỉ có thể xắn ra bằng một chiếc dao cùn, cấu trúc giải phẫu của trời đêm và mô của những giấc mơ… Trong văn chương của Schulz, không chỉ có vật hữu cơ mà vật vô cơ cũng thường xuyên có cơ thể, có tri giác, có thể mổ phanh ra để xem được tạo thành từ những tim cật huyết tương nào. Tất cả các tạo vật đều phập phồng sự sống, đều đang trong cuộc hóa thân.
Như những lục địa liên tục va nhau, liên tục đứt gãy, liên tục uốn khúc để lộ ra những kẽ nứt mà trước đó chưa ai từng thấy, đọc Schulz mang đến cảm giác như trải qua những cuộc địa chấn từ ngữ liên tục. Những từ ngữ trào ra, những trường từ vựng khác biệt va đập và nảy sinh phản ứng hoá học, khiến cả tập truyện sáng ánh lên những tia sáng ngôn từ; ngay cả khi không thể hiểu hết mê cung hình ảnh, những cảnh tượng thường nhật trong cái kỳ quái và kỳ quái trong cái thường nhật mà Schulz đan dệt, thì người ta vẫn có thể đơn giản là chiêm ngưỡng những tia sáng ngôn từ đó, dù chúng hàm nghĩa gì và mở rộng ra được tới đâu thì điều căn bản là chúng vẫn đầy mê hoặc.
Đuổi bắt những ý tưởng của Bruno Schulz thì cũng vô vọng như đuổi bắt đàn bươm bướm trong một chương truyện – “những đốm sáng lung linh, những bông tuyết trắng lầm lạc”, “cái tam giác trắng phát sáng, quáng mắt”, “ngọn lửa ma trơi” – nhưng lại cũng không cần nhiều đến thế để bị dẫn dụ vào trong cái thị trấn nhỏ mà tự nó đã lập nên vũ trụ của Schulz. Ông là kiểu nhà văn mà ta có thể nói rằng dẫu chẳng hiểu gì về ông cả thì ta cũng có thể bị ông đốn đổ chỉ vì một câu văn tả chiếc giường nhàu nhĩ, một chiếc giường nhàu nhĩ bắc cầu từ hiện thực vào giấc mơ rồi lại đi ngược trở ra cho đến khi không còn phân biệt được, ta tỉnh dậy trong mơ hay thiếp vào hiện thực.