Các khuyết tật lớn của các diễn giả

Nói, có thể là thuyết trình ở buổi thuyết giảng, đọc một bài tham luận vài mươi phút, hay thậm chí chỉ là đứng lên phát biểu một ý kiến trong buổi hội thảo, ra mắt sách, thế mà không ít người nói đã phạm phải mấy khuyết tật khó bỏ. Nó vừa gây trở ngại cho ban tổ chức, tạo chán nản cho hội trường, làm cho công cuộc trở nên vô bổ, qua đó không ít lần biến diễn giả thành trò cười. Nhận ra mấy khuyết tật và quyết cắt đứt chúng, là một cách phản tỉnh cần thiết cho sinh hoạt tri thức nói chung. Thử nêu ra mấy khuyết tật chính.

1. Thường là các kiến thức với vấn đề cũ lặp lại; một bài thuyết giảng không thể mới hoàn toàn, nhưng nếu từ đầu chí cuối nó chỉ gồm toàn mấy kiến thức phổ thông ai cũng biết; hoặc vấn đề cũ nhưng diễn giả không đưa ra cách nhìn mới, có lối kiến giải mới hay đề nghị biện pháp giải quyết mới, thì chúng gây nhàm chán biết bao. Đây là chuyện thường nhật tại các hội thảo, lỗi ở ban tổ chức là chính – bởi cả nể mà không dám cắt các tham luận thực sự “không có gì”.

2. Nếu không vấp phải khuyết tật cũ kĩ, thì nhiều bài đi ra ngoài lề hay lạc đề. Hội thảo “Quảng bá văn học ra thế giới” vừa qua, có tham luận thao thao bất tuyệt về chuyên môn sâu, nhấn về thế nào là thơ hay; rồi thì “thơ hay là thơ phải có tư tưởng, có nghệ thuật…” là điều chẳng có chút liên quan gì đến chủ đề hội thảo. Cũng hội thảo về “quảng bá” này, ở lần trước, một nhà văn trẻ dạy khách văn quốc tế thế nào là văn học đích thực và văn học thương mại. Bạn văn Australia ngồi cạnh tôi nói nhỏ: nỗi này chúng tôi đã học nát từ thời trung học rồi, sao nhà văn Việt Nam lại đi dạy chúng tôi ở đây. Đúng, nó vừa lạc đề vừa cũ rích.

3. Bố cục bài nói [hay ý kiến] không rành mạch, diễn giả tự biến mình trở thành kẻ kể chuyện lê thê dài dòng, chuyện này móc nối chuyện khác liên tu bất tận không biết đâu là điểm dừng. Như thể mình đang ở nhà mình tán gẫu vậy! Bố cục không rành mạch nên không biết phân bổ thời gian cho từng phần và toàn bài, thành ra diễn giả không biết kết thúc ở đâu, MC phải rung chuông hay khách thính phải vỗ tay mời xuống. Tội!

4. Cũng có khuyết tật thuộc kĩ năng. Lôi cuốn được người nghe thường thì do năng khiếu, nhưng nếu biết trui luyện, và biết lắng nghe, người nói vẫn có thể trở thành một diễn giả xuất sắc. Đằng này, ta ít khi chịu học. Suốt buổi giảng, diễn giả cứ giữ giọng đều đều không khác gì một giáo viên giảng bài trên lớp. Với sinh viên, học sinh thì còn có thể chấp nhận được, bởi họ cần tập trung lắng nghe để làm bài lấy điểm, chứ với bộ phận thính giả khác thì lối hát ru em dễ làm họ ngán. Tội hơn cả là diễn giả không chịu nhìn xuống hội trường, ở đó cả khối người đang ngáp dài ngáp ngắn hay quay sáng nhau nói chuyện riêng. Phần ta ta cứ thuyết.

5. Nhiều diễn giả không biết nhấn, không biết đánh thức và làm hưng phấn người nghe bằng câu hỏi mang tính tương tác. Ở một buổi nói chuyện do Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại Đồng Nai năm 2013, có diễn giả sau bài thuyết trình dài gần hai tiếng đồng hồ, viết cho khách thính địa chỉ email, và nói: “Nếu anh chị nào có ý kiến, xin hãy gửi email cho tôi”. Chỉ có thế, không hơn. Tại sao không để khách thính trực tiếp đặt câu hỏi tại chỗ, để diễn giả trả lời. Rồi, sau đó là các tương tác giữa khách thính với nhau. Qua không khí tương tác, người nghe đỡ nhàm chán hơn, và hội trường sẽ sôi động hơn không? Và đề tài sẽ được mở rộng qua nhiều chiều nhìn thú vị hơn sao?

6. Khuyết tật khác, là diễn giả lắm lúc pha trò vô duyên. Khôi hài đôi lúc cũng cần, nhưng pha trò vô duyên là điều tuyệt đối tránh. Có vị còn tự làm căng thẳng không khí hội trường bằng cách phê phán người này người nọ hoàn toàn không cần thiết. Nữa, có diễn giả sau vài phút thuyết bỗng quay sang nói về mình. Nhà nghiên cứu hay giáo sư thì kể lể về thành tích của mình, diễn giả là nhà thơ thì lôi thơ mình ra đọc để chứng minh cho luận điểm vừa nêu – cực kì lãng.             

                                                              ***

Cái đáng sợ nhất ở nhiều hội thảo, bàn tròn hay cà phê sách… chính là sự nhảm nhí và vô bổ của chúng. Thuốc đặc trị sự vô bổ này không gì hơn là chống chỉ định: Với người viết, cấm dùng lại tham luận cũ. Với đại biểu, chỉ mời người có quan tâm và từng có những đóng góp nhất định vào đề tài hội thảo. Yếu tố cuối cùng là việc chọn người ngồi bàn chủ trì, vừa uy tín chuyên môn, vừa khả năng điều hành hội thảo và cả cá tính nữa. Tại sao? Bởi chỉ cá tính mạnh, ông/ bà ta mới đủ can đảm cắt các thuyết giảng lan man hay ý kiến lạc đề. Lạc đề nên vô bổ.

Làm sao cắt đuôi được sự vô bổ của hội thảo các loại?

Sau hai năm thành công về tổ chức Bàn tròn Văn chương ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, năm 2011, tôi được mời ra Hà Nội làm ba kì Bàn tròn. Tại đó, tôi đưa ra Quy ước BA KHÔNG, điều chưa từng có hội thảo nào đề ra như thế, trước đó: Thứ nhất, “không ‘đọc’ tham luận”. Bạn chỉ có thể ‘nói’ tham luận trong năm phút, dành 15 phút còn lại cho mọi người thảo luận. Điều này hơi khó, nhưng dẫu khó thế nào, diễn giả vẫn chấp nhận được. Riêng một nhà văn đã “xin chủ trì cho phép tôi được đọc”. – Vâng, bạn đọc. Mất 12 phút. Tôi nói: – Bàn tròn là nơi mọi người gặp gỡ để tương tác và đối thoại, chứ không phải độc thoại; bạn muốn độc thoại, vậy hội thảo tạm cho qua, không thảo luận về tham luận này.

Thứ hai, “không ngoài lề và lạc đề”. Tất cả đều ừ, vâng. Nhưng thế nào rồi cũng có vị lạc đề và nhất là ngoài lề. Tôi quen anh này ở đâu, lần đầu gặp gỡ Trại sáng tác… từ đó tôi đã rất cảm kích về nỗ lực không mệt mỏi của anh, tôi cho rằng đây là tài năng cần tạo điều kiện giúp đỡ, v.v… Không thấy đâu tác giả với tác phẩm đang được mang ra thảo luận, mà chỉ toàn câu chuyện cà kê ngoài lề, rất nhảm nhí. Thế là: cắt.

Cuối cùng, quy ước thứ ba: “không khen không chê”. Đây là điều khó thực hiện nhất, chẳng những với người đọc bình thường thôi, mà cả với các nhà phê bình được cho là chuyên nghiệp. Chỗ thân thiết, ta quen ban tặng cho nhau lời khen dễ dãi; còn với nhà văn có nợ nần, ta mạt sát họ không thương tiếc. Hoàn toàn vô bằng! Ở đây, không khen không chê thì làm gì? Có vài cánh tay thắc mắc đưa lên. Tôi nói: – Bạn hãy định tính, định danh và đưa ra dẫn chứng cụ thể để thuyết phục người nghe chấp nhận lập luận của bạn. Vậy mà ở đó, riêng tiết mục này, bao nhiêu người đã phạm quy!  

(Inrasara, “Làm thế nào cắt đuôi khuyết tật của hội thảo”, báo Văn nghệ Thành phố, 15-9-2012) 

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)