Bữa sáng của nhà vô địch: Bãi rác trong đầu một nhà văn
Năm 1967, Kurt Vonnegut khi đó còn đang dạy viết văn ở Đại học Iowa, đã gọi công việc của mình là “dạy điều không thể dạy”: “Bạn không thể dạy ai đó viết hay được. Viết hay là điều mà Thượng đế cho bạn làm được hoặc từ chối không cho bạn làm được.”
Thời điểm đề cập những điều ấy, Vonnegut còn đang viết dở cuốn tiểu thuyết sẽ biến ông thành siêu sao văn học Mỹ, Lò sát sinh số 5. Tất nhiên là chẳng ai có thể dạy ai khác viết, lại còn viết được như Kurt Vonnegut thì càng không. Vonnegut là độc nhất vô nhị. Thứ văn chương của ông, thứ văn chương được tạo thành từ những câu văn với cú pháp rành mạch đến mức một đứa trẻ mới biết chữ cũng có khả năng viết ra. Nhưng bằng cách nào đó, thứ văn chương trần nhồng nhộng này đã tháo bẻ nước Mỹ của ông, hành tinh của ông thành những mảnh chỏng chơ, tan hoang và kỳ khôi nhất.
Bốn năm sau Lò sát sinh số 5, thừa thắng xông lên, Vonnegut viết Bữa sáng của nhà vô địch (theo bản dịch của dịch giả Thanh Trúc), lúc này đã hoàn toàn nhuần nhuyễn giọng văn châm biếm khiến ta không biết nên cười hay nên khóc. Nhân vật Kilgore Trout lại xuất hiện. Nếu bạn còn nhớ ông ta, tay nhà văn khoa học viễn tưởng gần như vô danh với những ý tưởng điên rồ nhưng viết thì dở ẹc trong Lò sát sinh số 5, bản ngã thứ hai của chính Kurt Vonnegut. Lần này thì về cơ bản, ông ta vẫn vô danh, nhưng một câu chuyện của ông ta sẽ châm ngòi cho sự chấn động thế giới quan nơi một doanh nhân thành đạt – mắt xích quan trọng của đế chế tư bản Hoa Kỳ. Ông ta còn nghi ngờ mình chỉ là một nhân vật hư cấu chịu sự chi phối của tác giả – Thượng đế nữa. Ông ta còn là một trong hai nhân vật chính, à không, phải là ba, nếu tính thêm cả nhân vật “tôi” hay chính Vonnegut.
Người sẽ phát điên sau cuộc gặp gỡ với Kilgore Trout là Dwayne Hoover, nhân vật chính thứ hai, một gã buôn ô tô đang trên bờ vực phát điên, và sẽ phát điên thật sự sau khi đọc cuốn tiểu thuyết với ý tưởng rằng tất cả con người trên thế gian đều là máy móc mà Thượng đế gửi tới nhằm thử phản ứng của người duy nhất có ý chí tự do – chính là người đang đọc cuốn sách này. Thế mà những cái máy không hơn không kém ấy lại gây ra biết bao nỗi thống khổ cho con người duy nhất, thật đáng phẫn uất biết bao! Nghĩ thế, Hoover liền lao vào hành hung tất cả những kẻ y gặp, từ thằng con trai đồng tính đến một mụ tiểu thuyết gia và một tay họa sĩ. Hắn còn hành hung cả Kilgore Trout, cắn đứt lìa một ngón tay của ông nữa.
Hóa ra, văn chương có thể gây ra sự sụp đổ của một người, và các tiểu thuyết gia vẫn chưa phải vô tích sự và bất lực lắm. Trong Bữa sáng của nhà vô địch, thập niên 70 là một thời đại hậu sách, hậu văn chương. Cả hai nhan đề của nó, “Bữa sáng của nhà vô địch” và “Tạm biệt thứ hai buồn” đều là tên gọi và slogan các nhãn hàng (dù có thật hay không có thật). Văn chương bị quảng cáo đè bẹp dí. Thế văn chương hiện hình ở đâu? Câu trả lời là ở trong những tạp chí khiêu dâm. Hoặc là trên giấy vệ sinh. Mà phải là giấy vệ sinh trong buồng giam cơ. Truyện của Trout đều được viết lại tiêu đề rồi nhồi nhét vào đó. Thảm hại và rách nát, đó là văn chương.
Lướt qua thì Bữa sáng của nhà vô địch cũng có hình thức hơi phản văn chương. Vì cứ cách trang là nó lại án ngữ những hình minh họa to chình ình. Những hình minh họa đúng nghĩa minh họa, không làm gia tăng giá trị nghệ thuật của cuốn sách, có lẽ chỉ để người đọc đỡ nản hơn, họ có cảm tưởng mình đang được đọc truyện tranh chứ không phải truyện chữ. Đọc truyện chữ thì nhiều chữ, mà nhiều chữ thì hơi mệt. Có khúc, Kurt Vonnegut rầu rĩ cho rằng ông cũng chỉ là cái máy viết, khi chạy tốt, khi hỏng hóc, chẳng quý giá gì hơn một cái xe hơi hay một cái bẫy chuột.
Tiểu thuyết thông thường luôn cố gắng thuyết phục ta hãy tin vào những gì nó kể. Vonnegut thì không. Trên một lần ông nhấn mạnh rằng nhân vật của ông đang làm việc này vì ông bắt người đó làm như thế. Ông có quyền hành hạ các nhân vật cũng như Thượng đế có quyền hành hạ con người. Có đoạn ông giải thích vì bản thân rất thích một cảnh trong Alice lạc vào xứ sở thần tiên nên ông đã làm mọi cách để cho các nhân vật của mình hành động y như cảnh đó. Bằng cách ấy, Vonnegut như muốn nói rằng sự viết trước hết là để sướng cái thân mình đã. Mặt khác, cũng có lúc, một nhân vật do ông bịa ra, một nhân vật mà với ông là vừa yếu đuối vừa nhảm nhí, lại bỗng phát ngôn những câu làm ông sực tỉnh. Nhà văn viết văn, nhưng văn cũng viết nhà văn. Đoạn này có thể khiến ta liên tưởng tới David Mitchell trong tiểu thuyết number9dream, khi nhân vật chính gặp John Lennon và hỏi làm sao vị nhạc sĩ này viết ra được một bài hát, ông liền đáp: Nhưng tôi có viết nó đâu, nó viết ra tôi mà.
Vonnegut là một Mark Twain mới. Bữa sáng của nhà vô địch trước hết là tiểu thuyết về nước Mỹ, đất nước mà Kilgore Trout từng nghĩ ra ý tưởng cho một con tinh tinh làm tổng thống, đất nước mà mạng người dễ bị vứt bỏ như cái khăn ăn, đất nước của những gì rác rưởi nhất hoặc hoa mỹ nhất mà thường là cả hai cùng một lúc, đất nước với hai nhân cách – nhân cách Kilgore Trout đầy ắp những câu chuyện kỳ dị và nhân cách Dwayne Hooper giàu có nhưng suy sụp tinh thần; sau đó nó là tiểu thuyết về sự trơ trẽn của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, nơi những quảng cáo choán hết đời ta và marketing được mường tượng như cách mà người Trái đất sẽ chinh phục những hành tinh khác, mà có khi, nếu con người thực sự là một thí nghiệm của Đấng tạo hóa như Trout bốc phét thì ngài cũng đang định bán ta cho một nhà buôn nào đó; nhưng sau cùng, nó là một tiểu thuyết về tiểu thuyết.
Bất chấp việc Vonnegut bảo, viết là bộ môn bất khả truyền đạt, ông đang cho chúng ta ngó vào quy trình sản xuất chữ của ông. Viết, theo ông, chẳng phải gom góp tinh hoa gì. Viết, chẳng qua là “cố gắng dọn rác trong đầu – những cái lỗ trôn, lá cờ, quần lót.” Và đây, ông cho ta thấy cái bãi rác với đủ thứ hầm bà lằng đang phun ra xối xả, các nhân vật chính, nhân vật phụ, các vật thể từ lá cờ Mỹ đến công thức hóa học của phân tử nhựa bắn ra tung toé, không theo quy luật nào.
Các tác giả truyền thống thì giấu giấu giếm giếm bàn tay sắp đặt của mình, còn Vonnegut ư? Ông viết rằng khuôn mặt của Trout lấy từ khuôn mặt cha ông, giọng của Trout lấy từ giọng của cha ông. Ông viết rằng ông có một cái vòng và bây giờ ông muốn cái vòng xuất hiện trong câu chuyện, cho nên ông đã nghĩ ra cách này. Ông viết rằng mặc dù đây là một câu chuyện khoa học viễn tưởng nhưng ông cóc quan tâm gì về khoa học. Ông không che đậy sự bịa đặt của mình, ông đang bịa, nhưng đó là tất cả những gì mà ta còn kiểm soát được trên cõi đời mất kiểm soát này. Viết, đây là khi ông muốn làm gì thì làm.
Điều đó làm tôi nhớ về cái ngày khi tôi rảo bước trên Đại lộ Iowa nơi có lẽ vài chục năm trước Vonnegut cũng thường rảo bước, và tôi dẫm phải một cái nắp cống, trên cái nắp cống khắc câu văn của ông: “Chúng ta là những gì mình giả vờ là”. Nghe thật bi thảm. Như thể đời ta chỉ là một sự mạo danh, một văn bản hư cấu. Nhưng thật ra thì hư cấu có gì không tốt đâu? Chí ít ta được quyền bịa ra đời mình. Vế sau của câu ấy là: “Cho nên chúng ta phải thận trọng về những gì mà mình giả vờ là.” Vâng, hãy cứ bịa ra đời mình, nhưng bịa một cách thận trọng. Thế thôi.