Cần Giờ: Nền văn hóa cổ bị lãng quên
Khảo cổ học đã có những phát hiện quan trọng về hệ thống di tích thời tiền sử, từ đó một nền văn hóa khảo cổ được định danh là Văn hóa Cần Giờ, phản ánh giai đoạn đỉnh cao của đời sống cư dân nguyên thủy, có chung một truyền thống về đồ gốm và táng thức cho các nhóm cư dân cổ ở đây.
Trên Cần Giờ là một hệ sinh thái vùng ngập mặn điển hình.
Cần Giờ là huyện ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 60km về phía Đông Nam. Tại đây khảo cổ học đã có những phát hiện quan trọng về hệ thống di tích thời tiền sử, từ đó một nền văn hóa khảo cổ được định danh là Văn hóa Cần Giờ, phản ánh giai đoạn đỉnh cao một truyền thống chung về đồ gốm và táng thức cho toàn bộ các nhóm cư dân cổ ở đây.
Đặc điểm nổi bật của địa hình Cần Giờ là khu vực này bị ngăn cách với đất liền bởi các con sông lớn, trong đó sông Lòng Tàu là trục giao thông chính từ cửa biển Cần Giờ vào lưu vực sông Đồng Nai. Trên vùng đầm lầy ven biển này đã tồn tại một hệ sinh thái vùng ngập mặn điển hình. Để thích nghi, các cây rừng ngập mặn dù thuộc nhiều họ khác nhau nhưng đều mang đặc tính chung là có bộ rễ hình nơm bám rất chắc vào đất bùn, có khả năng mang cây mầm ngay trên thân (như cây đước), lá cứng dày, mọng nước và cấu trúc chịu hạn sinh lý. Rừng cây ở vùng ngập mặn thường có một tầng, cây không cao to, phổ biến là kiểu rừng “mắm trước, đước sau”. Điều kiện có ý nghĩa quyết định cho kiểu rừng ngập mặn là đất bùn lỏng và chế độ ngập triều. Trong các khu rừng ngập mặn ở Việt Nam, rừng ngập mặn Cần Giờ có một quần thể thực vật đa dạng sinh học vào bậc nhất, đã được MAB/UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới Dự trữ sinh quyển của thế giới.
Văn hóa khảo cổ Cần Giờ
Tại đây khảo cổ học đã có những phát hiện quan trọng về hệ thống di tích thời tiền sử, từ đó một nền văn hóa khảo cổ được định danh là Văn hóa Cần Giờ, phản ánh giai đoạn đỉnh cao của đời sống cư dân nguyên thủy, có chung một truyền thống về đồ gốm và táng thức cho các nhóm cư dân cổ ở đây.
Các đặc trưng cơ bản của cộng đồng cư dân cổ Cần Giờ là:
Một môi trường tự nhiên đặc thù: cư trú trên các giồng, gò trong khu vực rừng ngập mặn, chịu tác động lớn của thủy triều; Một truyền thống gốm đặc trưng về kỹ thuật chế tác, loại hình và hoa văn; Một táng thức chôn thi thể trong quan tài chum gốm độc đáo, với đồ tùy táng có nguồn gốc từ nhiều nơi. Lớp dân cư cổ Cần Giờ (niên đại 2500 – 2000 năm cách ngày nay) có mối quan hệ rất rộng rãi với vùng nội địa là lưu vực Đồng Nai – Vàm Cỏ, với vùng hải đảo Đông Nam Á và xa hơn là Ấn Độ.
Chủ nhân văn hóa khảo cổ Cần Giờ không phải là cư dân nông nghiệp trồng trọt như nhiều nền văn hóa khảo cổ trong thời đại kim khí, mà cộng đồng dân cư ở đây có đời sống khá đặc biệt: phát triển kinh tế thương mại đường sông đường biển kết hợp hoạt động khai thác tự nhiên và thủ công nghiệp. Những bằng chứng khảo cổ đã cho biết Cần Giờ hai ngàn năm trước đây đã là một “cảng thị sơ khai”, nơi tiếp thu và chuyển hóa nhiều yếu tố văn hóa – kỹ thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hóa bản địa.
Vị trí địa lý của Cần Giờ khá đặc biệt, đó là vùng cửa sông – vịnh biển mang tính chất “mặt tiền” của lưu vực Đồng Nai rộng lớn, lại là “trạm trung chuyển” giữa hai miền lưu vực sông Vàm Cỏ – sông Đồng Nai hay hai vùng Tây Nam Bộ – Đông Nam Bộ. Bước vào thời đại kim khí, lưu vực Đồng Nai là một vùng nông nghiệp sầm uất, nơi quy tụ lượng tài vật khá lớn của phía Nam bán đảo Đông Dương. Trong khi điều kiện tự nhiên của Cần Giờ không thích hợp cho nông nghiệp trồng trọt vì đây là vùng ngập mặn quanh năm, vì vậy lương thực và nước ngọt của hậu phương Đồng Nai có vai trò rất quan trọng trong việc giúp cư dân cổ Cần Giờ tạo dựng được một “cảng thị sơ khai” và phát triển sầm uất trong hơn năm trăm năm.
Việc trao đổi “thương mại” giữa Cần Giờ và lưu vực Đồng Nai không phải chỉ diễn ra một chiều. Khác với phần lớn di tích trong vùng Đồng Nai – nơi chủ yếu sản xuất đồ gốm và luyện kim – Cần Giờ là trung tâm thủ công sản xuất đồ trang sức từ các chất liệu vàng, đá quý, thủy tinh và vỏ nhuyễn thể. Cư dân cổ Cần Giờ không hoàn toàn phụ thuộc vào hậu phương mà sản phẩm của họ đã mang tính chất hàng hóa được trao đổi thường xuyên với lưu vực Đồng Nai, nhất là một số mặt hàng quý giá như khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, hạt chuỗi bằng đá ngọc và mã não, thủy tinh, bình gốm mỏng hình trứng…
Mối quan hệ giao lưu rộng rãi của “cảng thị” Cần Giờ là một trong những yếu tố kích thích sự phát triển của văn hóa Đồng Nai thời tiền sử, đặc biệt đã góp phần quan trọng vào quá trình hình thành văn minh Óc Eo từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Chọn vị trí cửa sông – vịnh biển để cư trú và sản xuất, cư dân cổ Cần Giờ đã bắt đầu một trong những quy luật của “làng Nam Bộ” là định cư trên giồng cao nơi “giáp nước”, nơi gặp nhau giữa nước thủy triều chảy ngược và nước sông chảy xuôi, ghe xuồng qua lại buôn bán thường nghỉ lại đây chờ con nước. Làng mạc mọc lên… ở đâu là nơi giáp nước, ở đó trên bờ là thị tứ, chợ búa…
Cà ràng và nồi khai quật được ở Cần Giờ. Ảnh: Redsvn.net
Theo dòng thời gian, câu ca dao “Nhà Bè nước chảy chia hai – Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về” tuy xuất hiện khá muộn nhưng hẳn cũng là tâm trạng của những người dân lênh đênh trên sông nước, ngược từ vịnh biển Cần Giờ lên miền Gia Định – Đồng Nai từ thời xa xưa ấy. Nhờ luôn hội tụ và phát huy những lợi thế về vị trí địa lý, sự giao thương rộng rãi với bên ngoài và nguồn lực vật chất của lưu vực Đồng Nai – Cửu Long, “cảng thị sơ khai” Cần Giờ xưa kia, cảng Bến Nghé thời Nguyễn và Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh ngày nay giữ vững vai trò quan trọng của mình trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Đó là một đặc thù mà hầu như không có một khu vực cảng biển nào ở nước ta có được.
Táng thức mộ chum của người cổ Cần Giờ
Táng thức mộ chum/vò là hình thức dùng những chum/vò bằng gốm đất nung để chôn người chết. Có thể chôn nguyên thi thể, chôn than tro hỏa táng hay cải táng di cốt. Cũng có thể trong chum/vò chỉ có đồ tùy táng (mộ tượng trưng). Mộ chum là hiện tượng phổ biến của cư dân cổ nhiều nơi ở Đông Nam Á, phân bố thành một vòng cung rộng lớn ven biển và hải đảo, lan vào lục địa phía Nam Đông dương. Các di tích mộ chum Cần Giờ phân bố trên vùng rừng ngập mặn địa hình thành tạo chưa ổn định, còn các khu vực khác đều là những nơi có điều kiện sinh thái khá thuận lợi cho cuộc sống con người. Mối quan hệ giữa các khu vực có cùng táng thức mộ chum thể hiện rõ nét trên đồ tùy táng, nhất là đồ gốm và trang sức quý, cho biết giao lưu văn hóa – kỹ thuật của các cộng đồng cư dân cổ ở Đông Nam Á khá mật thiết.
Táng thức mộ chum là một biểu hiện của tín ngưỡng Mẹ/khởi nguồn: chum gốm tượng trưng cho bụng mẹ/lòng mẹ và sự tái sinh. Tại Cần Giờ ý nghĩa này càng rõ khi nguyên di cốt được chôn trong tư thế bó ngồi trong chum tượng trưng cho đứa trẻ trong bụng mẹ. Các di tích mộ chum ở Đông Nam Á thường phân bố ven biển hoặc ven các con sông lớn. Sông, biển tượng trưng cho sự ngăn cách thế giới người sống và thế giới người chết. Nối liền hai thế giới này là chiếc thuyền. Chiếc thuyền trong văn hóa Đông Nam Á trở thành biểu tượng cho sự chuyển động và an toàn trên sông nước, cũng là biểu tượng cho sự ra đi/trở lại/nối liền. Trong các mộ chum ở Cần Giờ có chôn theo “cà ràng” là loại bếp độc đáo làm bằng đất nung, thường dùng trên ghe, thuyền và nhà sàn. Ngoài ra, trên một chiếc nắp đậy mộ vò ở hang Manungui đảo Palanwan ở Philippines có núm cầm hình thuyền với hai người đang chèo, hay mộ quan tài hình thuyền trong văn hóa Đông Sơn… cũng thể hiện ý nghĩa đó.
Như vậy, mộ chum ở Cần Giờ (hay Đông Nam Á nói chung) có thể coi là biểu tượng của chiếc thuyền thiêng, phương tiện đưa linh hồn người chết về với tổ tiên, là cầu nối thế giới người sống với thế giới người chết, thể hiện mong ước tái sinh hay chính là niềm tin về sự bất tử của con người. Trong toàn vùng Đông Nam Á những mối quan hệ giữa các khu vực chủ yếu qua thương mại đường biển, đường sông đã đóng vai trò to lớn tạo ra sự tương ứng/đồng quy văn hóa, đồng thời thúc đẩy sự phát triển riêng biệt của các nền văn hóa ở từng khu vực.
Đô thị biển Cần Giờ
Với những giá trị lịch sử – văn hóa như vậy, Cần Giờ là khu vực lý tưởng phục vụ cho nghiên cứu khoa học (sinh học, khảo cổ học), du lịch sinh thái, nghỉ ngơi của nhân dân thành phố và du khách đến thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, từ cuối thế kỷ 20 Cần Giờ đã được định hướng phát triển thành đô thị biển – du lịch sinh thái. Trong tương lai gần Cần Giờ sẽ trở thành một đô thị lấn biển hiện đại nhưng cần phải được bảo tồn bằng được những đặc trưng về môi trường tự nhiên và văn hóa, để Cần Giờ thực sự khác biệt và độc đáo so với hàng loạt thành phố ven biển nước ta, những nơi mà từ nhiều thập kỷ nay đang tiêu phí tài nguyên sinh thái ven biển, làm mất dần thế mạnh du lịch biển.
Trang sức khai quật được ở Cần Giờ. Ảnh: Redsvn.net
Việc bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích khảo cổ học huyện Cần Giờ cần đặt trong qui hoạch tổng thể khu vực Cần Giờ nói chung và Khu bảo tồn sinh quyển nói riêng. Cần Giờ còn may mắn giữ lại được hệ sinh thái rừng ngập mặn đã hình thành từ hàng ngàn năm trước. Trải qua thời gian chiến tranh lâu dài, tuy bị tàn phá nặng nề nhưng sự hồi sinh đáng kinh ngạc của rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, mà còn có giá trị về lịch sử, vì đây chính là môi trường sinh sống của cộng đồng chủ nhân những di tích khảo cổ hơn hai ngàn năm tuổi… Di tích gắn liền với cảnh quan môi trường, không còn môi trường rừng sác thì còn tồn tại những chứng tích người cổ Cần Giờ đã thích nghi với điều kiện tự nhiên như thế nào để tồn tại và phát triển “hướng ra biển”. Đây chính là bài học quý giá về việc tiến ra biển và thích nghi với biển của lớp người đầu tiên trên vùng đất này cho chúng ta hôm nay và cho thế hệ mai sau. □