Cách trở thành một người khắc kỷ
Massimo Pigliucci trong cuốn Cách trở thành một người Khắc kỷ đã sử dụng vốn hiểu biết chuyên sâu của mình về khoa học tự nhiên để minh giải các luận điểm triết học, làm cho cuốn sách trở nên gần gũi với đại chúng nhưng cũng đầy hàm lượng tri thức triết học và khoa học. Ở Việt Nam, cuốn sách ra đời như một sự trấn an sau trận đại dịch Covid-19 - khi ta nhận thấy rõ hơn hết tính mong manh và bấp bênh của thân phận người.
Một trong những hiểu sai tiêu biểu nhất về Chủ nghĩa Khắc kỷ (Stoicism), là thứ học thuyết khuyên ta nên “nín nhịn và áp chế cảm xúc của bản thân”. Chủ nghĩa Khắc kỷ dạy ta cách theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp trên cơ sở sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của thế giới và bản chất của lý trí con người. Nó nhắc nhở ta điều gì thuộc và không thuộc về mình. Nó không phải là thứ triết lý vị ngã, sống an phận, lánh đời; trái lại, nó kêu gọi con người chú tâm tới các kích thước đạo đức trong hành động, để rồi từ đó nhận ra tính phổ quát của thân phận con người, sống và hành động theo đúng bản chất của lý tính và của tự nhiên.
Căn cứ theo các lĩnh vực khảo sát của hệ thống triết học Khắc kỷ, Massimo Pigliucci trình bày nội dung chính của cuốn sách theo ba phần, theo từng lĩnh vực: lĩnh vực ham muốn, lĩnh vực hành động và lĩnh vực tán thành.
Lĩnh vực ham muốn
Nguyên tắc chỉ đạo cho việc tổ chức cuộc sống của ta là phân biệt cái thuộc về ta và cái không thuộc về ta. Cái thuộc về ta là những thứ ta có thể kiểm soát được, còn tất cả những gì không thuộc về ta đều nằm ngoài khả năng kiểm soát của ta. Sự phân biệt này có cơ sở khoa học của nó từ Vật lý học, một bộ phận của hệ thống triết học Khắc kỷ, vốn là môn khoa học mang lại cho ta những hiểu biết về cách vận hành của thế giới. Cái thuộc về ta là bất cứ những gì ta làm; cái không thuộc về ta là bất cứ những gì không phải ta làm. Sự phân biệt có tính nguyên tắc này dạy ta rằng thay vì phung phí thời gian và sức lực vào việc cố kiểm soát những thứ không thuộc về ta, ta hãy “tập trung sự chú ý và nỗ lực của mình ở chỗ mà ta có nhiều khả năng tác động nhất và sau đó cứ để vũ trụ vận hành theo ý nó”.
Ví dụ về cách áp dụng nguyên tắc này vào cuộc sống là trường hợp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Bỗng một ngày người con mới lớn của bạn trở nên chống đối bạn, dù trước đó mối quan hệ tưởng chừng rất khăng khít. Bạn bỗng cảm thấy tiếc nuối rằng phải chăng trước kia bạn chưa đủ yêu thương và chăm lo cho con và bất lực trước hiện tại. Khi đó, nguyên tắc này nhắc nhở ta rằng, những gì thuộc về quá khứ đều nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, ta chỉ có thể thay đổi được hiện tại mà thôi. Chính vì thế, thay vì lãng phí năng lượng cảm xúc vào việc tiếc nuối, điều duy nhất bạn có thể làm lúc này là giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc đời. Và, dù có thành công hay không, điều tốt nhất bạn có thể làm là điềm đạm chấp nhận kết quả.
Sống thuận theo tự nhiên là nguyên tắc cơ bản thứ hai của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Nguyên tắc này nói rằng ta phải sống theo bản tính tự nhiên của chính mình. Theo dòng tiến hóa, tự nhiên cấu tạo nên số phận của ta như là một hữu thể có lý tính, tức một loài sinh vật có khả năng sử dụng lý trí. Lý tính là cái phân biệt ta với các loài khác, là cái cho ta biết rõ đâu là những bổn phận ta phải làm trong thân phận làm người. Nếu ta hành động có tính cách hiếu chiến, gây hại, hung hăng và thô lỗ là ta đang trượt dốc đến mức của loài thú, điều đó có nghĩa ta đã hủy hoại cái nhân tính trong ta vốn được cho là quý giá nhất và tự nhiên nhất mà ta có được. Do đó, sống thuận theo tự nhiên là sống đúng với bản tính lý tính của mình, sử dụng nó để “tạo dựng xã hội tối ưu mà con người có thể tạo dựng nên”.
Đào luyện và vun bồi các giá trị nội tâm là căn bản để có được một cuộc sống hạnh phúc đầy thiện hảo (eudaimonia) nhưng không vì thế mà coi nhẹ những cái bên ngoài như sức khỏe, của cải, giáo dục. Chúng là cái không thuộc về ta, trung tính về giá trị, không liên quan đến việc bạn theo đuổi một cuộc sống đức hạnh, nhưng được ta “ưa chuộng” miễn là chúng không cản trở ta thực hành lối sống đức hạnh của mình. Sống trong tinh thần Khắc kỷ không đồng nghĩa với khổ hạnh, mà ta có thể làm giàu chính đáng, chăm lo sức khỏe của mình với điều kiện không đánh đổi chúng với đức hạnh của chính mình. Nghệ thuật sống là sự hài hòa giữa đức hạnh và những cái trung tính được ưa chuộng.
Chủ nghĩa Khắc kỷ dạy ta cách theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp trên cơ sở sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của thế giới và bản chất của lý trí con người. Bốn đức hạnh cốt yếu của thuyết Khắc kỷ là: khôn ngoan thực hành, can đảm, tiết độ và công chính.
Lĩnh vực của hành động
Phần này tác giả khảo sát bốn đức hạnh cốt yếu của thuyết Khắc kỷ để thấy được tầm quan trọng của chúng trong đời sống đạo đức của ta: khôn ngoan thực hành, can đảm, tiết độ và công chính. Sự khôn ngoan thực hành giúp ta đưa ra những quyết định sáng suốt để sống một cuộc sống tốt đẹp, lòng can đảm là năng lực để ta hành động đúng với phẩm cách của mình trong những hoàn cảnh khó khăn đầy thách thức, sự tiết độ để ta có thể kiểm soát được những ham muốn của mình, tránh những hành vi thái quá, và công chính là để ta đối xử với người khác với lòng tự trọng và công minh. Các đức hạnh này thực ra là các phương diện khác nhau của cùng một phẩm tính nền tảng: sự khôn ngoan minh triết (wisdom) – là khả năng duy nhất của con người giữ mình tốt đẹp trong mỗi hoàn cảnh và trong mọi hoàn cảnh.
Điều thú vị là tác giả dẫn chứng một công trình nghiên cứu2 khảo sát các đức hạnh được minh giải trong các truyền thống triết học và tôn giáo của các nền văn hóa khác nhau như Phật giáo, Kitô giáo, Nho giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, Đạo giáo và “triết học Athens”. Công trình này cho thấy, tuy thuộc về những nền văn hóa khác nhau, nhưng nhân loại đều có một hằng số trong quan niệm về đức hạnh. Bốn đức hạnh của người Khắc kỷ nói trên nằm trong tập hợp sáu đức hạnh cốt lõi mà mọi nền văn hóa đều có chung – hai đức hạnh còn lại là tính nhân loại và tính siêu việt vốn hàm ẩn trong bộ phận lý thuyết khác của thuyết Khắc kỷ. Đây là một phát hiện thú vị, nó cho ta thấy tầm quan trọng của chúng trong việc hoàn thiện nhân cách của ta vừa với tư cách cá nhân vừa với tư cách loài.
Một phương pháp hiệu quả để rèn luyện đức hạnh của ta là quan sát và noi theo những gương mẫu, những con người tận dụng những nghịch cảnh của số phận để rèn luyện cách sống trong đời: Larry Becker vượt qua những ảnh hưởng của bệnh bại liệt và thăng hoa trong sự nghiệp dạy học và nghiên cứu của mình, hay Andrew Overby chiến thắng căn bệnh trầm cảm của mình bằng cách biến nó thành một loại tài sản có ích. Các gương mẫu ấy cho thấy để thành một người Khắc kỷ thì điều cốt yếu cần ghi nhớ là “ta phải suy ngẫm về hoàn cảnh của mình, và thật nỗ lực nhìn mọi sự theo một góc nhìn khác, một góc nhìn vừa đậm lý tính hơn lại vừa giàu lòng trắc ẩn hơn”.
Lĩnh vực của sự tán thành
Phần này bàn về các phản ứng tốt nhất với các tình huống. Trong lĩnh vực này, Massimo Pigliucci mời gọi độc giả đến với những suy ngẫm Khắc kỷ về những những chủ đề trọng đại: cái chết và sự tự sát, tình yêu và tình bạn; cách ứng phó với cơn giận, nỗi lo âu và sự cô đơn.
Triết lý Khắc kỷ cho rằng con người là những sinh vật có “số mệnh phải bị gặt”, tuy nhiên, không phải ai cũng đón nhận điều đó một cách bình thản. Cuộc sống là những buổi tiệc tùng hay lễ hội, đến khi tiệc tàn, ta “hãy rời đi trong tinh thần tri ân và khiêm nhường” để nhường chỗ cho kẻ khác; nếu ta không rời đi thì lấy đâu ra chỗ cho người đến sau, người tất yếu phải được sinh ra?
Nhưng điều đó không có nghĩa là chủ nghĩa khắc kỷ tôn vinh sự tự sát. Tự sát có hai loại. Loại thứ nhất là hành vi của thái độ coi thường mạng sống hay chẳng có lý do nào chính đáng, tức hành vi không hợp với lý tính; loại thứ hai là hành vi hợp lý tính. Người Khắc kỷ chỉ tán thành loại thứ hai. Họ ví tự sát như là “cánh cửa mở”, tùy tình huống cụ thể được xem xét kĩ càng mà ta quyết định bước qua nó hay không. Nếu cánh cửa ấy là “một lối thoát tôn nghiêm” để giải thoát mình hay bảo vệ phẩm giá của chính mình thì người Khắc kỷ sẵn sàng bước qua một cách không nao núng. Việc bước qua cánh cửa đối với triết gia khắc kỷ thời La Mã Lucius Annaeus Seneca là để bảo lưu tính chính trực của mình, đối với Cato Trẻ (Marcus Porcius Cato “Uticensis”), một chính trị gia thời La Mã, cũng là một tín đồ của Chủ nghĩa Khắc kỷ là để bảo vệ mục tiêu chính trị của mình, không để bị kẻ khác lạm dụng, đối với người thầy thuốc Zeno xứ Cyprus là để giải phóng mình ra khỏi cơn đau ngày càng không kham nổi. Ngày nay, tự sát vẫn là chủ đề được tranh biện trong phạm vi đạo đức và y khoa và quan điểm Khắc kỷ này vẫn còn nhiều đóng góp vào cái nhìn tiến triển của chúng ta về thế giới.
Cơn giận, nỗi lo âu và sự cô đơn là ba căn bệnh lớn của cuộc sống hiện đại. Nguyên tắc Khắc kỷ để xử lý các tình huống này là “ta nên lùi lại một bước và phân tích tình huống bằng lý tính, luôn ghi nhớ thế lưỡng phân của sự kiểm soát giữa những điều nằm trong khả năng của ta và những điều không”. Chẳng hạn, khi trở nên giận dữ, ta nên “lùi lại một bước” bằng các kĩ thuật thư giãn, như hít thở thật sâu và đi bộ một vòng theo gợi ý của triết gia Seneca, rồi tìm cách mô tả lại tình huống khiến ta giận dữ theo cách bình thản và chính xác nhất để thấy được việc ta giận dữ như thế là thiếu cơ sở và có thể dẫn ta đến những hành động sai lầm. Tương tự như thế đối với sự lo âu và tình trạng bị cô đơn.
***
Khép lại cuốn sách là một phụ lục mô tả khái quát các trường phái triết học thực hành thời Hy Lạp hóa: học phái Socrates, học phái Plato, học phái Aristotle, học phái Cyrene, học phái Epicurus, học phái Khuyển nho và học phái Khắc kỷ. Bức tranh các học phái triết học này cho thấy một cuộc sống hạnh phúc thiện hảo có thể được theo đuổi theo nhiều cách khác nhau, và thuyết Khắc kỷ không phải là một lối đi duy nhất, vì thế việc tiếp thu và ứng dụng một triết lý về cuộc sống để dẫn dắt bạn là quan trọng hơn việc bạn chọn theo một học phái triết học cụ thể nào.□
—–
Tác giả công tác tại Đại học Thủ Dầu Một.
2 Katherine Dahlsgaard, Christopher Peterson và Martin Seligman. “Shared virtue: the convergence of value human strengths across Culture and history”. Review of General Psychology 9 (2005): 203-213.