Cái chết của thiên tài

Nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano thiên tài người Ba Lan Frédéric Chopin qua đời ngày 17 tháng 10 năm 1849 tại Paris, khi ông mới 39 tuổi. Năm nay là lần tưởng niệm thứ 160 ngày mất của ông. Còn trong năm tới, toàn thế giới âm nhạc sẽ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Chopin. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình ông đã viết hơn 230 tác phẩm, toàn bộ cho piano. Ông được coi là một trong các nhạc sĩ vĩ đại nhất của trào lưu Lãng mạn. Sau khi ông mất, Franz Liszt (1811 - 1886) – một trong những người bạn gần gũi của Chopin, đồng thời là nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc thiên tài người Hungary – đã viết cuốn sách “Cuộc đời Chopin” bằng tiếng Pháp. Cuốn sách sau đó đã được dịch ra tiếng Anh xuất bản lần đầu tiên năm 1863 và được tái bản nhiều lần. Dưới đây là đoạn trích dịch phần cuối của bản tiếng Anh, tái bản lần thứ tư (1880), thuật lại những giờ phút lâm chung của Chopin. Người dịch thêm phần chú giải về các nhân vật được nói đến trong phần này cùng các sự kiện và các đường links liên quan.      Nguyễn Đình Đăng dịch từ Franz Liszt, “Cuộc đời Chopin”

Cuối cùng căn bệnh đã trở nên trầm trọng rõ rệt khiến nỗi lo âu của các thân hữu của ông nhuốm màu tuyệt vọng. Hầu như ông không rời mình khỏi giường, và chỉ thảng hoặc mới cất tiếng. Chị ông1, sau khi nhận được tin, đã từ Warsaw tới để túc trực cạnh giường ông, và từ đó không rời ông nửa bước. Ông không biểu lộ ấn tượng trước sự khổ não, linh cảm về cái chết, nỗi đau buồn ngày càng tăng lên đang vây quanh ông. Ông nghĩ về cái chết với sự bình thản và cam chịu của người theo đạo Cơ Đốc, tuy rằng ông vẫn chưa ngừng chuẩn bị kế hoạch cho tương lai. Với sở thích luôn muốn thay đổi chỗ ở, ông đã tìm một ngôi nhà mới, kêu người cho chuyển đồ đạc tới đó, và bận bịu thu xếp mọi tiểu tiết cho chỗ ở mới. Ông không rút lại sự xếp đặt của mình, vì thế, cho tới ngày cuối cùng của đời ông, người ta vẫn vận chuyển đồ đạc tới ngôi nhà mà số mệnh đã không bao giờ cho phép ông được ở.
Phải chăng ông sợ cái chết sẽ không đáp ứng lời thề hẹn của mình? Phải chăng ông lo rằng, sau khi đã chạm vào bàn tay giá băng của thần chết, ông vẫn phải khổ sở sống lần lữa trên cõi đỡi này mà chưa được ra đi? Liệu ông có cảm thấy rằng cuộc sống sẽ trở nên hầu như không chịu đựng nổi một khi mọi ràng buộc trìu mến đã bị cắt đứt, mọi liên hệ gần gũi nhất đã bị chia lìa? Những khí chất trời sinh thường cảm thấy một ảnh hưởng to lớn nào đó trước một sự kiện có ý nghĩa quyết định của số phận. Con tim đau đáu, bị thôi thúc bởi ham muốn làm sáng tỏ những bí mật của tương lai chưa được biết, bỗng phủ nhận trí tuệ lạnh lùng và nhút nhát sợ phải lao xuống vực thẳm của cái chết đang tới gần. Nhu cầu về sự hài hòa giữa những tiên đoán đồng thời của cả lý trí và con tim thường khiến các đầu óc kiên định nhất đưa ra những khẳng định mâu thuẫn với các hành động của họ, cho dù cả khẳng định và hành động đều bắt nguồn từ cùng một niềm tin. Có phải Chopin đã phải đau đớn bởi sự không tương xứng giữa những tiên tri thì thầm của con tim và những nỗi nghi ngờ đang choán hết tinh thần?
Tuần nối tuần, và chẳng mấy chốc, ngày lại ngày, bóng đen lạnh lẽo của cái chết bao phủ lên ông. Hồi kết thúc nhanh chóng tới gần, đau đớn của ông ngày càng tăng. Các cơn đau kéo đến mỗi lúc một thêm dồn dập, và ngày càng gần với cơn hấp hối. Song, giữa những cơn đau, ông vẫn giữ được tỉnh táo và ý chí mạnh mẽ đến phút cuối, không khi nào mất đi sự chính xác của tư duy, hay sự trong sáng của nhận thức về các ý định của mình. Những nguyện vọng ông bộc lộ trong những giây phút ngắn ngủi này cho thấy sự trang nghiêm của ông khi chờ đợi cái chết. Ông muốn được mai táng bên cạnh Bellini2, người mà ông đã quen thân trong thời gian Bellini sống tại Paris. Mộ của Bellini toạ lạc tại nghĩa trang Père La Chaise, cạnh mộ Cherubini3. Chính nguyện vọng muốn làm quen với bậc thầy vĩ đại mà ông hằng ngưỡng mộ đã là một trong những lý do xui khiến ông, trong hành trình năm 1831 từ Vienna sang London, dừng chân tại Paris mà không hề đoán trước được rằng số phận sẽ gắn chặt ông với thành phố này. Chopin nay yên giấc giữa Bellini và Cherubini, hai thiên tài rất khác nhau, song với cả hai vị ông có mối liên hệ cùng tầm cỡ, bởi ông kính trọng giá trị tri thức của một vị ngang với mối đồng cảm tới sáng tạo của vị kia. Cũng như tác giả của Norma, ông tràn trề các xúc cảm về giai điệu, song ông cũng đầy tham vọng đạt tới chiều sâu hoà âm của các bậc thầy cổ điển, muốn thống nhất, trong một phong cách kỳ vĩ và tao nhã, tính du dương mơ hồ của các xúc động ngẫu hứng với sự uyên bác của những bậc thầy tuyệt vời nhất.
Tiếp tục giữ phong thái của mình cho đến phút chót, ông không yêu cầu cần gặp lại bất kỳ ai lần cuối. Song, ông bày tỏ lòng biết ơn xúc động nhất với những ai đến bên ông. Những ngày đầu của tháng Mười không còn để lại bất cứ nghi ngờ hay hy vọng nào nữa. Phút định mệnh đã tới gần. Không còn trông đợi vào ngày tới, rồi giờ tới được nữa. Ngài Gutman4 và chị của Chopin liên tục túc trực bên giường ông, không rời một khoảnh khắc. Nữ bá tước Delphine Potocka5, trước đó vắng mặt, đã lập tức quay về Paris ngay sau khi nhận được hung tin về ông. Không ai trong số những khách tới thăm người nghệ sĩ hấp hối lại có thể cầm lòng khi chứng kiến quang cảnh cái chết đau đớn đang hành hạ linh hồn vĩ đại và thiên tài ấy.
Bất kể với một cảm xúc mãnh liệt hay hời hợt trong tim, bất kể một mãnh lực hay sự dửng dưng được bộc lộ khi đón nhận những tai ương bất ngờ, cũng không thể tránh khỏi ấn tượng gây bởi vẻ uy nghiêm hùng vĩ của một cái chết đẹp và kéo dài, khiến cho cả những tâm hồn ít sẵn sàng nhất đối với những cảm xúc linh thiêng và siêu phàm cũng trở thành mềm yếu, mủi lòng, bị mê hoặc, và cảm thấy siêu thoát. Sự khởi hành chầm chậm từng bước một tới những bến bờ xa lạ, sự trang nghiêm kỳ bí của các giấc mơ bí ẩn của ông, hồi ức của ông về các sự kiện và ý tưởng đã qua, thoi thóp thở trên ranh giới mong manh giữa thời gian và sự vĩnh hằng, làm chúng ta xúc động hơn tất cả những gì khác trên thế gian này. Các thảm họa bất ngờ gieo xuống con tàu mỏng manh run rẩy, bị trận cuồng phong quăng như một thứ đồ chơi; máu của bãi chiến trường mịt mù khói súng đại bác; những nhà xác ghê sợ khi ta bị đẩy tới trong những đại dịch lây lan, các trận đại hoả hoạn bao trùm những lưỡi lửa sáng chói lên các thành phố; những vực thẳm không đáy mở ra dưới chân ta, tất cả những cái đó cũng không khiến ta rung động bằng khi ta nhìn một tâm hồn đang ý thức rõ ràng tình trạng của mình, im lặng chiêm ngưỡng những diện mạo phong phú của thời gian và cánh cửa lặng câm của vĩnh hằng! Lòng can đảm, sức chịu đựng, sự thanh cao, cảm xúc hoà hợp với sự phân hủy tất yếu mà mọi bản năng của chúng ta đều cảm thấy ghê tởm, chắc chắn gây ấn tượng mạnh cho người xung quanh còn sâu sắc hơn cả những thảm họa đáng sợ nhất, bởi những tai hoạ này, trong cảnh hỗn loạn do chúng gây ra, đã làm mất đi nỗi đau trong yên lặng, mất đi sự trầm mặc uy nghi.
Các bạn của Chopin thường xuyên có mặt tại phòng khách tiếp giáp phòng ngủ của ông. Họ lần lượt vào gặp ông để đón nhận cái nhìn trìu mến của ông khi ông không còn khả năng nói chuyện với họ nữa. Tới Chủ nhật, 15 tháng 10, các cơn đau trở nên dữ dội và dồn dập hơn, kéo dài tới vài giờ. Ông chịu đựng chúng với một sự nhẫn nại và sức mạnh tinh thần ghê gớm. Nữ bá tước Delphine Potocka, có mặt lúc đó, đã tỏ ra rất đau khổ. Đứng gần chân giường ông, khuôn mặt đẫm lệ, dáng thon cao trong y phục trắng, nàng trông giống như một thiên thần tuyệt đẹp được tạo nên bởi trí tưởng tượng của người chân thành nhất trong các hoạ sĩ. Chắc ông đã coi nàng như một tiên nữ giáng trần, và khi cơn đau tạm lắng, ông yêu cầu nàng hát. Lúc đầu người ta tưởng ông mê sảng, song ông khẩn khoản nhắc lại yêu cầu của mình. Ai dám từ chối yêu cầu của ông? Chiếc đàn piano được đẩy từ phòng khách sang trước cửa phòng ngủ, và trong khi nước mắt lăn xuống gò má, người nữ đồng hương tài năng của ông cất tiếng hát lẫn trong tiếng nấc. Chất giọng vốn rất quyến rũ tới mê mẩn của nàng chắc chắn chưa bao giờ sâu lắng và thống thiết như thế. Hình như khi lắng nghe nàng hát, ông cảm thấy bớt đau hơn. Nàng hát bài thánh ca nổi tiếng về Đức Mẹ Đồng Trinh, bài hát nghe đồn đã có lần cứu Stradella thoát chết6. “Thật đẹp làm sao!” – ông thốt lên – “Lạy Chúa tôi! Thật là quá hay! Nữa đi! ” Mặc dù đang run rẩy tràn đầy xúc động, nữ bá tước đã tỏ ra can đảm một cách rất quý phái, chiều theo mong muốn cuối cùng của người bạn. Bà lại ngồi xuống bên đàn piano và cất tiếng hát một bài thánh ca của Marcello7. Mọi người đều cảm thấy sợ trước tình trạng đang xấu dần đi của Chopin. Như bị một thôi thúc bất ngờ, không ai nói một câu, tất cả những người có mặt đều quỳ xuống. Trong sự yên lặng thiêng liêng chỉ vang lên tiếng ca của nữ bá tước, bồng bềnh như một giai điệu từ chốn Thiên đàng trôi trên những tiếng thở dài và tiếng nấc tạo thành bè đệm nặng nề và tang tóc của Trần thế. Buổi hoàng hôn ma quái đang dần đến. Ánh sáng leo lét chết chóc kéo theo những bóng đen bí mật bao trùm lên quang cảnh buồn thảm: Chị của Chopin phủ phục bên giường ông, vừa khóc vừa cầu nguyện như van lơn trong khi cuộc đời của người em mà bà rất mực yêu thương đang dần dần kết thúc.
Đêm đó bệnh tình của Chopin trở nên tồi tệ, nhưng tới sáng Thứ Hai ông cảm thấy nhẹ nhõm hơn, và dường như tự ông đã sắp đặt trước, trong lúc thích hợp nhất, ông yêu cầu được làm lễ rửa tội. Vì cha cố *** vắng mặt, người rất thân với Chopin vì đã cùng nhau đi di tản8, nên Chopin đã cho mời cha cố Jelowicki, một trong những nhân vật ưu tú của Cộng đồng người Ba Lan Hải ngoại. Khi bánh thánh được đưa tới, ông đón nhận rất thành tâm giữa vòng bạn bè yêu mến đang vây quanh giường ông. Sau đó ông gọi các bạn ông lần lượt tới gần để ông ban phước, nhiệt thành cầu mong Chúa Trời ban ân huệ cho họ, cho tình cảm và những mong ước của họ. Tất cả đều quỳ gối, cúi đầu. Mọi cặp mắt đều đẫm lệ. Mỗi con tim đều nặng trĩu sầu đau. Mỗi tâm hồn đều trở nên cao thượng.
Các cơn đau lại đến nhiều hơn, dồn dập hơn, và tiếp diễn cả ngày. Từ đêm Thứ Hai tới ngày Thứ Ba ông không hề cất tiếng.

Teofil Kwiatkowski – Chopin sau khi vừa qua đời (1849)

Ông có vẻ như cũng không nhận ra những người quanh ông nữa. Khoảng 11 giờ đêm Thứ Ba, ông có vẻ như hơi hồi lại một chút. Cha cố Jelowicki luôn ở bên cạnh ông. Khi khả năng nói vừa phục hồi, ông yêu cầu cha cố cùng xướng theo ông kinh nguyện cầu cho người hấp hối. Ông đã đọc được theo cha cố bằng giọng rõ ràng rành mạch. Từ lúc đó đến khi chết, ông luôn tựa đầu mình vào vai ngài Gutman, người đã dành toàn bộ thời gian để ngày đêm túc trực bên ông.
Giấc ngủ co giật kéo dài tới ngày 17 tháng 10 1849. Cơn hấp hối bắt đầu hồi 2 giờ. Mồ hôi lạnh vã ra trên trán ông. Sau một thoáng mê man, ông cất giọng yếu ớt hỏi: “Ai đang ở bên tôi?” Sau khi nghe thấy câu trả lời, ông nghiêng đầu hôn tay ngài Gutman, người vẫn đang đỡ ông. Trong khi bày tỏ bằng chứng cuối cùng ấy của tình yêu và lòng biết ơn, linh hồn của người nghệ sĩ giã từ thể xác mỏng manh. Ông đã chết như ông từng sống – trong tình yêu.
Khi cửa phòng khách được mở ra, bạn bè của ông lao tới vây quanh thi thể yêu mến của ông, không ai cầm được nước mắt.

Mộ Chopin tại nghĩa trang Père La Chaise ở Paris (N.D. chụp 5/2008)

Sinh thời ông có tiếng yêu hoa. Hoa được mang đến trong ngày hôm sau nhiều tới mức chiếc giường và toàn bộ căn phòng hầu như biến mất trong các sắc màu phong phú và rực rỡ của nhiều loại hoa. Ông như đang yên nghỉ trong khu vườn đầy hoa hồng. Trên khuôn mặt ông hiện lại vẻ kiều diễm trước kia, vẻ tinh khiết của biểu cảm, vẻ thanh thản hiếm có. Với vẻ yêu kiều trẻ trung, bấy lâu bị đắng cay đau khổ làm lu mờ, nay được phục hồi bởi cái chết, ông ngủ êm đềm giữa những loài hoa ông từng yêu quý, một giấc ngủ triền miên không mộng mị!
Ngài Clésinger9 đã phác hoạ lại những nét thanh tú, mà cái chết đã trả lại vẻ đẹp thanh xuân, và ngay sau đó đã dùng bức ký họa để tạo khuôn làm nên bức phù điêu bằng cẩm thạch gắn trên mộ ông.
Lòng ngưỡng mộ thành kính của Chopin đối với thiên tài Mozart đã khiến ông từng yêu cầu chơi bản Cầu hồn (Requiem) của Mozart tại đám tang của mình. Và yêu cầu này đã được đáp ứng. Tang lễ được cử hành tại Nhà Thờ  Madeleine vào ngày 30 tháng 10/1849. Người ta đã lùi đến ngày đó để sự kiện trọng đại này phải được tổ chức xứng đáng với bậc thầy và các học trò của ông. Các nghệ sĩ hàng đầu của Paris đều khao khát được tham dự đám tang này. Bản Hành khúc tang lễ (Marche funèbre) của Chopin, do ngài Reber10 phối khí cho dàn nhạc, đã được chơi trong phần khai lễ. Trong phần dâng bánh thánh, ngài Lefébure Wély11 đã trình diễn các Khúc dạo đầu (Préludes) cung Si Thứ và Mi Thứ tuyệt vời của Chopin trên đại phong cầm. Phần độc tấu của bản Cầu hồn do bà Viardot12 và bà Castellan đảm nhiệm. Ngài Lablache13, người từng ca Tuba Mirum của bản Cầu hồn tại đám tang Beethoven năm 1827, đã trình diễn lại Tuba Mirum trong dịp này. Ngài Meyerbeer14 và Hoàng thân Adam Czartoryski15 dẫn đầu đoàn đưa tang. Các ngài Delacroix16, Franchomme17, Gutman, và Hoàng thân Alexander Czartoryski khiêng linh cữu.

Trái tim của Chopin được bảo quản tại Giáo đường Thánh Giá ở Warsaw (phía dưới bia kỷ niệm, nơi đặt lọ hoa ở bên trái)

Cho dù những trang viết này chưa thể hiện hết những gì chúng ta muốn nói về Chopin đến thế nào đi chăng nữa, chúng tôi hy vọng rằng sức lôi cuốn của danh tiếng ông sẽ bù đắp cho những gì còn thiếu (…) Chopin đã ra đi một cách chậm rãi, tự đốt cháy trong ngọn lửa thiên tài của chính mình. Cuộc đời của ông, khi được tách ra khỏi các sự kiện chung, trở nên giống như một thực tế không thể hoà nhập trong bất cứ một thể xác nào. Những dấu vết về sự tồn tại của ông chỉ có thể được tìm thấy trong các tác phẩm ông để lại. Ông đã từ giã cõi đời trên một mảnh đất xa lạ, mà ông chưa bao giờ coi là đất nước của mình, chân thành dâng hiến tình cảm cho sự góa bụa vĩnh viễn của chính mình18. Ông là Thi Sĩ của một linh hồn tang tóc đầy bí ẩn tiềm tàng – linh hồn gần gũi với khuôn mặt nghiêm khắc của đau khổ.
————–
Chú giải của người dịch
1 Ludwika Jędrzejewicz (họ khai sinh: Chopin) (1807 – 1855)– chị của Chopin, người từng dạy ông những bài học piano đầu tiên. Lo sợ bị chôn mà vẫn chưa chết hẳn, Chopin đã di chúc lại rằng, sau khi ông chết, trái tim của ông phải được lấy ra khỏi xác. Để chứng thực cho tình yêu quê hương, ông đã di chúc đem trái tim mình về mai táng tại Ba Lan. Ngày 8 tháng 1 năm 1850 chị của Chopin đã bí mật đem trái tim của ông về nước. Trái tim của Chopin hiện được bảo quản trong một bình pha lê đựng rượu cognac chôn trong tường Giáo đường Thánh Giá tại Warsaw.
2 Vincenzo Bellini (1801 – 1835) – nhà soạn nhạc Ý, sinh tại thành phố Catania trên đảo Sicily (Trong thời gian làm việc tại Catania cách đây 17 năm, N.D. đã có may mắn được sống ngay cạnh Nhà hát Bellini, cách nhà Bellini từng sống không xa, nay là bảo tàng Bellini). Cùng với Rossini và Donizetti, Bellini là nhà soạn nhạc tinh hoa của phong cách bel canto trong opera Ý. Phong cách hát này xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 17. Sang thế kỷ 18 – 19 bel canto được dùng để chỉ kiểu hát legato (luyến) hoàn hảo, với những khoảng âm cao, được hát nhẹ, mềm mại và nhanh. Vở opera 2 hồi Norma (1831) của Bellini được coi là đỉnh cao của phong cách bel canto. Bellini và bel canto có ảnh hưởng lớn tới cách thể hiện âm nhạc của Chopin, đặc biệt trong cách dùng các gam bán cung (chromaticism) và các làn giai điệu. Chopin mong muốn khôi phục lại sự thanh cao của giọng hát bằng tiếng đàn piano. Ông thường khuyên học trò phải biết hát trước khi chơi piano, và rằng hát thầm trong khi chơi piano sẽ giúp chơi hay hơn.
3 Luigi Cherubini (1760 – 1842) – nhà soạn nhạc Ý, được Beethoven coi là nhạc sĩ cùng thời vĩ đại nhất.
4 Adolphe Gutman (1819 – 1882) – học trò yêu quý và xuất sắc nhất của Chopin, theo học Chopin 5 năm. Ông là trò nam duy nhất được Chopin đề tặng tác phẩm (bản Scherzo cung Đô thăng thứ Op. 39 No. 3). Các học trò khác của Chopin đã không thể hiểu được vì sao, với phong cách chơi mạnh mẽ, khác xa thầy mình, Gutman lại được Chopin coi là người thể hiện các tác phẩm của ông một cách xuất sắc nhất. Có lẽ cũng tương tự như vậy, một bất đồng lớn đã xảy ra giữa các thành viên hội đồng giám khảo Cuộc thi Quốc tế Piano Chopin lần thứ 10 (1980). Số đông thiên về các thí sinh trình bày “đúng tinh thần” Chopin. Một số ít, gồm các bậc thầy như Martha Argerich, Paul Bradura-Skoda, Nikita Margaloff, ủng hộ các thí sinh có cá tính độc đáo, phong cách khác thường. Pianist Ivo Pogorelich (Nam Tư) được Martha Argerich tuyên bố là thiên tài, nhưng lại bị hội đồng loại tại vòng 3 của cuộc thi. Bà Argerich đã bỏ hội đồng giám khảo để phản đối quyết định này. Có ý kiến (chưa được kiểm chứng) cho rằng một trong những tác nhân gây nên chia rẽ là do Sergei Dorensky – phó chủ tịch hội đồng giám khảo cuộc thi Chopin đồng thời là giáo sư nhạc viện Tchaikovsky – muốn “lobby” cho pianist người Nga sinh viên nhạc viện Tchaikovsky Tatyana Shebanova đoạt giải nhất, và vì thế tìm cách gây áp lực để loại Ivo Pogorelich (cũng là sinh viên nhạc viện Tchaikovsky, nhưng là người Nam Tư). Kết quả năm đó thật bất ngờ với giải nhất về tay Đặng Thái Sơn (Việt Nam). Tatyana Shebanova đoạt giải nhì. Song, scandal này lại khiến Ivo Pogorelich trở nên rất nổi tiếng. [Có thể theo dõi Bradura-Skoda, Argerich, và Margaloff trả lời phỏng vấn (bằng tiếng Pháp) ngay sau Cuộc thi Chopin 1980 tại đây: phần 1, phần 2, phần 3]?
5 Delphine Potocka (1807 – 1877) – nữ bá tước Ba Lan, nổi tiếng vì nhan sắc, học vấn và tài năng âm nhạc nghệ thuật, từng là học trò, bạn và nàng thơ của Chopin. Nàng đã được Chopin viết tặng bản valse cung Rê giáng trưởng Op. 64 No. 1, còn có tên “Valse một phút” hay “Con chó nhỏ”.
6 Alessandro Stradella (1645 – 1681) – nhà soạn nhạc Ý giai đoạn trung kỳ Baroque, sinh tại Rome, người đầu tiên sáng tạo ra thể loại concerto grosso, sau này được phát triển bởi các nhà soạn nhạc lừng danh như Corelli and Antonio Vivaldi. Stradella là người háo sắc, dính vào nhiều affairs yêu đương. Tương truyền có lần một quý tộc Venice mời Stradella dạy nhạc cho vợ mình. Trong khi dạy, Stradella quyến rũ luôn bà quý tộc phu nhân, và cả hai người đã rủ nhau trốn đi Rome. Vị quý tộc bị phản bội thuê hai tay anh chị tìm giết Stradella. Hai tên này đi đến nhà thờ với âm mưu sẽ giết chết nhạc sĩ ngay sau khi dàn đồng ca trình diễn xong ca khúc của ông. Tại đây hai tên giết người đã bị rung động bởi vẻ đẹp thống thiết của bài ca đến nỗi mà, thay vì giết ông, chúng đã báo cho ông ý đồ của chúng để ông trốn thoát đi Torino. Tuy nhiên gã quý tộc vẫn không buông tha Stradella. Cuối cùng, một buổi sáng người ta thấy Stradella bị giết ngay trên giường tại nhà mình ở Genova (1681) (Theo S. Suzuki, “Anthology of Italian songs of the 17th and 18th centuries”, Book II, Alfred Publishing, 1985).
7 Benedetto Marcello (1686 – 1739) – nhà soạn nhạc, kiêm nhà văn, luật sư và quan toà Ý (cùng thời với Antonio Vivaldi), tác giả của nhiều nhạc phẩm cho nhà thờ, thánh ca, song tấu, sonata, concerto, và sinfonia.
8 Chopin rời Ba Lan sang Áo ngày 2/11/1830, khi ông 20 tuổi. Sau đó một tuần nổ ra cuộc nổi dậy Tháng Mười Một (còn có tên là Cách mạng học viên sĩ quan) tại Warsaw do các sĩ quan Ba Lan khởi xướng chống lại chế độ của Đế quốc Nga tại Ba Lan và Lithuania. Sau khi nhanh chóng lan rộng ra các tầng lớp khác trong xã hội Ba Lan và thành công lúc đầu, cuộc cách mạng đã bị quân đội Nga, vượt trội hẳn về số lượng, đàn áp. Sự thất bại của cuộc nổi dậy đã đẩy Chopin cũng như nhiều chính khách ưu tú của Ba Lan vào con đường lưu vong trong cuộc Di tản Vĩ đại của Ba Lan năm 1831– 1870. Phần lớn họ di tản sang Pháp. Trong vòng gần 40 năm đó, ngoài Chopin, Cộng đồng Người Ba Lan Hải ngoại tại Pháp còn có những tên tuổi như thi hào Adam Mickiewicz, văn hào Joseph Conrad, thi hào Guillaume Apollinaire, nhà vật lý và hoá học Marie Curie (Maria Skłodowska), v.v. Nỗi đau sau khi nghe tin cuộc nổi dậy bị quân Nga đàn áp đã khiến Chopin viết nên bản Étude cung Đô thứ Op. 10 No. 12 còn có tên là “Cách mạng”. Bè tay phải của bản étude này vang lên như những tiếng kêu thống thiết, tuyệt vọng, trên nền gam hoà âm sôi sục của bè tay trái như tiếng gầm rú của đại bác.
9 Auguste Clésinger (1814 – 1883) – hoạ sĩ và nhà điêu khắc Pháp, con rể của nữ văn sĩ George Sand (1804 – 1876), người tình cuối đời của Chopin. Chopin và Sand chia tay nhau sau khi Sand nghi ngờ quan hệ yêu đương giữa Chopin và Solange, con gái bà. Năm 1847, khi Sand phản đối Solange kết hôn với Clésinger thì Chopin lại đứng về phe họ. Sand đã từ con gái mình và cắt đứt với Chopin. Kết quả là, mặc dù Chopin vẫn nặng tình với Sand và vẫn giữ các bức thư kèm một lọn tóc của bà cho đến khi ông chết, người ở bên ông vào phút lâm chung lại là Solange và chồng cô.
10 Napoléon Henri Reber (1807 – 1880) – nhà soạn nhạc Pháp, giáo sư Nhạc viện Paris từ năm 1851, viện sĩ Hàn lâm Pháp năm 1853, lãnh huân chương Bắc đẩu Bội tinh hạng chevalier năm 1855 và hạng officier năm 1870.
11 Louis James Alfred Lefébure-Wély (1817 – 1869) – nghệ sĩ đại phong cầm (organ) và nhà soạn nhạc Pháp.
12 Pauline Viardot (1821 – 1910) – nữ ca sĩ giọng mezzo-soprano (nữ trung-cao), đồng thời là nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano Pháp gốc Tây Ban Nha, từng là học trò piano của Franz Liszt. Nàng thường hòa tấu piano với Chopin. Chopin giảng giải cho nàng về kỹ thuật chơi piano, và thậm chí còn giúp đỡ khi nàng sáng tác loạt bài hát dựa trên giai điệu các bản mazurkas của Chopin. Về phía mình, Chopin được nàng truyền cho các kiến thức về âm nhạc Tây Ban Nha.
13 Luigi Lablache (1794 – 1858) – danh ca giọng nam trầm (bass) người Ý, từng hát Tuba Mirum trong bản Cầu hồn (Requiem) của Mozart tại đám tang Beethoven (1827), Chopin (1849), và Bellini (1835).
14 Giacomo Meyerbeer (1791 – 1864) – nhà soạn opera gốc Đức, nổi tiếng nhất châu Âu trong những năm 1830 – 1840.
15 Adam Jerzy Czartoivyski (1770 – 1861) – quý tộc Ba Lan, từng là Chủ tịch Chính phủ Quốc gia Ba Lan trong cuộc nổi dậy chống Đế quốc Nga tháng Mười Một 1830.
16 Eugène Delacroix (1798 – 1863) – đại danh hoạ Pháp trào lưu Lãng mạn, tác giả bức tranh nổi tiếng “Tự do lãnh đạo nhân dân”. George Sand đã mô tả Delacroix khích lệ Chopin sáng tác như thế nào trong một đêm tại Nohant vào khoảng 1839 – 1843: Chopin ngồi trước piano, như hoàn toàn quên hẳn mọi người đang lắng nghe. Ông đắm mình vào một khúc tùy hứng ngẫu nhiên rồi bỗng dưng dừng lại. “Chơi tiếp đi, chơi tiếp đi!”, Delacroix kêu lên, “Đó chưa phải là phần kết.” “Đó cũng chẳng phải là phần mở đầu. Chẳng là gì cả… Chẳng có gì ngoài những phản quang, bóng đen, và hình hài bất định. Tôi đang cố tìm ra màu sắc thích hợp, song ngay cả hình tôi cũng không thể tạo ra được.” “Cậu sẽ không tìm ra màu mà lại không có hình”, Delacroix nói, “Cả hai sẽ cùng hiện ra.” “Nếu tôi không tìm thấy gì ngoài ánh trăng thì sao?” “Thế thì cậu sẽ tìm ra phản quang của phản quang.” Ý tưởng này có vẻ làm người nghệ sĩ siêu phàm thích thú. Ông có vẻ nửa như bắt đầu lại, nửa như không phải vậy, hình hài thật không rõ ràng. Màu sắc hiện ra dần dần cùng với những âm thanh trầm bổng ngọt ngào vang trong tai chúng tôi. Bỗng một nốt nhạc buồn màu lam cất lên trong đêm tối bao trùm quanh chúng tôi, xanh biếc và trong vắt. Những đám mây nhẹ hình thù kỳ dị phủ kín bầu trời, vây lấy mặt trăng, và hứng từ trăng những đĩa ánh sáng lớn trắng đục như sữa, đánh thức những màu sắc còn đang say ngủ. Chúng tôi mơ về một đêm hè, và ngồi đó đợi tiếng ca của chim hoạ mi.
17 Auguste Franchomme (1808 – 1884) – nhà soạn nhạc Pháp, đồng thời là nghệ sĩ cello xuất sắc nhất trong thời đại của mình. Franchomme đã tạo ra kỹ thuật tay phải (kéo vĩ) một cách tinh tế, nhẹ nhàng và ngọt ngào, đặc trưng cho trường phái chơi cello của Pháp sau này. Tay trái của ông nối tiếng vì ngón bấm đặc biệt chuẩn xác, cách rung sâu, và đầy sức biểu cảm. Ông được tặng Bắc đẩu Bội tinh năm 1884 vì những cống hiến cho âm nhạc.
18 Theo Tad Szulc trong cuốn “Chopin ở Paris”, nước Pháp đã không trục xuất Chopin khi ông hết hạn cư trú vào năm 1831, tuy ông không phải là người tị nạn chính trị. Ngược lại, triều đình vua Louis-Philippe I đã cho phép Chopin ở lại Pháp vô thời hạn để “hoàn hảo nghệ thuật của mình”. Không muốn phụ thuộc vào giấy tờ của Đế quốc Nga, khi đó đang cai trị Ba Lan, 4 năm sau Chopin đã gia nhập quốc tịch Pháp, và được cấp hộ chiếu Pháp ngày 1/8/1835.

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)