Cặn chữ 

Tranh Lê Thiết Cương

Khi thân vô mệnh

Hơn 200 năm trước, trong thời kỳ của quốc gia phong kiến Việt Nam độc lập sau một ngàn năm Bắc thuộc, khi Hán tự vẫn là ngôn ngữ chính thức, 阮攸 – Nguyễn Du (1765-1820) đọc những ghi chép còn lại của Tiểu Thanh (1594-1612), vận vào mình số mệnh văn chương của nàng:

文章無命累焚餘

(讀小青記)

Văn chương vô mệnh lụy phần dư 

(Độc Tiểu Thanh Ký)

Văn chương vô mệnh, mà mảnh giấy tàn còn tấm tức.

Gần 200 năm sau, Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021), trong bộ ba truyện ngắn giải sử nổi tiếng ‘Kiếm sắc’, ‘Vàng lửa’, ‘Phẩm tiết’, dựng chân dung Nguyễn Du, từ “một người trẻ tuổi, tâm hồn sạch như nước suối ở núi ra” (‘Kiếm sắc’) trầm luân thành “một người nhỏ bé, gương mặt nhàu nát vì đau khổ” (‘Vàng lửa’). Giải sử, Nguyễn Huy Thiệp luận:

‘Nguyễn Du không biết xót thân. Nguyễn Du thông cảm với những đau khổ của các số phận đơn lẻ mà không hiểu nổi nỗi đau khổ lớn của dân tộc. Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. […] Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình. Người mẹ của Nguyễn Du (tức nền chính trị đương thời) giấu giếm con mình sự ê chề và chịu đựng với tinh thần cao cả, kiềm chế. Phải ba trăm năm sau người ta mới thấy điều này vô nghĩa.’1

Không, cả Nguyễn Du hay thân phận ‘người mẹ văn chương’ của ông có thể không gắn với ‘nền chính trị đương thời’. Nguyễn Du lụy cả Hán và Việt, đầm mình trong ngôn ngữ kẻ thống trị và trôi dạt cùng tiếng nói tổ tiên, bùng nhùng tình yêu, quyền lực và thân phận. Lưỡi sóng ngôn ngữ ông nếm trải thứ muối biển của những cơn tao loạn thời ông sống, mặn chát.

Nguyễn Du kết thúc bài thơ ‘讀小青記 – Độc Tiểu Thanh Ký’2 với câu hỏi tự xót mình:

不知三百餘年後,

天下何人泣素如

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Dưới gầm trời này, ba trăm năm nữa, ai sẽ khóc (cùng) Tố Như? 

Nguyễn Du biết xót thân. Ông bất lực, câm lặng, muốn vượt cõi ba trăm năm. Có thể Nguyễn Du đợi một tri âm ở thì chưa tới. Hay ông nghĩ thời gian chẳng tạo nghĩa gì, khi thơ chỉ là một ngón riêng của những kẻ ăn đời ở kiếp cùng ngôn ngữ, khi thơ đã luôn lạc thời hay luôn ở thì hiện tại của chốn phi thời?

Vào chốn mù xa

Tôi nằm trong số phần lớn người đọc tiếng Việt thời nay nhìn cổ thư như mật tự trên vách đá những hang động xa xưa hứa hẹn vô vàn của nả. Hơn ngàn năm văn chương Việt trung-cận đại, người đọc, kẻ viết hít thở cùng cái gọi là ‘Hán tự văn hóa quyển’ ( 漢字文化圈) của vùng Đông Á. Tôi đã từng hồn nhiên xem những kỳ nữ Trung Hoa như cô Tiểu Thanh trong bài thơ trên kia hay cô Kiều trong ‘Truyện Kiều’ làm người Việt, không băn khoăn nguồn gốc ngoại lai, không chất vấn tính Việt của các nhân vật ấy, không ngờ vực nỗi tha thiết với đất Việt của các tác giả tỏ bày trong ngôn ngữ chủ của kẻ khác. Trong sách học sinh, một bài thơ chữ Hán của tác giả Việt – được sánh và sánh được với Hán văn, Đường thi – luôn hiện ra trong ít nhất ba bản phiên: phiên âm tiếng Việt, bản dịch nghĩa, bản dịch thơ, chưa kể đèo bòng vô vàn đối chiếu từ ngữ, chú thích điển cổ Hán văn, luận bàn các bản dịch thơ khác nhau. Tôi, không còn cách nào khác, đã tin, cậy các bản dịch để đọc người xưa.

Từ bao giờ nảy ra nỗi tủi hổ về quá khứ bất khả đọc và những chất vấn về ngoại lai? Một lịch sử khác cọ quậy: lịch sử của những gắng gỏi viết lại tiếng người mình. Các bậc trí giả Việt khi mượn hình hài Hán tự làm ra chữ Nôm ghi tiếng mẹ đã dám đi những bước phi thường. Một thân phận Nôm đòi sóng đôi quyền lực Hán, dẫu các tác giả xẻ nửa đời mình: chữ Nôm – ngôn ngữ của đời thường – làm ra các văn chương ngâm ngợi giải sầu như câu kết nổi tiếng của ‘Truyện Kiều’: ‘Mua vui cũng được một vài trống canh’, và chữ Hán – ngôn ngữ của học hành thuần thục – tạo ra các áng thơ nén chặt những nỗi riêng xát ruột cùng trầm tư lịch sử.

Nhưng, sự sống của ngôn từ, Hán hay Nôm, hay bất kể tiếng nào, bằng văn tự giữ lại hay bằng khúc hát lời ru miệng dân truyền tụng, đều chứa khả năng tồn tại xa hơn mọi bung xung quyền lực, vượt cõi 300 năm.

Của riêng

Miệng mở, tôi học nói tiếng mẹ.

Tay nguệch chữ, tôi chưa biết những ký tự đó là quà tặng bất ưng mà người Việt phải nhận và từ đó khư khư làm của riêng. 

Câu chuyện về những nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này và góp phần làm ra hình hài chữ viết tiếng Việt còn phải được kể đi kể lại.

Lịch sử xoáy ốc: mượn chuyện người nói chuyện mình, dựa cách nói của người làm ra cách nói của mình.

Một nặng nợ lẫn nghĩa tình của những cú đụng. Khí quyển song ngữ Pháp-Việt mấy thập niên đầu thế kỉ XX hẳn đã làm ra xương thịt ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại. Văn chương dịch từ tiếng Nga đã trở thành ký ức thiết thân về một lớp da tiếng Việt. Và tiếng Anh đang thử thách sự trưởng thành của ngôn ngữ này. 

Nhưng một thứ chữ viết được sinh thành không bằng lòng tin, qua vô số bàn tay nhào nặn, liệu có thể lớn lên không ngờ vực kẻ khác? Tiếng Việt của tôi im im nghe những tiếng khác, vừa đón nhận vừa kháng cự, day dứt một dòng máu lang, vừa tha thiết bắt rễ, vừa hoảng hốt bay theo những cơn bão.

Tôi viết trong tiếng Việt đã trải mấy ngàn năm đụng độ những tiếng khác. Tôi viết trong thứ tiếng mang những cơ thể chữ đã bọt bèo trôi dạt để trở nên kỳ lạ hoàn hảo, những chữ ngọc trong ruột trai. Tôi viết trong thứ tiếng chưa bao giờ thôi gồng gánh chuyện quốc gia dân tộc. Dò lối vào, một người viết chập chững đủ hãi hùng khi ngẫm nghĩ về những trận sóng dập gió dồi của âm, của chữ, của nghĩa, đủ rùng mình trước những phận chết sóng, chết gió, chết chợ, chết đường. Đường hầm tối hút, không đường ra, không được ngoảnh lại, không phép lạ.

Giữa hoang tàn

Tiếng Việt của tôi khăng khăng một ảo tưởng: ngôn ngữ của nước, của không bắt đầu không kết thúc, của bắt đầu ở nơi bắt đầu và kết thúc ở nơi kết thúc, của  bắt đầu và kết thúc bất cứ nơi nào, bất cứ một khoảng không nào nơi ký tự cất lên. Một thứ ngôn ngữ có thể sinh vô lượng từ ngữ, len lỏi vào mọi nẻo mạch li ti của những mơ hồ. Một thứ ngôn ngữ có âm tức là mang nghĩa. Một thứ ngôn ngữ dường như kẻ viết người đọc chỉ có thể hiểu bằng cách chảy theo. Một thứ ngôn ngữ nói vòng, không bày ra mà giấu đi, không bùng nổ mà kìm nén. Một thứ ngôn ngữ khắc khổ dằng dai sống qua kết án của các quyền lực. Một thứ ngôn ngữ không dễ gì chết được.

Không lạc quan, tôi nơm nớp những ngõ cụt của ngôn ngữ và văn chương tiếng Việt: sự trống rỗng, cạn kiệt và những chối bỏ. Những cá thể được tưởng thưởng nhất có thể đã ra đi, tàn lụi, tự vắng, những cơ thể chữ chôn vùi, những người viết mới tán mình theo các lựa chọn ngôn ngữ và nơi chốn, những đơn độc xoay xở. Một tiếng Việt đã bị đánh phới trong các cuộc chiến, đã thay hình đổi dạng bởi các lý tưởng và ý thức hệ nhập khẩu, đã chao đảo cùng văn hóa toàn cầu và sản xuất hàng loạt, đã tự đánh mất mình cho nỗi sợ, đã từ chối dốc lòng cho những biểu đạt văn chương, đã bỏ mình cho các thông điệp tuyên truyền và phép tu từ chính trị. Những bức tường kín và những vũng lội. Những món quà bất ưng nghiệt ngã, đặc biệt dành cho những kẻ tha thiết nhất với ngôn ngữ này. Tôi, một lần nữa, mượn lời Nguyễn Du, trong một bài thơ chữ Hán khác của ông: ‘文字何曾為我用’ ‘Văn tự hà tằng vi ngã dụng (‘乞食 – Khất thực’). Văn chương ích gì? Là phương sống và cũng là cách chết, một ngõ cụt. 

Chống chọi cái chết là chọn sống điều bất khả, là kháng mệnh.

Người ta có thể nhặt gạch rơi, đá vỡ và hồi phục những tàn tích? Có thể đợi người đọc nghe ra và gom lại tiếng kêu của những chữ sống sót? Có thể bỏ đi những ẩn dụ sáo rỗng về bi kịch và không tự bi kịch hóa? Ai chịu trách nhiệm cho suy tàn đau xót này, cho những cơ thể chữ đang biến mất, ai có thể ngăn cái chết, và ai đủ dẻo dai sống còn cùng tiếng Việt?

Tiếng Việt tôi thèm trở lại tiếng của đất, của chợ quê, của vỉa hè, đường phố, của người dân, của phong dao, của thơ chữ Hán, chữ Nôm, của Thơ Mới, của những quá khứ chưa được đọc, của những lớp chữ chưa được xới. Ngôn ngữ này cần nhiều hơn im lặng để những rễ mục phân rã hết, và để những mầm ủ trong vỏ cây khô cựa quậy.

Nỗ lực tìm kiếm và phơi bày những văn chương đã mất đồng thời là một luyện tập chịu đau: mỗi lần một kẻ biến mất hiện ra, vết thương mở lần nữa. Ta phải nhìn quá khứ ấy. Không thể hòa giải, không thể tha thứ, không thể xoa dịu, không thể giãi bày. 

Muối chát

Có thể dùng tàn tro, các bon đi ô xít và nước hóa hơi dựng lại mảnh giấy tàn? 

Thơ, cái còn lại khi nước của ngôn ngữ đã rút cạn, đã hóa hơi, chỉ còn lại đó, vị muối chát săn da, nỗi sợ chưa tan, cái giá máu của kẻ liều mình. 

Mạch đất rì rầm: hãy bay và rơi, cùng lúc, vừa nhìn quanh để biết mình đang rơi vừa nhắm mắt quên sự rơi ấy.

Tôi, ở giữa những người viết người đọc nặng nợ tiếng nước mình, có ích gì nếu không thực hiện một kiểm kê và trầm tư về mất mát, về sự tàn kiệt, về những thương tổn và góp gom tàn chữ. Họa may một kiếp lửa nữa hồi sinh. 

Bởi cả tàn tro cũng không thôi đòi được cháy thêm lần nữa.

(Những ghi chú khi học tiếng Việt). □

——

1 Các câu trích từ truyện ‘Vàng lửa’, ‘Kiếm sắc’ theo bản in trong tuyển tập Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (NXB Trẻ, 2002).

2 Các câu thơ chữ Hán trích từ bài ‘Độc Tiểu Thanh Ký’ và bài ‘Khất thực’ theo bản in trong cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du – Lê Thước, Trương Chính biên soạn. (Công ty Sách Thời Đại & NXB Văn học, 2012).

Tác giả

(Visited 40 times, 1 visits today)