Căn bệnh của phê bình hôm nay
Không khác sáng tác, phê bình hôm nay cũng đang lâm bệnh. Có lẽ còn nặng hơn. Dẫu sao, sáng tác thiên cảm tính còn chấp nhận được. Phê bình, tự nhận đầy ý thức, với nhiệm vụ “soi đường”, “định hướng” sáng tác, nhưng chính nó còn ngái ngủ, chưa tự thức (self conciousness). Chưa, nên không nhìn ra bệnh, hay có thấy nhưng còn mơ mơ hồ hồ, hoặc tự kỉ là căn bệnh chưa có gì trầm kha lắm, không muốn chữa, không cần thiết chữa. Vậy thì, thử mạo muội bắt mạch chẩn bệnh xem phê bình đang mắc vi-rút nào, biểu hiện ra sao, do đâu nên nỗi.
1. Phê bình độn giai thoại. Trong một bài phê bình, ta luôn khởi đầu hay tùy tiện độn vào cơ man là giai thoại. Để làm gì có ma mới hiểu. Rằng tôi đã gặp nhà thơ này ở… anh gây cho tôi ấn tượng mạnh… chúng tôi khá tâm đầu ý hợp. Hay, sáng thức dậy tôi bất ngờ nhận được tập thơ do cây viết mới toanh gửi, tôi miên man đọc trong một tâm trạng xúc động lạ thường. Hoặc, nhà văn trẻ nọ đã ngập ngừng đưa tôi đọc bản thảo tiểu thuyết, tôi giục bạn hãy in đi, nó đứng được. Rồi thì trong một buổi lai rai nhà thơ lớn xin giấu tên tuyên bố đây mới là thi sĩ đích thực,… Rất ít bài phê bình hay giới thiệu sách nào chịu rời bỏ thói tật đó. Đọc một bài phê bình, người đọc biết về sinh hoạt riêng tư của nhà văn [và cả người viết đang ăn theo nó] nhiều hơn là chính tác phẩm. Bởi, mấy giai thoại chẳng ăn nhập gì đến cuốn sách đang được bàn đến. Chúng vô hại, nhưng chúng được kể lể lê thê, rất tốn giấy mực. Và nhất là: nhảm nhí.
2. Phê bình bình và tán. Không trên nền tảng mĩ học nào. Thơ chỉ có thể cảm, chứ không nên dùng sự hiểu mà phân tích nó – là tuyên ngôn ưa dùng của nhà phê bình bình và tán. Tại một cuộc Bàn tròn văn chương, một bạn đọc nhận định tập truyện ngắn [đang là đối tượng của cuộc thảo luận] mới mẻ, đầy tưởng tượng mà vẫn ngồn ngộn hiện thực. Tôi hỏi chứ nó mới mẻ thế nào, so với ai? Bạn đặt tác phẩm này ở đâu trong dòng chảy văn chương hôm nay để đánh giá? Hoặc chi tiết nào trong tác phẩm thông báo sự ngồn ngộn? Một bạn văn khác thì “tôi cảm nhận tập truyện rất hay và đặc chất hậu hiện đại”. Vậy thôi. Tôi bảo đây không phải chỗ để các bạn tới cảm nhận khen chê mà, bạn cần định danh, định tính tác phẩm, sau đó hãy chứng minh để thuyết phục mọi người tin nghe bạn. Còn nếu chỉ cảm nhận, hãy cứ ngồi lại nhà cảm nhận thì tốt hơn.
Phê bình cảm nhận nhận định tác phẩm đầy cảm tính trong một tâm trạng, hoàn cảnh nào đó, chứ không phải qua chuẩn của hệ mĩ học. Kĩ thuật của tập thơ này chưa tới, còn tới đến đâu thì chả thấy ai nêu ra cho bàn dân thiên hạ rõ. Nữa: đây là bài thơ rất hiện đại, còn hiện đại là gì nhà này chẳng chịu chỉ ra, chỉ thấy trích dẫn vài ba đoạn vậy thôi. Hiện đại là thuật ngữ phương Tây, nó cần được hiểu theo tinh thần phương Tây. Bài thơ hiện đại đòi hỏi đáp ứng tinh thần và thủ pháp hiện đại tối thiểu, trong khi ta mỗi khi bắt gặp đoạn/ bài thơ nào đó lạ lạ xíu là gán cho nó tên hiện đại. Do phê bình không đặt trên nền tảng mĩ học nào nên, thi thoảng cũng có xuất hiện đây đó vài đoạn “xuất thần”, bật được vài ý tưởng với lối diễn đạt bất ngờ, như thể một trò may rủi. Còn nhìn chung – lan man. Đọc gần hết bài, lắm khi không biết nhà phê bình nói gì! Ta tự đưa đẩy ta vào vùng tối mò, lẩn quẩn.
3. Phê bình bình và tán có bà con máu mủ với loại phê bình thứ ba: phê bình chung chung, vô thưởng vô phạt. Các lời lẽ nhận định có thể áp dụng cho mọi nhà, mọi tập, mà vẫn không trật! Phê bình chung chung lấy sự khen làm nguyên tắc xuyên suốt. Đơn giản, đó là kiểu phê bình dễ xài. Nó khả năng chiều ý đại đa số độc giả phổ thông nên, dễ ăn khách. Báo chí các loại dễ gật. Không cần nỗ lực khám phá, không phải vật lộn với cái mới, cái khác lạ. Cũng chẳng cần thiết vận dụng khả năng thẩm định đặc biệt nào, lối diễn đạt độc đáo nào. Người viết chỉ xáo lại mấy cụm từ làm sẵn, theo một sơ đồ các sáo ngữ thông dụng, thêm vài trích dẫn tùy hứng là xong. Huế phải là đẹp và thơ rồi. Thơ dân tộc thiểu số thì đậm đà bản sắc nhưng vẫn nỗ lực vươn đến hiện đại. Văn miền Nam đầy chất dân dã Nam Bộ là chuyện đương nhiên, còn miền Trung chắc chắn không tránh khỏi sự oằn oại, gân guốc. Nhan nhản mọi chốn mọi nơi là những: tác giả đã vượt lên chính mình, nhà thơ trải lòng mình ra trang giấy, không cố ý nhưng sự cách tân là khá đậm nét, một bất ngờ lớn dành cho người đọc, viết về cái cũ mà cứ mới, thơ có vẻ đẹp rất riêng không thể lẫn, câu thơ chứa chan bao nỗi niềm, những tứ thơ dịu dàng đầy nữ tính, bám rễ vào lòng người, day dứt và trăn trở, nỗi nhớ nhung da diết khôn nguôi, thành thật đến cháy lòng, lay động sâu xa tâm hồn người đọc,… Cứ thế, mênh mông. Không cần thao tác phân tích, trích rồi tán và tán nữa. Cụ thể, có thể sai, bất cập nhưng nó rành mạch. Qua đó người đọc dễ đối sánh, góp lời bàn. Còn chung chung, khó ai bắt bẻ được cái nỗi chung chung. Do đó, ai cũng có thể viết phê bình được.
4. Phê bình hũ nút. Phê bình này không cần biết đến ai, lấy mình làm thước đo văn chương người thiên hạ. Ngồi lại căn chòi hệ mĩ học cũ kĩ, chưa thoát khỏi phê bình ấn tượng thời Thơ Mới, cho nên câu châm ngôn muôn thuở ưa hót là: cho đến hôm nay vẫn chưa có nhà phê bình nào vượt được Hoài Thanh. Phê bình hũ nút đứng trên quan điểm của hệ mĩ học lạc hậu đánh giá sáng tác thuộc hệ mĩ học khác mình, mới hơn mình. Dùng gang tấc mĩ học lãng mạn độ chiều kích thơ siêu thực, sử dụng tiêu chí mĩ học tượng trưng lượng giá sáng tác hậu hiện đại. Đành rằng với số lượng khổng lồ các sáng tác đương đại cùng bao nhiêu trào lưu khác lạ, mới mẻ cấp tập ra đời, không ai tự nhận quán xuyến được tất cả. Nhà phê bình chỉ chọn một hệ mĩ học để làm phê bình. Nếu không khả năng dung hóa cùng lúc nhiều loại sáng tác khác nhau, thì ít ra, bạn cần học nhìn rộng mở hơn các loại sáng tác khác hệ mĩ học mình. Đằng này, nhà ta – không! Tất cả không chừa trừ ai muốn thơ cứ “ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng” thì mới đích thị cô nàng thơ ca duyên dáng ẻo lả vốn xưa nay là.
5. Phê bình hũ nút dù có hay không nhận biết sự lỗi thời của mình, nhưng để tự vệ nó luôn biết bám vào cái khác, lớn hơn, cổ điển hơn, được đa số công chúng ngoài văn học yêu thích hơn. Tạm gọi tên nó là Phê bình núp bóng. Phê bình này có đất sống nhờ biết khai thác tâm lí sợ hãi cố hữu của con người. Sợ điều khác lạ, cái chưa biết, sợ mất sự đã biết hay sự vật quen thuộc. Họ núp bóng đủ loại thế lực: quần chúng hay nhân dân, truyền thống và đạo đức, danh nhân văn chương với các tác phẩm vĩ đại. Goethe và Kundera đã nói, chưa có tác phẩm ngang tầm Chiến tranh và Hòa bình, Truyện Kiều là đỉnh cao không thể vượt qua,…
Núp bóng dưới lô cốt của định kiến, nó quyết chối bỏ cái mới, mới trong sáng tác lẫn trong lí luận – phê bình, qua đó góp sức ngăn cản cơ hội/ khả tính cảm thụ mang tính sáng tạo của người đọc cấp tiến. Đâu đâu người đọc cũng gặp phải phát ngôn được lập trình sẵn dành cho tinh thần phiêu lưu làm mới trong văn học nghệ thuật: đó là thứ sáng tác không phù hợp cảm quan phương Đông, phản cảm với truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, một thứ thơ vọng ngoại học đòi, lối viết hậu hiện đại đang phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt, nhiều nhà thơ muốn nổi danh sớm bằng những trò lập dị, ồn ào thử nghiệm với cách tân, các loại sáng tác đó độc giả Việt không thể cảm,… Phê bình núp bóng còn có biệt danh khác không phải không ấn tượng: phê bình nhân danh. Đã nhân danh thì đó là thứ chân lí đinh đóng, miễn bàn cãi. Tại đây dễ sinh ý định muốn loại trừ cái khác mình. Tắt một lời: độc quyền mặt bằng văn chương chữ nghĩa.
6. Phê bình bè phái. Từ mấy luồng di chuyển của các loại vi rút đang tràn lan thế giới chữ nghĩa trên, phê bình bè phái sở hữu mảnh đất riêng để dọc ngang. Không phải trường phái mà là, bè phái chính danh. Loại phê bình này thể hiện mình cả ở thái độ bênh vực hay cáo giác. Bênh thì, dù chưa nắm được việc làm mới của thơ/ nhà thơ các loại, nhưng với tâm lí sợ bị coi là lạc hậu, vẫn hùa theo tâng bốc chúng. Từ đó nảy ra bao nhiêu lời tụng ca. Là sự nhầm lẫn của không ít nhà phê bình có tinh thần cấp tiến, nhưng không chịu học. Không học thì không biết thiên hạ đi tới đâu. Không sao cả! Nhưng không biết vẫn cứ nói. Nhớ cuộc trò chuyện của hai nhà thơ mấy năm trước. Hai vị say sưa thuyết về thơ Việt đương đại, nói lấn sang thơ ngôn ngữ Hoa Kỳ, cả thơ mở rộng và bao thứ khác nữa, bị một bạn đọc nhắc là dường như các anh chưa có khái niệm tối thiểu về chúng, chứ đừng nói đến chuyện đọc hay thâm nhập các trào lưu văn nghệ này! Cấp tiến nhưng không chịu đọc, để biết văn đàn có thêm biến chuyển nào mới, khuôn mặt nào khác. Nên vĩnh viễn nhai đi nhai lại vài tên tuổi mình nghĩ mình đã “khám phá”. Độc quyền khám phá, rồi tự hưu non. Lạ, không ít kẻ làm phê bình đi sau lặp lại từ nỗi nhai lại này!
Ở chiều ngược lại, phần đông nhà phê bình thủ cựu khi chê thơ trẻ, hay nhấn vào ngôn từ thô thiển, thi ảnh dâm tục, nhịp điệu không ra làm sao, lối dùng tiếng Việt chẳng nên thơ… của nó. Chỉ thế thôi, nhà ta cũng đủ đóng dấu chết/ sống cho một loài thơ! Tại mảnh đất này, không ít người dù chưa biết tân hình thức hay hậu hiện đại là gì là đâu, vẫn lên tiếng chê bai thơ/ trào lưu hậu hiện đại, tân hình thức. Năm ngoái thôi, có vị còn mạnh dạn giới thiệu với tôi một bài thơ tự do-siêu thực của một nhà thơ mà ông gọi đó đích thị thơ hậu hiện đại, gợi ý tôi bình tán nó. Một anh khác thì tuyên đọc một bài tập Kiều rồi kêu ông bà ta đã hậu hiện đại từ khuya rồi, đâu phải đợi đến ngày nay. Anh còn chưa phân biệt nổi “tập” với “giễu nhại”. Mới khổ!
Khi hai “luồng” này đụng độ nhau kéo theo trận cãi cọ nào đó, thì phe ai người nấy theo. Rất ít nhà phê bình chịu khó truy tìm hành trình sáng tạo của mỗi trào lưu, với bao cái hay, điều bất cập có mặt trong tác phẩm từ chính hệ mĩ học của nó.
7. Trong khí quyển văn học hôm nay, đột ngột xuất hiện cơn bão tố phê bình đại náo văn đàn, thao túng mấy thành phần độc giả. Không tên gọi nào khác xứng danh hơn dành cho loại phê bình này: Phê bình quan phương. Là thứ phê bình hãnh tiến của kẻ tự coi mình đang nắm chân lí trong tay, bao giờ và ở đâu cũng ăn nói ở thế đúng, thế thắng. Nó ngồi trên cao ngó xuống, trịnh trọng đầy trịch thượng. Như thể ta quyền phán xét tất cả, nắm độc quyền sinh sát trong tay tác giả, tác phẩm lẫn trào lưu ta không ưa. Loại này có máu mủ ruột thịt với phê bình hũ nút nhưng cao cơ hơn, khôn lanh và thâm hiểm hơn. Nó có thể khệnh khạng xoa đầu: nhà thơ có nhiều nỗ lực nhưng chưa tới, có cách nhưng chưa tân, chúng cũng có vẻ mới nhưng chỉ là thứ nhai lại những gì phương Tây đã thải loại từ mấy chục năm trước… Nhưng ở vào thời điểm cần thiết hay khi bị phản công, phê bình quan phương sẵn sàng từ cõi đẹp đẽ tót vời nhảy xổ ra giở trò khai báo, đe nạt: lập trường nông cạn thiếu nhất quán, cực đoan phiến diện, phản bội tiêu chí căn bản nhất của văn chương, có ý đồ sâu xa thế nào ai cũng biết, tư tưởng có dấu hiệu đồi trụy và phản động, phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc,… Vượt lên cả hai, đặc tính nổi bật nhất của loại phê bình quan phương là nó biết khôn ngoan trang bị ngón nghề mô phạm. Để tránh tiếng dựa hơi thế lực chính thống, nó biết lúc nào cần trở về với vai trò người cầm cây thước công dân giáo dục khuơ khoắng dạy dỗ. Nhà văn cần phải viết thế này thế nọ, xây dựng hình tượng tiểu thuyết như thế là chưa đạt, thơ như vầy thì không thể gọi là thơ được,…
8. Chen chân giữa mấy ông/ bà lớn ít ra còn dám là mình, văn đàn ta nảy nòi một dạng phê bình mới: Phê bình hàng hai, ăn theo, nói theo để còn ăn theo lâu dài hơn ở thì tương lai. “Bước chân chữ bát chầy chầy”, nó len lỏi luồn lách ngả nghiêng phơ phất, tùy cơ ứng biến giữa phê bình hũ nút và phê bình cấp tiến cánh hẩu. Mặc cảm yếu đuối có mặt thường trực tận sâu thẳm tâm hồn nên nó rất hãi phê bình quan phương, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị đánh. Hãi quan phương nhưng để tỏ ra ta đây chỉ làm văn chương thuần túy, sợ lạc hậu nhưng cũng ngán bị gán cho danh hiệu học đòi phương Tây, nên chiến lược thủy chung như nhất của nó là: lựa lời. Lối nói lựa lời không thể/ không dám đứng đường đường chính chính mà luôn biết dè dặt đi sau đánh hơi, nghe ngóng. Dĩ nhiên nỗi đi sau và sự biết lựa lời đôi khi cũng hớ hênh. Chính lúc này, phê bình hàng hai tỏ rõ sự tháo vát của mình: biết phủi tay tháo chạy. Tháo chạy nhưng vẫn chừa ngõ để trở lại vào một ngày sớm nhất. Nghĩa là nó không chịu rời bỏ nhiệm sở, sẵn sàng thỏa hiệp [với bên này hay bên kia] để trở lại, trở lại để thỏa hiệp bê bết hơn nữa. Đi hàng ba hàng bốn.
9. Tạm gọi tên và nêu vài đức tính của căn bệnh phê bình. Riêng chuyện sớm nắng chiều mưa linh tinh xung quanh chúng thì vô thiên lủng! Ví như trong một bài phê bình mà phần trích thơ chiếm tỉ lệ vượt trội, như thể người viết chẳng có gì nói mà lại muốn làm đầy thật nhanh trang báo. Chuyện người làm phê bình muốn chọn nẻo đi an toàn, nên muôn năm quẩn quanh Huy Cận với Chế Lan Viên, Xuân Quỳnh hay Quang Dũng mà làm phê bình; bên cạnh trích dẫn Baudelaire, Valéry, Sartre, Eliot… điểm xuyết bài viết cho ra vẻ cấp tiến. Điều nữa không phải không đáng nêu [gương sáng]: Nhà thơ khi làm phê bình lắm lúc phán khá tỉnh bơ: “Kẻ cả đời không làm nổi một câu thơ thì chớ mong phê bình thơ”. Hết biết!
Văn chương chữ nghĩa ta mấy chục năm qua đầy tràn các căn bệnh như thế. Cơ may thuyên giảm đâu không thấy, mà dấu hiệu trầm kha thêm thì rõ mồn một. Bởi mọi người ngầm thỏa hiệp lẩn tránh thao tác chẩn bệnh và bốc các thang thuốc đặc trị. Cứ thế mà ve vuốt nhau đậm đà bản sắc với không thiếu hiện đại, đầy tính nhân văn lẫn đẫm tình người.
Rốt cục rồi tất cả các bài viết ngẫu hứng bình Đông tán Tây kia được tập hợp lại trong một cuốn sách dày trên dưới 300 trang, nhà ta tự tin gọi đó là “Tập lí luận – phê bình”. Đọc suốt tác phẩm, độc giả không thấy đâu là tư tưởng nền tảng của nhà phê bình, mà chỉ nghe bao nhiêu giai thoại nhảm nhí, trích đoạn tùy tiện, nhận định vu vơ vô bằng, cùng muôn ngàn ý kiến nói theo từng xuất hiện nhan nhản trên đủ loại báo phổ thông.
Vài năm qua khi dấn vào cõi miền phê bình, tôi cũng không tránh khỏi lây nhiễm mấy thứ vi rút trên. Một/ một vài hoặc tất cả chúng nữa không chừng!
Nên, viết là để cảnh giác chính mình trước hết.
2. Phê bình bình và tán. Không trên nền tảng mĩ học nào. Thơ chỉ có thể cảm, chứ không nên dùng sự hiểu mà phân tích nó – là tuyên ngôn ưa dùng của nhà phê bình bình và tán. Tại một cuộc Bàn tròn văn chương, một bạn đọc nhận định tập truyện ngắn [đang là đối tượng của cuộc thảo luận] mới mẻ, đầy tưởng tượng mà vẫn ngồn ngộn hiện thực. Tôi hỏi chứ nó mới mẻ thế nào, so với ai? Bạn đặt tác phẩm này ở đâu trong dòng chảy văn chương hôm nay để đánh giá? Hoặc chi tiết nào trong tác phẩm thông báo sự ngồn ngộn? Một bạn văn khác thì “tôi cảm nhận tập truyện rất hay và đặc chất hậu hiện đại”. Vậy thôi. Tôi bảo đây không phải chỗ để các bạn tới cảm nhận khen chê mà, bạn cần định danh, định tính tác phẩm, sau đó hãy chứng minh để thuyết phục mọi người tin nghe bạn. Còn nếu chỉ cảm nhận, hãy cứ ngồi lại nhà cảm nhận thì tốt hơn.
Phê bình cảm nhận nhận định tác phẩm đầy cảm tính trong một tâm trạng, hoàn cảnh nào đó, chứ không phải qua chuẩn của hệ mĩ học. Kĩ thuật của tập thơ này chưa tới, còn tới đến đâu thì chả thấy ai nêu ra cho bàn dân thiên hạ rõ. Nữa: đây là bài thơ rất hiện đại, còn hiện đại là gì nhà này chẳng chịu chỉ ra, chỉ thấy trích dẫn vài ba đoạn vậy thôi. Hiện đại là thuật ngữ phương Tây, nó cần được hiểu theo tinh thần phương Tây. Bài thơ hiện đại đòi hỏi đáp ứng tinh thần và thủ pháp hiện đại tối thiểu, trong khi ta mỗi khi bắt gặp đoạn/ bài thơ nào đó lạ lạ xíu là gán cho nó tên hiện đại. Do phê bình không đặt trên nền tảng mĩ học nào nên, thi thoảng cũng có xuất hiện đây đó vài đoạn “xuất thần”, bật được vài ý tưởng với lối diễn đạt bất ngờ, như thể một trò may rủi. Còn nhìn chung – lan man. Đọc gần hết bài, lắm khi không biết nhà phê bình nói gì! Ta tự đưa đẩy ta vào vùng tối mò, lẩn quẩn.
3. Phê bình bình và tán có bà con máu mủ với loại phê bình thứ ba: phê bình chung chung, vô thưởng vô phạt. Các lời lẽ nhận định có thể áp dụng cho mọi nhà, mọi tập, mà vẫn không trật! Phê bình chung chung lấy sự khen làm nguyên tắc xuyên suốt. Đơn giản, đó là kiểu phê bình dễ xài. Nó khả năng chiều ý đại đa số độc giả phổ thông nên, dễ ăn khách. Báo chí các loại dễ gật. Không cần nỗ lực khám phá, không phải vật lộn với cái mới, cái khác lạ. Cũng chẳng cần thiết vận dụng khả năng thẩm định đặc biệt nào, lối diễn đạt độc đáo nào. Người viết chỉ xáo lại mấy cụm từ làm sẵn, theo một sơ đồ các sáo ngữ thông dụng, thêm vài trích dẫn tùy hứng là xong. Huế phải là đẹp và thơ rồi. Thơ dân tộc thiểu số thì đậm đà bản sắc nhưng vẫn nỗ lực vươn đến hiện đại. Văn miền Nam đầy chất dân dã Nam Bộ là chuyện đương nhiên, còn miền Trung chắc chắn không tránh khỏi sự oằn oại, gân guốc. Nhan nhản mọi chốn mọi nơi là những: tác giả đã vượt lên chính mình, nhà thơ trải lòng mình ra trang giấy, không cố ý nhưng sự cách tân là khá đậm nét, một bất ngờ lớn dành cho người đọc, viết về cái cũ mà cứ mới, thơ có vẻ đẹp rất riêng không thể lẫn, câu thơ chứa chan bao nỗi niềm, những tứ thơ dịu dàng đầy nữ tính, bám rễ vào lòng người, day dứt và trăn trở, nỗi nhớ nhung da diết khôn nguôi, thành thật đến cháy lòng, lay động sâu xa tâm hồn người đọc,… Cứ thế, mênh mông. Không cần thao tác phân tích, trích rồi tán và tán nữa. Cụ thể, có thể sai, bất cập nhưng nó rành mạch. Qua đó người đọc dễ đối sánh, góp lời bàn. Còn chung chung, khó ai bắt bẻ được cái nỗi chung chung. Do đó, ai cũng có thể viết phê bình được.
4. Phê bình hũ nút. Phê bình này không cần biết đến ai, lấy mình làm thước đo văn chương người thiên hạ. Ngồi lại căn chòi hệ mĩ học cũ kĩ, chưa thoát khỏi phê bình ấn tượng thời Thơ Mới, cho nên câu châm ngôn muôn thuở ưa hót là: cho đến hôm nay vẫn chưa có nhà phê bình nào vượt được Hoài Thanh. Phê bình hũ nút đứng trên quan điểm của hệ mĩ học lạc hậu đánh giá sáng tác thuộc hệ mĩ học khác mình, mới hơn mình. Dùng gang tấc mĩ học lãng mạn độ chiều kích thơ siêu thực, sử dụng tiêu chí mĩ học tượng trưng lượng giá sáng tác hậu hiện đại. Đành rằng với số lượng khổng lồ các sáng tác đương đại cùng bao nhiêu trào lưu khác lạ, mới mẻ cấp tập ra đời, không ai tự nhận quán xuyến được tất cả. Nhà phê bình chỉ chọn một hệ mĩ học để làm phê bình. Nếu không khả năng dung hóa cùng lúc nhiều loại sáng tác khác nhau, thì ít ra, bạn cần học nhìn rộng mở hơn các loại sáng tác khác hệ mĩ học mình. Đằng này, nhà ta – không! Tất cả không chừa trừ ai muốn thơ cứ “ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng” thì mới đích thị cô nàng thơ ca duyên dáng ẻo lả vốn xưa nay là.
5. Phê bình hũ nút dù có hay không nhận biết sự lỗi thời của mình, nhưng để tự vệ nó luôn biết bám vào cái khác, lớn hơn, cổ điển hơn, được đa số công chúng ngoài văn học yêu thích hơn. Tạm gọi tên nó là Phê bình núp bóng. Phê bình này có đất sống nhờ biết khai thác tâm lí sợ hãi cố hữu của con người. Sợ điều khác lạ, cái chưa biết, sợ mất sự đã biết hay sự vật quen thuộc. Họ núp bóng đủ loại thế lực: quần chúng hay nhân dân, truyền thống và đạo đức, danh nhân văn chương với các tác phẩm vĩ đại. Goethe và Kundera đã nói, chưa có tác phẩm ngang tầm Chiến tranh và Hòa bình, Truyện Kiều là đỉnh cao không thể vượt qua,…
Núp bóng dưới lô cốt của định kiến, nó quyết chối bỏ cái mới, mới trong sáng tác lẫn trong lí luận – phê bình, qua đó góp sức ngăn cản cơ hội/ khả tính cảm thụ mang tính sáng tạo của người đọc cấp tiến. Đâu đâu người đọc cũng gặp phải phát ngôn được lập trình sẵn dành cho tinh thần phiêu lưu làm mới trong văn học nghệ thuật: đó là thứ sáng tác không phù hợp cảm quan phương Đông, phản cảm với truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, một thứ thơ vọng ngoại học đòi, lối viết hậu hiện đại đang phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt, nhiều nhà thơ muốn nổi danh sớm bằng những trò lập dị, ồn ào thử nghiệm với cách tân, các loại sáng tác đó độc giả Việt không thể cảm,… Phê bình núp bóng còn có biệt danh khác không phải không ấn tượng: phê bình nhân danh. Đã nhân danh thì đó là thứ chân lí đinh đóng, miễn bàn cãi. Tại đây dễ sinh ý định muốn loại trừ cái khác mình. Tắt một lời: độc quyền mặt bằng văn chương chữ nghĩa.
6. Phê bình bè phái. Từ mấy luồng di chuyển của các loại vi rút đang tràn lan thế giới chữ nghĩa trên, phê bình bè phái sở hữu mảnh đất riêng để dọc ngang. Không phải trường phái mà là, bè phái chính danh. Loại phê bình này thể hiện mình cả ở thái độ bênh vực hay cáo giác. Bênh thì, dù chưa nắm được việc làm mới của thơ/ nhà thơ các loại, nhưng với tâm lí sợ bị coi là lạc hậu, vẫn hùa theo tâng bốc chúng. Từ đó nảy ra bao nhiêu lời tụng ca. Là sự nhầm lẫn của không ít nhà phê bình có tinh thần cấp tiến, nhưng không chịu học. Không học thì không biết thiên hạ đi tới đâu. Không sao cả! Nhưng không biết vẫn cứ nói. Nhớ cuộc trò chuyện của hai nhà thơ mấy năm trước. Hai vị say sưa thuyết về thơ Việt đương đại, nói lấn sang thơ ngôn ngữ Hoa Kỳ, cả thơ mở rộng và bao thứ khác nữa, bị một bạn đọc nhắc là dường như các anh chưa có khái niệm tối thiểu về chúng, chứ đừng nói đến chuyện đọc hay thâm nhập các trào lưu văn nghệ này! Cấp tiến nhưng không chịu đọc, để biết văn đàn có thêm biến chuyển nào mới, khuôn mặt nào khác. Nên vĩnh viễn nhai đi nhai lại vài tên tuổi mình nghĩ mình đã “khám phá”. Độc quyền khám phá, rồi tự hưu non. Lạ, không ít kẻ làm phê bình đi sau lặp lại từ nỗi nhai lại này!
Ở chiều ngược lại, phần đông nhà phê bình thủ cựu khi chê thơ trẻ, hay nhấn vào ngôn từ thô thiển, thi ảnh dâm tục, nhịp điệu không ra làm sao, lối dùng tiếng Việt chẳng nên thơ… của nó. Chỉ thế thôi, nhà ta cũng đủ đóng dấu chết/ sống cho một loài thơ! Tại mảnh đất này, không ít người dù chưa biết tân hình thức hay hậu hiện đại là gì là đâu, vẫn lên tiếng chê bai thơ/ trào lưu hậu hiện đại, tân hình thức. Năm ngoái thôi, có vị còn mạnh dạn giới thiệu với tôi một bài thơ tự do-siêu thực của một nhà thơ mà ông gọi đó đích thị thơ hậu hiện đại, gợi ý tôi bình tán nó. Một anh khác thì tuyên đọc một bài tập Kiều rồi kêu ông bà ta đã hậu hiện đại từ khuya rồi, đâu phải đợi đến ngày nay. Anh còn chưa phân biệt nổi “tập” với “giễu nhại”. Mới khổ!
Khi hai “luồng” này đụng độ nhau kéo theo trận cãi cọ nào đó, thì phe ai người nấy theo. Rất ít nhà phê bình chịu khó truy tìm hành trình sáng tạo của mỗi trào lưu, với bao cái hay, điều bất cập có mặt trong tác phẩm từ chính hệ mĩ học của nó.
7. Trong khí quyển văn học hôm nay, đột ngột xuất hiện cơn bão tố phê bình đại náo văn đàn, thao túng mấy thành phần độc giả. Không tên gọi nào khác xứng danh hơn dành cho loại phê bình này: Phê bình quan phương. Là thứ phê bình hãnh tiến của kẻ tự coi mình đang nắm chân lí trong tay, bao giờ và ở đâu cũng ăn nói ở thế đúng, thế thắng. Nó ngồi trên cao ngó xuống, trịnh trọng đầy trịch thượng. Như thể ta quyền phán xét tất cả, nắm độc quyền sinh sát trong tay tác giả, tác phẩm lẫn trào lưu ta không ưa. Loại này có máu mủ ruột thịt với phê bình hũ nút nhưng cao cơ hơn, khôn lanh và thâm hiểm hơn. Nó có thể khệnh khạng xoa đầu: nhà thơ có nhiều nỗ lực nhưng chưa tới, có cách nhưng chưa tân, chúng cũng có vẻ mới nhưng chỉ là thứ nhai lại những gì phương Tây đã thải loại từ mấy chục năm trước… Nhưng ở vào thời điểm cần thiết hay khi bị phản công, phê bình quan phương sẵn sàng từ cõi đẹp đẽ tót vời nhảy xổ ra giở trò khai báo, đe nạt: lập trường nông cạn thiếu nhất quán, cực đoan phiến diện, phản bội tiêu chí căn bản nhất của văn chương, có ý đồ sâu xa thế nào ai cũng biết, tư tưởng có dấu hiệu đồi trụy và phản động, phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc,… Vượt lên cả hai, đặc tính nổi bật nhất của loại phê bình quan phương là nó biết khôn ngoan trang bị ngón nghề mô phạm. Để tránh tiếng dựa hơi thế lực chính thống, nó biết lúc nào cần trở về với vai trò người cầm cây thước công dân giáo dục khuơ khoắng dạy dỗ. Nhà văn cần phải viết thế này thế nọ, xây dựng hình tượng tiểu thuyết như thế là chưa đạt, thơ như vầy thì không thể gọi là thơ được,…
8. Chen chân giữa mấy ông/ bà lớn ít ra còn dám là mình, văn đàn ta nảy nòi một dạng phê bình mới: Phê bình hàng hai, ăn theo, nói theo để còn ăn theo lâu dài hơn ở thì tương lai. “Bước chân chữ bát chầy chầy”, nó len lỏi luồn lách ngả nghiêng phơ phất, tùy cơ ứng biến giữa phê bình hũ nút và phê bình cấp tiến cánh hẩu. Mặc cảm yếu đuối có mặt thường trực tận sâu thẳm tâm hồn nên nó rất hãi phê bình quan phương, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị đánh. Hãi quan phương nhưng để tỏ ra ta đây chỉ làm văn chương thuần túy, sợ lạc hậu nhưng cũng ngán bị gán cho danh hiệu học đòi phương Tây, nên chiến lược thủy chung như nhất của nó là: lựa lời. Lối nói lựa lời không thể/ không dám đứng đường đường chính chính mà luôn biết dè dặt đi sau đánh hơi, nghe ngóng. Dĩ nhiên nỗi đi sau và sự biết lựa lời đôi khi cũng hớ hênh. Chính lúc này, phê bình hàng hai tỏ rõ sự tháo vát của mình: biết phủi tay tháo chạy. Tháo chạy nhưng vẫn chừa ngõ để trở lại vào một ngày sớm nhất. Nghĩa là nó không chịu rời bỏ nhiệm sở, sẵn sàng thỏa hiệp [với bên này hay bên kia] để trở lại, trở lại để thỏa hiệp bê bết hơn nữa. Đi hàng ba hàng bốn.
9. Tạm gọi tên và nêu vài đức tính của căn bệnh phê bình. Riêng chuyện sớm nắng chiều mưa linh tinh xung quanh chúng thì vô thiên lủng! Ví như trong một bài phê bình mà phần trích thơ chiếm tỉ lệ vượt trội, như thể người viết chẳng có gì nói mà lại muốn làm đầy thật nhanh trang báo. Chuyện người làm phê bình muốn chọn nẻo đi an toàn, nên muôn năm quẩn quanh Huy Cận với Chế Lan Viên, Xuân Quỳnh hay Quang Dũng mà làm phê bình; bên cạnh trích dẫn Baudelaire, Valéry, Sartre, Eliot… điểm xuyết bài viết cho ra vẻ cấp tiến. Điều nữa không phải không đáng nêu [gương sáng]: Nhà thơ khi làm phê bình lắm lúc phán khá tỉnh bơ: “Kẻ cả đời không làm nổi một câu thơ thì chớ mong phê bình thơ”. Hết biết!
Văn chương chữ nghĩa ta mấy chục năm qua đầy tràn các căn bệnh như thế. Cơ may thuyên giảm đâu không thấy, mà dấu hiệu trầm kha thêm thì rõ mồn một. Bởi mọi người ngầm thỏa hiệp lẩn tránh thao tác chẩn bệnh và bốc các thang thuốc đặc trị. Cứ thế mà ve vuốt nhau đậm đà bản sắc với không thiếu hiện đại, đầy tính nhân văn lẫn đẫm tình người.
Rốt cục rồi tất cả các bài viết ngẫu hứng bình Đông tán Tây kia được tập hợp lại trong một cuốn sách dày trên dưới 300 trang, nhà ta tự tin gọi đó là “Tập lí luận – phê bình”. Đọc suốt tác phẩm, độc giả không thấy đâu là tư tưởng nền tảng của nhà phê bình, mà chỉ nghe bao nhiêu giai thoại nhảm nhí, trích đoạn tùy tiện, nhận định vu vơ vô bằng, cùng muôn ngàn ý kiến nói theo từng xuất hiện nhan nhản trên đủ loại báo phổ thông.
Vài năm qua khi dấn vào cõi miền phê bình, tôi cũng không tránh khỏi lây nhiễm mấy thứ vi rút trên. Một/ một vài hoặc tất cả chúng nữa không chừng!
Nên, viết là để cảnh giác chính mình trước hết.
Inrasara
(Visited 1 times, 1 visits today)