“Burnt by the Sun”: Thánh thần nào đã ghét bỏ con người?
Một phần mở đầu ảm đạm có thể hứa hẹn một kết thúc tươi sáng hơn; nhưng một mở đầu mà nhân vật chính đã ở đỉnh cao, thì tất yếu sẽ phải lụi tàn. Đó là hành trình không thể nào khác được.

Dàn đồng ca trong Oedipus Rex đã kết thúc vở bi kịch Hy Lạp ấy bằng những câu này, xin tạm dịch: “Hãy nhìn Oedipus, người đã giải được câu đố thiêng và vươn tới đỉnh cao. Vận may của chàng khiến tất thảy đều ghen ghét. Hãy nhìn chàng lúc này đây và xem những con sóng tai ương đã nuốt chửng lấy chàng! Hãy luôn nhìn vào thời khắc sau cuối. Đừng cho phàm nhân nào là hạnh phúc cho đến khi hắn vượt qua giới hạn sau chót đời mình mà chẳng gặp tai ách nào.” Khi Kotov xuất hiện lần đầu trong Burnt by the Sun, ông hạnh phúc, cường tráng, mấy tiếng quát của ông là đủ làm cả một đoàn xe tăng của Hồng quân Liên Xô phải tuân phục, ai nấy trầm trồ khi trông thấy ông, ta đã cảm thấy một điều gì đó bất an.
Cũng như Oedipus bước vào vở kịch đã là vua, đã là “người vĩ đại nhất trong mắt người đời”, vị anh hùng giải phóng nhân dân khỏi Nhân Sư, Kotov mới bước vào phim đã chói lọi: người chủ của gia đình viên mãn, anh hùng dân tộc, người bạn thân của lãnh tụ. Lần đầu tiến vào màn hình, ông cởi trần, nằm trong nhà, ánh nắng chói lọi chiếu vàng từ ô cửa sổ nhỏ. Khi ông ra ngoài, ánh nắng cũng chiếu lên ông như một thứ trang sức, như quyền trượng hay vương miện cho ông. Ông làm chủ cả nội cảnh và ngoại cảnh như một quân vương ngồi trên ngai vàng. Nhưng chính sự huy hoàng ấy làm ta bất an. Một phần mở đầu ảm đạm có thể hứa hẹn một kết thúc tươi sáng hơn; nhưng một mở đầu mà nhân vật chính đã ở đỉnh cao, thì tất yếu sẽ phải lụi tàn. Đó là hành trình không thể nào khác được.
Burnt by the Sun (1994) của đạo diễn Nikita Mikhalkov là một trong bốn phim Nga từng đoạt giải Oscar cho hạng mục phim nước ngoài. Phim lấy bối cảnh thời kỳ Stalin, và kể về Kotov, một cựu binh anh dũng đã giải ngũ nhưng tiếng tăm vẫn còn vang dội. Ông đang tận hưởng ngày hè cùng đại gia đình nhà vợ trong một dacha đẹp như tranh nơi làng nhỏ thanh bình ở Liên Xô. Toàn bộ phim chỉ diễn ra một ngày mùa hè đó: mới đầu thật êm đềm, một vị khách lạ mà quen xuất hiện, những bí mật bắt đầu lần mở, kéo theo bi kịch. Tất cả ập đến nhanh như một xoáy lốc mùa hè, không báo trước.
Nếu có, chỉ là những điềm báo rất khẽ khàng. Mitya đã biến mất chín năm trước khi bất ngờ quay trở lại. Vị khách lạ mà không lạ, anh từng đính hôn với Maroussia, người giờ đã trở thành vợ của Kotov. Ngay trước khi anh trở lại, cả gia đình Maroussia và Kotov đang quây quần bên bàn ăn, có một lúc, họ nhắc đến vở Vườn anh đào của Chekhov. Vở kịch ấy, nếu ai còn nhớ nội dung, thì nó kể về một quý tộc sa sút trở lại điền trang xưa, với vườn anh đào xinh đẹp. Một thương nhân xuất thân nông nô bảo, hãy chặt vườn anh đào ấy đi, xây cái gì thiết thực hơn. Vườn anh đào cuối cùng bị phá hủy, chỉ nghe tiếng rìu bổ vào cây. Nhắc đến Vườn anh đào là mời gọi sự suy tàn, là điềm triệu của biến động.
Hành tung của Mitya có vẻ gì đó không bình thường. Khi trở về, anh cải trang trêu chọc mọi người. Anh trở lại bằng “mặt nạ”, che giấu dung mạo thật của mình. Sau khi tiết lộ danh tính rồi, anh đứng lên một cái ghế, trách bà giúp việc chẳng chịu quét dọn nhà cửa, xưa kia anh từng giấu một cây kẹo trên nóc tủ, và sau chín năm, nó còn nguyên ở đó. Một cái kẹo nguyên vẹn trong chín năm? Biểu tượng của gì đây? Sự ngọt ngào đã thiu mốc? Tuổi ngây thơ đã hỏng hóc? Nhưng nó không tan biến, nó vẫn còn lại ở đó: thi thể một viên kẹo, xác chết một tâm hồn, như một bóng ma vẫn luôn ở lại ngôi nhà này trong nhiều năm qua, chờ đợi được sống dậy và nguyền rủa.
Có điều, ở bề mặt, Mitya vẫn mang dáng vẻ của một người ăn kẹo. Bầu không khí xung quanh Kotov và bầu không khí xung quanh Mitya giống như hai dòng hải lưu đối nghịch va chạm nhau: một bên nam tính, vững vàng, uy lực; một bên tếu táo, nghịch ngợm, sôi nổi. Hai dòng nóng, lạnh gặp nhau, tất sẽ ngưng tụ thành sương mù dày đặc. Ta sẽ dần biết, Mitya trở lại có mục đích, anh đã trở thành một cảnh sát mật, anh quay về để trả thù. Mối thù của anh, mới đầu có thể khiến ta liên tưởng ra bá tước Monte Cristo, nhưng Monte Cristo hậu trả thù không thành ra loạn trí, còn Mitya thì có, nên ở đây, mối thù của anh lại gần Hamlet hơn. Một bi kịch là chưa đủ, ta có một bi kịch đôi, kiểu như cho Hamlet đối đầu Oedipus, hai kẻ định mệnh bắt chết phải gặp nhau để tiêu diệt lẫn nhau rồi tiêu diệt cả chính mình. Đó là thời đại mà ai cũng có thể tuyên bố rằng, tôi đã đẩy kẻ khác tới bước đường cùng, nhưng tôi đã làm đúng, tôi đã phụng sự cho một điều gì đó lớn hơn tôi. Nếu có trách, hãy trách hệ thống, còn con người cá nhân không có lỗi gì cả, vì con người cá nhân không có lựa chọn nào cả, họ sống trong hệ thống và một hệ thống thì luôn đứng trên con người.
Có những câu chuyện khác song song trong ngôi làng nơi gia đình Kotov đang ở: một nhóm người đang xây nên công trình kỷ niệm ngợi ca lãnh tụ; một người lái xe tải không tên, không danh tính liên tục lạc đường và hỏi đường, rồi bỗng nhiên bị Mitya bắn chết, dù anh chẳng làm gì sai. Khi anh chết cũng là lúc Kotov bị đánh đến đổ máu, và đằng xa, công trình kỷ niệm hoàn thành: trái khí cầu bay lên, mang theo một tấm chân dung bay phất phơ trong gió, nhăn nhúm lại rồi trải phẳng ra, như hình dáng không xác định của công lý, tấm áp phích bay lên như một bình minh mới, một Mặt trời thứ hai thay cho Mặt trời thật đang vào buổi xế chiều, rồi Mitya giơ tay chào – cùng bàn tay ấy chỉ vài khoảnh khắc sau sẽ lạnh lùng bắn người tài xế. Hình ảnh khí cầu kéo bức tranh lên, ở vài góc máy như lấp lấy một phần bầu trời, phải chăng là một bàn tay che trời để giấu đi tội ác?
Burnt by the Sun kể chuyện rất nhiều bằng những khuôn hình: một bàn chân non nớt của cô bé con được cha nâng lên trong ánh nắng, đôi bàn chân còn chưa hư hoại, chưa chai đá, chưa rách nát; hình ảnh hai cha con trên thuyền nhỏ thư thái trên con sông nhỏ trong rừng, thuyền trôi, trôi khỏi ống kính, chỉ còn mặt nước lăn tăn, thiên nhiên và đất mẹ vẫn êm đềm dù con người biến mất, đời người trôi qua; ánh nắng thi thoảng chiếu lên chỏm đầu của Mitya từ phía sau, như một con mắt luôn dõi theo anh, quan sát anh – là con mắt của hệ thống hay con mắt của lương tâm, là con mắt của quyền lực hay con mắt của hồi ức?; chiếc mặt nạ chống độc Mitya đội lên đầu trong khi ngồi ở cây đàn piano chơi điệu Can can rộn ràng cho mọi người nhảy múa – anh có thể nào chơi điệu nhạc ấy với bộ mặt trần trụi của mình được không? hay những giai điệu chỉ reo lên nếu như anh không để nó thấy ánh mắt anh đã đổi thay, anh đã không còn như xưa, như khi rời khỏi mái nhà này – và khung cảnh bỗng nhiên quái đản với sự hiện diện của chiếc mặt nạ ấy, như thể người ta sẽ nhảy múa đến chết, nhảy múa đến nấm mồ của đời mình; gương mặt Mitya giấu sau khung cửa sổ trong khi kể lại tuổi thơ – gương mặt anh rất thường xuyên bị giấu kín trong những khoảnh khắc nhân tính nhất, nhân tính đã bị giấu nhẹm đi, đã bị lấp lấy, và ta nhận ra ngay từ đầu đến cuối, ta hầu như chẳng được thấy gương mặt thật của anh bao giờ, khi ta thấy gương mặt anh thì đó chỉ là gương mặt của kẻ đang làm nhiệm vụ; trái cầu lửa bí ẩn thảng hoặc lại bay vào bộ phim như một đĩa bay, ta chẳng biết nó từ đâu đến, ai phái nó đến, nó đóng vai trò gì, mà nó là cái gì vậy?
Chừng ấy những câu hỏi có lẽ cũng là chừng ấy những thứ mà Kotov, cả vợ ông, cả con gái nhỏ của ông, thậm chí cả Mitya, đã và sẽ đặt ra, chỉ là “nó” sẽ được thay thế bằng số phận. Số phận khốn khổ của họ từ đâu đến, ai phái nó đến, mà nó là gì vậy? Tại sao Kotov bị trừng phạt? Tại sao ông phải chết? Tại sao? Sự thật là một điều gì đó nằm ngoài tầm với của tất cả những nhân vật trong phim, họ đều chỉ biết một phần sự thật, ai dường như cũng có những khúc mắc với những gì xảy đến với mình, họ không hiểu nổi nguyên nhân. Trước khi biến cố diễn ra trong đời họ, họ đều đang ở đỉnh cao đời mình: Mitya trước khi bị bắt trở thành cảnh sát mật là một chàng trai đang yêu; Kotov trước khi bị bắt đi là anh hùng nhân dân; vợ ông và con gái ông cũng đang hạnh phúc trước khi Kotov ra đi và sẽ không trở lại.
Nhưng tại sao lại như thế?
Đến bi kịch như Oedipus còn truy căn được nguồn gốc bi kịch của mình, vì chàng có thể bảo: “Ta bị thánh thần ghét bỏ.” Còn những con người này, ai ghét bỏ họ? Thánh thần nào đã bỏ rơi họ và muốn thanh trừng họ?□
Bài đăng Tia Sáng số 14/2025