Bước chậm với bốn mùa

Khu vườn, căn nhà xưa thoạt tiên là chốn ẩn núp trần gian trước mọi trần gian, như nhắn nhủ mình sắp xếp lại thời khóa biểu nhịp sống, quán tưởng lại đời sống, quán tưởng thân xác, nhìn lại tâm thức tâm ngữ, và như thế một cuộc đi chậm bắt đầu với bốn mùa.

Đêm nay

Một con đom đóm

Bay lên

Nhặt vầng trăng cuối cùng

Của năm

Hai không hai không

 

Quả tình khi bước vào khu vườn ấy, người ta không thể đi mau, bước thứ nhất khi cánh cổng vừa khép lại đằng sau, hình như phải cúi đầu,- xin lỗi người mới đến-, không phải do phép tắc (mà hóa ra thành phép tắc) mà do cây bông giấy lâu đời sa cành xuống thấp, nên tránh va đầu phải cúi, âu cũng là điều hay, đưa tin xin cần mực thước…

Và từ cái cúi đầu, sửa lưng hết cứng nhắc, hình như kim đồng hồ cá nhân nơi bước thứ hai cũng bắt đầu chuyển… quay ngược vài giây. Và như thế gần tròn ba trăm sáu mươi lăm ngày trải qua ở nơi đây, trong khu vườn xưa ấy, nơi từ lúc ra đi mình ước ao có lúc quay về ngồi ở bậc thềm một chiều đợi nắng tắt hay thức dậy bước ra vườn thăm hoa trái trong nắng mai còn mờ sương. Một khu vườn mà thoạt tiên mình nghĩ đã do mình đã khổ công chăm sóc tác tạo, từ hoang vu cho hết hoang vu, từ tàn rụi trở nên tươi mát, bất ngờ chính mình lại là kẻ phục tòng, và chính nó đưa khuôn phép…chầm chậm vài giây.

Không phải chỉ vì những con virus quái ác, Covid- 19 hay Covid- 20 xuất hiện ngay trong mùa xuân chưa tàn hết hoa lê, đã nhận chìm thế giới trong chết chóc đau thương, buộc con người phải thay đổi lối sống, phải sống tốt lành hơn, phải tự cách li, phải rửa tay, phải đeo mặt nạ, phải thở đều hơn, phải thôi hối hả, phải ngừng đua chen…,- ở trong khu vườn ấy, hình như sự đổi khác cách sống, sự chậm đi, ít lời và tiếng, cứu rỗi, nhín chừng hơi thở ra thở vô cũng hầu như là đương nhiên, không trói buộc, ít nhất tiếng vọng lại của tất cả hành vi ấy đều mang một ý nghĩa nhẹ hơn lực hút của Trái đất, nó như là điều hiển nhiên…

Một năm đại dịch Covid- 19 tàn phá loài người, giam lỏng loài người và biến khắp nơi thành những nhà tù dài hạn, hay phơi bày nhan nhản những cuộc ra đi vĩnh viễn, những xác người chồng chất không còn chỗ dung ở trong lòng đất. Và số phận người số phận mình cũng không khác hơn, cũng đều bình đẳng cơ hội sống chết trong cơn đại dịch, cũng ngấp nghé tử thần, nếu mình không biết tự cứu, tự sửa đổi, tự dừng lại, tự kiểm soát thân tâm. Một năm trường vô chủ ý lưu lại nơi khu vườn ấy, so với ngày trước mình thoắt đến thoắt đi, không phải là ngắn. Cơn đại dịch trói chân mình nơi đây, hầu như không còn cách nào khác hơn.

Khu vườn, căn nhà xưa thoạt tiên là chốn ẩn núp trần gian trước mọi trần gian, như nhắn nhủ mình sắp xếp lại thời khóa biểu nhịp sống, quán tưởng lại đời sống, quán tưởng thân xác, nhìn lại tâm thức tâm ngữ, và như thế một cuộc đi chậm bắt đầu với bốn mùa.

Mùa sinh “Cung ma chật hẹp, cửa Phật khôn xiết Xuân”, bước đi thứ nhất may sao lại kiến ngộ được với Kim Phật, khi lời chúc đầu xuân viết trên cây nêu: “Đào mai chúc Tết Tâm như Phật, Hồng hạnh vui xuân Phật tại Tâm” như đã được khu vườn đón nhận, như báo trước từ nay nương theo Phật nguyện làm việc lành.

Corona đã thắt chặt cung ma, hồi đầu quay về với Phật, mọi sợ hãi, mọi cô đơn đều biến mất. Tuy không có sập Thiền “Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng” ở núi Yên Tử, nhưng những bước đi theo Phật làm mình vững lòng, không còn nỗi sợ hãi, không còn thấy cô đơn. Tiểu vũ trụ của từng bước đi trông cậy vào hơi thở của chính mình bỗng mở ra đầy hoa lá và hương thơm xôn xao, mở ra và tàn rụng trong nỗi bình tâm chung cùng với vũ trụ ấy.

Mỗi ngày cỏ xanh mướt từ khung cửa nhìn ra, bước tới mới hiển ngộ cỏ trong mưa là ngọn bút tài hoa vẽ nên cảnh xuân có thật, trong mắt kẻ sĩ thi nhân thuần chất nhất nước Việt, vẫn trẻ mãi với núi non “Độ đầu xuân thảo lục như yên”. Thấy được màu cỏ xanh là màu sương khói như Nguyễn Trãi đã nhìn, chính là thấy được bản lai trần thế của cỏ pha sương trong chiều kích không gian Việt Nam, hoặc nơi bến nước hay trong vườn xưa, mà từ ngày cư ngụ nơi đây, chính mình thật sự rung động trong mỗi giây phút sáng chiều ngắm nhìn sương trên đầu ngọn cỏ hay cúi đầu dưới mưa sa mờ mịt nghe cỏ lướt thướt hát với mưa…

Nhiều bước trong khu vườn này từ bước này qua bước khác giúp âm thầm khải ngộ cái nhìn uyên nguyên như “núi là núi” mà trải bao mê lầm ta đánh mất, chối bỏ khư khư “núi là không núi”.

Mặc cho ai nghĩ với bao ngụ tình hình ảnh ngọn lá chuối non còn quấn chặt trỗi lên trên những tàn lá xanh biếc như một tình thư cuộn lại đợi gió mở ra:

“Tình thư một bức còn phong kín – Gió nơi đâu gượng mở xem” 

như Nguyễn Trãi đã nhìn lá chuối với tình người ngất ngây- có lẽ đã ngắm nhìn suốt cả đời người. Ngọn lá chuối non màu xanh như ngọc ấy trong nắng mai của một mùa hè nồng cháy hiện ra trong suốt như một dòng suối chảy ngược vào tim, đẹp muôn thuở vẻ tinh khôi phơi phới giữa trời và đất. Sự đồng điệu cảm xúc với nhà thơ có trái tim Việt thuần chất nhất hầu như đều xảy ra mỗi khi bước đến vườn chuối. và không chỉ là thơ, mà với màu lá và hương thơm gắn kết hai chữ thương yêu gia tộc, tha thẩn cũng bà và mẹ một thời quanh quẩn dưới bóng lá chuối trong những ngày gắt nắng.

Cho nên khi bước, chân cũng e dè bước với thương yêu

Mời ai quá bước sang vườn chuối. Bánh nậm ngày xưa lá chuối xanh. Chuối chín trên cành môi mẹ ngọt. Chuối dưa mùa lụt vị khổ qua. Dáng thô sơ chuối chưa biết chữ. Chút quê chuối ẩn hiện câu hò “Mẹ già như chưối bà Hương…”. Mùa mưa tàu lá chuối biết hát. Ù ơ ngọng nghịu theo mưa nhịp. Nắng mưa lạnh nóng vẫn bước kịp. Xuân hạ thu đông chuối chỉ biết. Một mùa cho trăm năm vĩnh viễn.

Mùa thương – Mưa nhiều lá chuối mượt xanh. Nắng nung trời xích đạo rực lá vàng

Kinh ngạc, không ngờ lá chuối thành thơ, không! là họa sĩ ẩn danh vũ trụ

Thu hết cả nắng càn khôn. Màu vàng lộng lá chuối- Đúc nên lâu đài Vàng Thương mấy kiếp… Bài hoan ca về chuối có thể là bất tận trong những ngày cuối xuân và chớm hạ…

 

Có lẽ bước chân dừng lại nơi vườn chuối thường lâu nhất với bao nỗi ngạc nhiên và đôi chút ân hận, đã có một lần khinh thường vườn chuối ở Hoa Sơn/ Yên Tử và cả những vườn chuối khác trên đất mẹ là quê mùa. Dạo ấy khi leo lên đỉnh núi Yên Tử, chân mình gấp gáp chỉ muốn chứng kiến hay trải nghiệm những gì hùng vĩ và cao ngất, tràn ngập kỳ hoa dị thảo của một vườn Thượng Uyển, đến khi đến chùa Hoa Yên, vườn sau là vườn chuối, cảm giác thất vọng đến nay vẫn vướng vất cộng thêm chút hối tiếc mãi hoài sao mình có thể ngu ngơ không biết giá ngọc ngà của cây chuối vườn sau mà những bà và mẹ trên thế gian vun xới. Sao không theo gương Điều Ngự nhìn chuyện thị phi như hoa rụng bên thềm?

Ở nơi đây câu chuyện thương yêu vẫn còn tiếp tục, như tuồng bà và mẹ, anh chị em vẫn quây quần quanh nồi bánh gói lá chuối lá dong thơm phức.

Cùng lúc với đại dịch Corona, ấy là mùa Huế nắng gắt gỏng chưa từng có. Suốt mấy tháng trời nóng vỡ càn khôn. Và những bước đi có lúc trĩu nặng những tin không vui về đại dịch, lại có lúc reo vui với màu ớt đỏ phơi trong sân cùng với cảm giác nồng nàn nắng cháy trên lưng. Mình thú thật, ai kêu nắng, mình cứ thích ra sân, đưa lưng để nắng đổ lên trên một thứ ấm nồng khó kiếm suốt mấy mươi năm ở xứ tuyết đổ… và nghe hơi ấm của Mặt trời chuyền vào tim.

Có trăm vàn bước đi ngổn ngang thế sự, nhưng ghi lại nơi đây ngày sinh của Cún Beau, một ngày tháng năm, lần đầu tiên trong đời mình nâng một chú chó nhỏ lên lòng bàn tay đưa em tìm vú mẹ, cảm giác hân hoan có một sinh linh vừa đặt chân lên mảnh đất này. Thương Beau mãi như ngày Beau đến cõi tạm dù nay Beau không còn. Sinh sinh và diệt diệt. Có phải mùa hè vừa qua bao con ve thoát xác để lại xác ve trên những cành nhãn lâu năm? Rơi lệ cũng là lẽ thường!

Cứ bước chân theo Phật để xem thị phi như mưa nắng bốn mùa, thị phi như hoa nở hoa tàn. Hoa rụng hết, mưa tạnh bên hiên, vườn lại tịch mịch, tiếng chim kêu báo hiệu xuân tàn (thơ Trần Nhân Tông) nhưng, với lòng tin chắc xuân sẽ trở lại…và Huế đó, khác với nhịp bốn mùa xuân hạ thu đông ở trời Tây, Huế ôm hết cả bốn mùa cùng trong một lúc, mưa đó nắng đó, mây và gió giữa chừng, sương mù và trăng sao mấy độ, và cả hoa, nghiệm ra một điều ở Huế hoa có thể nở bất chừng và hoa nở quanh năm…

Bước trong hoa…  cũng là bước trong cổ tích khu vườn, như bà mình thường kể đông lan nở thành suối tiên mà mỗi búp là khuôn mặt của một nàng tiên xuống trần, như một ông vua đem giống hồng chia cho cả trăm họ, để đất nước đầy rực sắc hồng và thoảng hương thơm. Đã từng nhìn hồng muôn sắc khắp nơi, ấy mà hồng Huế nhỏ nhắn thắm thiết màu son môi chúm, sắc nước hương trời rực rỡ nồng nàn không thể tả. Ai ngờ chính nó là Mai Khôi. Hương của hồng bay trong gió sớm, lung linh trong nắng mai trong lành gợi nên một thứ hạnh phúc nhẹ như giọt sương mai thấm mát buồng tim. Và bà tôi như còn đứng ở khung cửa mỉm cười, kể chuyện đông lan lại nở thêm một lần chen nhau với hồng thành một bài thơ nhỏ trong khu vườn xanh mướt, nhưng thật nhu mì, đứng chung với hồng mà như chị em Kiều Vân, và câu chuyện lan man theo gót chân, bước đi nhưng không nỡ rời, bàng hoàng nhìn quanh tôi hoa nở…và bóng dáng yêu kiều của những gương mặt thân yêu đã khuất hiển hiện khắp nơi, như một ngày hội Vu Lan ngục tù đày đọa được mở rộng, để con người hóa kiếp thành hoa.

Hồng nhung mười đóa

Lunh linh trước hiên

Màu đỏ thắm

Đàng kia ngũ sắc đua màu vạn sắc yêu

Hồng Huế mỹ miều đóa đóa hé môi son

Lan gót hài bước khoan thai trong gió…

Ngọc Lan ngà ngọc quý phái bên song

Và bay lơ lửng chân chưa chạm đất

Đóa thanh long vừa nở tinh khiết

Trắng tinh lộng lẫy trong sương mờ đục

Vừa xuống trần nên vẫn như thoát tục…

Tôi thú thật

Sáng Vu Lan thức giấc

U mê tôi nghĩ

Tìm một bông hồng cài áo… như vẫn nghe hát vẫn thấy cài hoa…

Ra vườn mới giật mình biết được

Nơi từng đóa hoa tôi nghe mùi thơm của mẹ rất gần,

Những cánh hoa, áo mẹ chạm tay mình

Bóng quỳnh hoa như dáng mẹ áo trắng vào ra

Hồng Huế là môi mẹ cười tươi

Hồng nhung là nhịp tim mẹ đập

Mẹ đang ở bên mình! mẹ không lìa xa!

Vu Lan năm nay

Có lẽ đây là tin vui nhất

Hơn một lần tôi cảm nhận được

Mẹ luôn ở trong tôi, bên tôi

Rất nhiều lúc mẹ ôm tôi

Như hôm nay trong lúc nhìn hoa nở…

Tất cả cùng nhau trong một niệm hơi thở

Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con

Thì đời đời kiếp kiếp mẹ con gần nhau…

Và cứ thế nơi mỗi bước đi, cảm giác được cùng chung với vạn kiếp, không sinh không diệt, sống động từng giây, một thứ có được thành ra gia trung hữu bảo vô kể, như một sớm mai bước đến, thấy hoa súng nở bốn cái trong hồ, vườn xanh mát trong nắng sớm, Beau (Bô) âu yếm mẹ. Và hứng được:

Giọt nắng trên tay Phật.

Và cứ thế lượng trời không chật, và từ đó hái hoa trao tặng người trở thành niềm vui bất tận:

Tặng em một đóa trà mi

Tinh mơ vừa nở xuân thì hồng tươi

Tặng em lan trở gót hài

Phiêu du một thuở bồng lai mới về

Tặng em hương mộc gần kề

Trộm thơm thoáng gió thầm thì tóc mai

Tặng em vàng nữa mai khai

Giữa trời thu bỗng riêng ai với mình

Tặng em hồng tím chung cùng

Đông lan nhỏ nhẻ chút tình thêm xinh

Mưa hay nắng vẫn Huế mình

Hoa thiên điểu hót trên nhành mãi xanh.

Và như thế Huế luôn là xuân

Trước khi Huế là mưa.

và Huế là:

Sáng

Mưa

Chiều

Đã lụt

Hẹn nhau hôm trước

Hôm nay biệt

Hải đường lạc bước

Ngỡ xuân! Đâu?

Bước trong mưa

Một người bạn đến Huế đưa tay lên trời than “Huế chi cũng đẹp, trừ mưa!” thật ra dấu trừ phải thành dấu cộng chứ và thêm một chữ nhất nữa. Nguyễn Trãi đã dùng một chữ “vỗ” để nói về mưa- mưa xuân- vỗ trời. “Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên”, nhìn mưa Huế thì còn hơn, “nước vỡ trời”! không vỗ mà vỡ:

7 giờ sáng mưa như trút nước

Vườn rau thành hồ rau

Và mưa và mưa và mưa

Huế ơi

Những ngày mưa đếm bước chân mưa, mình xâu thành chuỗi, hái mưa trên cành đem xâu thành chuỗi tặng bạn

Tặng em một nhánh mưa sây

Giọt long lanh kết chuỗi đầy yêu thương

Cành mưa trĩu nặng hạt lành

Hạt châu hạt ngọc xâu thành ước mơ

Mỗi hạt mưa một bài thơ…

Nhưng rồi thơ trở thành tiếng kêu trời trong con bão lụt.

Buổi sáng Mặt trời le lói qua đám lá vải trong sân, đổ oà trên nhánh nguyệt quế sáng lóa màu nhủ bạc, như ngụy trang một ngày nắng đẹp

Gió hẩy riu riu trên đám lá chuối vàng như có bàn tay vô hình vuốt ve trước giây phút quật ngã con mồi

Mây đang muốn giành ưu thế khỏa lấp Mặt trời để làm mưa mà mưa còn tức nghẹn ở bờ xa thẳm

Nước sông Hương lặng im bất ngờ như nín thở…

Tất cả hồi hộp đợi chờ

Nhưng hồng vẫn nở với trái tim sắp vỡ

Trang vẫn đỏ rộn ràng buổi tiệc cuối

Mai còn chới với trên không chưa biết tội tình chi

Đông Lan còn tấm tức nụ mưa lành chưa gột sạch trần gian

Chỉ duy mộc bình nhiên bên chén trà buổi sáng…ngu ngơ

Và bão đâu?

Bão cuồng phong đang rón rén…

Tinh ma

Cuộc tấn công kinh hồn..,

và cuộc tấn công thiên nhiên quả là cuồng nộ, bạo tàn và cay độc không kém con virus.

Có những ngày bị nước lũ vây quanh, bước chân không qua ngấn nước bên thềm, có những đêm tối đen không đèn, giữa nước mông mênh, tưởng như thế giới tắt lịm, và mình sẽ bị bỏ quên, mà tại sao lòng không sợ? Chỉ thấy thấm đượm hơn hiện sinh rét mướt của con người, cơn run lạnh chắc cũng bằng cơn run khi mới lọt lòng mẹ để lăn vào cát bụi cuộc đời, chợt hiểu ra ý nghĩa của nhẫn nại hiện sinh, theo lời Phật, sự nhẫn nại chờ cho hết kiếp, chuyển nghiệp lành, chờ một buổi sáng mai, ánh sáng sẽ tới.

Giữa những bơ vơ tột đỉnh, bỗng có tiếng chuông chùa Linh Mụ điểm về trong đêm, tiếng ngân lan trên mặt nước, như một thứ gót hài bước tới bằng tiếng tơ, chậm rãi, đầy từ bi, ngẩn người chợt thấy mình không cô đơn, chợt thấm đượm hơn câu thơ của vị vua Phật:

Trời thương cô quạnh, thỉnh thoảng điểm một hồi chuông giữa tầng mây.

Mình hiểu hơn dụng ý của Thiền sư, tiếng chuông ấy không nằm ngoài thị phi, sắc không, mà nằm giữa mỗi bước trần gian, có lẽ nằm trên, bao trùm cả hoa nở hoa tán, trời nắng trời mưa, giữa hai bước chân, giữa muôn vàn gót chân của hành nhân đi mãi, để hướng tới… một đóa hải đường nghe như vừa nở trong nắng mai một ngày xuân tạnh.

Biết rằng:

Ở nơi đây không có gì khác hơn là đợi chờ một thứ gì đó rất mong manh, như một hơi thở nhẹ thoáng qua, và sự chờ đợi cứ thế xảy ra từng giây, như một tia hi vọng, mảnh như tơ trời, một nỗi chờ đợi hân hoan nơi từng bước đi thăm hoa lá, một nỗi khắc khoải trở nên tiếng kêu vui, khi chợt nghe hương cài lên tóc, khi chợt ngửi sắc màu lộng lẫy quấn chân, khi chợt giật mình vì một cánh hoa rơi, khi ngỡ ngàng mộng triệu nơi tiếng đập cánh vô thanh của đôi bướm trắng, vỡ ra có tiếng xuân về nơi cửa không…. □

Tác giả

(Visited 36 times, 1 visits today)