Các nhà soạn nhạc tiêu biểu thời Phục Hưng

Dù không được thính giả ngày nay biết đến rộng rãi như đồng nghiệp của các thời kỳ sau nhưng những nhà soạn nhạc thời kỳ Phục Hưng cũng để lại không ít dấu ấn trong kỹ thuật sáng tác cũng như trong cải tiến nhạc cụ biểu diễn.


Hai nhà soạn nhạc Guillaume Dufay (trái) và Gilles Binchois.

Trường phái Bourgogne

Guillaume Du Fay, hay Dufay (khoảng năm 1397 –1474) là người đã mở đầu một thế hệ mới trong âm nhạc với các tác phẩm âm nhạc nhà thờ và các bài hát thế tục. Một trong những bước đột phá của Du Fay là viết cho nhạc cụ như đàn lute, spinet, viola, virginal, sáo dọc, và đàn lira de braccio độc tấu chứ không chỉ để đệm cho ca sỹ hát. Ngoài ra, ông còn thay đổi thể loại bài hát sang các bản hòa âm, từ đó giúp cho các giai điệu có sự mượt mà hơn so với ca từ phức tạp của giai đoạn cuối Trung cổ. Du Fay không chỉ là nhạc sĩ mà còn là thầy của nhiều nhà soạn nhạc; ông đã dạy họ những hình thức cơ bản của hòa âm và truyền thụ nhiều kiến thức khác liên quan đến âm nhạc.

Ông là nhân vật trung tâm trong trường phái Bourgogne, được người đương thời đánh giá là nhà soạn nhạc hàng đầu châu Âu trong giai đoạn giữa thế kỷ 15, quan điểm này cho tới nay vẫn giữ nguyên giá trị của nó.

Trường phái Pháp – Flemish (Người Hà Lan)

Josquin des Prez (khoảng năm 1455–1521) được đánh giá là một trong những nhà soạn nhạc giỏi nhất và có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử âm nhạc phương Tây. Josquin từng được nhà thần học và nhà cải cách tôn giáo người Đức Martin Luther (1483 – 1546) hết sức ngưỡng mộ và tôn xưng là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất; không những thế, âm nhạc của ông còn được truyền bá khắp châu Âu, đặc biệt là Đức, nhiều thập kỷ sau khi ông qua đời. Kết cấu bài hát và cách đặt ca từ của Josquin đã đặt nền móng cho sự phát triển tiếp theo của kỹ thuật hòa âm. Tính biểu hiện cao trong nhạc phẩm của ông đã đánh dấu sự tách ly hoàn toàn khỏi truyền thống âm nhạc trừu tượng thời Trung cổ.

Các tác phẩm của Josquin là sự kết hợp hiếm có giữa sự sáng tạo và trình độ kỹ thuật bậc thầy, nhờ đó ông đã giành được vị trí là nhà soạn nhạc nổi bật nhất trong giai đoạn đầu thế kỷ 16, và  là một trong những đỉnh cao của nền âm nhạc phương Tây.

Orlando di Lasso, hay Orlando Lassus, (khoảng năm 1530 – 1594) là nhà soạn nhạc đại diện cho phong cách phức điệu và được đánh giá là nhà soạn nhạc năng suất và đa tài nhất trong giai đoạn cuối thời kỳ Phục Hưng; ông đã sáng tác nhiều dòng nhạc khác nhau. Các tác phẩm của ông nổi bật vì mối liên kết hợp logic âm thanh với ca từ, từ đó hình thành nên một tổng thể nhất quán về âm nhạc. Ở thời đại Lasso, đây là một kỹ thuật khác thường, vì thế cũng không mấy ngạc nhiên khi ông được đặt cho những biệt danh như “Orpheus của Bỉ” hay “hoàng tử âm nhạc”. 

Lasso sáng tác nhiều thể loại âm nhạc, bao gồm villanella, chanson, madrigal, motet, lied, hymns và lamentations. Các tác phẩm của ông bao gồm những bản satire, hay “những bài hát về niềm vui của cuộc sống” và “những bài hát buồn về tình yêu.” Ngoài ra, Lasso còn sáng tác một số nhạc phẩm thuộc thể loại thánh nhạc; tuy ít nhưng những tác phẩm này đã giúp ông trở thành những nhân vật được sùng kính.

Trường phái Roma
 
Giovanni da Palestrina (khoảng năm 1525-1594) là đại diện nổi tiếng nhất của trường phái Roma thế kỷ 16. Palestrina có sức ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của âm nhạc nhà thờ, và các tác phẩm của ông được đánh giá là đỉnh cao của thể loại nhạc phức điệu thời kỳ Phục Hưng. Ông thậm chí còn được người đương thời tôn xưng là “Đấng Cứu thế của dòng nhạc nhà thờ” trong thời kỳ Cải cách Tin lành. Nhiều thế kỷ sau khi qua đời, âm nhạc của Palestrina vẫn được nhiều tín đồ sùng đạo trên thế giới tìm đến.

Gần đây, sự phát hiện nhiều nhạc phẩm bị lãng quên của các nhà soạn nhạc thời kỳ Phục Hưng như Orlande de Lassus và William Byrd với những nét đặc sắc riêng cho thấy họ cũng xứng đáng là gương mặt đại diện cho âm nhạc giai đoạn cuối của thời kỳ Phục Hưng. Song các học giả thế kỷ 20 và 21 nhìn chung đều thống nhất một quan điểm rằng Palestrina là nhà soạn nhạc thiên tài, âm nhạc của ông thể hiện đỉnh cao của sự hoàn hảo trong kỹ thuật sáng tác. 

Trường phái Venice

Giovanni Gabrieli (khoảng năm 1557-1612) là nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ đàn ống nổi tiếng của Italy. Ông là một trong những nhạc sĩ có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất đương thời và là đại diện cho đỉnh cao phong cách sáng tác của trường phái Venice trong giai đoạn chuyển giao từ thời kỳ Phục Hưng sang Baroque.

Gabrieli thường sáng tác nhạc cho từng đội hợp xướng riêng, nhưng về sau ông càng có xu hướng phân biệt rõ loại nhạc cụ nào nên dùng cho từng đội hợp xướng, và đội hợp xướng nào chỉ cần sử dụng nghệ sĩ solo, đội nào nên biểu diễn toàn bộ hay phong cách cho từng đội là gì; với phương pháp này, ông đã tạo ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ đối với việc sáng tạo nên âm sắc và cách phối hợp trong âm nhạc.

Sự độc đáo trong âm nhạc của Gabrieli một phần đến từ mối gắn bó của ông với nhà thờ Thánh Mark tại Venice, một trong những nhà thờ quan trọng nhất châu Âu; ông đã sáng tác nhiều nhạc phẩm dành cho nhà thờ này.

Ngày nay, các tác phẩm khí nhạc của Gabrieli được đánh giá là đỉnh cao trong phong trào phát triển khí nhạc thế kỷ 16.

Thể loại Chanson Pháp

Gilles Binchois (khoảng năm 1400-1460) là nhạc sĩ cùng thời với Guilliame Du Fay, và là nhà soạn nhạc hàng đầu của trường phái Bourgogne trong giai đoạn giữa thế kỷ 15. 

Binchois thường được đánh giá là người soạn giai điệu hay nhất của thế kỷ 15; những giai điệu của ông được viết cẩn thận, không những dễ hát mà còn rất dễ nhớ. Âm nhạc của ông đều có kết câu đơn giản và rõ ràng. Trong cả hai dòng nhạc thánh và nhạc thế tục, Binchois đều chú trọng tới tiết tấu nhẹ nhàng tinh tế, giai điệu du dương, và cách xử lý mượt mà đối với những điểm trái ngược trong những nhà soạn nhạc đương thời. Phần lớn các bài hát thế tục của ông đều thuộc thể loại rondeaux (một hình thức thơ Pháp, cùng với ballade và virelai là một trong ba hình thức thơ phổ nhạc vào cuối thế kỷ 13 tới thế kỷ 15), và trở thành hình thức thơ nhạc phổ biến nhất thế kỷ 15. Mỗi bài hát của ông đều được ví như một kiệt tác được viết trau chuốt từng lời, từng giai điệu. Ca từ trong các chanson của ông phần nhiều đều lấy ý tứ từ các bài thơ của nhiều nhà thơ nổi tiếng như Charles hay Duc d’Orléans. Âm nhạc của Binchois, đặc biệt là các bản chanson, được biết đến rộng rãi và là cảm hứng sáng tác cho các nhà soạn nhạc khác.

Thể loại Madrigal Ý

Luca Marenzio (1553-1599) là nhà soạn nhạc kiêm ca sĩ người Ý hoạt động trong giai đoạn cuối thời kỳ Phục Hưng. Ông là một trong những tác giả nổi tiếng nhất ở thể loại madrigal; ông đã có một số tác phẩm kinh điển thuộc thể loại này trong giai đoạn phát triển cuối của nó, trước khi nền âm nhạc chuyển sang thời kỳ Baroque. Tính tổng cộng, Marenzio đã viết khoảng 500 bản madrigal với phong cách đa dạng, từ nhẹ nhàng nhất cho tới nghiêm túc nhất; các bản madrigal của ông chứa đầy những ca từ mang tính tượng hình, hài hòa cùng nhiều đặc điểm khác của phong cách madrigal thời kỳ cuối. Marenzio rất khéo léo trong việc khơi gợi cảm xúc và trí tưởng tượng nhờ ca từ mang tính thơ ca trong các bản madrigal. Ông là người có ảnh hưởng quan trọng tới Claudio Monteverdi, nhân vật có vai trò lớn nhất trong việc sáng tạo nên thể loại âm nhạc mới, opera. Sức ảnh hưởng của Marenzio lan tới tận Anh, các tác phẩm của ông có mặt trong tuyển tập madrigal xuất bản năm 1588, Musica Transalpina, tuyển tập này đã tạo nên một cơn sốt madrigal tại Anh năm đó.

Thể loại Madrigal Anh

Thomas Morley (khoảng năm 1558-1602) là nhà soạn nhạc, nhà lý thuyết âm nhạc, ca sĩ, kiêm nghệ sĩ đàn ống trong thời kỳ Phục Hưng. Ông là một trong những tác giả tiêu biểu của thể loại madrigal Anh, được coi là cha đẻ của thể loại này. Ông là người đầu tiên và cũng là người có đóng góp lớn nhất trong toàn bộ quá trình “di chuyển” truyền thống madrigal Ý sang Anh; ông cũng là người có công đầu trong việc nhanh chóng truyền bá những phong cách và hình thức sáng tác madrigal Ý, biến chúng thành truyền thống của Anh.

Các sáng tác của Morley được viết theo hai phong cách riêng biệt. Là học trò của William Byrd, ông được đào tạo theo phong cách sáng tác mang đậm tính phức điệu của Anh giai đoạn trước madrigal; tuy nhiên, trong những nhạc phẩm được sáng tác trong thập niên 1590, Morley lại thể hiện tài năng bậc thầy theo phong cách madrigal Ý với đặc trưng là tính hiệu quả tức thời, giai  điệu nhẹ nhàng hài hòa, tiết tấu sôi nổi, và ca từ rõ ràng.

Quỳnh Ca tổng hợp

Tác giả

(Visited 121 times, 1 visits today)