Cafe Hà Nội – một không gian đặc sắc

Không có sự vội vàng trong cách thưởng thức cafe như người Mỹ, không phải là thứ cafe loãng kiểu Pháp, không phải thứ cafe đậm hương kiểu Ý, cafe Hà Nội là một thứ văn hóa ngoại lai cách đầy gần một thế kỉ, nhưng trong bản tổng phối của thành phố ngàn năm, Hà Nội luôn luôn biết tinh lọc cái riêng của người ta biến thành cái riêng của mình.

Cafe vỉa hè phố Pháp, phố cổ


Cafe vỉa hè thì đâu cũng có, từ kinh thành Huế cho đến Sài Gòn, nhưng cafe vỉa hè của miền trung và miền nam đó khác lắm, cái chất vỉa hè đó là chất vỉa hè của một thứ cafe trà đá, gọi là cafe vì có bán cafe, nhưng cái cafe đó thiếu đi sự tinh tế của hương vị, và dễ dãi trong thưởng thức, còn Hà Nội có một thứ đặc sản vỉa hè rất thú vị.

Hà Nội, xét về giá trị truyền thống, đối với đa số, đó là khu phố cổ và khu phố Pháp mở rộng thêm sang phía hồ Tây của quận Tây Hồ và một phần quận Đống Đa, và ở đó là nơi tập trung một thứ cafe thành thị mà tôi muốn nói tới. Tôi nhớ, khi tôi còn làm việc cho một công ty nằm trên đường Bà Triệu, buổi trưa sau khi làm một bữa cơm bình dân gần đấy, tôi và một vài đồng nghiệp lại kéo nhau ra quán cafe nào đó trên đường Triệu Việt Vương, nhâm nhi cốc cafe đen đặc, ngồi nhìn thời gian trôi cùng với nhịp chảy của đường phố.


Triệu Việt Vương là một con đường nổi tiếng có rất nhiều quán cafe vỉa hè (có thể ngồi ở vỉa hè). Vỉa hè đây khá hẹp nên không phải lúc nào khách cũng có chỗ để ngồi, đây chính là cái khác biệt của những con phố nhỏ nhỏ, mà mỗi vị trí trên vỉa hè đều được khách nhăm nhăm dành lấy đ ngồi trong cái tất bật của cuộc sống. Mỗi người chọn cho mình một tư thế, một cách thưởng thức bên ly cafe, có người đọc tờ báo buổi sáng, có người ngồi ngắm những căn nhà phố cũ rêu mốc, những ban công nhỏ xinh của những căn nhà kiểu Pháp, có người chọn cho mình cách nhìn những gánh hàng rong đi qua trước mặt, có người thì ngồi nói chuyện bàn chuyện chính trị thời sự. Mỗi người chọn cho mình một quán trên con phố ngắn mà có hơn 100 quán cafe (không có con số thống kê chính thức).

Rời Triệu Việt Vương, dọc theo con phố Lý Thường Kiệt, con đường có mật độ giao thông ít nhất trong ba con đường chính của phố Pháp bao gồm thêm Hai Bà Trưng và Trần Hưng Đạo, ta có thể đặt mình xuống chiếc ghế nhỏ trước quán cafe Tonkin nằm gần quảng trường nhỏ trước Đại học Tổng hợp cũ. Vì nằm trong khu phố Pháp nên vỉa hè ở đây được quy hoạch khá rộng. Cafe vỉa hè Tonkin gi lại những cảm thức về một khu phố Pháp với những biệt thự cổ kính, những hàng cây xanh mát, và những con đường thơ mộng, thoát khỏi sự chật trội vn làm cho người đến sau không dễ gì có chỗ ở vỉa hè như Triệu Việt Vương.

Và nhiều con đường khác nữa gọi tên cafe vỉa hè, như vỉa hè trước Bộ Xây Dựng, vỉa hè Nguyễn Du… Tất cả hòa vào dòng chảy của văn hóa Hà Nội.  Những cafe vỉa hè đó, không được tính đến trong quy hoạch để hòa vào hình thái của thành phố như một khối thống nhất, tất cả là sự tự phát, đôi chỗ khu phố không phù hợp cho việc để cafe lan ra vỉa hè vì sự chật chội của không gian dành cho người đi bộ, nhưng hề gì, trong nhịp độ phát triển của Hà Nội, dường như nhiều nguyên tắc quy hoạch, nguyên tắc phân bố không gian và chức năng công cộng đã bị biến đổi theo cách mà người dân muốn, và theo thời gian, nó bám vào đô thị như một mảng màu lạ, một mảng màu mang tên Hồn Phố.

Câu chuyện về Starbucks đang rộ lên những ngày gần đây, nhưng đừng nói là Starbucks, ngày cả Trung Nguyên, hay những cách thưởng thức mới mà giới trẻ đang tạo trào lưu như cafe bệt, cafe – nhà hàng, cũng không thể chạm được vào cái cafe thuần Hà Nội. Có thể rất nhiều quán cafe hộp mở ra, Hà Nội và người dân của mình cũng sẵn sàng giang rộng vòng tay của mình cho những thương hiệu mới, nhưng đó mãi mãi chỉ là một sản phẩm uống thêm, một cái gì đó mới mới lạ lạ cho những lúc người ta muốn tìm cái gì đó mới,  chứ nó không thể đánh chết cái vị bồi hồi của cafe mà Hà Nội đã và đang nuôi dưỡng nó như một nhánh thơ của đô thị ngàn năm. Có những thương hiệu nằm ngoài sự định nghĩa thương hiệu truyền thống, nó gắn với lịch sử, bối cảnh không gian và thời gian và nó hàm chứa cả một giai thoại về văn hóa. Cafe Hà Nội đang kể chuyện thương hiệu đó.

Đi ra khỏi phố Pháp, phố cổ như một bảo tàng của nghệ thuật sắp đặt đương đại, nơi giao thoa giữa cũ và mới, giữa thương mại và đời sống, phố cổ không có nhiều quán cafe nhưng trong đó, cafe hiện ra trong những căn nhà ống, những hành lang sâu hun hút, những góc nhìn tinh tế nhìn ra phố thị hoặc ra hồ Gươm bên ngoài, thường thức cafe ở đây, như chìm trong một thế giới nơi mà ngày xưa những làng nghề san sát nhau cung ứng các đồ dùng cần thiết cho kinh thành Thăng Long, ta hình dung, xuyên qua những lớp phủ của thời gian, một cái chất Hà Thành không thể trộn lẫn bởi những thứ ngoại lai đang bám mình như một thứ kí sinh trên bề mặt khu phố.

Cafe ẩn mình trong những ngôi nhà cũ, hơi lụp xụp, hơi chật chội, nhưng trong những cái quán đấy, dù là quán lâu đời, hay quán mới thì nó cũng mang trong mình một trọng trách về văn hóa rất lớn, cái trọng trách vô hình đó nó cứ hiển hiện nếu ai đó dù là du khách hay người Hà Nội không ở trung tâm sẽ cảm thấy ngay, sẽ được nó giới thiệu ngay, một cảm thức đi thẳng vào lòng người.

Cafe 11 Hàng Gai, đi vào sâu trong một ngôi nhà ống mà mặt tiền được cho thuê để bán tranh, bên trong là một ngôi nhà đặc trưng của phố cổ với không gian được mở lên cao, khách có thể chọn tầng cao nhất để nhìn xuống hồ Gươm, hoc đơn giản hơn thì ngồi tầng 1, 2 để thưởng thức một không gian kín đáo, cũ kĩ. Hoặc đến cafe Align ở phố Mã Mây, quán cafe của một nhóm bạn yêu thích đồ họa 3D, quán trông sang trọng và mới, nhưng ở trong đó, nếu ngồi trên tầng 2, nhìn qua khung cửa sổ 3 cánh, ta như đang nhìn thấy phố cổ qua tranh của cụ Phái, màu vàng của tường, những cành cây rủ, mái nhà lô xô lam lũ. Hay tạt vào quán cafe Lính ở hàng Buồm, quán cafe mới mở của một người lính.

Không phải phố cổ không có cafe vỉa hè. Cafe Năng, cafe Bát Sứ cũng có được cái danh tiếng của mình, vỉa hè trong những góc phố đó là một trải nghiệm tuyệt vời để nhìn thấy một cuộc sống của phố cổ Hà Nội. Hơi khác với cafe vỉa hè ở những khu vực khác mạnh ở điểm nhìn, cafe phố cổ mạnh ở chỗ khơi thông những dòng suy tư. Và dường như ở mỗi quán cafe đó đều mang trong mình một câu chuyện, một câu chuyện được kể trong suốt thời kì khi Hà Nội bắt đầu trở thành một đô thị theo phong cách phương Tây.

 

Cafe “Một chữ” và câu chuyện thương hiệu


Chính vì lẽ đó người Hà Nội thường tôn trọng và chọn những quán cafe nhỏ hơn là những thương hiệu cafe lớn như Highland, Coffee Beans,… những quán cafe Lâm (Nguyễn Hữu Huân), cafe Đinh (Đinh Tiên Hoàng, cafe Thọ (Triệu Việt Vương) luôn rất đông người đến, đủ mọi thành phần từ cán bộ công nhân viên đến sinh viên học sinh. Nó đã thành một phần hồn của Hà Nội, một thương hiệu rất riêng dành cho người dân.

Tứ trụ của cafe Hà Nội những năm 80 “Nhân-Nhĩ-Dĩ-Giảng”, những quán cafe “một chữ” đầu tiên đã bắt đầu cái mạch văn hóa cafe Hà Thành, cho đến bây giờ. Có quán còn tồn tại, có quán đã mất đi danh tiếng, có quán không còn nữa nhưng nó đã là bước đệm để những quán cafe sau này được sinh sôi và biến không gian nhỏ hẹp của lòng phố thành một thế giới cafe đậm sắc. Những thương hiệu thành phẩm cafe nổi tiếng thường không được dùng, họ thường tự chế riêng cho mình một dòng sản phẩm cafe rang xay riêng biệt, để đến tận giờ nó đã trở thành một di sản không tên gọi, người ta đến đấy trong cái thoải mái và tự nhiên của sự đơn giản, thân thuộc, những cốc cafe đúng nghĩa được gọi, cafe đen, cafe nâu… đậm đà, đậm chất Hà Nội.


Và cứ thế, cafe hòa vào trong Hà Nội như một đặc sản giống chả cá Lã Vọng, hay omai Hàng Đường, nhưng cái riêng hơn của cafe Hà Nội đó là nó gắn chặt với không gian văn hóa, cái hương vị riêng, cái chất liệu của một bức tranh không chỉ đẹp về bố cục và màu sắc mà còn đẹp vì câu chuyện xung quanh nó. Câu chuyện về Hà Nội, một điểm hòa nhập tuyệt vời của những thứ văn hóa ngoại nhập trong đó có cafe – một sản phẩm thứ cấp của văn hóa đã khiến cho những con đường Hà Nội trở nên thơ mng và gần gũi.

 

 

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)